/ / / /

ẨN Ý PHÍA SAU MÀN TRÌNH DIỄN SỐ LIỆU CỦA HBB


ẨN Ý PHÍA SAU MÀN TRÌNH DIỄN SỐ LIỆU CỦA HBB
Ẩn ý phía sau màn trình diễn số liệu của HBB
(ĐTCK) Màn trình diễn số liệu trong thương vụ SHB-HBB không chỉ gây ngạc nhiên trước công chúng, mà còn có thể để lại một hệ quả khó kiểm soát.

Sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường là vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), sẽ được chốt vào ngày 5/5 khi SHB tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2012.

Trước HBB-SHB, 3 ngân hàng là Ngân hàng Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng đã tái cơ cấu thành 1 ngân hàng hợp nhất mang tên Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Tuy nhiên, so với thương vụ sáp nhập trước, cách công bố và diễn giải thông tin về thực trạng nợ xấu, về cấu trúc tài sản và nợ; về cách trích lập dự phòng rủi ro và về việc HBB đang từ một ngân hàng được đứng vào nhóm 3 khi Ngân hàng Nhà nước phân loại tăng trưởng tín dụng năm 2012, bỗng trở thành Ngân hàng TMCP gần mất hết vốn điều lệ… đã dấy lên rất nhiều nghi ngại cho thị trường.

Giá hai cổ phiếu HBB và SHB chao đảo trước nỗi lo chung về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

 HBB trích lập dự phòng các khoản cho vay DN “họ” Vinashin đến 2.236 tỷ đồng

Ẩn ý phía sau màn trình diễn số liệu

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2012 của HBB ngày 24/4/2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn chủ sở hữu của HBB nếu tính đúng chỉ còn khoảng 195,3 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của ngân hàng này là trên 4.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất đã được kiểm toán năm 2011 của HBB, dư nợ cho vay các công ty thuộc nhóm Vinashin (tính đến 31/12/2011) là 2.751 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ cho vay và tạm ứng cho khách hàng của HBB. Ngoài ra, HBB còn đầu tư 600 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp do Vinashin phát hành.

Theo lẽ thông thường, HBB phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản cho vay và đầu tư này (nếu như vậy thì chi phí dự phòng rủi ro cụ thể cho các khoản vay và đầu tư trong năm 2011 của HBB khoảng 3.300 tỷ đồng), nhưng do những khoản này đã được chuyển sang Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đã được phân loại nợ lại, nên HBB được trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của Ngân hàng và con số trích lập dự phòng cụ thể cho khoản vay này trong năm 2011 chỉ là 18,6 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ này, để tạo nên sức nặng và giành được sự đồng thuận của cổ đông cho đề án sáp nhập vào SHB, con số dự phòng rủi ro cụ thể phải trích lập cho các khoản cho vay và đầu tư vào trái phiếu của các công ty thuộc nhóm Vinashin của HBB bất ngờ được công bố là 2.236 tỷ đồng.

Điều đó có nghĩa là HBB bị mất vốn rất nặng và để còn sống được thì HBB chỉ còn 2 cách là phải tăng vốn (đây là cách không tưởng trong bối cảnh hiện nay), hoặc phải sáp nhập.

Nhưng ngay sau đó, để chuẩn bị cho ĐHCĐ thường niên của SHB (đơn vị sẽ tiếp nhận HBB) thì cách công bố và diễn giải thông tin về tình trạng tài chính của HBB lại đang được đưa ra theo chiều hướng khác.

Để thuyết phục cổ đông SHB chấp nhận “ôm cục nợ” HBB thì một loạt thuận lợi đã được đưa ra, trong đó có cả vấn đề trích lập dự phòng rủi ro cụ thể đối với các khoản cho vay và đầu tư vào những công ty thuộc nhóm Vinashin (như được trích lập trong vòng 5 năm và được NHNN cho vay tái cấp vốn với nguồn vốn rẻ).

Cách thông tin và diễn giải theo kiểu “người khôn ăn nói nửa chừng…” này tỏ ra hữu dụng đối với quá trình thuyết phục cổ đông của 2 ngân hàng tán thành phương án sáp nhập.

Tuy nhiên, kiểu thông tin giật cục, xoay chuyển liên tục không chỉ là màn diễn số liệu gây ngạc nhiên trước công chúng, mà còn có thể để lại một hệ quả khó kiểm soát, khi sự nghi ngại về vấn đề nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam nói riêng, về các con số được báo cáo nói chung, được đẩy lên cao trào trên toàn thị trường.

 

Nợ xấu không đồng nghĩa với mất vốn

Tạm bỏ qua yếu tố hư thực trong màn trình diễn số liệu về nợ xấu HBB, xin bàn sang một vấn đề khác, đó là bản chất nợ xấu.

Trước hết, nợ xấu có đồng nghĩa với mất vốn hoàn toàn hay không? Câu trả lời là không.

Đã cho vay là ngân hàng phải chấp nhận có nợ quá hạn. Vì sao lại có nợ quá hạn? Thực tế có cả 1.001 lý do khác nhau, nhưng không phải nợ quá hạn nào cũng sẽ trở thành nợ xấu. Ngay cả đối với nợ xấu thì chất lượng nợ xấu và khả năng thu hồi vốn của từng khoản cũng không đồng nhất.

Chẳng hạn, đối với khoản nợ xấu xuất hiện do đối tượng đi vay không còn lối ra, hàng sản xuất ra bị lỗi thời, không có thị trường tiêu thụ, DN đã đóng cửa mà tài sản đảm bảo không có..., thì thực sự là đáng ngại. Nhưng khi nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản, mà giá trị của nó có thể bị trồi sụt theo thị trường thì đó chưa phải là điều đáng ngại nếu  dòng tiền vẫn tiếp tục có để duy trì sự sống cho ngân hàng.

Trong quá khứ, nhiều ngân hàng “chết” trên đống nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản, nhưng cũng không ít ngân hàng sau đó đã “phất lên” nhờ sở hữu được đống nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản. Vấn đề là trong hoàn cảnh khó khăn phải biết quản trị cho tốt dòng tiền để đảm bảo được tính thanh khoản, để khỏi bị rơi vào tình cảnh “mất mạng” như HBB.

(Tinnhanhchungkhoan)

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến