Giảng viên luật có được làm luật sư?
Buổi thảo luận diễn ra sáng 13/8 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, tháng 6/2012, nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội, khi có tới 33 ý kiến đồng ý và 38 ý kiến không đồng ý cho viên chức đang giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.
Tại phiên họp lần này của UBTVQH, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị không quy định viên chức đang giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.
Lý do được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra là quy định này sẽ không phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng và định hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư Việt Nam; viên chức giảng dạy pháp luật kiêm nhiệm cả nghề luật sư thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy (vì cả hai hoạt động đều phải thực hiện trong giờ hành chính).
Tại Báo cáo số 161/BC-CP ngày 18/6/2012 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho rằng trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hiện nay, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế. Việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư trong tình hình hiện nay. |
Có ý kiến ngược lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên UBTVQH: Đào Trọng Thi, Ksor Phước, Nguyễn Văn Giàu cùng với Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh, đề nghị nên quy định viên chức giảng dạy pháp luật có thể hành nghề luật sư, nhưng chỉ là luật sư tư vấn.
Các ý kiến này cho rằng giảng viên được hành nghề luật sư sẽ giúp các giảng viên luật nâng cao được nghề nghiệp khi kết hợp được lý luận và thực hành; “giúp tận dụng được nguồn lực luật sư trong khi nước ta còn thiếu luật sư”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết.
Để đảm bảo không ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng “chỉ cần viên chức đó và Thủ trưởng cơ quan chấp nhận, thỏa thuận với nhau về thời gian làm việc để giúp viên chức tham gia hành nghề luật sư”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, viên chức giảng dạy pháp luật có thể làm luật sư tư vấn, còn để làm luật sư bào chữa thì phải theo sự vụ từ đầu, gây khó cho công việc chính.
Giữ quan điểm không cho phép viên chức đang giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thời gian trước đây cả nước chỉ có 1.000 luật sư nhưng pháp luật không cho giáo viên giảng dạy pháp luật tham gia hành nghề luật sư là để giữ nguyên kỷ luật công chức, thì nay cả nước đã có khoảng 8.000 luật sư, do vậy, nên tiếp tục duy trì quy định cũ.
Thành Chung
Bình luận
Bình luận bằng Facebook