Luật sư Vũ Ngọc Dũng - Truyền hình VTC - Đàm phán trong WTO
Chuyện hậu trường đàm phán WTO
"Các nhà đàm phán luôn như thể no bụng đói con mắt, thường đòi những điều kiện cam kết rất cao", Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO bộc bạch trước thời khắc lịch sử VN gia nhập WTO.
Đàm phán gia nhập WTO kéo dài 11 năm với hơn 200 cuộc, hơn 3.000 câu hỏi liên quan chính sách kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng. Thứ trưởng Tự nhìn lại "đàm phán song phương là những cuộc đàm phán căng thẳng". Các đối tác yêu cầu đàm phán đông vì họ cho rằng Việt Nam là một thị trường hứa hẹn, dân đông thứ 13 thế giới, lao động hơn 40 triệu người. Việt Nam có vị trí thuận lợi cả trên bộ, trên biển, hàng không và quan trọng là ổn định chính trị.
Khi đàm phán với Trung Quốc, VN tưởng đã có Hiệp định tự do thương mại trong ASEAN, nên không cần đàm phán nữa, nhưng thực tế lại mất tới 10 phiên với đối tác này. Rất nhiều phiên căng thẳng, đàm phán suốt đêm, nhiều vấn đề căng như mở du lịch, ngân hàng phụ, mở vận tải đường bộ.
Đàm phán với Mỹ và EU còn khó hơn. 2 đối tác này không chỉ vì lợi ích của họ mà vì lợi ích của cả Tổ chức Thương mại thế giới, nên yêu cầu đàm phán rộng hơn, sâu và đa dạng hơn.
Việt Nam là nước rất đặc biệt, đất chật, người đông. Một hộ của Australia có đến 200 ha, còn bình quân đất canh tác Việt Nam chỉ có 0,3 ha/hộ. Nhưng, Việt Nam lại có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được xếp hạng trên thế giới, gạo (có lúc xếp thứ 2, có lúc thứ 3); cà phê (đứng thứ 2), tiêu (số 1), điều (số 2), chè, hải sản, thủy sản cũng được xếp thứ 8, 9. Nhiều nước Mỹ La-tinh yêu cầu đàm phán là vì thế. Họ cho rằng, Việt Nam có mặt hàng nông sản tràn ngập thị trường thế giới, làm cho các nước Mỹ La-tinh gặp khó khăn, nhất là cà phê.
Một trong những nguyên tắc khó khăn nhất là để các nước hiểu thực tế và công nhận Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Ở Việt Nam có một nghịch lý, thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 1.000 USD/năm, theo quy định của WTO đây là nước kém phát triển. Nhưng, khi Liên hợp quốc cộng thêm các tiêu chí về y tế, văn hóa, giáo dục, lại xếp Việt Nam là nước đang phát triển.
Cân đối lợi ích
Khi đàm phán, thuế từng mặt hàng có mức cắt giảm khác nhau, chẳng hạn xe máy phân khối lớn còn 45% (hiện 60%); ôtô tùy loại mức cắt giảm xuống còn 52%; ;47% hoặc 50%. Giá ôtô tại VN hiện cao nhất thế giới, vì vậy phải giảm thuế để cân đối lại lợi ích của người tiêu dùng.
Nhưng với mặt hàng thịt bò, thịt lợn. Các nước xuất khẩu thịt bò lớn như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand đều yêu cầu giảm thuế xuống 0-5% (hiện 15%). Với mức này, đàn bò Việt Nam sẽ chết, đoàn đàm phán phải đấu tranh để có mức giảm 4-5% so với hiện hành.
Trong lĩnh vực dệt may, căng thẳng xuất phát từ những người dịch lại cho các cơ quan nước ngoài, phiên dịch không chuẩn. Trong Quyết định số 55, đoàn đàm phán nói hỗ trợ các doanh nghiệp để sản xuất hàng dệt và may để xuất khẩu. Nhưng, từ hỗ trợ không có nghĩa là cho không (nhiều người dịch là subsidize - bao cấp, cho không) dẫn đến có sự hiểu lầm.
Lo giữ người tài
Muốn có thị trường toàn cầu VN phải mở cửa thị trường cho các nước. Rất nhiều chính sách liên quan kinh tế thương mại sẽ thay đổi. Ví dụ sẽ bỏ hạn ngạch, cấp phép, các doanh nghiệp lâu nay dựa vào đó sống và phát triển phải chuyển sang hình thức kinh doanh không được bảo hộ hoặc mức bảo hộ thấp.
Khi mở cửa, cạnh tranh nguồn lực rất khốc liệt. Đoàn đàm phán VN hỏi Singapore khi mở cửa sợ nhất cái gì, phía bạn trả lời quan trọng là làm sao giữ được người tài. Khi doanh nghiệp nước ngoài vào, họ sẽ dùng lương để thu hút người lao động giỏi. Doanh nghiệp, cơ quan VN giữ như thế nào tùy vào từng doanh nghiệp, không có bài toán chung cho tất cả. Có nhiều cách khác nhau để giữ người, cổ phần nhất định, lương cao, đối xử, tình cảm...
Trước làn sóng hội nhập, Thứ trưởng Tự cho rằng điều quan trọng hơn cả là người dân, doanh nghiệp VN cần liên kết với nhau để tạo sức mạnh. Nhiều sinh viên Việt Nam sang học thạc sĩ ở Mỹ rất giỏi, được giữ lại, số đó vẫn về Việt Nam vì họ thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ. Muốn làm ăn ở Mỹ phải có vốn, mạng lưới mới sống được. "Nếu chúng ta biết vượt lên, chúng ta sẽ phát triển", vị trưởng đoàn đàm phán nói.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook