/ / / /

M&A - Ba thách thức của M&A tại Việt Nam


M&A - Ba thách thức của M&A tại Việt Nam

Mặc dù đã có những bước tiến khá dài, nhưng hoạt động M&A ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều thách thức, trở ngại trong phát triển.

Ở Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) mới được quan tâm kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, và trở nên sôi động hơn trong hai năm trở lại đây.

M&A tại Việt Nam đang phát triển nhanh về cả số lượng và quy mô. Năm 2005 chỉ có 18 vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu đô la Mỹ, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu đô la Mỹ và riêng trong sáu tháng đầu năm 2007, số vụ M&A đã tăng cả về quy mô và giá trị, tổng số vụ M&A là 46 vụ, đạt tổng giá trị là 626 triệu đô la Mỹ (gấp đôi so với cả năm 2006 và gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2006).

Ngoài ra, những vụ M&A liên quan đến các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng diễn ra sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển nhượng dự án đầu tư. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 31-12-2007 có 1.092 dự án có chuyển nhượng vốn, với tổng giá trị 16,8 tỉ đô la Mỹ.

Cơ hội cho hoạt động M&A tại Việt Nam

Hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra hết sức sôi động trong thời gian tới. Điều này có thể được giải thích dựa trên những cơ sở như:

(i) Sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế thời gian qua đã “sinh ra” quá nhiều công ty hoạt động trong những ngành có tính cạnh tranh cao như: kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng, chứng khoán...

Vì thế, các công ty sẽ có xu hướng liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển, chỉ có liên kết thì hiệu quả kinh tế nhờ quy mô mới có thể phát huy tác dụng;

(ii) Do nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cũng như những cam kết của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình thực hiện khi gia nhập WTO nên luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Một trong những cách thức để nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam chính là thông qua các đối tác Việt Nam, điều này càng tạo thêm đà cho hoạt động M&A phát triển. Hiện, Cục Đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch soạn thảo dự thảo Nghị định về M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Và những thách thức 

NM&A là gì? M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Điều 17, Luật Cạnh tranh quy định việc sáp nhập doanh nghiệp là “việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”, còn “mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

- Thách thức đến từ hệ thống luật. Hoạt động M&A vẫn còn đang được quy định rải rác ở các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, hơn nữa mới chỉ quy định một cách chung chung, chứ chưa có hệ thống chi tiết.

Điều này vừa làm cho các chủ thể tham gia hoạt động M&A gặp khó khăn trong việc thực hiện, vừa làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước khó kiểm soát các hoạt động M&A.

- Thách thức đến từ bên mua - bán. Thực tế có nhiều công ty muốn mua và cũng có không ít công ty muốn bán nhưng phần nhiều trong số họ không có những hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ M&A, cũng như không biết được sau M&A sẽ như thế nào? Họ không thể tự mình tìm kiếm đối tác phù hợp.

Hơn thế nữa, còn có tâm lý không chịu cởi mở, bên bán thường e ngại cung cấp thông tin. Điều này một phần cũng do sự phát triển của các cầu nối, chắp mối cho bên mua và bên bán lại với nhau chưa mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng.

- Thách thức đến từ bên trung gian. Hiện nay có khá nhiều các công ty chứng khoán, tư vấn tài chính, kiểm toán tham gia vào làm trung gian, môi giới cho các bên trong hoạt động M&A. Tuy nhiên do có những hạn chế về hệ thống luật, nhân sự, tính chuyên nghiệp, cơ sở dữ liệu, thông tin... nên các đơn vị này chưa thể trở thành trung gian thiết lập một “thị trường” để các bên mua - bán gặp nhau.

Mặc dù M&A là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển nhưng nếu không giải quyết các thách thức trên thì chúng sẽ bị hạn chế, thậm chí là kéo tụt sự phát triển của hoạt động này trong ngắn hạn.

Giải pháp nào cho việc phát triển M&A tại Việt Nam?

Giải pháp để phát triển M&A chính là những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã được đề cập ở trên.

Thứ nhất, cần phải kiện toàn hệ thống luật điều chỉnh hoạt động M&A. Hệ thống luật này cần phải quy định chi tiết để điều chỉnh trên cả hai phương diện: (i) các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia…; (ii) các tình huống xử lý tài chính, lao động và các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện thương vụ M&A.

Thứ hai, đối với các bên tham gia mua - bán: cần cập nhật kiến thức và hiểu biết về hoạt động M&A, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhận thức rõ được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình trong thời kỳ hội nhập.

Các bên cần suy nghĩ theo mô hình hợp tác - phát triển và hai bên cùng có lợi thay vì quan niệm “được/bị ăn thịt, được/mất quyền lợi” khi đàm phán, thương thảo cùng nhau...

Thứ ba, đối với các trung gian: Cần nâng cao trình độ của đội ngũ nhân sự, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu… để trở thành nhà thiết lập “thị trường” cho bên mua và bên bán gặp nhau được thuận tiện cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho các bên.

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến