M&A - Đường tắt đến... thành công
Thời gian gần đây, ở nước ta đã có 78 vụ mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được thực hiện, với tổng giá trị lên tới 869 triệu USD. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tốc độ phát triển của thị trường M&A sẽ tăng khoảng 30-40%/năm.
Đây cũng là phương thức giúp các doanh nghiệp (DN) thoát khỏi phá sản hay tìm được một đối tác chiến lược mạnh về kinh tế, giỏi về quản trị DN. M&A còn là cơ hội để các DN lớn mua được những cổ phần (CP) với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, nhiều DN đã đến với M&A mà chưa chuẩn bị đối mặt với những rắc rối pháp lý mà hoạt động này có thể đem lại.
Những thương vụ “thuận mua, vừa bán”
Cuối năm 2007, Ngân hàng HSBC đã mua thêm 5% CP từ Ngân hàng (NH) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để tăng tỷ lệ sở hữu của HSBC tại Techcombank lên 15%. Được biết, HSBC đã cam kết trả cho Techcombank 85 triệu USD để được sở hữu thêm CP của NH này. 13,5 triệu USD của HSBC trong đợt này được dành để hỗ trợ công nghệ, nghiệp vụ nhằm đưa Techcombank trở thành một trong những NH được ưa thích nhất tại Việt Nam.Cam kết này được cụ thể hóa bằng sự hỗ trợ kỹ thuật mà HSBC dành cho Techcombank, gồm đưa các nhà quản lý có trình độ quốc tế tham gia bộ máy điều hành và một số hoạt động của Techcombank với vai trò tư vấn cao cấp... Việc tăng tỷ lệ sở hữu của HSBC còn giúp Techcombank tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỉ đồng, lên 2.524 tỉ đồng.
Tháng 3-2008, Tập đoàn Goldman Sachs (GS-một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới của Mỹ, với gần 140 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn tài chính) và Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đã mua 30% CP của Công ty cổ phần Diana (DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tã giấy của Việt Nam). Nhận định về vụ mua bán này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Diana khẳng định: Với kinh nghiệm và kỹ năng quản lý quốc tế, GS sẽ tư vấn cho Diana về chiến lược phát triển kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài. Khoản đầu tư của GS được Diana sử dụng để nâng cao công suất sản xuất hiện tại và mở rộng sản xuất sang các mặt hàng khác. Ngược lại, Diana sẽ mang lại cho GS lợi nhuận xứng đáng cho khoản đầu tư của họ thông qua cổ tức và gia tăng giá trị CP.
Nhận định về “làn sóng” M&A đang hình thành tại Việt Nam, ông Phan Xuân Cần, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng: M&A có thể coi là “cơ hội vàng” của các DN, như cắt giảm được chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển được thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ mới... Lợi ích của M&A có thể hiện hữu bằng tiền mặt, nhưng cũng có thể là những giá trị vô hình như uy tín, chất lượng…Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Ltd - Công ty chuyên về mua, bán DN cũng cho rằng M&A ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng, vì ngày càng có nhiều nhu cầu bán và mua DN...
Có thể phải đối mặt với những rắc rối pháp lý...
M&A đang là hướng đi mới, được nhiều DN lựa chọn để tránh nguy cơ tan vỡ do lạm phát và tình trạng chứng khoán phát triển không ổn định. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà M&A mang lại, hoạt động này còn có nguy cơ tạo ra những DN thâu tóm thị phần trên thị trường và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Về vấn đề này, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Ltd, khẳng định: M&A là hình thức đầu tư chéo giữa các DN đang ngày càng phổ biến dưới phương thức “đối tác chiến lược”, mà thực chất đó là một dạng của tập trung kinh tế... Ông Phan Xuân Cần cũng cho biết, ở Việt Nam, hoạt động về M&A đã có những hướng dẫn pháp lý cụ thể song chưa đầy đủ. Theo thông lệ quốc tế, khi mua một DN, bên mua sẽ được khoanh vùng trách nhiệm, toàn bộ những khoản nợ có thể đàm phán, còn những rắc rối về pháp lý họ sẽ không chịu trách nhiệm. Trong khi đó, ở Việt Nam, người mua lại phải gánh chịu toàn bộ rủi ro.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, DN sau khi tập trung kinh tế có thị phần 30-50% phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh trước khi hợp tác; trường hợp nắm trên 50% thị phần sẽ bị cấm tập trung kinh tế (ngoại trừ trường hợp có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ kỹ thuật công nghệ). Mức phạt đối với DN không thực hiện nghĩa vụ thông báo là phạt tiền bằng 1 đến 3% tổng doanh thu năm liền trước đó.
Để thực hiện việc M&A được suôn sẻ, vai trò tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức tư vấn rất quan trọng. Tiến sĩ Thomas Lanyi, Giám đốc Quỹ Vietnam Azalea Fun của Mekong Capital cho biết, với kinh nghiệm và khả năng tài chính vững mạnh, các tổ chức tài chính sẽ giúp các DN tái cấu trúc hiệu quả. Bên cạnh việc thu hút thêm đầu tư, lành mạnh hóa tài chính DN, các tổ chức tài chính sẽ giúp các DN xác định hướng đi của mình sau khi sáp nhập...
Theo Hà Nội Mới
Bình luận
Bình luận bằng Facebook