M&A - Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp: Ba hệ quả cần quan tâm
Công Thương - Ông có thể cho biết thực trạng mua bán, sáp nhập DN (M&A) hiện nay?
- Vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, hình thức M&A ngày càng được các tổ chức kinh tế sử dụng một cách mạnh mẽ, nhằm rút ngắn con đường phát triển cũng như mở rộng thị trường, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Nhiều nhất là các tổ chức tài chính, các tập đoàn kinh tế nước ngoài sử dụng công cụ này để xâm nhập thị trường Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn một năm qua, có khoảng 50 vụ giao dịch M&A với tổng giá trị giao dịch đạt gần 700 triệu USD. Số vụ M&A trong nước và có yếu tố nước ngoài cũng tăng mạnh: 16 vụ trong nước và 30 vụ nước ngoài. Về ngành, lĩnh vực tài chính – ngân hàng chiếm nhiều nhất với 9 vụ, tiếp theo là lĩnh vực thực phẩm – nước giải khát với 8 vụ…
Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã được bán cho các tổ chức nước ngoài, ông nhìn nhận thế nào về các thương vụ này?
- Như chúng ta đã biết, gần đây có một loạt thương vụ mua bán của các công ty chứng khoán cho các đối tác nước ngoài như Công ty Cổ phần Chứng khoán Hướng Việt chuyển nhượng 48,33% vốn điều lệ cho Morgan Stanley (Singapore) Holdings Pte, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhấp & Gọi chuyển nhượng 49% vốn điều lệ cho Công ty Golden Bridge của Hàn Quốc, Công ty Cổ phần chứng khoán Việt Nam chuyển nhượng 49% cho Ngân hàng RHB Malaysia. Ngoài ra, theo như cá nhân tôi được biết, không dưới 10 công ty chứng khoán khác bao gồm cả các công ty mới được cấp phép lẫn các công ty đã đi vào hoạt động cũng đang gấp rút tìm kiếm các đối tác chiến lược là các đối tác nước ngoài, nhằm tận dụng tối đa sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cũng như các thế mạnh về công nghệ thông tin của các đối tác này.
Trong thời điểm hiện nay, khi thị trường chứng khoán đang liên tục tụt dốc, các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty nhỏ hoặc mới thành lập khó có thể có đủ tiềm lực để đứng vững, tồn tại chứ chưa nói đến chuyện phát triển thì xu hướng mua bán sáp nhập là tất yếu. Bên cạnh đó, có lẽ cũng phải nhắc đến một yếu tố vô cùng quan trọng nữa đó là hiện nay, Việt Nam chưa cho phép các DN nước ngoài mở công ty 100% vốn hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, do đó con đường nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất để các công ty này thâm nhập vào thị trường Việt Nam là sử dụng công cụ mua bán và sáp nhập như chúng ta đã thấy ở trên.
Việc mua bán, sáp nhập DN có thể đem lại những hệ quả gì?
- Thứ nhất, hoạt động này có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Hiện tại ở Việt Nam, các thương vụ M&A mới chỉ diễn ra trong các lĩnh vực đặc biệt như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán – một lĩnh vực đòi hỏi lực lượng lao động mang tính chuyên môn cao, mặt khác lực lượng này lại đang rất khan hiếm nên tình trạng thiếu việc làm là chưa có. Tuy nhiên nếu như trong thời gian tới, hoạt động M&A lan sang các lĩnh vực khác là các lĩnh vực sử dụng lao động phổ thông thì hệ quả tất yếu của việc sa thải lao động là khó tránh khỏi. Thứ hai, M&A cũng có thể là một trong những nguyên nhân biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải công nghệ cho các nước tiên tiến. Cuối cùng, M&A có thể đưa DN lên vị trí thống lĩnh, thao túng thị trường. Nhiều người lo ngại việc mua bán sáp nhập sẽ tạo ra những DN có khả năng thâu tóm thị trường, độc quyền, gây thiệt hại quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như các đối thủ cạnh tranh. Để tránh được các hậu quả đáng tiếc, có lẽ trước tiên bản thân các DN cần phải có những biện pháp phòng vệ trước các đối tác “ngoài dự kiến” của DN thông qua việc sử dụng các đơn vị tư vấn có chuyên môn, bảo vệ DN trước các “cơn lũ” do các đối tác này mang đến.
Theo ông, để hoạt động M&A có hiệu quả, chúng ta sẽ phải làm gì?
- Dự báo thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh. Xu thế M&A trước mắt chủ yếu tập trung vào việc các công ty đổ vốn, đầu tư vào nhau (trở thành đối tác chiến lược) và mở rộng các mô hình tập đoàn. Các lĩnh vực được dự đoán có lượng giao dịch nhiều nhất là ngân hàng, dịch vụ tài chính, đầu tư kinh doanh bất động sản và bán lẻ. Tuy nhiên, để hoạt động M&A diễn ra hiệu quả, trong thời gian tới, theo quan điểm cá nhân của tôi thì về vấn đề pháp lý, Nhà nước cần có những khung pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn đặc biệt cần làm rõ các điều kiện, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán sáp nhập. Đối với các DN, đặc biệt DN có nhu cầu bán, nhu cầu cần sáp nhập, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong các vấn đề như xác định mục tiêu, đối tượng, các vấn đề sau mua bán sáp nhập… để sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, các DN này cũng cần phải tự “đánh bóng” mình để quảng bá, tìm kiếm các đối tác tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận
Bình luận bằng Facebook