'Thâu tóm ngân hàng cần sự minh bạch'
Việc mua, thâu tóm ngân hàng sẽ có những tác động tiêu cực nếu không có sự minh bạch hoặc phản ứng từ phía bị mua.
Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, việc thâu tóm, mua - bán, sáp nhập giữa các ngân hàng là một hiện tượng tất yếu và chắc chắn sẽ xảy ra.
- Việc các cổ đông lớn nằm trong ban điều hành ngân hàng sử dụng nhân viên đi gom phiếu bầu (đề nghị làm đại diện cho các cổ đông khác) có phải là hành vi được phép không?
- Tôi cho rằng việc người ta đi vận động là quyền tự do của các cổ đông. Các nhà đầu tư có thể tự thuê người đi vận động phiếu bầu của riêng mình. Với điều kiện, họ phải làm bằng nguồn lực của riêng mình chứ không phải mượn các nguồn lực của tổ chức
Ông Trần Đình Cường cho rằng việc thâu tóm ngân hàng cũng là một động thái tích cực. Ảnh: Thanh Lan. |
- Quá trình thâu tóm một ngân hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cổ đông của cả hai nhà băng đó?
- Về mặt tích cực, cổ đông của cả bên đi mua lẫn bên bị thâu tóm có thể sẽ thấy tin tưởng hơn ở doanh nghiệp mình đang sở hữu nếu họ thấy có sức mạnh cộng hưởng. Ngược lại, nếu họ thấy toàn sự chống đối hoặc bản thân bị o ép, sẽ có những phản ứng tiêu cực. Nếu chán nản, họ có thể bán tống bán tháo cổ phiếu, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị của cả hai bên thâu tóm và bên bị mua.
Với các tổ chức tài chính ngân hàng, phần lớn nguồn vốn đều là vốn huy động. Nếu để người dân mất tin tưởng, thì hệ quả là khó lường. Do đó, sự minh bạch đối với kể cả ngân hàng bị thâu tóm và ngân hàng thâu tóm cần phải luôn đặt lên hàng đầu.
- Việc hợp nhất các ngân hàng yếu có thể tạo nên một sức mạnh lớn nhưng việc sáp nhập các nhà băng cùng mạnh, có cùng một chiến lược phát triển, theo ông có phản tác dụng?
- Nếu không phải một cuộc mua bán - sáp nhập tự nguyện, quá trình này có thể xảy ra nhiều khó khăn, trong đó có thể vấp phải sự kháng cự, phòng thủ từ phía bên bị thâu tóm. Ngoài ra, hai ngân hàng có những khác biệt về văn hóa kinh doanh, hệ thống mạng lưới và những sự trùng lắp dẫn đến quá trình hoạt động của ngân hàng sau hợp nhất không hiệu quả.
- Một quá trình mua bán, thâu tóm ngân hàng diễn ra đồng thuận, tốt đẹp, mất bao lâu để quá trình tái cơ cấu trong ngân hàng mới được hoàn thành?
- Theo tôi cũng phải mất từ 1 – 5 năm để hoàn toàn hợp nhất và ngân hàng đó hoạt động như một cơ thể hoàn thiện. Sẽ có thời gian dài cho sự kháng cự, thay đổi, đào thải rồi thống nhất. Nếu hai tổ chức với nền văn hóa, chiến lược kinh doanh gần nhau, hệ thống ít trùng lắp thì quá trình này sẽ nhanh hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, khó có thể hoàn thành trong 1 năm. Nhanh nhất cũng khoảng 3 năm và chậm là 5 năm.
- Ông đánh giá như thế nào về xu hướng đổi chủ ngân hàng ở Việt Nam?
- Việt Nam những năm gần đây cũng có lác đác nhưng việc thâu tóm lẫn nhau gần như chưa xảy ra, trừ trường hợp sáp nhập bắt buộc theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hoặc tự nguyện. Ngoài ra vẫn có tình trạng ngân hàng này mua cổ phần của ngân hàng kia có tham gia vào công tác chỉ đạo, điều hành của nhau.
Xu hướng đổi chủ ngân hàng là tất yếu, điều này được các chuyên gia kinh tế dự báo từ nhiều năm trước. Lúc này chỉ là thời điểm hội tụ để các hiện tượng này diễn ra một cách nhanh chóng hơn, tự nguyện hơn. Chủ yếu là các cổ đông mua cổ phiếu ngân hàng.
- Các vụ thâu tóm ngân hàng trên thế giới diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Ở các nước phát triển, những việc đổi chủ ngân hàng xảy ra khá phố biến và pháp luật của họ quy định rất chặt. Do đó, những sai phạm, hành vi cố tình làm trái, trục lợi cá nhân trong quá trình này ít xảy ra. Trong thời gian khủng hoảng ở Mỹ, mấy trăm ngân hàng phá sản nhưng gần như không nghe thấy trường hợp nào người điều hành các nhà băng trục lợi từ việc này cả.
Ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ. Quá trình này còn nhiều mới mẻ và có thể gây băn khoăn cho cộng đồng. Chúng ta cần xác định đây là quá trình bình thường.
Thanh Thanh Lan
Bình luận
Bình luận bằng Facebook