Thi hành án dân sự còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp, sau hai năm thực hiện Luật THADS đến nay đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đã thành lập xong 63 Cục THADS, 695 Chi cục. Nếu như năm 2010 thi hành xong hơn 350 ngàn vụ việc, đạt 86% thì năm 2011 đã đạt tỷ lệ trên 88%. Các địa phương đạt tỷ lệ thi hành án cao là Lai Châu, Hưng Yên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hầu hết đều đảm bảo an toàn, đúng pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác THADS hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phải giải quyết vẫn còn nhiều; số việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành. Tổng cục THADS cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác THADS nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa tốt, nhiều người chây ỳ, chống đối, cản trở việc THA vì không đồng ý với quyết định của bản án... Đặc biệt về bộ máy tổ chức hiện nay còn quá mỏng trong khi đó công việc hàng năm lại quá nhiều.
Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm cho biết: THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết gần 400 việc/năm đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ chấp hành viên. Do đó, để tổ chức và hoạt động ngành THADS thuận lợi và hiệu quả bền vững đề nghị tăng thêm biên chế cho ngành THADS.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa cho biết: “THADS là công việc khó khăn phức tạp nhất, đặc biệt đối với tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc như tỉnh Điện Biên. Những năm qua công tác THADS trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả ấn tượng cả về việc và tiền. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề biên chế và chế độ cho anh em làm nhiệm vụ này.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, nhiều đại biểu cho biết, mặc dù mới có hiệu lực được 2 năm, nhưng Luật THADS đã bộc lộ một số hạn chế cần phải sửa đổi. Đại diện THADS tỉnh Thái Bình cho biết: Luật THADS ra đời được đánh giá là công cụ hữu hiệu để gỡ khó và giải quyết án tồn. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành, Luật này đang bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ. Đơn cử như về điều kiện miễn giảm THADS. Hiện luật quy định điều kiện xét miễn giảm là “đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch”, là bắt buộc. Như vậy, với các trường hợp mà người phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách trên năm triệu đồng hoàn toàn không có điều kiện nộp những hồ sơ này sẽ “treo” tại cơ quan THADS vì không thể miễn giảm được.
Hay về người được THADS có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án. Trưởng ban chỉ đạo THADS TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết: trong đơn yêu cầu thi hành án phải có “thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải thi hành án”, trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung quy định và người được thi hành án không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu trước khi ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể về biện pháp xử lý trong trường hợp đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án vẫn không cung cấp thông tin hoặc không yêu cầu chấp hành viên xác minh tài sản...
Theo Cục trưởng Cục THADS Quảng Ninh Nguyễn Minh Văn: Điều 39 Luật THADS quy định chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp luật quy định ngân sách chi trả hoặc người được thi hành án chịu. Tuy nhiên, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn lại chưa quy định cụ thể về từng loại chi phí thông báo nào do người phải thi hành án, người được thi hành án hay ngân sách chi trả, khiến các cơ quan THADS lúng túng. Hay chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp người được thi hành án chịu cũng chưa quy định cụ thể nội dung, mức chịu, thủ tục thu, nộp khoản này... Ngay cả việc bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản chung theo điều 74 Luật THADS cũng có bất cập vì luật và các văn bản hướng dẫn không quy định điều kiện bán tài sản, giá bán tài sản chung, cách thức thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản chung.
Từ thực tế đó, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THADS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Công tác THADS hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ. “Bộ Tư pháp cần tiến hành tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo THADS, xác định rõ nội dung, thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các cơ quan chức năng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và phát huy trách nhiệm của cơ quan THADS theo quy định của pháp luật” - ông Hùng nhấn mạnh.
Nhật Anh Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân
Bình luận
Bình luận bằng Facebook