/ / /

Trách nhiệm hạn chế tổn thất theo hợp đồng


Trách nhiệm hạn chế tổn thất theo hợp đồng

Công ty Dương Giang (bên cho thuê) cho Công ty CP phát triển công nghiệp (bên thuê) thuê 2 đầu máy NB2010 và NB2172 để thực hiện lai dắt tàu biển. Hợp đồng có thời hạn đến hết tháng 12/2006. Bên thuê chịu chi phí dầu, nhớt cho hai phương tiện hoạt động và phải trả nguyên đơn tiền thuê phương tiện 50.000.000 đồng/1 phương tiện/1 tháng; bên cho thuê có trách nhiệm cung cấp phương tiện, nhân lực sử dụng phương tiện và trả lương cho nhân lực sử dụng phương tiện.

Do không có nhu cầu nữa nên vào ngày 17/08/2006, bên thuê đã gửi văn bản thông báo cho Công ty Dương Giang về việc thanh lý hợp đồng với nội dung khẳng định: từ ngày 20/08/2006, Công ty cổ phần phát triển công nghiệp không có nhu cầu thuê 2 đầu máy của Công ty TNHH Dương Giang nữa.

Tranh chấp xảy ra, Tòa phúc thẩm đã áp dụng luật thương mại 2005 để giải quyết. Theo Tòa, việc bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng rõ ràng là một hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi này cho phép bên cho thuê yêu cầu bên thuê bồi thường thiệt hại. Về mức thiệt hại mà bên cho thuê có thể yêu cầu bồi thường, theo Tòa phúc thẩm, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm tổn thất thực tế và trực tiếp do hành vi vi phạm của bị đơn gây ra và khoản lợi trực tiếp mà nguyên đơn đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của bị đơn. Việc không tiếp tục thuê phương tiện của bị đơn không gây ra tổn thất thực tế và trực tiếp nào cho nguyên đơn. Theo điều 304 Luật thương mại, nguyên đơn chỉ có quyền đòi bồi thường khoản lợi trực tiếp mà nguyên đơn đáng lẽ được hưởng, đó là khoản thu 100.000.000 đồng/tháng/2 phương tiện trong khoảng thời gian còn lại của hợp đồng từ 20/8 đến 31/12/2006 chưa trừ đi chi phí trả lương cho số người vận hành và các chi phí khác nguyên đơn phải bỏ ra.

Tuy nhiên, theo Tòa phúc thẩm, điều 305 Luật thương mại cũng quy định rằng bên bị vi phạm hợp đồng phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả đối với khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Nếu không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Đáng lẽ từ ngày 20/08/2006 nguyên đơn đưa phương tiện của mình đi tìm công việc khác thì có thể hạn chế thiệt hại đối với khoản lợi đáng lẽ được hưởng thì mới hợp lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyên đơn không thực hiện việc đó mà cứ để phương tiện tại hiện trường đến hết ngày 31/12/2006 là sự lãng phí cố ý, không có hành vi hạn chế tổn thất. Từ đó, Tòa phúc thẩm cho rằng việc Tòa sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn một khoản tiền tương ứng với giá trị 1 tháng thực hiện hợp đồng là tương ứng với khoảng thời gian hợp lý để nguyên đơn khắc phục các tổn thất tiếp theo về khoản lợi đáng lẽ được hưởng chưa trừ lương nhân viên, phí quản lý, khấu hao và sửa chữa phương tiện là có căn cứ, hợp lý.

Ý nghĩa bản án:

Đối với hợp đồng thuê tài sản, trong trường hợp bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trái pháp luật thì bên thuê chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với khoản tiền thuê trong khoảng thời gian hợp lý mà bên cho thuê tài sản tìm kiếm người thuê mới thay thế.  

Bình luận của tác giả:

Luật thương mại có quy định chung về trách nhiệm hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm và thực tiễn đã vận dụng quy định này. BLDS hiện hành có quy định về trách nhiệm hạn chế tổn thất trong một số giao dịch cụ thể mà không có phạm vi điều chỉnh chung. VD: Điều 448.2 BLDS: bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại; Điều 575.1 BLDS: khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Như vậy, các quy định về trách nhiệm hạn chế tổn thất chỉ tồn tại trong một vài trường hợp đặc biệt của pháp luật dân sự. Chúng ta chưa có quy định điều chỉnh chung cho tất cả các hợp đồng dân sự.

Trong khi chưa sửa đổi được BLDS, chúng ta cũng nên thừa nhận trách nhiệm hạn chế tổn thất bằng cách sử dụng một số nguyên tắc, quy định của pháp luật về hợp đồng như: (i) khi có khả năng hạn chế tổn thất mà bên có quyền không hạn chế thì thiệt hại đáng lẽ được hạn chế không có mối quan hệ nhân quả với việc không thực hiện hợp đồng, do đó bên có quyền không được bồi thường; hoặc (ii) trách nhiệm hạn chế tổn thất là một bộ phận của nguyên tắc thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Điều 6 BLDS), bên có quyền có khả năng hạn chế thiệt hại nhưng đã không làm là không thiện chí nên họ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đáng lẽ họ đã hạn chế được.

Tác giả: Đỗ Văn Đại

 

 

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến