10 quốc gia nhỏ nhất thế giới
Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, thứ 2 là Monaco, tiếp đó là Nauru.
1. Thành quốc Vatican
Đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, diện tích chỉ có khoảng 0,5 km2 và nằm trọn trong thành phố Rome của Italy.
Dân số của Vatican theo điều tra tháng 7/2012 là 836 người, bao gồm các hồng y, các nhà ngoại giao, hiến binh, lính Thụy Sĩ và các giáo dân.
Vatican là quốc gia có nền kinh tế phi thương độc nhất vô nhị trên thế giới, chủ yếu do các khoản quyên góp của người Thiên chúa giáo La Mã trên khắp thế giới và thu nhập từ bán tem, ấn phẩm, đồ lưu niệm…
2. Công quốc Monaco
Monaco có diện tích chưa đầy 2 km2 (1,98 km2) và là quốc gia có chủ quyền tại châu Âu. Monaco có 3 mặt tiếp giáp với nước Pháp, mặt còn lại tiếp giáp với Địa Trung Hải. Dân số nước này theo thống kê năm 2011 là 35.986 người.
3. Nauru
Nauru tên chính thức là Cộng hoà Nauru trước đây có tên Đảo Pleasant, là một quốc đảo thuộc Micronesia nằm ở Nam Thái Bình Dương. Nauru giành độc lập năm 1968 và là quốc đảo nhỏ nhất thế giới với diện tích 21 km2.
Dân số ước lượng năm 2010 là 9.322 người. Kinh tế nước này chủ yếu dựa vào đánh bắt cá và khai thác phốt phát.
4. Tuvalu
Tuvalu còn có tên khác là quần đảo Ellice, là một quốc đảo nằm ở phía Nam của Thái Bình Dương. Tuvalu nằm giữa Hawaii và Australia. Tổng diện tích của Tuvalu, bao gồm cả đảo đá ngầm, san hô và rừng rậm, khoảng 26 km2, nhỏ thứ 4 thế giới.
Theo điều tra dân số tháng 7/2005, dân số của Tuvalu là 10.441 người.
Tuvalu gồm 9 đảo san hô nằm rải rác và đông đúc dân cư. Tuy nhiên, đất đai kém màu mỡ và không có tài nguyên khoáng sản. Kinh tế nước này chủ yếu là đánh bắt cá và trồng cây lương thực. Thu nhập chính của chính phủ là từ bán tem và các đồng tiền xưa, ngoại tệ của công nhân gửi về.
5. San Marino
San Marino có tên đầy đủ là Cộng hòa Đại bình yên San Marino. Đây là quốc gia độc lập nhỏ thứ 5 trên thế giới. Điều đặc biệt là San Marino nằm trọn trong Italy.
Diện tích của San Marino là 61 km2. Theo điều tra dân số năm 2000, nước này có 27.336 dân.
San Marino là nước có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển. Kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên truyền thống (nho, đá xây dựng), phát hành tem thư và nhất là du lịch.
6. Liechtenstein
Công quốc Liechtenstein là một quốc gia độc lập ở Tây Âu. Diện tích nước này là 160 km2. Theo thống kê dân số năm 2007, nước này có dân số là 35.365 người.
Kinh tế của Liechtenstein chủ yếu là công nghiệp, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu về gia công, chế biến. Du lịch cũng là ngành mang lại nhiều lợi nhuận cho công quốc này.
7. Quần đảo Marshall
Quần đảo Marshal tên chính thức là Cộng hoà Quần đảo Marshal là đảo quốc của người người Micronesia nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, phía Bắc Nauru và Kiribati, phía Đông Liên bang Micronesia.
Diện tích của quốc đảo là 181 km2. Theo thống kê dân số tháng 7/2005 là 61.963 người. Kinh tế Marshalls dựa vào đánh bắt cá biển, du lịch và trợ cấp của Mỹ.
8. Liên bang Saint Kitts và Nevis
Liên bang Saint Kitts và Nevis là một quốc đảo nằm trong quần đảo Quần đảo Leeward. Diện tích của liên bang này là 261 km2. Theo điều tra dân số tháng 7/2005, nước này có số dân là 42.696 người.
Saint Kitts và Nevis có ngành kinh tế du lịch, nông nghiệp và công nghiệp phát triển.
9. Seychelles
Cộng hòa Seychelles là một quốc đảo với 155 hòn đảo lớn nhỏ thuộc châu Phi nằm trên Ấn Độ Dương, cách 1.500 km về hướng đông của đại lục Châu Phi, nằm ở phía đông bắc đảo Madagascar.
Diện tích của đảo quốc này là 451 km2. Theo ước lượng dân số năm 2005, nước này có 82.247 người dân. Seychelles có ngành du lịch rất phát triển.
10. Maldives
Cộng hòa Maldives là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Maldives bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng hai trăm đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống.
Diện tích của Maldives là 300 km2, dân số là 349.106 (theo ước lượng năm 2005). Du lịch và đánh cá là 2 ngành kinh tế then chốt của Maldives.
đỗ quyên
Bình luận
Bình luận bằng Facebook