/ / / /

Các luật sư uy tín bị 'săn lùng'


Các luật sư uy tín bị 'săn lùng'

Nhiều buổi trưa, luận sư của một công ty ở TP HCM không dám ra khỏi văn phòng bởi ngoài cửa thường có người lạ đợi sẵn để “mời cơm trưa”. Ngay cả email cá nhân của họ cũng thường xuyên xuất hiện những lời mời rất thiện chí

Hơn 1 năm trở thành thành viên của WTO, vấn đề thiếu hụt luật sư tư vấn càng trở nên nghiêm trọng khi các hãng luật ngoại đang tìm cách lôi kéo nhân viên giỏi của công ty luật nội.

Theo nhiều giám đốc của các hãng luật nội, lượng luật sư điều hành có năng lực đáp ứng được yêu cầu của các hãng luật nước ngoài chưa vượt con số 100. Số lượng ít ỏi cộng thêm việc hầu hết luật sư điều hành đều đang là chủ điều hành của các công ty, văn phòng luật trong nước với hàng đống công việc, vô số khách hàng nên muốn kéo được họ sang các hãng luật nước ngoài không phải dễ.

Chánh án TAND TP HCM Bùi Hoàng Danh cho biết, vấn đề phiên dịch viên tại toà cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, cả về nhân lực và về mức thù lao. Phiên dịch viên tại toà không ai khác chính là các luật sư vừa giỏi nghề vừa giỏi ngoại ngữ.Luật sư cho công ty luật còn chưa có, kiếm luật sư chịu nhận thêm việc phiên dịch càng khó hơn, chưa kể hiện nay, theo quy định của Chính phủ, thù lao trả cho phiên dịch viên không được quá 500.000 đồng một người một ngày. Với mức thù lao này, theo ông Danh, không thể đủ để mời được một phiên dịch viên đảm bảo cho việc xét xử. Để có thể hoàn thành công việc, Toà án thành phố đã linh động “nâng” thù lao lên 60 USD một buổi và 110 USD một ngày, nhưng cũng không thấm vào đâu vì giá thị trường hiện nay trả phiên dịch viên ngành luật (chủ yếu các luật sư) được tính theo giờ và không dưới 100 USD một giờ, trong khi mức thù lao mà toà án linh động trả cho phiên dịch viên nhiều khi còn không được quyết toán.

Cũng không chỉ có công ty luật nước ngoài không lôi kéo được luật sư điều hành, các công ty luật trong nước cũng cạnh tranh ráo riết với nhau bằng cách săn đón, lôi kéo các luật sư thành viên, luật sư cộng sự, luật sư tư vấn và tập sự… Nguồn nhân lực này, theo Giám đốc Công ty Luật PBC Partners Trần Thanh Hải, hiện nay đã bổ sung khá lên do sự gia tăng của các công ty luật, nhưng để tuyển một người làm được việc trong số hàng trăm hồ sơ dự tuyển rất khó.

Theo một nhóm luật sư đang làm việc tại Công ty Luật VHD có trụ sở trong toà nhà Saigon Tower (quận 1, TP HCM) thì họ thường xuyên bị “tra tấn” bởi những cuộc điện thoại của các chuyên gia “săn đầu người” và của chính lãnh đạo công ty luật khác với lời hứa hẹn chính sách lương bổng, chế độ hấp dẫn. Nhiều buổi trưa, họ không dám bước chân ra khỏi văn phòng bởi ngoài cửa thường hay có người lạ hoắc đợi sẵn để “mời cơm trưa”. Ngay cả email cá nhân của họ cũng thường xuyên xuất hiện những lời mời rất thiện chí…

Giám đốc một hãng luật có văn phòng tại đường Điện Biên Phủ quận 3 thừa nhận, trước thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực luật sư có chất lượng như hiện nay, việc mất nhân viên là chuyện “cơm bữa”. Có được một luật sư tập sự tốt, chưa kịp tăng lương, chưa kịp thăng chức thì tháng sau đã thấy đơn nghỉ việc đặt trên bàn. Chưa đầy 2 tháng sau, đến công ty của người bạn, gặp lại nhân viên cũ của mình với chức danh luật sư cộng sự. Cậu nhân viên hồ hởi khoe “sếp mới hứa sau 18 tháng nữa sẽ trở thành luật sư thành viên”!

Nghịch lý đào tạo - tuyển dụng

Mỗi năm, các cơ sở đào tạo cử nhân luật (các ĐH), luật sư (Học viện Tư pháp) cho ra trường hàng nghìn người, nhưng tình trạng khan hiếm nghiêm trọng nguồn luật sư vẫn xảy ra. Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, hệ thống đào tạo ngành luật của Việt Nam hiện nay quá thiếu thực tiễn, thiếu kỹ năng khiến sinh viên khi ra trường phải đào tạo lại, thậm chí không thể sử dụng được. Riêng với chức danh luật sư tư vấn, yêu cầu quan trọng hàng đầu là ngoại ngữ, nhưng chưa tới 3% sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu này.

LS Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Bắc Việt Luật cho biết, việc yếu ngoại ngữ có thể nâng cao dần trong môi trường làm việc, vấn đề là rất nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kiến thức thực tế, nhưng lại không chấp nhận một môi trường làm việc theo phương thức học tập (đa số muốn hành nghề chứ không học nghề). Bên cạnh đó, thực trạng “nhảy việc” liên tục của nhiều luật sư trẻ đã khiến chính họ mất đi cơ hội được đào tạo thành một người dày dạn kinh nghiệm trong xử lý công việc, một yêu cầu cũng không kém phần quan trọng khi lựa chọn nhân lực của các công ty luật trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, còn một thực tế khác, đó là vòng luẩn quẩn của các nhà tuyển dụng: chỉ tuyển người đã có kinh nghiệm. Trên thực tế, không phải công ty luật nào cũng sẵn sàng nhận sinh viên mới ra trường vào làm việc để tạo nguồn cho chính mình và cho xã hội. Đây cũng chính là cản ngại rất lớn với nhiều sinh viên yêu nghề mới ra trường và cũng là một trong nhiều nguyên nhân góp phần làm thiếu vắng thêm đội ngũ luật sư vốn đang rất thiếu vắng hiện nay.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến