/ /

Công ước liên hiệp quốc về mua bán hàng hóa


Công ước liên hiệp quốc về mua bán hàng hóa

Phần II: KÝ KẾT HỢP ĐỒNG


Điều 14:

1. Một đề nghị ký kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều người xác định được coi là một chào hàng nếu có đủ chính xác và nếu nó chỉ rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp có sự chấp nhận chào hàng đó. Một đề nghị là đủ chính xác khi nó nêu rõ hàng hóa và ấn định số lượng về giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này.

2. Một đề nghị gửi cho những người không xác định chỉ được coi là một lời mời làm chào hàng, trừ phi người đề nghị đã phát biểu rõ ràng điều trái lại.


Điều 15:

1. Chào hàng có hiệu lực khi nó tới nơi người được chào hàng.

2. Chào hàng dù là loại chào hàng cố định, vẫn có thể bị hủy nếu như thông báo về việc hủy chào hàng đến người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng.


Điều 16:

1. Cho tới khi hợp đồng được giao kết, người chào hàng vẫn có thể thu hồi chào hàng, nếu như thông báo về việc thu hồi đó tới nơi người được chào hàng trước khi người này gửi thông báo chấp nhận chào hàng.

2. Tuy nhiên, chào hàng không thể bị thu hồi:

a. Nếu nó chỉ rõ, bằng cách ấn định một thời hạn xác định để chấp nhận hay bằng cách khác, rằng nó không thể bị thu hồi, hoặc

b. Nếu một cách hợp lý người nhận coi chào hàng là không thể thu hồi được và đã hành động theo chiều hướng đó.


Điều 17:

Chào hàng, dù là loại cố định, sẽ mất hiệu lực khi người chào hàng nhận được thông báo về việc từ chối chào hàng.


Điều 18:

1. Một lời tuyên bố hay một hành vi khác của người được chào hàng biểu lộ sự đồng ý với chào hàng cấu thành chấp nhận chào hàng. Sự im lặng hoặc bất hợp tác vì không mặc nhiên có giá trị một sự chấp nhận.

2. Chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được chấp nhận. Chấp thuận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu sự chấp nhận ấy không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định trong chào hàng, hoặc nếu thời hạn đó không được quy định như vậy, thì trong một thời hạn hợp lý, xét theo các tình tiết của sự giao dịch, trong đó có xét đến tốc độ của các phương tiện liên lạc do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ phi các tình tiết bắt buộc ngược lại.

3. Tuy nhiên nếu do hiệu lực của chào hàng hoặc do thực tiễn đã có giữa hai bên trong mối quan hệ tương hỗ hoặc tập quán thì người được chào hàng có thể chứng tỏ sự chấp thuận của mình bằng cách làm một hành vi nào đó như hành vi liên quan đến việc gửi hàng hay trả tiền chẳng hạn dù họ không thông báo cho người chào hàng thì chấp nhận chào hàng chỉ có hiệu lực từ khi những hành vi đó được thực hiện với điều kiện là những hành vi đó phải được thực hiện trong thời hạn đã quy định tại điểm trên.


Điều 19:

1. Một sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có chứa đựng những điểm bổ sung, bớt đi hay các sửa đổi khác thì được coi là từ chối chào hàng và cấu thành một hoàn giá.

2. Tuy nhiên một sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có chứa đựng các điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác mà không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng thì được coi là chấp nhận chào hàng, trừ phi người chào hàng ngay lập tức không biểu hiện bằng miệng để phản đối những điểm khác biệt đó hoặc gửi thông báo về sự phản đối của mình cho người được chào hàng. Nếu người chào hàng không làm như vậy, thì nội dung của hợp đồng sẽ là nội dung của chào hàng với những sự sửa đổi nêu trong chấp nhận chào hàng.

3. Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả, thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng, đến phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến sự giải quyết tranh chấp được coi là những điều kiện làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng.


Điều 20:

1. Thời hạn để chấp nhận chào hàng do người chào hàng quy định trong điện tín hay thư bắt đầu tính từ lúc bức điện được giao để gửi đi hoặc vào ngày ghi trên thư hoặc nếu ngày đó không có thì tính từ ngày bưu điện đóng dấu trên bì thư. Thời hạn để chấp nhận chào hàng do người chào hàng quy định bằng điện thoại, bằng telex hoặc bằng phương tiện thông tin liên lạc khác, bắt đầu tính từ thời điểm người được chào hàng nhận được chào hàng.

2. Các ngày lễ chính thức hay ngày nghỉ việc rơi vào khoảng thời hạn được quy định để chấp nhận chào hàng không được trừ, khi tính thời hạn đó. Tuy nhiên, nếu không báo về việc chấp nhận chào hàng không thể giao tại địa chỉ của người chào hàng vào ngày cuối cùng của thời hạn quy định bởi vì ngày cuối cùng đó là ngày lễ hay ngày nghỉ việc tại nơi có trụ sở thương mại của người chào hàng, thì thời hạn chấp nhận chào hàng sẽ được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên kế tiếp các ngày đó.


Điều 21:

1. Một chấp nhận chào hàng muộn màng cũng có hiệu lực của một chấp nhận nếu người chào hàng phải thông báo miệng không chậm trễ cho người nhận chào hàng hoặc gửi cho người này một thông báo về việc đó.

2. Nếu thư từ hay văn bản khác do người nhận chào hàng gửi đi chứa đựng một sự chấp nhận chậm trễ mà thấy rõ rằng nó đã được gửi đi trong những điều kiện mà, nếu sự chuyển giao bình thường, nó đã đến tay người chào hàng kịp thời, thì sự chấp nhận chậm trễ được coi như chấp nhận đến kịp thời, trừ phi không chậm trễ người chào hàng thông báo miệng hoặc gửi thông báo bằng văn bản cho người được chào hàng biết người chào hàng coi chào hàng của mình đã hết hiệu lực.


Điều 22:

Chấp nhận chào hàng có thể bị hủy nếu thông báo về việc hủy chào hàng tới nơi người chào hàng trước hoặc cùng một lúc khi chấp nhận có hiệu lực.


Điều 23:

Hợp đồng được coi là đã ký kết kể từ lúc sự chấp nhận chào hàng có hiệu lực chiểu theo các quy định của công ước này.


Điều 24:

Theo tinh thần của Phần II Công ước này, một chào hàng, một thông báo chấp nhận chào hàng hoặc bất cứ một sự thể hiện ý chí nào cũng được coi là "tới nơi" người được chào hàng khi được thông tin bằng lời nói với người này, hoặc được giao bằng bất cứ phương tiện nào cho chính người được chào hàng tại trụ sở thương mại của họ, tại địa chỉ bưu chính hoặc nếu họ không có trụ sở thương mại hay địa chỉ bưu chính thì gửi tới nơi thường trú của họ.

.../

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến