/ / / /

Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (Merge and Acquisition - M&A) và sự cần thiết điều chỉnh của pháp luật


Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (Merge and Acquisition - M&A) và sự cần thiết điều chỉnh của pháp luật

Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (Merge and Acquisition - M&A) là một lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam và đang thu hút sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu.

Về lý thuyết, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) được xem xét dưới 2 góc độ chủ yếu là góc độ kinh tế (như một vấn đề của quản trị chiến lược công ty và tài chính doanh nghiệp) và góc độ pháp lý (như khung pháp lý để thực hiện giao dịch M&A).Ngoài việc được dịch là “sáp nhập và mua lại”, Merge and Acquisition - M&A còn được dịch là “mua lại và sáp nhập” , “mua bán và sáp nhập” hay “thâu tóm và hợp nhất” công ty để chỉ hoạt động kinh doanh và quản trị rất phổ biến ở các nền kinh tế phát triển. Trong đề tài này, chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “sáp nhập và mua lại” để dịch cụm từ M&A với nghĩa kinh tế - để chỉ một hiện tượng khách quan mà pháp luật phải hướng tới điều chỉnh. Đồng thời, chúng tôi lưu ý sử dụng tách riêng “sáp nhập” và “mua lại” với nghĩa pháp lý để phân biệt khi xem xét các quy định của pháp luật liên quan.
Các thuật ngữ “sáp nhập” và “mua lại” thường không có sự phân biệt rõ ràng về nội hàm và thường được sử dụng thay thế lẫn nhau. Phân biệt hai thuật ngữ này là một điều quan trọng khi nghiên cứu về M&A.
1. Khái niệm sáp nhập, mua lại Theo Từ điển các khái niệm, thuật ngữ tài chính Investopedia, sáp nhập (Mergers) xảy ra khi hai công ty (thường là các công ty có cùng quy mô) đồng ý tiến tới thành lập một công ty mới mà không duy trì sở hữu và hoạt động của các công ty thành phần. Chứng khoán của các công ty thành phần sẽ bị xoá bỏ và công ty mới sẽ phát hành chứng khoán thay thế. Mua lại hay thâu tóm (Acquisitions) là hoạt động thông qua đó các công ty tìm kiếm lợi nhuận kinh tế nhờ quy mô, hiệu quả và khả năng chiếm lĩnh thị trường.
Khác với sáp nhập, các công ty thâu tóm sẽ mua công ty mục tiêu, không có sự thay đổi về chứng khoán hoặc sự hợp nhất thành công ty mới . Theo định nghĩa kỹ thuật do David L.Scott đưa ra trong cuốn Wall Street Words: An A to Z Guide to Investment Terms for Today’s Investor (Từ Phố Wall: Hướng dẫn từ A đến Z về các điều khoản đầu tư cho các nhà đầu tư hiện nay) thì sáp nhập là sự kết hợp của hai hay nhiều công ty, trong đó có tài sản và trách nhiệm pháp lý của (những) công ty được công ty khác tiếp nhận; mua lại là quá trình mua lại tài sản như máy móc một bộ phận hay thậm chí toàn toàn bộ công ty . Trong quản trị công ty có hai điểm mấu chốt nhất là quyền sở hữu và người quản lý thì quyền sở hữu vẫn mang ý nghĩa quan trọng hơn cả. Mặc dù xu hướng quản trị hiện đại tách biệt quyền sở hữu và quản lý, nhưng thực chất quyền sở hữu có ý nghĩa quyết định trong việc bầu Hội đồng quản trị và qua đó lựa chọn người quản lý, đồng thời quyết định chiến lược phát triển, phương án phân chia lợi nhuận và xử lý tài sản của công ty. Các khái niệm M&A, sáp nhập/hợp nhất hay mua lại/thâu tóm đều xoay quanh mối tương quan này.
Xét về quản trị công ty, sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành ở các công ty đã cho phép cổ đông có thể thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu của mình đối với công ty mà không hề làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đó. Cổ phần hóa đã giúp quyền sở hữu công ty trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Đây chính là đối tượng của các hoạt động M&A .
Để phân biệt giữa sáp nhập và mua lại, có cách hiểu như sau: nếu như một công ty chiếm lĩnh được hoàn toàn một công ty khác và đóng vai trò người chủ sở hữu mới thì việc giành quyền kiểm soát công ty đối tác được gọi là mua lại. Trên góc độ pháp lý, công ty bị mua lại sẽ ngừng hoạt động, công ty tiến hành mua lại tiếp quản hoạt động kinh doanh của công ty kia, tuy nhiên cổ phiếu của công ty đi mua lại vẫn được tiếp tục giao dịch bình thường .
Tóm lại, mua lại hay thâu tóm là khái niệm được sử dụng để chỉ một doanh nghiệp tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với một doanh nghiệp khác thông qua thâu tóm toàn bộ hoặc một tỷ lệ số lượng cổ phần hoặc tài sản của doanh nghiệp mục tiêu đủ để có thể khống chế toàn bộ các quyết định của doanh nghiệp đó
. Mua lại cũng là hoạt động xảy ra khi một doanh nghiệp mua lại một phần /toàn bộ cổ phần hay toàn bộ tài sản của một doanh nghiệp khác, coi đó như một chi nhánh của mình, doanh nghiệp đi mua lại và doanh nghiệp mục tiêu vẫn có thể tồn tại và độc lập về mặt pháp lý.
Thương hiệu của doanh nghiệp bị mua lại có thể được giữ nguyên hay bị thay đổi tùy theo quyết định của doanh nghiệp tiến hành mua lại. Mục tiêu của doanh nghiệp đi mua lại doanh nghiệp khác là nhằm đạt được lợi thế quy mô, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng thị phần. Trong hoạt động mua lại, một công ty có thể mua lại một công ty khác bằng tiền mặt, cổ phiếu hay kết hợp cả hai loại trên. Một hình thức khác phổ biến trong những thương vụ mua bán nhỏ hơn là mua tất cả tài sản của công ty bị mua. Ví dụ như Công ty X mua tất cả tài sản của công ty Y bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc Công ty Y chỉ còn lại tiền mặt và nợ (nếu như có nợ trước đó). Công ty Y cuối cùng sẽ thanh lý hoặc sẽ phải chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác. Có thể phân biệt sáp nhập với hợp nhất là hoạt động xảy ra khi các doanh nghiệp, thường là các doanh nghiệp trong cùng một ngành, đồng ý hợp lại thành một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Kết quả của việc sáp nhập là cho ra đời một công ty mới, khác biệt với công ty trước khi hợp nhất. Công ty mới này có thể sử dụng một tên hoàn toàn khác so với các công ty hợp nhất hoặc tên của công ty mới là sự kết hợp tên của các công ty hợp nhất.
Cho dù có thay đổi hoặc không thay đổi tên doanh nghiệp sau khi hợp nhất, nhưng thương hiệu của doanh nghiệp cũ vẫn được duy trì và phát triển. Ở nghĩa rộng và được chấp nhận phổ biến ở các nước có nền kinh tế phát triển, một thương vụ được coi là sáp nhập (merger) hay mua lại (acquisition) phụ thuộc vào việc, thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện (friendly takeover) giữa hai bên hay diễn ra một cách thù địch (hostile takeover) .
Giao dịch sáp nhập và mua lại thù địch là khi một doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, mua lại mà doanh nghiệp đối tượng/mục tiêu không chấp nhận. Về mặt bản chất khái niệm và hệ quả pháp lý, sáp nhập/ hợp nhất và mua lại/thâu tóm là khác biệt; tuy nhiên nếu xét về tác động thực tế đối với quản trị công ty thì ranh giới phân biệt giữa chúng nhiều khi lại rất mỏng manh.
Chẳng hạn trong trường hợp việc thâu tóm 100% công ty mục tiêu được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu (stock swap) thì vụ sáp nhập đó không có gì khác so với một vụ hợp nhất. Công ty chủ động sáp nhập không sử dụng thặng dư vốn của mình để mua 100% cổ phần của công ty mục tiêu, mà sẽ cho phép cổ phiếu của công ty mục tiêu được hoán đổi (theo tỷ lệ hợp lý dựa trên giá thị trường) thành cổ phiếu của mình. Kết quả, cổ đông của công ty mục tiêu cũng sẽ trở thành một bộ phận cổ đông của công ty sáp nhập. Phương thức này cũng được sử dụng trong các vụ hợp nhất. Cổ đông của hai công ty cũ đều trở thành cổ đông của công ty mới với số cổ phiếu đã được hòa nhập theo một tỷ lệ nhất định tương ứng với thị giá cổ phiếu họ sở hữu trước đây .

2. Sự cần thiết điều chỉnh sáp nhập, mua lại Sự cần thiết điều chỉnh sáp nhập, mua lại trước hết xuất phát từ chính ý nghĩa quan trọng của giao dịch này đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài và như công cụ tài chính, công cụ chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.

M&A như một loại hình đầu tư trực tiếp sẽ chỉ có thể hoạt động vận hành tốt trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội ổn định, trong khung khổ pháp luật về dân sự ổn định, tiên liệu trước và phù hợp với các thông lệ quốc tế, cụ thể gồm có: các nguyên tắc giao kết hợp đồng, hiệu lực thực thi hợp đồng, quyền đăng ký và được đảm bảo về pháp nhân, tài sản, tác quyền, thương hiệu, sở hữu công nghiệp. Đối với nước ta, đây là lĩnh vực tuy còn yếu, nhưng hệ thống luật pháp và các định chế bảo đảm thực thi pháp luật đang ngày càng được hoàn thiện và tuân theo các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).

Thứ hai, sáp nhập, mua lại là hoạt động chuyển nhượng phần góp vốn và tài sản giữa các chủ sở hữu doanh nghiệp với nhau đa phần mang tính chất thuần túy dân sự, theo nguyên tắc tự nguyện và dựa vào thỏa thuận hợp đồng.

Tuy nhiên, thị trường M&A vẫn cần được giám sát và điều tiết bởi các quy định pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước. Có ý kiến cho rằng, từ phía Nhà nước, cần tập trung điều chỉnh sáp nhập, mua lại doanh nghiệp theo hai nhóm vấn đề sau:

(a) các quy định chung áp dụng cho tất cả các thương vụ M&A;

(b) các quy định riêng của từng ngành áp dụng đặc thù cho M&A của doanh nghiệp trong các ngành đó.

Trong nhóm vấn đề thứ nhất, hai nội dung chủ yếu cần chú ý là

(i) chống hạn chế cạnh tranh và

(ii) bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và minh bạch hóa giao dịch của các bên liên quan. Chống hạn chế cạnh tranh thông qua giao dịch sáp nhập, mua lại làm nảy sinh nhu cầu điều chỉnh sáp nhập, mua lại thông qua pháp luật cạnh tranh. M&A lại có thể gây biến đổi một cách bất lợi đối với cấu trúc cạnh tranh của thị trường khi hai công ty có quy mô lớn trong cùng một thị trường liên quan hay một chuỗi giá trị kết hợp với nhau để tạo ra một vị thế độc quyền trong phân khúc thị trường hay chuỗi giá trị đó.

Hành vi này được coi là “tập trung kinh tế”, về lý thuyết khi một công ty hoặc nhóm công ty nắm được 25% thị phần (theo Luật Cạnh tranh năm 2004 ở Việt Nam là từ 30%) là đã có thể có những hành vi mang tính độc quyền đối với toàn thị trường như đầu cơ, giảm sản lượng nhằm ép giá cao đối với nhà cung cấp hoặc nhà phân phối, hoặc bán phá giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Điều nghịch lý nằm ở chỗ việc mở rộng “lợi thế kinh tế nhờ quy mô” và tập trung vốn để tăng cường sức cạnh tranh, bành trướng thị phần lại chính là các lý do chính để doanh nghiệp đi đến quyết định thực hiện M&A. Các Mác đã nêu ra nghịch lý không thể đảo ngược là cạnh tranh làm phát sinh tập trung kinh tế, tập trung kinh tế lại tiêu diệt cạnh tranh. Một cách để hạn chế nghịch lý này là đưa vào trong chính sách bảo vệ cạnh tranh một cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế thật hiệu quả.

Trong một nền kinh tế, việc một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sẽ dẫn đến hạn chế cạnh tranh và nếu tồn tại doanh nghiệp có vị trí độc quyền thì chắc chắn sẽ dẫn đến thủ tiêu cạnh tranh.

Vì thế Nhà nước cần có cơ chế để kiểm soát các quá trình (đặc biệt là quá trình sáp nhập, mua lại) dẫn đến việc hình thành doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và minh bạch hóa giao dịch của các bên liên quan làm nảy sinh nhu cầu điều chỉnh sáp nhập, mua lại bằng pháp luật doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán. Bên cạnh đó, cũng cần phân tích những điều kiện mang tính thể chế và pháp lý, cùng các định chế nhà nước và tư nhân cần được xây dựng để thúc đẩy thị trường M&A nói chung phát triển lành mạnh và có hiệu quả để thấy rõ sự cần thiết phải điều chỉnh sáp nhập, mua lại.

Thị trường M&A chỉ có thể hình thành và hoạt động hiệu quả khi khung khổ pháp lý được xây dựng đồng bộ và có các cơ quan quản lý nhà nước tham gia giám sát, điều tiết các hoạt động M&A trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

Một lý do nữa chứng minh cho sự cần thiết phải thiết lập cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế với các giao dịch sáp nhập, mua lại là do những lợi ích kinh tế mà tập trung kinh tế đem lại không quá đương nhiên như người ta vẫn tưởng.

Khi đứng trước những dự án kinh tế mới, cần được đảm bảo rằng những dự án đó không có nguy cơ hạn chế cạnh tranh lâu dài hoặc vĩnh viễn, đồng thời phải có khả năng đem lại nhiều lợi ích, ví dụ như lợi thế trong cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, phải thiết lập các công cụ kiểm soát mang tính phòng ngừa đối với tập trung kinh tế là vì tập trung kinh tế có thể được sử dụng để phục vụ cho chủ nghĩa kinh tế theo Robert Thomas Malthus - chủ nghĩa kinh tế chủ trương hạn chế sản xuất.

(ST - www.vungocdung.info)

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến