/ /

Đào tạo luật sư ở Nhật Bản


Đào tạo luật sư ở Nhật Bản

Đào tạo luật sư ở Nhật Bản[14]

1.1. Nhật Bản là nước áp dụng chế độ tam quyền phân lập, gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội gồm Thượng nghị viện và hạ nghị viện; quyền hành pháp thuộc nội các (chính phủ) và quyền tư pháp thuộc toà án.

Ba quyền này can thiệp và tác động lẫn nhau nhằm giữ cân bằng, tránh sự lạm quyền giữa ba hệ thống cơ quan này.

Quyền Tư pháp ở Nhật Bản thuộc về Toà án tối cao và các toà án địa phương. Theo khoản 1 điều 76 Hiến pháp Nhật bản, toà án địa phương bao gồm tám toà án khu vực, 50 toà án địa phương, 50 toà án gia đình, 438 toà giản lược.

Ngoài ra, có hai tổ chức quan trọng khác, mặc dù không thuộc hệ thống toà án, nhưng cũng được coi là có quyền tư pháp là viện kiểm sát và hội luật sư.

Vì vậy, các chức danh tư pháp ở Nhật bản là thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Bởi lẽ đó, ở Nhật bản có câu “Nâng đỡ chế độ tư pháp là ba chức danh: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư”. Đây cũng có thể coi là quan niệm riêng của Nhật bản về các chức danh tư pháp.

1.2. Để trở thành người có chức danh tư pháp ở Nhật bản phải qua khoá đào tạo tại Học Viện Tư pháp nhật bản.

Ở nhật bản, việc đào tạo tư pháp được bắt đầu từ năm 1886. Sau khi chế độ phong kiến cuối cùng – Chế độ EDO- sụp đổ năm 1867, nước Nhật bước vào thời kỳ Minh Trị cách tân. Nước Nhật mở rộng cánh cửa ra thế giới, đặc biệt là các nước Âu- Mỹ. Nhiều thành tựu của thời kỳ này vẫn còn giữ được giá trị cho đến bây giờ, trong đó có hệ thống pháp luật và chế độ đào tạo chức danh tư pháp.

Trong thời kỳ đầu, từ năm 1886 đến 1922, việc đào tạo thẩm phán và kiểm sát viên được đào tạo theo chương trình riêng, đào tạo luật sư được đào tạo theo chương trình riêng. Việc thi tuyển những chức danh này cũng được tổ chức theo những chương trình riêng.

Từ năm 1923 đến năm 1946, Nhật Bản bắt đầu tổ chức kỳ thi chung cho các chức danh tư pháp. Tuy nhiên, chỉ có kỳ thi là được tổ chức chung, còn sau đó, các thẩm phán và kiểm sát viên tương lai được đào tạo chương trình riêng, học viên luật sư được đào tạo chương trình riêng.

Từ năm 1947 đến nay, các chức danh này không chỉ dự kỳ thi tư pháp quốc gia mà còn được đào tạo một chương trình chung giống nhau. Đây là kết quả quá trình nước Nhật nhận thức rằng để nâng cao chất lượng tư pháp, phải nâng cao một cách đồng đều chất lượng của tất cả các chức danh tư pháp mà không phải chỉ là thẩm phán hay kiểm sát viên.

1.3. Kỳ thi tư pháp quốc gia được tổ chức mỗi năm một lần, do Uỷ ban quản lý kỳ thi tư pháp của Bộ Tư pháp thực hiện. Đây cũng là một điểm đặc sắc trong việc tổ chức đào tạo các chức danh tư pháp ở Nhật Bản. Bởi lẽ Học Viện tư pháp thuộc Toà án tối cao, nhưng tổ chức thi tuyển lại do Bộ tư pháp thực hiện (theo chế độ tam quyền phân lập, Tòa án là cơ quan tư pháp, trong khi đó, Bộ Tư pháp lại thuộc cơ quan hành pháp). Những người Nhật hiện đại giải thích: quy định này có lẽ nhằm tạo một cơ chế kiểm soát chất lượng giữa các cơ quan khác nhau.

Để có thể tham dự kỳ thi tư pháp quốc gia, người dự thi cần phải nộp đơn. Đây là điều kiện duy nhất của người dự tuyển. Không có điều kiện nào khác, thậm chí không giới hạn về độ tuổi cũng như bằng cấp chuyên môn. Lịch sử thi tuyển các chức danh tư pháp cũng đã ghi nhận một thí sinh 12 tuổi thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia. Thậm chí, người có tiền án, tiền sự cũng có quyền tham gia kỳ thi tư pháp, dĩ nhiên là phải có mặt để dự thi. Bất kể ai cho rằng mình có thể thi đậu kỳ thi tư pháp quốc gia đều có quyền dự thi.

Việc không hạn chế điều kiện dự thi kỳ thi tư pháp quốc gia xuất phát từ quan điểm: nước Nhật cần người tài thực sự để có thể thực hiện tốt quyền tư pháp. Mà người tài thì có thể do được đào tạo, học hành, nhưng có thể là bằng con đường tự học, tự trưởng thành của người đó.

Thực tế, kỳ thi tư pháp quốc gia là một kỳ thi quá khó khăn (nhiều học viên tư pháp phải dự tới hơn 10 kỳ thi tư pháp quốc gia mới trúng tuyển), nên phần lớn thí sinh dự tuyển (nếu không nói là tất cả), đều có bằng cử nhân (có thể là cử nhân luật hoặc cử nhân một chuyên ngành khác). Người không có bằng cử nhân tham dự kỳ thi tư pháp quốc gia chỉ chiếm một số lượng rất ít (vài người trong một năm).

Dẫu sao, việc quy định điều kiện dự thi tư pháp quốc gia như hiện tại đã làm cho việc học đại học luật ở Nhật bản, xét về lý thuyết gần như chẳng cần thiết và không có ý nghĩa. Thực tế, ở Nhật bản đã có rất nhiều những cơ sở luyện thi cho kỳ thi tư pháp. dĩ nhiên, ở đây, người ta chỉ chú trọng ôn luyện kỹ thuật thi cử, chứ không dạy luật.

Hiện tại, người Nhật cũng nhận thấy sự bất hợp lý và thiếu khoa học trong cơ chế thi tuyển tư pháp. Mặt khác, để chương trình đào tạo Đại học luật và đào tạo các chứ danh tư pháp gắn kết với nhau, bắt đầu từ 2006, nước Nhật bắt đầu áp dụng điều kiện dự thi bắt buộc người dự thi phải có bằng cao học luật. Để có bằng cao học luật (thời gian học 2 năm), cần phải có bằng đại học luật hoặc một bằng đại học khác. Thực hiện kế hoạch cải cách này, bắt đầu từ tháng 4 năm 2004, nước Nhật sẽ có những Law School (trường luật) đầu tiên đào tạo cao học luật. Hai năm sau, năm 2006, nước Nhật sẽ có những Master luật đầu tiên dự kỳ thi tư pháp quốc gia. Bên cạnh đó, chế độ dự thi cũ vẫn tiếp tục được duy trì trong khoảng 5 năm, cho đến khi điều kiện dự thi mới có thể được áp dụng triệt để.

1.4. Kỳ thi tư pháp quốc gia có nhiều vòng thi, diễn ra gần như hết năm, do vậy để có khoá học viên tư pháp, kỳ thi tư pháp phải được tổ chức từ năm trước.

Vòng thi sơ khảo kiểm tra kiến thức pháp luật cơ bản là vòng thi đầu tiên dành cho những người không có bằng cử nhân. Hàng năm, kỳ thi tư pháp quốc gia chỉ có một vài thí sinh là phải dự tuyển vòng sơ khảo.

Vòng thi chính bao gồm:

1.4.1. Thi trắc nghiệm: có ba môn thi là Hiến pháp, Luật dân sự, Luật hình sự. Mỗi bài thi phải làm trong khoảng 3h đồng hồ. Kỳ thi thường được tổ chức vào ngày chủ nhật và thứ hai của tháng 5 trong năm.

Tỷ lệ thí sinh trượt vòng thi trắc nghiệm là rất lớn:

năm 2002 có 41.500 thí sinh đỗ 6.500 thí sinh

năm 2003 có 45.342 thí sinh đỗ 6.986 thí sinh

1.4.2. Thi viết bài luận: vòng này có năm môn thi gồm Hiến pháp, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật thương mại, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự. Mỗi môn phải viết hai bài.

Kỳ thi viết được tổ chức vào trung tuần tháng 7 hàng năm, thường trong các ngày từ ngày 17 đến ngày 20.

Tỷ lệ thí sinh qua vòng thi này như sau:

năm 2002 có 6.500 thí sinh đỗ 1.244 thí sinh

năm 2003 có 6.986 thí sinh đỗ 1.201 thí sinh

1.4.3. Thi vấn đáp là kỳ thi cuối cùng. Các môn thi vấn đáp cũng gồm 5 môn thi giống như kỳ thi viết. Mỗi môn có hai giám khảo.

Do các vòng thi đầu rất khó khăn, nên những thí sinh vào đến vòng thi vấn đáp đều là những thí sinh rất xuất sắc. Tỷ lệ người trượt ở vòng thi này rất ít:

năm 2002 có 1.244 thí sinh đỗ 1.183 thí sinh

năm 2003 có 1.201 thí sinh đỗ 1.170 thí sinh

Người thi trượt ở vòng thi vấn đáp có quyền chỉ phải thi lại vòng thi này (vấn đáp) vào kỳ thi tư pháp của năm tiếp theo, dĩ nhiên là người này vẫn có nguyện vọng tiếp tục dự thi tư pháp.

Người thi trượt ở các vòng thi khác thì phải tham dự lại toàn bộ các vòng thi từ đầu. Không có hạn chế nào cho số lần dự thi kỳ thi tư pháp quốc gia. Việc một người phải qua 8 đến 10 kỳ thi tư pháp quốc gia mới trúng tuyển không phải là chuyện hiếm ở Nhật Bản.

Trong chương trình đổi mới đào tạo tư pháp tại Nhật bản, áp dụng từ 2006, kỳ thi tư pháp quốc gia chỉ có một vòng thi, gồm thi trắc nghiệm và thi vấn đáp được tổ chức một lần.

Thường thì người trúng tuyển sẽ tham dự ngay khoá đào tạo của học viện tư pháp. Nhưng cũng có người nhiều năm sau mới tham dự khoá học. Có người sau khi nghỉ hưu mới bắt đầu tham dự khoá học. Nghĩa là kết quả của kỳ thi tư pháp quốc gia có giá trị bảo lưu suốt đời.

1.5. Học viện tư pháp thuộc Toà án tối cao Nhật Bản thực hiện thời gian đào tạo cho một khóa là 18 tháng, phân bổ như sau:

3 THÁNG HỌC TẠI TRƯỜNG

12 THÁNG THỰC TẬP

3 THÁNG HỌC TẠI TRƯỜNG

THI TỐT NGHIỆP

3 tháng thực tập xét xử hình sự

3 tháng thực tập kiểm sát

3 tháng thực tập luật sư

3 tháng thực tập xét xử dân sự

Đặc điểm chung của chương trình đào tạo là đây là một chương trình đào tạo chung. Trong suốt quá trình học, học viên sẽ chưa biết mình sau khi tốt nghiệp, sẽ là thẩm phán, luật sư hay kiểm sát viên. Tất cả các kỹ năng của cả ba chức danh này đều được học như sau. Quy định này xuất phát từ quan niệm cho rằng, để nền tư pháp phát triển, trình độ và năng lực của ba chức danh tư pháp là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải đồngđều, phải được đào tạo trong một điều kiện như nhau.

Một điểm nữa là học viên học viên tư pháp được nhận lương từ Nhà nước. Nước Nhật quan niệm đây là những người sẽ góp phần bảo vệ nền công lý, bảo vệ sự ổn định của xã hội, sự phát triển của đất nước, vì vậy những học viên của Học viên tư pháp được coi là những công chức dự bị và họ được hưởng mức lương của công chức dự bị.

Tất nhiên, một bộ phận người Nhật không hài lòng với chế độ lương bổng của học viên Học viện tư pháp. Những người này cho rằng, đối với những người sẽ trở thành thẩm phán và kiểm sát viên thì có thể được hưởng lương trong thời gian đào tạo, nhưng những người sẽ là luật sư sẽ hành nghề tự do, họ kiếm tiền cho bản thân họ thì xã hội không thể trả tiền cho việc đào tạo họ. Nhưng đại bộ phận người dân Nhật thì vẫn cho rằng mặc dù luật sư là một nghề tự do, nhưng đó là một nghề đặc biệt, vì mục tiêu của nghề này không phải là lợi nhuận mà là các lợi ích công, đảm bảo cho nền công lý được thực thi. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, nước Nhật vẫn trả lương cho tất cả các học viên tư pháp và người ta sử dụng khái niệm “công chức dự bị” để chỉ các học viên tư pháp.

Chỉ đến khi tốt nghiệp, căn cứ vào kết quả học tập, học viên của Học viện tư pháp mới xác định được nghề nghiệp của mình. Khoảng trên dưới 100 học viên của mỗi khóa đào tạo có thành tích học tập cao nhất sẽ được lựa chọn về Toà án và sẽ trở thành thẩm phán thông qua thủ tục bổ nhiệm. Một số lượng cũng tương tự sẽ trở thành kiểm sát viên. Các số lượng này tương đối ổn định, ít có biến động lớn qua các năm, căn cứ vào số thẩm phán, kiểm sát viên nghỉ hưu hàng năm.

Để lựa chọn được số lượng người trở thành thẩm phán, kiểm sát viên, ngoài việc căn cứ vào thành tích học tập, còn phải căn cứ vào chính nguyện vọng của người được lựa chọn và họ phải qua một kỳ phỏng vấn trước khi chính thức có quyết định tiếp nhận.

Số còn lại sẽ hành nghề luật sư. Với số lượng người học, hàng năm Học viện Tư pháp Nhật Bản cung cấp hàng nghìn luật sư cho xã hội. Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu của nước Nhật về luật sư vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa. Hàng năm, nước Nhật vẫn cần hơn một nghìn người cho cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và luật sư.

Dù đối tượng đầu vào, thời gian đào tạo có những thay đổi nhất định nhưng một điều không hề thay đổi, tính từ gần một trăm năm nay, ba chức danh Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được đào tạo chung trong một hệ thống đào tạo.

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến