/ / / /

ĐỒNG HỒ LIÊN XÔ - RAKETA


ĐỒNG HỒ LIÊN XÔ - RAKETA

ĐI TÌM THỜI GIAN CỦA LIÊN XÔ

Đầu thế kỷ trước, học giả Phan Khôi đã giải thích cho độc giả Phụ nữ Tân văn nguyên do mà người Tây làm ra cái đồng hồ “…một nghĩa tiếc thì giờ, một nghĩa sắm vật ra để lợi dụng, mà người Tây mới chế ra cái đồng hồ.” Rồi cụ nói thêm về cái ưu việt của đồng hồ Tây :”Đằng nầy, không có đồng hồ thì thôi; đã có đồng hồ thì cũng phải cho đúng. Ấy là cái đồng hồ của người Tây.”. Rồi trong “Tắt đèn”, cụ Ngô Tất Tố cũng để cho Nghị Quế nói một câu “bất hủ”:”Đồng hồ Tây có bao giờ sai”. Đấy nhé, từ hơn trăm năm nay rồi, người Việt Nam ta đã có ý thức rất tôn trọng “đồng hồ Tây”, đến mức giờ này khi hỏi bất cứ ai về đồng hồ đeo tay, hay để bàn, hay treo tường, ít ai mà nhớ được một thương hiệu nào đó của ta. Ngày nay thì đồng hồ Thụy Sĩ, Nhật Bản… ê hề, còn ngày trước, tức là vào thời bao cấp ấy, đồng hồ Liên xô là “đầu bảng”. Ngày đó, những Poljot, Slava, Raketa, Cornavin, Zaria, Luch…là niềm mơ ước của không biết bao người. Đồng hồ Liên xô phổ biến tới mức ngay tại Cửa Nam, người ta đã mở hẳn một “Trạm bảo dưỡng đồng hồ Liên xô”

ĐỒNG HỒ LIÊN XÔ TỐT HƠN ĐỒNG HỒ NƯỚC NÀO?

Đọc dòng chữ trên, chắc hẳn nhiều người cười nụ mà nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Việt Phương trong tập “Cửa mở” thời chống Mỹ:”Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ.”.
Chưa bàn đến đồng hồ Thụy Sĩ danh bất hư truyền, ở đây xin mạo muội bàn về đồng hồ Liên xô.
Ngày trước ở Liên xô có nhiều nhà máy sản xuất đồng hồ. Trong đó có tiếng nhất là nhà máy đồng hồ Matxcơva số 1 với sản phẩm là đồng hồ trứ danh Poljot mà dân ta vẫn gọi dân dã là Pôn-dốt (!). Sau đó là nhà máy đồng hồ số 2 sản xuất đồng hồ Slava (đeo tay và để bàn), nhà máy Chistopol sản xuất đồng hồ Vostok, nhà máy Cheliabinsk với dòng đồng hồ để bàn nổi tiếng Molnia, nhà máy Petrodvorets sản xuất đồng hồ Raketa…Đáp ứng thị trường trên 250 triệu dân và xuất khẩu, có thể hình dung ra công suất của các nhà máy đồng hồ Liên xô thời đó “khủng khiếp’ ra sao.
Chất lượng đồng hồ Liên xô như thế nào, điều này nhiều người có ý kiến khác nhau. Có thể ai đó còn chê hình thức chưa bắt mắt, nhưng tựu trung, nhiều người dân Việt Nam vẫn hay dùng từ ‘nồi đồng cối đá’ khi nói đến dụng cụ đo thời gian này của đất nước Liên xô vĩ đại. Hungmgmi khi đang là sinh viên năm thứ nhất (năm 1986) đã "mạnh dạn" mua tặng phụ huynh một chiếc đồng hồ Komandirskie (Chính ủy) tại Matxcơva để ông thay chiếc đồng hồ Thụy sĩ SANDOZ mua tại Sài Gòn năm 1975 cứ chạy khặc khừ. Ông đeo chiếc đồng hồ này đến đầu thập kỷ 90 thì bỏ, chuyển sang đeo Seiko-5 chém cạnh cho hợp thời trang. Chiếc đồng hồ Chính ủy bị bỏ quên đâu đó trong tủ suốt hơn 15 năm liền, lẫn với những quần áo và vô số đồ lặt vặt khác. Khi tôi tìm thấy mới đây, chiếc đồng hồ vẫn sáng bóng lớp mạ vàng vỏ lẫn chữ số, lên giây là chạy ngay tăm tắp, như chưa hề trải qua mười mấy năm bị lãng quên trong một môi trường nóng ẩm ở xứ này. Đeo mấy tháng, chiếc “Komandirskie” đến nay vẫn chạy trơn tru, không sai lấy một phút. Khi tôi đem chuyện này đi kể với một thợ chữa đồng hồ lâu năm trước cửa Chợ Hôm chuyên buôn bán sửa chữa đồng hồ Liên xô, ông cười và bảo chuyện đó chẳng có gì ngạc nhiên. Đồng hồ Liên xô vẫn được nhiều người tín nhiệm về độ bền và chính xác.
Xin mở ngoặc đôi chút về chiếc đồng hồ “Chính ủy” kể trên. Đối với dân chơi đồng hồ cũ của Nga và các nước hiện nay, họ vẫn coi mác đồng hồ này là một trong những “huyền thoại của Liên xô”, thậm chí có người còn nói quá lên rằng nó là một trong những “biểu tượng của nước Nga” giống như Matrioska và súng trường Kalashnikov. Năm 1965, Bộ quốc phòng Liên xô đặt hàng nhà máy đồng hồ Chistopol sản xuất dòng đồng hồ đặc biệt chống nước, chống va đập dành cho các chính ủy và các sĩ quan cao cấp trong quân đội Xô viết. Dòng đồng hồ này mang tên “Komandirskie”-Chính ủy. Phía bên dưới mặt đồng hồ bao giờ cũng có dòng chữ nhỏ”Theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng Liên xô”. Độ bền và sự chính xác của loại đồng hồ này đã tự thân khẳng định giá trị vượt trội của nó. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ở phương Tây người ta đã bắt đầu săn lùng đồng hồ “Komandirskie”. Đặc biệt, trong chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq, Bộ quốc phòng Mỹ đã lặn lội sang Nga đến nhà máy Chistopol để đặt hàng 10.000 chiếc đồng hồ“Komandirskie” có dấu hiệu riêng để binh lính và sĩ quan sử dụng trong điều kiện khắc khổ của chiến trường nơi đây.

Sau này, khi đi tìm hiểu sâu hơn, tôi mới biết rằng các tay thợ lão luyện của TP.HCM và Hà Nội khi “chế” những chiếc ROLEX để bán cho dân chơi và dân du lịch Tây, họ đều dùng ruột là đồng hồ… Liên xô. Đồng hồ chạy vẫn luôn chuẩn, máy móc vẫn sáng coong, thậm chí được dập, khắc thêm chữ tiếng Anh nữa, ai bảo đây không phải là… đồng hồ Thụy Sĩ?
Còn nữa, trong một bài báo của mình, một chuyên gia đồng hồ khá nổi tiếng ở phương Tây tên là Walt Odets đã không tiếc lời khen ngợi đồng hồ Cornavin với phần cơ do Nhà máy đồng hồ số 1 Matxcơva sản xuất (máy Poljot 2614). Ông nói rằng chiếc đồng hồ này hoàn toàn có thể so sánh ngang với Rolex Explorer Ref. 14270.
Xem ra, đồng hồ Liên xô cũng đâu có kém cạnh ai trên thị trưòng thế giới?

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến