/ / /

Lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi trong ngân hàng của Huỳnh Thị Huyền Như


Lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi trong ngân hàng của Huỳnh Thị Huyền Như

Lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi trong ngân hàng của Huỳnh Thị Huyền Như

Từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên là Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Vietinbank chi nhánh TP.HCM), thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Chứng khoán Phương Đông, đã vay tiền với lãi suất cao của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để kinh doanh chứng khoán và bất động sản.

Đến  năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như mất khả năng thanh toán với số tiền rất lớn nên đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo để huy động vốn vay của các Ngân hàng, các đơn vị để thanh toán cho các khoản nợ này. Thủ đoạn phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn như sau:

Lừa  đảo,  huy  động  tiền  gửi  của  Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB)

Khoảng tháng 5/2011, lãnh đạo Ngân hàng MSB chủ trương cấp vốn tín dụng, ủy thác cho một số đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đầu tư Phúc Vinh (Công ty Phúc Vinh); Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát) và Công ty cổ phần  Thương  mại  &  Đầu  tư  Hưng  Yên (Công ty Hưng Yên), gửi vào Vietinbank để lấy lãi suất cao, Huỳnh Thị Huyền Như, với sự giúp sức của Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, đã lập 72 hợp đồng giả về tiền gửi có kỳ hạn, mang danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (bằng cách ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn - Giám đốc hoặc của Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc; dùng con dấu giả Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đóng vào hợp đồng) để nhận tiền gửi từ 3 công ty tổng số tiền là 2.501 tỷ đồng, lãi suất từ 18%-23% năm (cao hơn lãi suất trần quy định từ 4-9% năm).

Huỳnh Thị Huyền Như

Sau khi 3 công ty chuyển tiền vào tài khoản (do Như mở) tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các lệnh chi giả (về nội dung, chữ ký, con dấu) của các chủ tài khoản này (3 công ty). Lợi dụng quyền được phép ký chuyển tới 50 tỷ đồng, Như chuyển tiền vào tài khoản một số cá nhân và doanh nghiệp, là: Công ty Phụng Thủy (hơn 722 tỷ đồng); Công ty Dung Vân (gần 385 tỷ đồng); Công ty Hoàng Khải (hơn 240 tỷ đồng)… Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như đã thanh toán nợ cá nhân cho 3 Công ty 903 tỷ đồng; chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng (của các công ty: Công ty Phúc Vinh gần 609 tỷ đồng; Công ty Thịnh Phát gần 789 tỷ đồng; Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng).

Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB)

Cũng với thủ đoạn huy động tiền gửi cao hơn lãi suất quy định, Huỳnh Thị Huyền Như lập 20 hợp đồng tiền gửi, trình lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận gửi 1.190 tỷ đồng của Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS); 10 hợp đồng tiền gửi trình lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận gửi 470 tỷ đồng của Công ty An Lộc. Đây là các Hợp đồng thật với mức lãi suất theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; phần lãi suất chênh lệch được Như thỏa thuận trả ngoài. Ngoài ra, Như đã làm giả chữ ký của ông Hà Anh Tuấn và con dấu Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lập 04 hợp đồng tiền gửi mang tên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè số tiền 100 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đức Minh Quang và 100 tỷ đồng tiền gửi của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, với lãi suất 18% năm.

Trong số tiền ORS gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã chuyển trả nợ cho Công ty Thịnh Phát 150 tỷ đồng bằng cách không chuyển số tiền này vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn (theo Hợp đồng tiền gửi đã được ký kết) mà làm 04 Lệnh chi điện tử để chuyển vào tài khoản Công ty Thịnh Phát. Đồng thời, Như thay trang giữa hợp đồng, rút thời hạn tiền gửi từ 3-6 tháng xuống còn 1 tháng để tất toán trước hạn đối với số tiền là 230 tỷ đồng và khi số tiền này được chuyển lại tài khoản không kỳ hạn của ORS tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã làm các Lệnh chi điện tử chuyển trả nợ cho Công ty Phúc Vinh 130 tỷ đồng; trả nợ cho Công ty cổ phần Đức Minh Quang 100 tỷ đồng. Như vậy, trong số tiền ORS gửi, Như đã chiếm đoạt tổng cộng 380 tỷ đồng.

Đối với số tiền 470 tỷ đồng mà Công ty An Lộc gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã dùng thủ đoạn làm giả Lệnh chuyển tiền (giả chữ ký của ông Nguyễn Hữu Chương và dấu của Công ty An Lộc) để chuyển 50 tỷ đồng trả nợ cho Công ty Thịnh Phát và chuyển 120 tỷ đồng trả nợ cho Công ty Phúc Vinh số tiền Như đã lừa đảo chiếm đoạt trước đó. Cùng với số tiền 380 tỷ đồng đã chiếm đoạt được của ORS; tổng số tiền Như đã chiếm đoạt của TPB là 550 tỷ đồng.

Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Lợi dụng chủ trương của Lãnh đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao và Ngân hàng ACB đang cần tiền để thanh toán các khoản nợ, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập 32 hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền là 668,908 tỷ đồng của 17 cá nhân tại Ngân hàng ACB để lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận (các cá nhân này gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng hợp đồng tiền gửi, không lấy thẻ tiết kiệm). Lợi dụng việc làm không đúng quy trình nghiệp vụ; do nể nang của một số cán bộ, nhân viên dưới quyền, Như giả chữ ký của người vay, người bảo lãnh để thế chấp vay 254,6 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ; 202,44 tỷ đồng tại Phòng  giao  dịch  Đinh  Tiên  Hoàng  (tổng cộng 457,04 tỷ đồng), chuyển vào tài khoản của 28 cá nhân để chiếm đoạt. Còn 194,858 tỷ đồng, Như đã tất toán trước hạn chuyển tiền về tài khoản thanh toán của các cá nhân Ngân hàng ACB; sau đó làm Lệnh chi, giả chữ ký của chủ tài khoản chuyển cho một số công ty và cá nhân để chiếm đoạt.

Với sự giúp sức của Võ Anh Tuấn, Như đã làm 02 hợp đồng mang danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu Vietinbank chi nhánh Nhà Bè trên hợp đồng) để nhận gửi 50 tỷ đồng do Ngân hàng ACB ủy thác. Như đã làm Lệnh chi, giả chữ ký của một số cá nhân, chuyển số tiền cho các cá nhân và công ty theo chỉ đạo của Như để chiếm đoạt.

Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng Nam Việt (NaViBank)

Lợi dụng chủ trương cho nhân viên vay tiền gửi tại Vietinbank lấy lãi suất chênh lệch trả thêm từ 2% đến 8,5% năm, thanh toán bằng tiền mặt ngay sau khi ký hợp đồng, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 47 hợp đồng tiền gửi bằng cách ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để nhận toàn bộ số tiền 1.543 triệu đồng của 14 cá nhân. Sau khi tất toán xong cả gốc và lãi (số tiền gốc 1.043 triệu đồng) còn 500 tỷ đồng, Như đã chuyển gửi tiếp tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng 18 hợp đồng tiền gửi do Lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký. Như làm các Lệnh chi giả (giả chữ ký chủ tài khoản) để chuyển tiền đến tài khoản của một số cá nhân, tổ chức để chiếm  đoạt.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, Như đã tất toán được 12 hợp đồng; còn 200 tỷ trên 6 hợp đồng tiền gửi của 4 cá nhân đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP.HCM (VIB HCM)

Từ ngày 05/07/2011 đến ngày 08/9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập giả 12 hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mang tên 12 đối tượng là những người giúp việc cho Như với số tiền là 292,2 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Như, 12 đối tượng nêu trên mang các hợp đồng giả đến VIB HCM để thế chấp vay 180 tỷ đồng. Với sự giúp đỡ của Huỳnh Hữu Danh là cán bộ tín dụng của VIB HCM, số tiền này đã được chuyển đến các tài khoản theo sự chỉ đạo của Như và Như đã chiếm đoạt toàn bộ.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp

Lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động tiền gửi trả lãi cao hơn lãi suất huy động tiền gửi được Ngân hàng Nhà nước quy định, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (giả chữ ký, con dấu), ký nhận tiền gửi của 4 công ty: Công ty TNHH ZenPlaza TP.HCM (số tiền 45 tỷ đồng; trả lãi suất 32% năm); Công ty Chứng khoán Saigonbank Bergaya (số tiền 220 tỷ đồng; trả lãi suất 32,8% năm); Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (125 tỷ đồng, trả lãi suất 36% năm); Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (số tiền 80 tỷ đồng, lãi suất 18% năm). Tuy vậy, Huỳnh Thị Huyền Như đã không thực hiện đúng cam kết (chuyển số tiền trên vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), mà yêu cầu các công ty chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân theo yêu cầu của Như. Bằng thủ đoạn này, Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền là 470 tỷ đồng.

Ngày 28/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố 26 bị can trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn phạm tội; ngày 07/10/2012 bắt tạm giam Huỳnh Thị Huyền Như (thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông) để điều tra làm rõ về các hành vi: vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; cho vay nặng lãi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu Cơ quan điều tra đã chứng minh Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Nhà Bè, chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng (của 5 Ngân hàng TMCP và 4 công ty). Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là bài học đắt giá trong quan hệ giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại và trong đời sống xã hội.

Tạ Văn Hồ

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến