/ / / / /

Luật sư Việt Nam - Viên gạch nhỏ phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam


Luật sư Việt Nam - Viên gạch nhỏ phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng
Nhân số chuyên đề về giáo dục – đào tạo cho lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, một trong những nhà giáo dục trẻ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lãnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Quản trị chuỗi cung ứng có thể xem là một ngành “hot” tại Việt Nam. Thuật ngữ này cũng là đề tài luôn “nóng” trong các buổi họp tại các công ty. Nguồn lực cho bộ phận này là yếu tố quyết định sự thành bại cho chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp. Người lãnh đạo còn là người thầy, người hướng dẫn của nhân viên, đặc biệt là nhân viên mới ra trường. Thầy đánh giá thế nào về vai trò của những người thầy này tại các công ty? Ở một mức độ nhất định thì những người quản lý trực tiếp tại các doanh nghiệp, trước hết không chỉ là những người truyền đạt kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng mà họ còn đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung trong lĩnh vực này. Thực tế là có rất nhiều nhà quản lý đã được đào tạo đầy đủ và bài bản từ các trường đại học trong và ngoài nước. Hơn nữa, trong quá trình làm việc họ cũng được tham gia vào những chương trình đào tạo riêng của doanh nghiệp. Do đó, với sự kết hợp giữa kinh nghiệm và sự tinh thông trong lĩnh vực cụ thể, những nhà quản lý này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức phù hợp cho những nhân viên mới vào làm việc; đặc biệt là các sinh viên vừa tốt nghiệp. Dĩ nhiên, mức độ đào tạo có thể sẽ không thể đầy đủ như các chương trình trong trường đại học do tính chất bắt buộc trong học tập không cao. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự sẵn sàng chia sẻ của nhà quản lý, năng lực và nỗ lực học tập của nhân viên, môi trường làm việc,…   Việc trang bị những kiến thức tại trường là nền tảng rất cơ bản nhưng cũng rất quan trọng, đặc biệt là ngành quản trị chuỗi cung ứng đòi hỏi rất khoa học và cũng rất nghệ thuật này, các người thầy phải cập nhật kiến thức thực tế như thế nào thưa Thầy? Theo tôi, điều này phụ thuộc vào nỗ lực bản thân của những người thực hiện công tác giảng dạy và từ phía trường đại học. Các thầy cô sẽ phải luôn cập nhật thông tin và tự nâng cao trình độ trong lĩnh vực ngành nghề mình đào tạo, thông qua nhiều kênh khác nhau. Ví dụ như tham dự những buổi hội thảo chuyên đề và các khóa đào tạo nâng cao liên quan, tham gia mạng lưới những nhà nghiên cứu khoa học và các tổ chức chuyên ngành. Công tác nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ bắt buộc của các thầy cô. Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn, các thầy cô sẽ có điều kiện ứng dụng và cập nhật kiến thức trong những lĩnh vực của mình. Trường đại học cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc cung cấp những chương trình đào tạo phù hợp và thực hiện những dự án đặt hàng từ những doanh nghiệp này. Sự kết hợp này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế từ phía doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội cho các giảng viên cập nhật kiến thức và có những điều chỉnh phù hợp trong nội dung giảng dạy. Ngoài ra, thông qua những chương trình trao đổi hợp tác giáo dục với các trường đại học trong và ngoài nước và các viện nghiên cứu, các thầy cô cũng có cơ hội chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt với những chuyên gia và giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước.   Có thể ví, để nấu một món ngon thì cần nguyên liệu thực phẩm tốt. Và với giảng dạy, nguyên liệu tốt chính là giáo trình. Thầy đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng giáo trình quản trị chuỗi cung ứng ở Việt Nam thiếu tính thực tế khi sao chép các mô hình của nước ngoài? Không hẳn là như vậy vì ở một góc độ nhất định thì quản trị chuỗi cung ứng là môn khoa học ứng dụng cho nên dù ở những môi trường hay điều kiện khác nhau thì việc ứng dụng cũng phải dựa vào nền tảng chung của môn khoa học này trong phương pháp luận, nguyên tắc và nguyên lý cơ bản, cơ sở tính toán, các mô hình và bài toán tối ưu,… Ngay cả ở những quốc gia đã phát triển thì việc ứng dụng cũng phải dựa vào nền tảng chung này và có sự điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và môi trường ứng dụng thực tế. Việt Nam là quốc gia đang phát triển thì những ràng buộc và hạn chế trong việc ứng dụng những mô hình nước ngoài khá lớn, do đó đòi hỏi phải có sự linh hoạt và sáng tạo khi triển khai. Do đó, các giáo trình về quản trị chuỗi cung ứng cần bổ sung thêm những trường hợp điển hình tại Việt Nam và những nghiên cứu riêng trong môi trường Việt Nam để có thể đem lại sự thành công nhất định khi triển khai các mô hình tại Việt Nam. Việc chỉnh sửa và bổ sung giáo trình là một quá trình liên tục và lâu dài tuy nhiên vẫn phải dựa trên những nền tảng chung của khoa học.   Cuốn sách thuật ngữ về Quản Trị Chuỗi Cung Ứng và Logistics năm 2007 và cuốn sách Quản Trị Chiến Lược Chuỗi Cung Ứng năm 2008 do Thầy và các cộng sự tham gia biên dịch là một trong những cuốn sách đầu tiên và là nguồn tham khảo hữu ích cho những người tác nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam; Thầy có thể chia sẻ về dự án này? À, câu hỏi này thật là thú vị. Tôi đã tham gia cùng với các cá nhân khác biên dịch hai cuốn sách này, lúc đó đều có một suy nghĩ chung là làm thế nào để phổ biến những kiến thức phức tạp và khó hiểu trong lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở mức độ cơ bản và có thể ứng dụng thực hành, khi mà việc nhìn nhận lĩnh vực này tại nước ta vẫn còn khá mới mẻ. Hơn nữa, khi Việt Nam đã chính thức gia nhập tổ chức WTO vào năm 2007, nền kinh tế chúng ta đã chính thức hội nhập với nền kinh tế thế giới và các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Theo chúng tôi, kiến thức về quản trị chuỗi cung ứng là rất cần thiết cho các doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm trong bối cảnh này, đặc biệt khi mà môi trường cạnh tranh ngày càng diễn ra gay gắt và mức độ rủi ro trong kinh doanh cao không chỉ ở phạm vi quốc gia mà cả trên phạm vi toàn cầu. Ban biên dịch và hiệu đính của chúng tôi đều là những cá nhân có kinh nghiệm và rất tâm huyết trong lĩnh vực này, tất cả đều chỉ có một mong muốn là đặt một viên gạch nhỏ vào việc phổ biến kiến thức chuyên ngành này tại Việt Nam. Chúng tôi hi vọng hai cuốn sách này sẽ là những cuốn cẩm nang hữu ích cho các độc giả từ những bạn đọc thông thường đến những nhà quản trị tại Việt Nam.   Về nguồn nhân lực, tài sản của một doanh nghiệp, Thầy dự đoán công tác đào tạo nhân lực cho ngành quản trị chuỗi cung ứng Việt Nam sẽ có thay đổi gì trong những năm tới? Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng là khá lớn trong khi nguồn nhân lực với kiến thức đầy đủ và được đào tạo bài bản còn thiếu hụt nhiều. Hơn nữa, nhu cầu bổ sung kiến thức trong lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng từ phía cá nhân người học cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo tôi, trong vòng 5 năm tới, các trường đại học với những chuyên ngành liên quan chắc chắn sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chương trình đào tạo để đáp ứng sự thiếu hụt nhu cầu này, tuy nhiên vẫn chưa thể tạo ra một tác động đáng kể vì vẫn còn gặp nhiều khó khăn chung trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo. Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay cũng xuất hiện khá nhiều các trung tâm đào tạo ngắn hạn có liên kết với các tổ chức nước ngoài, các công ty tư vấn cung cấp những khóa đào tạo về quản trị chuỗi cung ứng. Đây cũng là nguồn bổ sung đáng kể cho nhu cầu nhân lực trong 5 năm sắp tới.   Và câu hỏi cuối cùng, với tư cách một người thầy trẻ, tâm huyết với nghề, thầy có chia sẻ gì thêm với độc giả VSCI? Kiến thức về lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng rất rộng lớn khi mà bản thân phạm vi môn khoa học này cũng cho thấy sự đa dạng ở các mảng khác nhau và những ứng dụng trong thực tế. Theo đuổi lĩnh vực này, cá nhân cần có sự đam mê, tìm tòi, học hỏi, ứng dụng thực tế và sự chia sẻ trong cộng đồng. Tạp chí VSCI là một trong những kênh thông tin và chia sẻ kiến thức rất phù hợp trong lĩnh vực này, đặc biệt có những bài viết rất phù hợp với môi trường ứng dụng tại Việt Nam. Cám ơn tạp chí về buổi phỏng vấn này để được chia sẻ những ý kiến cá nhân về lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng.   Chân thành cảm ơn và kính chúc thầy sức khỏe, thành công và hạnh phúc! VSCI

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến