Luật sư Vũ Ngọc Dũng - Truyền hình VITV- Tổng kết FDI 2011 (Phần 1)
FDI năm 2011 và giải pháp đột phá (28-02-2012 14:40:17)
TCTC Online - Bên cạnh các đóng góp to lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong phát triển KT-XH đất nước, tình trạng sụt giảm thu hút vốn FDI đăng ký mới và không có tăng trưởng lớn trong vốn FDI thực hiện là một hiện tượng không bình thường. Để tạo bước đột phá trong thu hút FDI giai đoạn tới, cần tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, xây dựng và thực hiện các kế hoạch thu hút và sử dụng FDI.
Kết quả thu hút FDI năm 2011 và những vấn đề nổi lên
Năm 2011, thu hút FDI cả đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 14,7 tỷ USD, giảm 26% so với năm 2010, trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2010 (Bảng 1). So với chỉ tiêu thu hút 20 tỷ USD vốn FDI đặt ra thì con số thực tế vào cuối năm đã không đạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phải đối mặt với vô vàn khó khăn thì đây cũng là một kết quả không tồi. FDI đã trở thành một trong những nguồn vốn ngày càng quan trọng, bổ sung cho vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2011, vốn FDI giải ngân đạt tới 11 tỷ USD, đóng góp gần 26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,3% so với năm 2010. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 47,2 tỷ USD. Nhập khẩu của khu vực FDI là 47,8 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm 2010. Thu nội địa từ khu vực FDI đã có sự khởi sắc đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD).
Bảng 1: Thu hút FDI năm 2011 theo ngành
(Tính từ 01/01/2011 đến 20/12/2011)
TT
Ngành
Số dự án cấp mới
Vốn đăng ký cấp mới (triệu USD)
Số lượt dự án tăng vốn
Vốn đăng ký tăng thêm (triệu USD)
Vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm (triệu USD)
1
Công nghiệp chế biến, chế tạo
434
5.220,85
283
1.903,02
7.123,87
2
Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa
5
2.525,66
2
2,55
2.528,21
3
Xây dựng
140
1.033,18
16
219,12
1.252,30
4
Kinh doanh BĐS
22
741,63
7
103,98
845,61
5
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
19
252,78
2
222,01
474,80
6
Thông tin và truyền thông
70
495,75
10
390,15
885,90
7
Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa
154
414,03
15
14,47
428,49
8
Cấp nước; xử lý chất thải
3
323,21
1
323,21
9
Hoạt động chuyên môn, KHCN
156
248,13
15
13,53
261,66
10
Nghệ thuật và giải trí
9
14,81
1
138,18
152,99
11
Nông, lâm nghiệp; thủy sản
20
61,93
10
68,83
130,76
12
Dịch vụ khác
11
45,59
5
34,35
79,94
13
Vận tải kho bãi
19
49,12
4
25,82
74,94
14
Khai khoáng
2
31,40
31,40
15
Y tế và trợ giúp xã hội
2
22,00
22,00
16
Giáo dục và đào tạo
14
7,67
1
0,10
7,76
17
Hành chính và dịch vụ hỗ trợ
5
3,55
2
1,30
4,85
Tổng số
1.085
11.491,28
374
3.137,40
14.628,68
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tính đến hết năm 2011, Việt Nam có 13.667 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 24 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Bảng 2: Vốn đăng ký và vốn thực hiện giai đoạn 2006 –2011
(Đơn vị: tỷ USD)
Năm
2006
2007
2008
2009
2010
2011
Vốn đăng ký
12
21
71
22
18
14,6
Vốn thực hiện
4,1
8,0
11,5
10,0
11,0
11,0
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về thu hút và giải ngân vốn FDI, quá trình thu hút và giải ngân nguồn vốn FDI trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay nổi lên một số vấn đề sau:
Một là, vốn đăng ký cấp mới suy giảm dần từ 2008 đến nay. Điều đáng lưu ý là số liệu thống kê về vốn thực hiện chỉ có tổng số và không phân được chi tiết theo ngành nên không thể đánh giá đúng thực trạng và năng lực hấp thụ vốn FDI của từng ngành. Vốn thực hiện năm 2011 còn thấp hơn năm 2008.
Hai là, đóng góp của khối DN có vốn FDI vào GDP cũng không có tăng trưởng lớn (tăng chưa đến 2% kể từ năm 2006). Bên cạnh đó, tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có giảm so với 2008 (Bảng 3).
Ba là, tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế của FDI trước và sau giai đoạn 2006-2010 không lớn, đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp quá nhỏ bé và tiếp tục giảm. Năm 2011, vốn đăng ký đầu tư vào nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm xuống con số 1% - thấp nhất từ trước đến nay. Đầu tư vào công nghiệp và xây dựng cũng giảm hơn so với năm 2006 (từ 69% năm 2006 xuống còn 58% trong 2011). Đầu tư vào bất động sản không ổn định. Trong năm 2011, đầu tư vào bất động sản giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2007, chỉ đạt trên 800 triệu USD. Một số dự án đăng ký đầu tư vào bất động sản trong các năm trước, đặc biệt là các năm 2007, 2008, nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay đã không có khả năng triển khai, một số đã bị rút giấy phép.
Bảng 3: Đóng góp của khu vực FDI vào GDP
Năm
Đóng góp của khu vực FDI vào GDP (%)
Vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (%)
2006
16,98
16,3
2007
17,96
16,0
2008
18,43
29,8
2009
18,33
25,7
2010
18,72
25,8
Kế hoạch năm 2011
19,00
26
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Một số tồn tại trong quản lý FDI cần khắc phục
Những vấn đề nổi lên trong thu hút FDI giai đoạn 2008-2011 đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại, xác định rõ những yếu kém trong công tác thu hút và quản lý FDI của việt Nam để tìm ra hướng khắc phục. Có thể kể ra một số tồn tại sau:
Một là: thiếu định vị cụ thể về vị trí, thị phần, tỷ lệ tham gia của FDI trong các quy hoạch ngành, vùng và sản phẩm, tự tạo ra các khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư, sai phạm trong thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư; cấp phép cho các dự án chưa đủ tính khả thi; phá vỡ và đòi hỏi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, về lâu dài dẫn đến phá vỡ quy hoạch;
Hai là: quản lý nhà nước trong công tác thống kê đánh giá kết quả hoạt động FDI còn yếu kém, chưa có được đầy đủ bộ số liệu thống kê về FDI, nhiều năm qua chỉ tiêu vốn FDI thực hiện không thống kê được theo ngành, nên không phục vụ được công tác quản lý nhà nước và nghiên cứu đề xuất chính sách liên quan.
Ba là: chưa tổng kết được hiệu quả của việc phân cấp quản lý nhà nước về FDI để có các giải pháp nhằm hạn chế việc cấp phép vượt, phá vỡ quy hoạch; giảm thiểu cạnh tranh giữa các địa phương.
Bốn là: chưa có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn FDI đăng ký. Trong tổng số vốn FDI đăng ký đến thời điểm hiện nay vào khoảng 220 tỷ USD mới giải ngân được khoảng 80 tỷ USD. Giả sử số vốn còn lại đó là khả thi, thì với mức giải ngân trung bình hiện nay 10 tỷ USD/năm chúng ta cần tới 14 năm mới giải ngân hết số vốn này. Vấn đề đặt ra là cần xác định đâu là “thực” đâu là “ảo” trong số vốn đăng ký nêu trên và thực tế khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế là bao nhiêu? Từ đó rút ra các bài học cho công tác xúc tiến đầu tư, thẩm tra và cấp phép trong thời gian tới.
Tương tự như vậy, hiện nay Việt Nam có 260 KCN với tổng diện tích đất là 72.000 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy hiện tại chỉ đạt khoảng 46%. Một số địa phương đặt mục tiêu thu hút 2 triệu USD/ha trong việc lấp đầy được phần diện tích còn lại, vì vậy phải thu hút được trên 70 tỷ USD vào các KCN hiện có. Chưa kể chúng ta còn có 18 khu kinh tế ven biển với trên 721.000 ha đất và nước; 27 khu kinh tế cửa khẩu mà tỷ lệ lấp đầy còn đạt thấp khoảng từ 15 đến 20% diện tích đất được cấp.
Năm là: công tác xúc tiến đầu tư còn lúng túng, chưa xác định được phương thức tiếp cận các đối tác chiến lược, thiếu gắn kết giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau, thiếu thông tin, không có đội ngũ cán bộ xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, mặc dù mục tiêu thu hút FDI đã được xác định rõ là nhằm vào các đối tác, các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính.
Sáu là: các vấn đề khác liên quan đến FDI đã từng là các chủ đề nóng trong từng giai đoạn trước kia như việc các DN FDI vi phạm quy định bảo vệ môi trường; hiện tượng đình công tuy không còn nóng nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Đặc biệt trong năm 2011, nổi lên vấn đề “lỗ giả - lãi thật”, chuyển giá của các DN FDI. Một số cục thuế địa phương cho biết có tới gần 50% số DN FDI trên địa bàn liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh. Việc các ngân hàng thương mại trong nước cho các DN có vốn FDI vay vốn thay vì họ phải đưa vốn từ bên ngoài vào - đúng và sai ở đâu, cũng cần làm rõ và có giải pháp cụ thể.
Bảy là: thủ tục hành chính và nạn tham nhũng vẫn được xem là tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tạo bước đột phá mới thu hút FDI trong giai đoạn tới
Năm 2012, bên cạnh các khó khăn chung như tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam đang phải tiến hành các giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thì thu hút FDI có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sau:
- Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố bản báo cáo các năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011-2012, trong đó Việt Nam bị rớt 6 bậc so với năm trước, nhiều DN nước ngoài đã tỏ ra bi quan về môi trường đầu tư Việt Nam đang ngày một kém hấp dẫn. Ngoài lạm phát cao, những điểm trừ được nêu ra vẫn là những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm qua, cụ thể như tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao, cơ sở hạ tầng yếu kém không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, tình trạng thiếu đồng bộ trong giao thông từ đường bộ, đường sắt đến hàng không, cảng biển. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa có chuyển biến (DN nước ngoài phải tự đào tạo mới có được nhân viên có khả năng làm việc trong các lĩnh vực họ cần).
- Tại Việt Nam, kết quả khảo sát do EUROCHAM thực hiện cho thấy, niềm tin của họ về kinh doanh tại thị trường Việt Nam đang giảm. Chỉ số môi trường kinh doanh ở Việt Nam sụt giảm theo từng quý trong năm 2011, từ 79 điểm (trên thang điểm 100) trong quý I, xuống 70 điểm trong quý II và 63 điểm trong quý III/2011.
Do vậy, cần gác các thành tựu của FDI sang một bên, chủ động nhận diện các bất cập, thách thức hiện có, từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm soạn thảo Đề án đánh giá thực trạng FDI và định hướng chính sách, giải pháp nâng cấp FDI giai đoạn 2011-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quý II/2012. Để thực hiện tốt đề án, cần thành lập một Ban chỉ đạo thực hiện đề án gồm đại diện có thẩm quyền và năng lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan, các cơ quan nghiên cứu, một số trường đại học, đại diện một số hiệp hội nghề nghiệp liên quan… để triển khai nghiêm túc đề án này. Trước mắt, dựa trên các tồn tại đã nêu trên, dự kiến sẽ có các kế hoạch thành phần như sau:
- Đánh giá kết quả thu hút FDI trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua;
- Định vị FDI trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm, vùng lãnh thổ;
- Hoàn thiện công tác thống kê, báo cáo thống kê hoạt động của các DN FDI, trong đó có việc điều tra thực tế số liệu các địa phương;
- Đánh giá hiệu quả việc phân cấp quản lý nhà nước về FDI thời gian qua;
- Định hướng thu hút FDI đến năm 2020;
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng trong hoạt động FDI;
- Xác định đối tác chiến lược trong thu hút FDI và cách tiếp cận hiệu quả.
Trên đây chưa thể liệt kê hết được các kế hoạch thành phần nhằm đánh giá đúng thực trạng FDI và tìm ra được các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại hiện có trong hoạt động FDI hiện nay. Các kế hoạch này cần được bổ sung và lựa chọn, sắp xếp thứ tự thực hiện phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất đề án lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã giao: Tạo bước đột phá trong thu hút FDI giai đoạn tới.
_________________
Tài liệu tham khảo:
1. Số liệu FDI: Cục ĐTNN, Bộ KH&ĐT, Báo Đầu tư;
2. Số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ KH&ĐT;
3. Các tạp chí, báo: Kinh tế và dự báo; VIR; Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Saigontimes;
4. Một số thông tin từ các đồng nghiệp, các nhà quản lý & nghiên cứu kinh tế.
TS.Phan Hữu Thắng (Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2/2012
Bình luận
Bình luận bằng Facebook