M&A - “Bà mối” M&A tốt phải nhận biết được giá trị tiềm ẩn
Có 2 cách để mua lại một DN, đó là chào mua thân thiện và chào mua công khai. Truyền thống làm M&A của người Mỹ là thiên về chào mua thân thiện (thực hiện âm thầm qua 1 tổ chức tư vấn trung gian) và chỉ khi chào mua thân thiện không thực hiện được thì họ mới chuyển sang chào mua công khai DN mục tiêu.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AI Capital cho rằng, điều quan trọng nhất trong 1 thương vụ chào mua DN là phải làm thế nào để bên mua và bên bán cùng thỏa mãn và cùng hướng đến sự hợp tác, bởi nếu có mua để sở hữu 51%, thậm chí 65% vốn tại DN nhưng không nhận được sự đồng thuận của bộ máy hiện có, cũng sẽ không thể đưa DN tiến lên.
Như ông vừa nói, truyền thống làm M&A tại Mỹ thiên về chào mua thân thiện hơn là chào mua công khai. Vì sao vậy thưa ông?
Đa số những người muốn bán DN không muốn tiết lộ mình đang muốn bán DN và hầu hết người mua cũng không muốn ai biết mình đang nhắm đến một DN cụ thể nào đó để mua. Vấn đề chính ở đây là người bán sợ bị tổn thương về uy tín và thương hiệu, còn người mua thì luôn muốn "một mình một mục tiêu", tránh việc phải cạnh tranh mua với những đối thủ khác. Đây là lý do chính khiến truyền thống chào mua, chào bán DN tại Mỹ thường diễn ra âm thầm, DN muốn mua, hoặc DN muốn bán thường tìm đến 1 công ty tư vấn tin cậy, chia sẻ với họ mong muốn và những yêu cầu DN đặt ra. Công ty tư vấn sẽ đóng vai trò như một "bà mối" tìm kiếm những đối tác phù hợp với nhu cầu DN. Sự âm thầm trong mua - bán lại DN này sẽ kéo dài trong suốt cả quá trình từ khi DN phát sinh nhu cầu, gặp gỡ những đối tác tiềm năng, thỏa thuận, đàm phán và kết thúc thương vụ. Cái hay của việc làm M&A âm thầm là ở chỗ cuộc mua - bán lại sẽ diễn ra êm thấm, nhẹ nhàng, không bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh, dư luận hay điều tiếng. Nhưng cái khó của cách làm này là ở chỗ, công ty tư vấn, với vai trò "bà mối" phải có khả năng nhận ra sự phù hợp, nhận ra giá trị tiềm ẩn của 2 bên để giúp họ kết nối lại một cách hợp lý nhất.
Ở Việt Nam, mua - bán lại DN là hoạt động mới xuất hiện một vài năm gần đây. Ông cảm nhận như thế nào về triển vọng của nghiệp vụ này?
Năm 2010 được dự báo là một năm khốc liệt với nền kinh tế Việt Nam nói chung, các DN nói riêng. Chi phí vốn vay tại Việt Nam hiện vào khoảng 16-18% là một thử thách rất lớn với tất cả các DN. Trong năm nay, công ty nào vượt lên được sẽ thành công, còn những công ty yếu sẽ rất khó để có lãi và duy trì sự tồn tại. Một thị trường ngày càng phân hóa mạnh như vậy chính là mảnh đất để các hoạt động M&A phát triển. Những DN mạnh, có tiềm lực tài chính tốt có cơ hội mua được những DN tiềm năng với giá rẻ, còn những DN yếu, khó có khả năng cạnh tranh, cũng sẽ tìm cách gắn mình với 1 DN khác mạnh hơn để duy trì sự tồn tại của mình.
Tại Việt Nam, từ trước đến nay mới chỉ có một vài công ty chuyên làm M&A như IDJ, Tiger Invest, AI Capital… Hiện nay, có thêm một số CTCK làm M&A. Tuy nhiên, hoạt động M&A tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu từ nhiều DN mạnh muốn mua lại các DN yếu và nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua thâu tóm một số DN Việt Nam.
Những đối tác nước ngoài muốn mua DN Việt Nam đến từ đâu, theo ông?
Theo quan sát của tôi thì người Nhật, người Hàn Quốc và người Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Có thể xuất phát từ đặc điểm lịch sử của nền kinh tế Việt Nam có nhiều nét giống nền kinh tế Hàn Quốc 40 năm về trước, nên nhiều người Hàn Quốc coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của họ. Người Mỹ và người Nhật vẫn có văn hóa đầu tư ra nước ngoài và nếu chọn đầu tư vào khu vực thị trường mới nổi thì thường họ thích chọn Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc đối tác nước ngoài mua để đạt sở hữu 20% hay 30% tại DN không tạo ra sự chuyển biến đáng kể, nên xu hướng sắp tới sẽ là mua thâu tóm, mua đến 51% trở lên để nắm quyền điều hành DN.
Tất nhiên, nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam cũng còn nhiều cân nhắc. Cân nhắc về chính sách chuyển tiền ra nước ngoài như thế nào, Việt Nam có tiếp tục phá giá đồng nội tệ hay không. Họ cũng sẽ cân nhắc nhiều bởi nhiều dự án người nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam không đạt được như những gì họ mong đợi. Việt Nam ưa bán những kỳ vọng, còn thực tế, chưa có những dự án thành công lớn, điển hình cho tính hiệu quả của dòng vốn nước ngoài vào DN Việt Nam.
Gần đây, hoạt động M&A được nhắc đến nhiều khi thị trường biết đến 2 vụ chào mua công khai của Thủy sản Hùng Vương với Agifish và của PNJ với SFC. Đâu là ranh giới giữa chào mua công khai với chào mua thân thiện và ý nghĩa chính của hoạt động này là gì, theo ông?
Hiện quy định pháp lý (Thông tư 194/2009/TT-BTC) hướng dẫn về chào mua công khai đối với cổ phiếu của công ty đại chúng tại những mốc sở hữu 25%, 51%, 65% và 75%. Phần còn lại là "đất" của hoạt động chào mua thân thiện.
Trước đây, tiếng nói của cổ đông, kể cả cổ đông nắm đến 30% vốn tại DN vẫn thường bị coi thường, trong khi về bản chất, họ mới là người chủ thực sự của DN. Hoạt động M&A nói chung và những thương vụ chào mua công khai tại Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng giúp thị trường nhận diện rõ hơn mối quan hệ về lợi ích và trách nhiệm giữa cổ đông và DN. Các DN hoạt động kém, không thỏa mãn kỳ vọng của cổ đông sẽ luôn phải đối mặt với khả năng bị mua thâu tóm. Sức ép muốn tồn tại, DN phải thỏa mãn quyền lợi của cổ đông sẽ là một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của DN và mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư.
(Theo ĐTCK)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook