/ / / /

M&A - Hợp nhất, sáp nhập ngân hàng - quan điểm và cách thức tiến hành


M&A - Hợp nhất, sáp nhập ngân hàng - quan điểm và cách thức tiến hành
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 đã để lại những hệ luỵ lớn cho hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép do quá trình phục hồi của hầu hết các nền kinh tế diễn ra chậm và cuộc khủng hoảng nợ công đang có xu hướng lan rộng ở Châu Âu, khiến cho kinh tế thế giới và nền tài chính toàn cầu đang đứng trước nhiều bất ổn. Mặc dù vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối khá nhưng nền kinh tế non trẻ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Hội nghị Trung ương 3 của Đảng đã quyết định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và trong 5 năm tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Như vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là 1 trong 3 lĩnh vực tái cấu trúc quan trọng nhất của nền kinh tế trong 5 năm tới. Vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Từ cuối năm 2008, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang tồn tại quá nhiều ngân hàng, hoạt động của các ngân hàng còn nhiều yếu kém, các ngân hàng Việt Nam lại có quy mô vốn quá mỏng so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, kể cả đối với các ngân hàng thương mại lớn có vốn của nhà nước. Vì vậy, thời điểm tăng vốn điều lệ cuối năm 2008 và cuối năm 2010 là thời điểm thuận lợi để tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thông qua việc sáp nhập, hợp nhất. Nhưng rồi, các cơ hội này đã lần lượt bị bỏ qua. Một trong các lý do chủ yếu là vì các nhà quản lý không muốn nền kinh tế non trẻ của Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng lại chịu thêm tác động bất lợi  từ việc tái cấu trúc ngân hàng thương mại khi mà nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước. Như vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã “vượt qua” cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không có một ngân hàng nào bị phá sản, sáp nhập, hợp nhất hay giải thể, trong khi tại Mỹ có tới hàng trăm ngân hàng bị phá sản, trong đó có sự sụp đổ của Lehman Brothers - một đại gia trong giới ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, những bất ổn của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bộc lộ ngày càng rõ. Biểu hiện rõ nhất là những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, ngân hàng với sự vi phạm nghiêm trọng, có tính hệ thống đối với việc vượt trần lãi suất huy động, “lách” trần tín dụng, bản chất của hoạt động tiền tệ, ngân hàng bị làm sai lệch, méo mó, khó kiểm soát, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền với sự tham gia của các cán bộ ngân hàng ngày càng gia tăng… Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ những yếu kém về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, năng lực quản trị, điều hành của một số ngân hàng thương mại yếu kém và sự sa sút về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Sự yếu kém này đã khiến cho một số ngân hàng nỗ lực duy trì sự tồn tại bằng mọi giá thông qua việc áp dụng nhiều hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo phản ứng lan truyền trong toàn hệ thống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ thống ngân hàng. Thời gian gần đây, bằng những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, như: kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trần lãi suất tiền gửi; điều chỉnh một loạt các chính sách cho phù hợp với diễn biến mới và hạn chế tối đa những hành động “lách”, “vượt” quy định của các tổ chức tín dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm trong ngành Ngân hàng… Ngân hàng Nhà nước đang dần lập lại trật tự và trả lại đúng bản chất hoạt động của thị trường tiền tệ, ngân hàng. Cũng vì thế, những yếu kém vốn có của hệ thống ngân hàng càng bộc lộ rõ hơn và đe doạ đến sự ổn định chung của toàn hệ thống. Vì vậy, tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng là nhu cầu cấp thiết của ngành Ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, với mục tiêu tiên quyết là bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì quan điểm và bước đi trong quá trình tái cấu trúc cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp để hạn chế tối đa sự tổn thương và những xáo trộn bất lợi cho hệ thống ngân hàng cũng như cả nền kinh tế. Về quan điểm, Có không ít ý kiến cho rằng, cần phải coi việc phá sản ngân hàng là chuyện bình thường như phá sản doanh nghiệp, nhưng đối với một lĩnh vực hoạt động nhạy cảm và có tính lan truyền rộng như lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thì việc phá sản ngân hàng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy cho cả nền kinh tế, nhất là đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng với dư nợ tín dụng chiếm khoảng 120% GDP và vốn tự có của các ngân hàng hiện vẫn còn quá mỏng so với các nước trên thế giới và khu vực. Đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước phát triển, đây chỉ là giải pháp cuối cùng khi chính phủ của các quốc gia này không thể nâng đỡ nổi các ngân hàng và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng không còn hiệu quả nữa. Ngay cả với cường quốc như Mỹ thì việc phá sản của các ngân hàng thời gian qua đã để lại rất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội cho quốc gia này. Vì vậy, phá sản, giải thể ngân hàng sẽ chưa được các nhà quản lý Việt Nam tính đến trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, giải pháp phù hợp nhất để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các ngân hàng. Quá trình này không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh hay giữa các ngân hàng yếu với nhau mà bản thân giữa các ngân hàng mạnh cũng cần có sự liên kết, sáp nhập, hợp nhất để tạo ra những ngân hàng lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Nhất là khi sự hiện diện của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại ViệtNam gia tăng. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không phân biệt ngân hàng nhỏ hay ngân hàng lớn mà chỉ phân biệt ngân hàng mạnh hay ngân hàng yếu. Mục tiêu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhằm: (i) tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả, hoạt động ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, có sức sống và khả năng cạnh tranh tốt trong môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đầy biến động; (ii) người dân được tiếp cận sâu, rộng với mọi loại hình dịch vụ ngân hàng với chất lượng ngày càng cao; (iii) tạo ra một hệ thống ngân hàng đa dạng về loại hình, quan hệ sở hữu; đa dạng về qui mô: có các ngân hàng đủ mạnh để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, có các ngân hàng làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng trong nước, có các ngân hàng có qui mô vừa và nhỏ hoạt động trong những phân khúc thị trường khác nhau. Về cách thức tiến hành, Sẽ hiệu quả hơn nếu quá trình này diễn ra tự nguyện thay vì chịu sự ép buộc của các cơ quan quản lý. Chính vì vậy, sẽ là khôn ngoan hơn, nếu các ngân hàng chủ động tìm ra hướng đi cho mình. Đối với các ngân hàng hoạt động yếu kém, việc sáp nhập vào các ngân hàng lớn có vẻ là giải pháp tối ưu hơn cả. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang dưới mệnh giá thì việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngân hàng hoạt động yếu kém. Thêm vào đó, với các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây, các yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh đã bị triệt tiêu thì các ngân hàng chưa có uy tín, thương hiệu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Khi không thể tự tồn tại, thì việc sáp nhập, bán lại để phát triển là lựa chọn tối ưu hơn cả. Đối với các ngân hàng mạnh, có uy tín, thương hiệu, việc liên kết, hợp nhất để tạo ra một thương hiệu mới sẽ là yếu tố cộng hưởng cho sự phát triển chung của các ngân hàng hợp nhất. Có thể các ngân hàng thương mại Việt Nam còn băn khoăn, thậm chí là hoang mang, lo lắng trước vấn đề này. Nhưng với thế giới, đây là xu hướng tất yếu và là hiện tượng phổ biến. Mỗi năm, thế giới có hàng ngàn cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này. Ở Hàn Quốc, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở vững chắc về mặt tài chính cho phát triển kinh tế bền vững, nước này đã chủ động cho hợp nhất, sáp nhập hàng loạt các ngân hàng và đưa số ngân hàng của nước này từ con số 33 vào năm 1997 xuống còn 19 vào năm 2009. Tương tự, Trung Quốc và Singapore đã từng có hàng trăm NHTMCP, song đến nay, con số này chỉ còn rất ít. Xu hướng này cũng diễn ra tại Nhật, Thái Lan và các nước châu Âu dưới sự định hướng của Ngân hàng Trung ương các nước. Xét trên lợi ích chung của toàn hệ thống, quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho toàn hệ thống. Để đẩy nhanh quá trình này, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại, như chính sách ưu đãi về thuế, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và công khai, minh bạch thông tin để bản thân các ngân hàng cũng như người dân và toàn xã hội hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại ngân hàng, trong đó cần làm cho người gửi tiền, người vay tiền hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập. Đối với mỗi ngân hàng, cần đánh giá đúng thực lực của mình, nhìn nhận một cách toàn diện các cơ hội và thách thức, hoạch định cho mình một hướng đi phù hợp để có khả năng cạnh tranh bình đẳng ở môi trường hội nhập kinh tế toàn cầu trong tương lai. Như vậy, việc sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại ngân hàng thương mại là con đường tất yếu trong lộ trình phát triển ngân hàng Việt Nam hiện tại và tương lai. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng như bản thân mỗi ngân hàng thương mại cần có sự nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này để có lộ trình và bước đi phù hợp nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho toàn hệ thống và bản thân mỗi ngân hàng. Hiện nay, hành lang pháp lý cho quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng đã tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, trong đó quyền lợi của khách hàng và người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại được pháp luật bảo vệ[1]. Vì vậy, khách hàng của các tổ chức tín dụng này có thể hoàn toàn yên tâm về quyền lợi của mình khi các tổ chức tín dụng mà khách hàng đang giao dịch thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hay mua lại./.

TS. Đào Minh Tú


[1] Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN, một trong các nguyên tắc của việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng là tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là quyền lợi của người gửi tiền tại từng tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến