FDI và M&A ở Việt Nam
FDI và M&A ở Việt Nam
(ĐTCK-online) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có mối quan hệ biện chứng. Việc “hút” được lượng FDI nhiều hay ít phụ thuộc không nhỏ vào việc thiết lập, vận hành và phát triển thị trường M&A, và ngược lại, thị trường M&A là “bà đỡ” cho FDI xâm nhập nhanh nhất vào thị trường; việc “hút” FDI không thể tách rời việc xây dựng, phát triển thị trường M&A.
Tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư tại Việt Nam đến nay vào khoảng 70 tỷ USD, trong đó năm 2006 đạt gần 10 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2007 đạt 8,3 tỷ USD (kể cả vốn bổ sung). Lượng vốn FDI này chủ yếu được đầu tư thông qua các hình thức như thành lập doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 8.000 doanh nghiệp FDI), hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thông qua các dự án BOT, BTO… chỉ có một ít vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức M&A. Bởi lẽ, giao dịch M&A ở Việt Nam còn khá mới mẻ, số vụ và giá trị giao dịch M&A đạt thấp, kể từ năm 2000 trở lại đây chỉ đạt trung bình 20 vụ/năm với giá trị khoảng 250 triệu USD/năm, trong đó lượng FDI qua hình thức M&A chưa được thống kê chính thức nhưng khả năng sẽ là rất nhỏ.
Có một tín hiệu đáng mừng là trong thời gian vừa qua, thị trường M&A đã phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2005 có 18 vụ với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, Việt Nam đã có 46 vụ M&A, đạt giá trị 625 triệu USD, trong đó 30 vụ có yếu tố nước ngoài (các công ty nước ngoài mua bán, sáp nhập chủ yếu đến từ các nước châu Á với 22 vụ).
Những vụ M&A điển hình trong thời gian qua có thể kể đến như: CTCP Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama, Daiichi mua lại Bảo Minh CMG, Kinh Đô mua lại Kem Wall's, Anco mua lại nhà máy sữa của Nestle… Theo dự báo của các chuyên gia, trong những năm tới, sự phát triển của thị trường M&A Việt Nam là một tất yếu, sẽ “hút” thêm luồng vốn FDI từ các nước trong và ngoài khu vực cho nền kinh tế Việt Nam.
Ưu điểm và nhược điểm
-Ưu điểm: Thứ nhất, nhà đầu tư có thể tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất thông qua “ăn sẵn” các giá trị của công ty bị mua, bị sáp nhập tại Việt Nam. Thứ hai, M&A với tư cách là một hình thức tập trung kinh tế, tập trung nguồn lực sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, tạo ra nguồn lực lớn hơn, qua đó cạnh tranh được với các đối thủ, đồng thời giảm bớt sự gia nhập thị trường của nhà đầu tư. Đồng thời, việc đầu tư thông qua M&A sẽ giảm thiểu rủi ro. Thứ ba, với tư cách là chủ đầu tư, việc đầu tư bằng hình thức M&A sẽ làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp mới ở Việt Nam bằng thương hiệu, uy tín, chất lượng, công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm quản trị.
FDI và M&A trên thế giới Theo thống kê của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNTACD), FDI năm 2005 trên thế giới là 916,3 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2004; FDI năm 2006 đạt trên 1.200 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2005; 6 tháng đầu năm 2007, lượng vốn này cũng đã vượt ngưỡng 700 tỷ USD. UNTACD đánh giá rằng, giá trị FDI gia tăng đột biến trong những năm vừa qua phụ thuộc không nhỏ vào sự gia tăng của hoạt động M&A. Xu hướng M&A qua biên giới ngày càng tăng sẽ kéo theo tốc độ gia tăng của FDI, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Theo đánh giá của Hãng truyền thông Thomson và Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) thì tổng giá trị M&A trong năm 2006 đã lên đến gần 3.500 tỷ USD với gần 40.000 vụ. Xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá tại các nước phát triển và đang phát triển là cơ sở quan trọng cho thị trường M&A bùng nổ. Thống kê của Thomson cho thấy, tổng giá trị M&A trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2007 là trên 2.500 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ. |
-Nhược điểm: Thứ nhất, thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý không phải là việc dễ đối với các doanh nghiệp trong nước, tính minh bạch chưa cao dễ dẫn đến việc “lừa” nhau về mặt giá trị, rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Thứ hai, do là nhà đầu tư từ nước ngoài nên sự am hiểu về văn hoá, phong tục, thị trường, pháp luật Việt Nam chưa cao, do đó nhiều vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình M&A. Tuy nhiên, những nhược điểm này sẽ được khắc phục nhanh chóng khi Việt Nam cam kết hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, hành lang pháp lý hoàn thiện, cơ chế thông tin minh bạch…
FDI, M&A và hành lang pháp lý ở Việt Nam
Luật Cạnh tranh 2004, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Chứng khoán 2006 và các văn bản hướng dẫn lần lượt ra đời đã đáp ứng được nhu cầu xác lập vị trí pháp lý, điều tiết các quan hệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài… của các loại doanh nghiệp nói chung, trong đó có FDI và M&A nói riêng. Cụ thể, giao dịch M&A được Luật Doanh nghiệp 2005 ghi nhận trong Điều 145, Điều 152, Điều 153, tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cho phép các chủ doanh nghiệp được quyền định đoạt doanh nghiệp trong việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất. Bên cạnh đó, với tư cách là một hình thức đầu tư, Luật Đầu tư 2005 ghi nhận M&A là một hình thức đầu tư quan trọng, cụ thể: “Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp như một trong những hình thức đầu tư trực tiếp, dưới các hình thức: (i) Đóng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới hoặc để tham gia quản lý hoạt động đầu tư, (ii) Mua toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp đang hoạt động, (iii) Mua cổ phiếu để thôn tính hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook