M&A - Không còn Habubank vào ngày 28/8/2012
Hiện Habubank có tổng cộng 90 điểm giao dịch, chi nhánh, quỹ tiết kiệm. SHB cho biết đến ngày 28/8, sẽ hoàn tất việc thay đổi tên Habubank thành SHB và sẽ không còn nhìn thấy tên thương hiệu Habubank tồn tại.
Trả lời về chi phí của việc thay đổi biển hiệu, thương hiệu, bầu Hiển cho biết, vừa ký duyệt chi phí thay đổi thương hiệu giai đoạn 1. “Giai đoạn này, SHB vẫn giữ nguyên biển hiệu của của Habubank nhưng thay đổi tên biển. Chỉ riêng việc thay tên, biển sẽ mất khoảng 2,1 tỷ đồng. Tôi vừa ký duyệt bản dự trù kinh phí xong”, ông Đỗ Quang Hiển tiết lộ.
Sau đó, ở giai đoạn 2, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh doanh của từng đơn vị, SHB sẽ cân nhắc nên bỏ hay giữ lại điểm giao dịch nào của Habubank. Chủ tịch SHB lý giải, hiện có nhiều điểm giao dịch cũ của Habubank rất gần với của SHB nên việc này cần phải tính toán cẩn thận để tránh sự trùng lặp, lãng phí.
Ông Đỗ Quang Hiển khẳng định cái tên Habubank sẽ hoàn toàn biến mất vào ngày 28/8.Sáng nay (9/8), Ngân hàng SHB đã tổ chức họp báo chính thức công bố về thương vụ sáp nhập Habubank. Cuộc họp báo này diễn ra trong bối cảnh nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng được báo động đỏ. Như vậy, sau 5 tháng kể từ khi thông tin về cuộc sáp nhập tự nguyện đầu tiên giữa SHB - Habubank bắt đầu rò rỉ, "mối lương duyên" giữa hai ngân hàng mới chính thức được công khai.
Cuộc họp báo do Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển chủ trì và ông gần như vượt qua mọi câu hỏi của các phóng viên. Đúng như dự kiến của nhiều người, lãnh đạo của SHB chứ không phải Habubank mới là tâm điểm mặc dù Chủ tịch Habubank Nguyễn Kim Bảng và Tổng giám đốc Bùi Thị Mai cũng tham dự. Bản thân Chủ tịch Habubank cũng buồn bã thừa nhận, vô cùng hối tiếc khi phải chia tay thương hiệu đã gắn bó hơn 2 thập kỷ này.
Thông tin với chúng tôi, một nguồn tin từ Ngân hàng SHB cho biết, ngay sau khi có quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hôm 7/8, ngân hàng này đã bắt đầu ra quân chuẩn bị thay đổi hàng loạt biển hiệu tại các chi nhánh, điểm giao dịch của Habubank trên toàn quốc. Trước khi có quyết định chính thức, SHB đã cử một số nhân sự cốt cán sang Habubank để lãnh đạo và điều hành cũng như xử lý nợ, giải quyết thanh khoản cho Habubank.
Thương hiệu Habubank ra đời từ năm 1992, khi ngân hàng này chính thức trở thành ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà ở Hà Nội (tiền thân là Ngân hàng phát triển Nhà Hà Nội) ra đời từ 2/1/1989 và là ngân hàng cổ phần đầu tiên của Hà Nội. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau sáp nhập, toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Habubank trước đây sẽ chuyển sang Ngân hàng SHB. Như vậy, sau ngày 28/8, thương hiệu Habubank sẽ chính thức bị xóa sổ và được thay thế bằng 3 chữ SHB.
Toàn bộ quá trình SHB nhận sáp nhập Habubank diễn ra tổng cộng chỉ trong 7 tháng. Theo đánh giá của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, việc sáp nhập Habubank vào SHB là một trong những bước đi mang tính chiến lược và đây là thương vụ sáp nhập thành công chỉ trong thời gian ngắn. "Nếu để SHB tự thân phát triển, theo ước tính của HĐQT cũng như các chuyên gia, ít nhất phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư lớn. Như vậy, SHB chỉ mất 7 tháng và chi phí nhỏ hơn nhiều để làm việc này", ông Hiển giải thích.
Trước băn khoăn của phóng viên về việc vai trò khá mờ nhạt của Ngân hàng Nhà nước trong vụ sáp nhập SHB - Habubank, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng nhận xét này không chính xác. Phó Thống đốc Đào Minh Tú phản bác: "Không những không mờ nhạt mà Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện vai trò rất đậm đặc, quyết liệt. Cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, chúng tôi thành lập nhiều ban chỉ đạo việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thuê một công ty kiểm toán độc lập quốc tế đánh giá khách quan về tài chính để làm căn cứ cho 2 ngân hàng tính toán phương án".
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định vai trò của nhà điều hành trong cuộc sáp nhập này sẽ không chỉ dừng lại ở đây khi thương vụ hoàn tất. "Trong quá trình hoạt động, nếu SHB có vấn đề gì, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ với những khó khăn về thanh khoản hay về nguồn vốn...", Phó Thống đốc cho biết. Không chỉ vậy, về phía Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cũng khẳng định: "Dù là 2 ngân hàng tự nguyện sáp nhập nhưng nếu SHB có vấn đề gì thì Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát sao, sẵn sàng can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền".
Ông Đỗ Quang Hiển (thường được biết tới với cái tên bầu Hiển) sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng SHB sau sáp nhập.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook