/ / / /

M&A - Luật không phải bẫy rập


M&A - Luật không phải bẫy rập
TT - Đánh giá chất lượng pháp lý của một hành vi để rồi phán xét, thật ra không chỉ đơn giản là việc đối chiếu các biểu hiện đặc trưng của hành vi đó với các yêu cầu cụ thể được mô tả bằng câu chữ của điều luật liên quan một cách máy móc, lạnh lùng, vô cảm. *** Trong không ít trường hợp, chuẩn mực ứng xử được đề ra trước sau vẫn như thế, nhưng có những hành vi hôm trước còn được coi là đúng mực, hôm sau đã bị xếp vào nhóm việc làm sai trái. Logic áp dụng pháp luật và cả đạo lý đòi hỏi rằng nếu hành vi đó được thực hiện ngày hôm sau thì sẽ bị coi là vi phạm; còn nếu được thực hiện ngày hôm trước thì phải được ghi nhận như một điều bình thường, hiểu được và chấp nhận được, như là một phần đặc trưng của một thời kỳ lịch sử. Chuyện lập quỹ trái phép của Nông trường Sông Hậu có lẽ là một trong những trường hợp như thế. Lúc câu chuyện mới bắt đầu, nghĩa là vào những năm 1980, luật pháp chưa thiết lập các tiêu chí rành mạch giúp phân biệt giữa một bên là quỹ hợp pháp với bên kia là quỹ bất hợp pháp. Nếp làm việc đó tất yếu tạo ra thói quen lập luận ở cấp sơ đẳng, lấy mục tiêu của công việc để biện minh cho những phương tiện được sử dụng nhằm thực hiện công việc. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của việc lập quỹ là chính đáng, như để giúp nhiều người có cuộc sống khả dĩ coi được trong bối cảnh khó khăn chung, để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức khác mỗi dịp lễ, tết... thì cách đạt mục tiêu, tức là lập quỹ để chủ động nguồn tài chính cần thiết, cũng chính đáng, cũng hợp đạo lý, lẽ phải. Nhiều ý kiến cho rằng ngay nếu như không thể quy lỗi cho người lãnh đạo sau này của nông trường về việc lập quỹ trái phép, cũng phải xem xét trách nhiệm của người này đối với việc tiếp tục duy trì và vận hành quỹ đó trong bối cảnh luật pháp đã trở nên rõ ràng, chặt chẽ, dứt khoát. Thật ra sự hoàn thiện của luật pháp diễn ra không phải trong ngày một, ngày hai mà trong cả một quá trình. Về phần mình, chủ thể quan hệ pháp lý thường chỉ cư xử theo thói quen và không chú ý đến những thay đổi của luật để kịp thời sửa lại hành vi của mình cho phù hợp. Bởi vậy, mỗi khi cần đặt một kiểu ứng xử nào đó mà xã hội đã quen ra ngoài vòng pháp luật một cách có trật tự, luật phải ấn định một khoảng thời gian chuyển tiếp thích hợp. Trong khoảng thời gian đó, người vi phạm mà bị phát hiện thì chỉ bị nhắc nhở, cảnh báo và được yêu cầu xử lý hậu quả, nếu có; chế tài chỉ được áp dụng khi thời gian chuyển tiếp đã hết hoặc đã được nhắc nhở mà vẫn vi phạm. Trong vụ lập quỹ trái phép ở Nông trường Sông Hậu, công luận chắc chắn sẽ đồng tình với quy kết của các cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật, nếu trước đó đã có người chính thức lên tiếng nhân danh nhà chức trách công về tính bất hợp pháp của các nguồn quỹ, nhưng rồi người lãnh đạo nông trường vẫn ương ngạnh không chịu sửa sai. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất của luật là tạo hành lang dẫn dắt mọi chủ thể đi tới cuộc sống tốt đẹp, chứ không phải là những bẫy rập.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến