M&A - Mua lại doanh nghiệp nước ngoài
Việc các doanh nghiệp Việt Nam mua lại các doanh nghiệp nước ngoài sẽ là xu hướng mới trong hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, bên cạnh hai trường hợp chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là dự đoán của các chuyên gia trong buổi họp báo ngày 11-5 tại Hà Nội nhằm thông tin về Diễn đàn M&A Việt Nam, do báo Đầu Tư, Công ty Avalue, Vụ pháp chế - Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức.
Cuối năm 2009, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã mua lại 100% vốn Ngân hàng Đầu tư Thịnh vượng của Campuchia. Năm 2010, có thể Viettel sẽ mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk tại Bangladesh, với giá trị giao dịch là 300 triệu đô la Mỹ, và 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Cộng hòa Haiti với giá trị 59 triệu đô la Mỹ.
Theo thống kê của Avalue Vietnam, số thương vụ M&A tại Việt Nam được công bố năm 2009 là khoảng 230, tăng khoảng 50 thương vụ so với năm 2008. Dự đoán, năm 2010, hoạt động M&A vẫn tiếp tục xu thế tăng ổn định và phát triển mạnh ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghiệp, bất động sản.
Tuy nhiên họat động M&A tại Việt Nam còn gặp nhiều cản trở liên quan đến các vấn đề quản trị, văn hóa, những bất cập trong thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu một khung pháp lý đồng bộ.
“Những quy định về M&A nằm rải rác đâu đó trong các văn bản pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh… nhưng chưa có những quy định tổng thể về M&A”, ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch Đầu tư nói. Ông cho biết thêm, trong Luật Đầu tư, những quy định về M&A thường rất chung chung, nhiều khi mâu thuẫn với những quy định của các văn bản pháp lý khác.
(Cafef)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook