/ / / /

Mức phạt vi phạm tối đa 8% hay 12%, theo Luật dân sự, thương mại, hay Luật xây dựng?


Mức phạt vi phạm tối đa 8% hay 12%, theo Luật dân sự, thương mại, hay Luật xây dựng?

Khi hợp đồng được giao kết hợp pháp thì phải được thực hiện. Điều đó đã được ghi nhận tại nguyên tắc cơ bản đầu tiên của Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS). Thế nhưng, trên thực tế nhiều hợp đồng không được thực hiện đúng như cam kết và vấn đề xử lý vi phạm đã được đặt ra. Điều đáng nói là ở chỗ, còn tồn tại nhiều điểm không thống nhất về xử phạt vi phạm hợp đồng giữa BLDS và Luật Thương mại.

Khó khăn xác định mức phạt vi phạm

Quy định mức phạt vi phạm hợp đồng có ý nghĩa quan trọng giúp các bên xác định được quyền cũng như nghĩa vụ của mình khi hợp đồng không được thực hiện. Việc quy định mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu là hợp lý cũng rất cần thiết.

Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 tại Điều 422, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận ở đây có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị khống chế bởi những quy định của pháp luật, thể hiện rõ nguyên tắc tự do thỏa thuận được ghi nhận trong pháp luật dân sự. Thế nhưng, điểm đáng nói là ở chỗ Luật Thương mại lại quy định về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trong khi BLDS cho phép các bên tự do thỏa thuận mà không giới hạn về mức phạt thì Luật Thương mại lại giới hạn mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng đó. Mặt khác, mức phạt vi phạm tối đa theo quy định của Luật Xây dựng là 12%. Cùng điều chỉnh về một vấn đề nhưng rõ ràng có sự khác biệt giữa các văn bản. Điều đó đòi hỏi các bên phải phân biệt rạch ròi xem quan hệ nào do BLDS điều chỉnh và quan hệ nào được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Sẽ là rất khó phân biệt khi BLDS được xem là luật khung với đối tượng điều chỉnh là các quan hệ về tài sản, nhân thân trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động (Điều 1 BLDS 2005).

Hơn nữa, trên thực tế, nếu theo quy định của Luật Thương mại 2005, việc xác định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ gặp không ít rắc rối. Đơn cử, trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng thuê nhà với thời hạn 1 năm, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê nhà, hợp đồng sẽ chấm dứt. Giả thử sau 6 tháng, một bên vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê nhà, vấn đề phạt vi phạm sẽ được đặt ra. Thế nhưng, sẽ là khó khăn trong việc xác định mức phạt vi phạm khi số tiền phạt được tính là 8% của 1 năm hay 8% 6 tháng còn lại của hợp đồng?

TS. Vũ Đặng Hải Yến nhận định rằng: Luật Thương mại 2005 chưa quy định rõ giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là như thế nào sẽ dễ dẫn tới các cách hiểu và cách tính khác nhau, gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong quá trình xử lý vi phạm hợp đồng. Do vậy, cần gỡ bỏ hoàn toàn các quy định liên quan đến mức phạt vi phạm tối đa, tuy nhiên cũng cần cẩn trọng để bảo đảm không tạo điều kiện cho hành vi lạm dụng, đặc biệt là trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

Chế tài bồi thường thiệt hại thiếu thống nhất

Điểm không thống nhất giữa hai văn bản này không chỉ dừng lại ở quy định về mức phạt vi phạm mà mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại cũng không có sự đồng nhất. Nếu theo quy định của Luật Thương mại, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bên bị vi phạm hợp đồng bồi thường thiệt hại. Trong khi BLDS lại quy định rõ ràng “trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt”, tức là nếu không có sự thỏa thuận về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thì bên bị vi phạm không có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.

Thiếu thống nhất giữa BLDS và Luật Thương mại sẽ gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng luật để giải quyết tranh chấp bởi việc phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại vốn dĩ là việc không đơn giản, nhất là khi nguồn luật để giải quyết tranh chấp liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam nhiều khi phải kết hợp cả BLDS và Luật Thương mại.

Ngoài ra, theo Chánh án Tòa Kinh tế, TAND Hà Nội Phạm Tuấn Anh: Luật Thương mại có điểm trái với BLDS trong quy định về lãi suất. Nếu BLDS quy định phạt lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định thì Luật Thương mại lại quy định lãi suất trung bình của thị trường. Vậy lãi suất trung bình của thị trường là như thế nào, có căn cứ gì để xác định hay không? Cần thiết phải xem xét lại tất cả các quy định về chế tài của Luật Thương mại.

Việc sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm trong Luật Thương mại sao cho phù hợp và thống nhất với BLDS nhằm bảo đảm được tính chất thương mại là không hề đơn giản. Tuy nhiên, đây là điều thực sự cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật của nước ta.

Hương Thu
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

XEM THÊM:

Sự ra đời của Luật Thương mại 2005 là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại giữa các chủ thể, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, văn bản này vẫn tồn tại những bất cập làm hạn chế đi phần nào quyền tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận của các chủ thể. Vì thế, các chủ thể khi tham gia vào môi trường kinh doanh cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình một cách tích cực hơn, từ đó thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn.

(1) Xem Điều 300 Luật Thương mại năm 2005.

(2) Xem Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

(3) Xem khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

(4) Xem Điều 300 Luật Thương mại 2005.

(5) Xem Điều 302 Luật Thương mại 2005.

(6) Xem Điều 303 Luật Thương mại 2005.

(7) Xem Điều 305 Luật Thương mại 2005.

(8) Xem Điều 294 Luật thương mại 2005.

(9) Xem Điều 304 Luật Thương mại 2005.

(10) Xem Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005.

(11) Xem khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005.

(12) Xem Điều 301 Luật Thương mại 2005.

(13) Xem khoản 2 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005.

(14) Xem khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

(15) Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa.

(16) Dương Anh Sơn- Lê Thị Bích Thọ, Một số ý kiến về phạt vi phạm do vi phạm pháp luật hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, Thông tin pháp luật dân sự.

(17)  Xem Điều 301 Luật Thương mại 2005.

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến