Tác động của M&A thế giới tới hoạt động M&A Việt Nam hiện tại ra sao?
Hội nhập WTO – toàn cầu đặt ra cho các nước thành viên tham gia tổ chức này phải có một sư thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hội nhập sâu rộng hơn.
Trong xu thế hội nhập đó, cạnh tranh và áp lực toàn cầu hóa tác động không nhỏ tới hoạt động M&A khiến hoạt động này ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi hơn với các nước.
Khởi nguồn hoạt động M&A
Hoạt động M&A có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19 và đầu tiên xuất hiện ở nước Mỹ. M&A xuất hiện như một sự đa dạng về hình thức đầu tư tài chính và ban đầu nhiều nhà đầu tư vẫn còn chưa hiểu hết giá trị của hoạt động này mang lại. Cho tới ngày nay hoạt động M&A đã tương đối quen thuộc, phổ biến và được lan rộng ra toàn cầu, nó trở thành một hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp ở mỗi quốc gia và được cụ thể trong Luật, M&A là một kênh làm đa dạng hơn các hình thức đầu tư truyền thống vốn có. M&A trong lịch sử quá trình phát triển thể hiện nhiều ưu điểm và dần lớn mạnh không ngừng đóng góp một phần không nhỏ vào thu hút nguồn vốn FDI vào các nước mở cửa cho hoạt động này bùng phát.
Ở Việt Nam xuất hiện hoạt động M&A vào khoảng năm 2000, ở thời kỳ sơ khai đầu tiên khái niệm M&A còn khá mới mẻ, nhiều người nghe tới khái niệm này nhưng không hiểu hết nghĩa nội hàm của nó, và cũng còn chưa hiểu rõ bản chất của M&A là gì. Chính sự mới mẻ đó mà hoạt động M&A ở Việt nam còn gặp nhiều khó khăn, việc hình thành một môi trường M&A chuẩn mực ở Việt Nam chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên tới năm 2007 cuộc khủng hoảng tín dụng đã diễn ra trên nước Mỹ và làn sóng khủng hoảng này nhanh chóng ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Các công ty đa quốc gia ở Mỹ và các nước Châu Âu lâm là những nước đầu tiên lâm vào trạng thái phá sản hàng loạt, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, tài chính trên diện rộng. Rất nhiều ngân hàng có tuổi đời hàng trăm năm cũng rơi vào bờ vực phá sản và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Việc các doanh nghiệp chờ đợi "cứu hộ" của chính phủ cũng chỉ có giới hạn nhất định khiến các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn nằm trong trạng thái phải giải thể, phá sản hoặc chấp nhận bị "mua lại" với tình thế bắt buộc.
Khủng hoảng đã đem lại nhiều hệ lụy cho kinh tế các nước trên toàn thế giới như: giá cổ phiếu lao dốc, vàng thay đổi bấp bênh không ngừng, đồng USD không ổn định, khối Euro có nguy cơ bị đe dọa bởi khủng hoảng.
Hoạt động M&A cũng bị đe dọa bởi khủng hoảng và chịu sự tác động chung của cuộc suy thoái tài chính toàn cầu. Năm 2008 hoạt động M&A trên toàn thế giới có chiều hướng suy thoái mạnh sau năm năm liên tục tăng trưởng cao . Nếu nhìn nhận ở góc độ của các nước phát triển thì đây là thời kỳ suy thoái của hoạt động M&A nói chung, tuy nhiên Việt Nam, M&A còn là một thị trường mới lạ, nhưng hoạt động này đã thể hiện được những cơ hội tốt cho các thương vụ M&A phát triển và có nhiều thương vụ M&A giá rẻ. Một lợi thế cho M&A bùng phát là sự thay đổi tư duy về kênh đầu tư. Nhà đầu tư ở Việt Nam đã chuyển dần từ hình thức đầu tư từ đầu sang hình thức mua lại các nhà máy, doanh nghiệp của các công ty đã có sẵn. Các cách đầu tư truyền thống đã không còn được ưu tiên lựa chọn như trước nữa, nhà đầu tư khôn khéo lựa chọn đầu tư "tắt ngang" bằng việc mua lại một doanh nghiệp nào đó hơn là phải chi phí cơ hội cho một sự đầu tư từ đầu. Viêc sử dụng công cụ M&A là một cách rút ngắn thời gian và tiết kiệm nhiều chi phí cơ hội khi một nhà đầu tư M&A nào đó ra nhập ngành. Một quá trình đầu tư từ đầu của một dự án tỏ ra không hiệu quả bằng việc tận dụng tư liệu sản xuất có sẵn trong thương vụ mua lại công ty, đầu tư vốn lưu động vào đối tượng mua, sau đó tập trung cho ra sản phẩm ra đời trên cơ sở tư liệu sản xuất của bên bị mua. Cách này tỏ ra ưu điểm hơn và tiết kiệm được chi phí lãi vay trong lúc chờ đầu tư xây dựng dự án, hay nhà máy từ đầu cho tới khi hoàn thành.
Người có tiền đầu tư thu lợi lớn trong khủng hoảng.
Cũng trong khủng hoảng chung toàn thế giới về tài chính, ngân hàng, kinh tế và cả M&A khiến Việt Nam có cái nhìn tổng quát hơn và chính xác hơn về thực trạng M&A đang diễn ra. Trên cơ sở đó chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho hoạt động phục hồi hoạt động M&A ở Việt Nam. Nhìn ở góc cạnh khác khủng hoảng như một cơ hội lớn khiến những nhà đầu tư mạn về tài chính tìm kiếm được nhiều cơ hội mua "hàng giảm giá". Vị thế bên bán của các thương vụ không còn công bằng như lúc thịnh vượng mà bên bán thường rơi vào tình thế "thà bán còn hơn mất", khiến cho nhà đầu tư M&A giàu tiềm lực tài chính biến khủng hoảng thành cơ hội thâu tóm các doanh nghiệp và mang lại cho họ "lãi đơn","lãi kép".
Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính, ngân hàng, bất động sản thì cũng là lúc mà cơ hội phát triển M&A tại Việt Nam bùng phát. Các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đồng loạt nổ ra, các thương vụ giao dịch lớn chưa từng có ở Việt Nam trong những năm 2011 và nửa đầu năm 2012. Các thương vụ thâu tóm, sáp nhập đối nghịch và đồng thuận đều diễn ra tạo nên một bức tranh M&A ở Việt Nam thật phong phú và đa dạng. Khủng hoảng là một cơ hội thật sự tốt để nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế thâu tóm, mua lại các doanh nghiệp yếu thế trong giai đoạn hiện tại khá dễ dàng. Sóng M&A vẫn còn rất mạnh mẽ, và nó đang thể hiện được vị thế của mình trong thời kỳ hiện tại này.
Điểm vài thương vụ điển hình và lượng giao dịch lớn.
Bắt đầu từ lĩnh vực ngân hàng mà điển hình như: thương vụ sáp nhập ba ngân hàng: ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TP HCM, với tổng vốn điều lệ (tính tới cuối tháng 9) là 10.600 tỷ đồng và tổng tài sản 154.000 tỷ đồng. Thương vụ sáp nhập giữa SHB và HBB được ngân hàng nhà nước ký quyết định chính thức ngày 7/8/2012 chấp thuận sáp nhập Habubank vào SHB và bỏ luôn tên Habubank. Thương vụ này đã khiến SHB sau sáp nhập có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ sẽ trên 9.000 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có quy mô lớn.
Hay các thương vụ về Bất động sản như Công ty Điện tử Hanel mua lại 100% vốn góp của đối tác Hàn Quốc (Daewoo E&C) trong thương vụ Khách sạn Daewoo Hà Nội. Phía Việt Nam sở hữu 100% cổ phần trong khách sạn Daewoo, tuy nhiên không được công bố cụ thể số tiền. Hay tập đoàn Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria với giá trị không được công bố, Tập đoàn BRG mua lại cổ phần của Khách sạn Hilton, Công ty cổ phần Sao Sáng Sài Gòn mua lại Dự án Peninsula của JSM Indochina Ltd…
Tính chung bình theo mức tăng trưởng hàng năm trong hoạt động M&A Việt Nam đạt được khoảng 30%. Như vậy nếu làm phép tính với con số tăng trưởng đó thì Việt Nam năm 2012 tổng kết sẽ là đạt giá trị giao dịch: 7,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2012 thì các thương vụ M&A đã mang lại số lượng tiền giao dịch khá lớn đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Các thương vụ điển hình có thể điểm mặt như là: Thương vụ Eximbank đã đầu tư 100 triệu USD vào Sacombank, Glico đầu tư vào Kinh Đô, Hanel mua lại 100% cổ phần khách sạn Daewoo Hà Nội, Công ty xây dựng Cotecons phát hành 10 triệu cổ phiếu, trị giá 25 triệu USD cho Kusto Group, CT Group và GS E&C, thương vụ Doji và Tiền phong bank… cũng đã cho thấy toàn cảnh con số của hoạt động M&A năm 2012 và nhìn thấy một tương lai tươi sáng của lĩnh vực này.
Quan hệ M&A trong các lĩnh vực có biện chứng?
Chúng ta dễ dàng nhìn nhận thấy sự tương quan và chủ đạo của một số lĩnh vực giao dịch nhiều của M&A. Các lĩnh vực đang sôi động nhất vẫn là: Tài chính – Ngân hàng – Bất động sản. Trong mối tương quan này các lĩnh vực đều có tác động nhất định tới nhau, thông thường trong một thương vụ có xuất hiện cả các quan hệ ở Bất động sản, thương hiệu, tài chính và cổ phiếu ngân hàng. Vốn là các lĩnh vực chiếm nhiều vốn trong nền kinh tế của một quốc gia, các lĩnh vực này cũng nói lên xu hướng chung của M&A năm 2012, phải chăng đây là một năm cho sự tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vốn có nhiều thay đổi? Trong hai năm trở lại đây, hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra sôi động, có nhiều thương vụ công khai đình đám, trong đó cũng có nhiều vụ chỉ diễn ra như một cơn sóng ngầm nhưng mạnh mẽ, điều này đã khiến cho hoạt động M&A bộc lộ nhiều lỗ hổng pháp lý, những bất cập về thủ tục, quy trình, tiêu chí đánh giá thương vụ, quản lý việc thu thuế trong hoạt động mới mẻ này…
Đặc biệt M&A trong chưa đầy 3 năm trở lại đây bùng nổ đã trở thành một kênh đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam và mang lại nguồn vốn lớn thu hút được từ nước ngoài. Tuy nhiên thực trạng này diễn biến theo chiều hướng tiếp theo ra sao sẽ được tổng kết vào cuối năm tài chính 2012. Số lượng kỳ vọng 30% tăng trưởng có đạt được không cũng còn là một ẩn số.
( NGHỀ LUẬT SƯ - " HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN" ) theo Vũ Dũng PLXH
LINK NGUỒN: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/tac-dong-cua-ma-the-gioi-toi-hoat-dong-ma-viet-nam-hien-tai-ra-sao-40070
Bình luận
Bình luận bằng Facebook