Thầy Phạm Nhật Vượng - Anh luôn là một người thầy trong tâm thức em
Chỉ sau một buổi sáng, kể từ khi video clip về cuộc nói chuyện của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với 1.000 cán bộ quản lý của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel bị rò rỉ trên internet, câu chuyện đã trở thành chủ đề nóng nhất trong nhiều ngày liên tiếp.
Người ta đua nhau tìm kiếm, tải về máy, ngồi xem trọn vẹn hai tiếng và bàn tán trên mạng xã hội. Cũng không có gì lạ, bởi Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện rình rang. Thật khó nhìn thấy bóng dáng của tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam (theo xếp hạng của Forbes) trên truyền thông ngay trong cả những sự kiện lớn nhất của tập đoàn. Video cuộc nói chuyện lần này cũng được coi là tài liệu nội bộ và sau đó được yêu cầu gỡ khỏi các mạng xã hội vì thuộc bản quyền của Viettel.
Trong lần xuất hiện này, ngồi đối diện với tướng quân đội đang điều hành một tập đoàn kinh tế nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước, ông chủ của Vingroup nói về những bài học đắt giá, chiến lược kinh doanh tưởng như không dễ gì tiết lộ. Ở ghế của người "mời khách tới nhà”, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khiêm tốn dẫn chuyện, ông nhỏ nhẹ, thúc giục cán bộ của mình đặt câu hỏi và chiêm nghiệm từng câu chuyện được người đối diện chia sẻ.
Có điều gì đó rất lạ. Không đơn giản chỉ là những hình ảnh, thông tin luôn được săn lùng về người nổi tiếng. Không chỉ là những thông điệp mới mẻ một lần nữa khẳng định vị thế của Vingroup và Viettel - những doanh nghiệp đứng Top đầu trên thương trường.
Mà đó là sự thân thiện, học hỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cả thất bại và thành công giữa doanh nghiệp Việt toát ra từ cuộc đối thoại.
Điều mà trước đây rất ít thấy và vẫn thường được nhắc đến như một nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp Việt. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh từng trăn trở: "Sự thiếu đoàn kết, nương tựa nhau cùng tiến đã khiến doanh nghiệp nội ngày càng yếu thế trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài”.
Thì đây, một tín hiệu tuyệt vời khi đích thân người đứng đầu Vingroup nói đến sự đoàn kết, tương trợ giữa các doanh nghiệp trong nước. Ngay tại cuộc đối thoại, việc dành đất vàng xây chung cư của Vingroup được chuyển sang xây tòa nhà trụ sở của Viettel được thống nhất; Dự án tòa nhà thông minh khai thác thế mạnh công nghệ của Viettel và sở trường xây dựng, marketing của Vingroup được triển khai.
Hai thủ lĩnh tập đoàn hàng đầu cùng nhau nói đến khát vọng - sứ mệnh và tầm nhìn: "Mỗi người Việt Nam phải làm gì để con cháu khác chúng ta bây giờ, di sản chúng ta để lại là gì”.
Đây ắt hẳn là điều xã hội đang mong muốn khi có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với nguy cơ thua lỗ rất cao, thừa các chiêu cạnh tranh nhưng cực thiếu tính sáng tạo.
Chỉ cần một doanh nghiệp làm ăn được, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác nhảy vào khai thác làm phần bánh lợi ích nhỏ dần đi. Việc cùng nhau làm cho "miếng bánh” to ra để từ đó lớn mạnh thêm dường như là điều chưa thể làm được với các doanh nghiệp Việt.
Hàng loạt thương hiệu Việt như: P/S, Tribeco, Diana, Huda… đã bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Và sẽ còn nhiều hơn nữa. Một chuyên gia kinh tế nước ngoài từng nhận định doanh nghiệp Việt yếu về khả năng đánh giá thị trường, thường chăm chăm tìm cách vượt qua đối thủ nhưng thiếu khả năng kết nối, học hỏi, sáng tạo.
Cho nên, chúng ta hy vọng "cái bắt tay” của Vingroup và Viettel sẽ không còn là những tín hiệu đơn lẻ. Cần lắm một không gian thúc đẩy tinh thần hợp tác, chia sẻ giữa các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt là gom lại các nguồn lực, phát huy các thế mạnh để tập hợp thành một nhóm sức mạnh, để thương hiệu Việt đứng vững ngay trên sân nhà và chiến thắng trên thương trường quốc tế.
Quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng cao lòng tự hào dân tộc, cần lắm ngọn cờ đầu của những doanh nghiệp Việt.
( INTERNET)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook