/ / /

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng


Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng

Hợp đồng vay nợ giữa bà Xuân với bà Bé và ông Linh được xác lập vào ngày 20/12/1995, thời hạn thanh toán là hết tháng 12 (âm lịch) 1996. Đến năm 2002, bà Xuân mới khởi kiện đòi nợ đối với ông Linh, bà Bé. Trong quá trình tranh tụng, bà Xuân không chứng minh được từ thời điểm bên vay tiền vi phạm hợp đồng (tháng 12-1996 âm lịch) đến năm 2002 giữa hai bên có thỏa thuận kéo dài thêm thời hạn trả nợ nên không có cơ sở để tính lại thời hiệu.

Do vậy, Tòa án đã căn cứ vào khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 “Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Tòa án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện” để kết luận bà Xuân đã mất quyền khởi kiện.

            Ngoài ra, Tòa giám đốc thẩm cho rằng việc Tòa sơ thẩm cho rằng bà Xuân đã mất quyền khởi kiện nên mặc nhiên bà Bé không còn phải có nghĩa vụ thanh toán số nợ đã vay là không chính xác vì pháp luật hiện hành chỉ xác định hết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì Tòa án không thụ lý giải quyết.

Ý nghĩa bản án:

            Tòa án có thể tự mình viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án.

            Việc mất quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp không dẫn đến việc nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ bị chấm dứt.

Bình luận của tác giả:

            Thực tiễn pháp lý Việt Nam cho thấy viện dẫn việc mất quyền yêu cầu Tòa án giải quyết do hết thời hiệu khởi kiện có thể xuất phát từ một bên trong tranh chấp hợp đồng hay từ cơ quan tố tụng. Trong bản án đang bình luận, không có yếu tố nào của bản án cho thấy một bên đã viện dẫn việc hết thời hiệu và kết quả của việc mất quyền khởi kiện trên dường như xuất phát từ ý chí đơn phương của cơ quan tố tụng. Với thực tiễn này thì pháp luật Việt Nam khác với nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới.

            VD: trong thực tiễn xét xử của Pháp, Tòa tối cao Pháp thường xuyên hủy bản án sơ thẩm hay phúc thẩm trong đó thẩm phán tự mình viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên trong hợp đồng do hết thời hiệu trong khi không được bên kia của hợp đồng yêu cầu. VD: Điều 10.9, khoản 1 Bộ nguyên tắc Unidroit:”Việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ”. Như vậy, trong các hệ thống pháp luật trên, việc hết thời hiệu không có hiệu lực tự động. Việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực khi một bên viện dẫn điều đó như một biện pháp tự vệ. Ở đây, cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên trong hợp đồng nếu không được bên kia nêu ra.

            Quyền yêu cầu Tòa án can thiệp phát sinh từ quyền mà một bên được yêu cầu bên kia thực hiện. VD, quyền một bên yêu cầu Tòa án buộc bên kia thanh toán một khoản tiền phát sinh từ quyền bên này được yêu cầu bên kia thanh toán khoản tiền trên. Khi hết thời hiệu khởi kiện thì quyền khởi kiện bị mất. Một vấn đề đặt ra là liệu việc mất quyền yêu cầu Tòa án có dẫn đến mất quyền làm phát sinh quyền yêu cầu Tòa án không?

            Vấn đề pháp lý quan trọng này không được quy định một cách rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành. Trước đây, theo Điều 380.7 BLDS 1995 thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết. Nhưng ngày nay, theo BLDS 2005 thì thời hiệu khởi kiện không còn là căn cứ để chấm dứt nghĩa vụ. Trong tranh chấp giữa bà Bé và bà Xuân mà chúng ta đang bình luận, Tòa dân sự TANDTC đã nhận định việc mất quyền khởi kiện của bà Xuân không dẫn tới việc chấm dứt nghĩa vụ trả nợ của bà Bé.

            Như vậy, trong lĩnh vực hợp đồng, theo thực tiễn pháp lý Việt Nam, việc mất quyền khởi kiện không dẫn đến mất quyền làm phát sinh quyền yêu cầu Tòa án. Chúng tôi cho rằng giải pháp này là hợp lý và phù hợp với các quy định hiện hành của BLDS bởi lẽ trong danh sách căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự, chúng ta không có trường hợp hết thời hiệu khởi kiện.

            Giải pháp này dẫn đến hệ quả là nếu tự bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì không được đòi lại. Trong VD trên, nếu bà Bé tự thanh toán cho bà Xuân mặc dù thời hiệu khởi kiện đã hết thì không được đòi lại khoản thanh toán đó. Vì quyền đó vẫn tồn tại nên bên có quyền vẫn có thể sử dụng để bù trừ với nghĩa vụ của mình với bên kia. VD nếu bà Xuân cũng phải trả bà Bé một khoản tiền thì bà Xuân có thể sử dụng khoản tiền mà mình cho vay để bù trừ với món nợ mà mình phải trả cho bà Bé. Trong thực tế, không hiếm trường hợp hết thời hiệu nhưng bên có nghĩa vụ vẫn tự nguyện thanh toán và được Tòa án chấp nhận.

Tác giả: Đỗ Văn Đại

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến