Tiền điện tử, tiền thuật toán là gì?
Tiền điện tử (tiền thuật toán)
Như đã nêu ở trên, tiền điện tử được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp. Do đó, tiền điện tử có những đặc điểm là:
- Có khả năng tích lũy giá trị. Tiền điện tử được phát hành phải tuân theo những quy tắc nhất định nhằm đảm bảo số lượng tiền được phát hành không quá nhiều sẽ gây ra tình trạng lạm phát giảm giá trị của đồng tiền;
- Được trao đổi trực tiếp trên mạng mà không qua một tổ chức tài chính trung gian nào, nghĩa là không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào quản lý các giao dịch của đồng tiền.
- Có tính thanh khoản rất cao. Việc chuyển đổi từ tiền điện tử sang các loại tiền mặt thông thường được một số quốc gia chấp nhận phát hành nhanh chóng và thuận tiện.
Với đặc điểm trên, việc sử dụng tiền điện tử sẽ tránh sự độc quyền của nhà nước trong việc kiểm soát và ban hành tiền và tạo ra một thị trường giao dịch tự do: các giao dịch thanh toán bằng tiền điện tử được thực hiện trực tiếp giữa người với người mà không cần thông qua một bên trung gian thứ ba, ví dụ như khi tác giả bài viết muốn chuyển một khoản tiền X cho anh A thì tác giả sẽ thực hiện giao dịch đó mà không cần phải qua một ngân hàng hay tổ chức nào đó.
Cơ chế hoạt động của tiền điện tử dựa trên các mật mã điện tử (cryptography) và một mạng lưới phân phối cho phép giao dịch trực tiếp theo hệ thống mạng ngang hàng P2P (peer-to-peer). Để giữ an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra, tiền điện tử sử dụng các thuật toán trong toán học và một sổ cái công cộng (public ledger, mà sổ cái này hoạt động trên nền tảng công nghệ chuỗi khối blockchain).
Tại đây, ta sẽ đi vào 3 khái niệm cụ thể là mật mã điện tử (cryptography), hệ thống mạng ngang hàng (P2P) và sổ cái công cộng (public ledger):
(1) Mật mã điện tử là cách thức chuyển đổi thông tin từ dạng ‘có thể hiểu được’ sang dạng ‘không thể hiểu được’ và ngược lại. Việc sử dụng mật mã điện tử cryptography giúp đảm bảo những tính bí mật, tính toàn vẹn, tính xác thực, tính không thể chối bỏ.
- Tính bí mật (tiếng anh được gọi là ‘confidentiality’) nghĩa là thông tin chỉ được tiết lộ cho những ai được phép.
- Tính toàn vẹn (tiếng anh được gọi là ‘integrity’) nghĩa là thông tin không thể bị thay đổi mà không bị phát hiện.
- Tính xác thực (tiếng anh được gọi là ‘authentication’) nghĩa là người gửi hoặc người nhận có thể chứng minh đó đúng là họ.
- Tính không chối bỏ (tiếng anh được gọi là ‘non-repudiation’) nghĩa là người gửi hoặc nhận không thể chối bỏ việc đã gửi hoặc nhận thông tin.
(2) Mạng ngang hàng, đúng như tên gọi ‘ngang hàng’, tức quyền lực được phân tán, dân chủ; người tham gia các điểm trong mạng đều có quyền lực như nhau. Khác với mạng tập trung là quyền lực được tập trung vào một điểm, ví dụ như Google hay Facebook dù có phân tán mày chủ (server) trên khắp thế giới, lưu trữ trên điện toán đám mây (cloud), nhưng một khi các công ty này giải thể công ty thì người dùng sẽ mất hết toàn bộ dữ liệu.
(3) Sổ cái công cộng được hoạt động trên nền tàng chuỗi khối blockchain, tên tiếng anh gọi là blockchain. Đây là một cuốn sổ ghi chép và lưu trữ thông tin các giao dịch của tiền điện tử. Công nghệ chuỗi khối Blockchain được phát minh và thiết kế đầu tiên bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Khi kiểm tra thông tin về Satoshi Nakamoto trên mạng thì đều ra kết quả là đây là một cá nhân hoặc một nhóm người bí ẩn, không một ai biết chính xác cá nhân hoặc nhóm người này là ai. Quay lại về công nghệ chuỗi khối, có thể nói đây là một cơ sở dữ liệu được tổ chức thành liên kết dạng chuỗi của các khối thông tin (block), cho phép phát triển và mở rộng theo thời gian, nghĩa là bất cứ khi nào có những dữ liệu mới thì sẽ hình thành thêm các khối block mới và các khối này liên kết vào các khối cũ để tạo thành một chuỗi liên kết.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook