Tranh cãi quanh tòa tháp cao nhất nước Mỹ
One World Trade Center sẽ là công trình cao nhất nước Mỹ, vượt qua tháp Willis cao nhất hiện nay, khi nó chính thức khai trương vào năm tới, theo quyết định của Hội đồng về Cao ốc và Nhà ở đô thị Chicago.
Tuy nhiên việc xếp hạng mới này đã lập tức gây tranh cãi, mà người lớn tiếng nhất lại chính là Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel.
Tòa tháp cao nhất Tây Bán Cầu
Quyết định của Hội đồng về Cao ốc và Nhà ở đô thị Chicago gây tranh cãi có liên quan tới một chi tiết nhỏ: Chiếc cột trên nóc tháp One World Trade Center là một phần của tháp, vốn sẽ được tính vào chiều cao chung, hay nó chỉ là một cột ăng ten và như thế sẽ không được tính.
“Ngay cả khi lớp sơn bong ra khỏi cây cột, anh vẫn có thể thấy rằng đây là một thành phần kiến trúc” – Antony Wood, Giám đốc điều hành Hội đồng nói – “Đây không chỉ là một cột thép thuần túy để người ta treo ăng ten hay các đĩa thu vệ tinh” .
Hội đồng cho rằng phần cột nằm trong cấu trúc tổng thể của tòa tháp vì đây là một đặc điểm tồn tại vĩnh viễn. Vì thế chiều cao của tòa tháp được cho là tới 541 mét và nó đã cao hơn tháp Willis, với chiều cao chỉ 442,1 mét.
“Chúng tôi biết rằng đây là đặc điểm tồn tại vĩnh viễn bởi bản chất công trình đã có chiều cao thiết kế là 541 mét ngay từ đầu” – Wood nói – “Từ khóa là vĩnh viễn”. “Chúng tôi cảm thấy đây là một yếu tố thiết kế, không chỉ là một thiết bị phục vụ một chức năng” – Peter Weismantle, Chủ tịch ủy ban Chiều cao của Hội đồng nói.
Nhưng quan điểm này lập tức bị ông Emanuel bác bỏ. “Tôi vừa xem quyết định” – ông nói – “Và tôi có thể nói với tất cả các chuyên gia tụ tập tại đây rằng nếu nó trông giống một cây ăng ten, hoạt động như một cây ăng ten thì anh có thể đoán ra rồi đấy, nó chính là ăng ten. Đó là điều thứ nhất”.
“Điều thứ hai” – ông nói tiếp – “Tôi nghĩ rằng với tháp Willis, anh sẽ thấy nó có vẻ đẹp chưa có tiền lệ và khả năng thu giữ lấy điều gì đó. Điều gì đó mà tôi nói không thể tới từ một chiếc ăng ten. Vì thế với những người muốn leo lên đỉnh một chiếc ăng ten và ngắm nhìn bên ngoài, cứ việc làm theo ý họ. Tôi thì khuyên người ta nên ở trong nhà và nhìn ngắm bên ngoài”. Dù vậy ông Emanuel cũng không thể tác động thay đổi được gì tới quyết định của Hội đồng.
Tháp One World Trade Center sẽ là công trình cao nhất Mỹ khi khai trương vào năm tới
Không có sự đấu đá?
Theo Wood, với việc One World Trade Center trở thành tòa tháp cao nhất Mỹ vào năm tới, sự thống trị của tháp Willis ở ngai vàng chiều cao trong vòng 40 năm qua sẽ chấm dứt.
Dù “thua cuộc”, giới chức tháp Willis có vẻ vẫn không chấp nhận việc đứng ở vị trí số 2. Họ ra thông báo nhấn mạnh các đặc điểm độc đáo của cao ốc nằm ở Chicago , gồm “cảm giác thích thú và phấn khích vô cùng vì được đứng ở điểm cao nhất trong bất kỳ tòa nhà nào ở nước Mỹ, cao tới 442,1 mét so với mặt đất.
“Tháp Willis chào đón tháp One World Trade Center tới CLB danh giá gồm các tòa nhà cao nhất thế giới” – thông báo có đoạn – “Tháp Willis chưa từng xem đây là sự cạnh tranh giữa hai công trình mang tính biểu tượng. Tháp One World Trade Center là một kỳ tích kiến trúc gây choáng ngợp và là một biểu tượng về sự nhanh chóng phục hồi của nhân dân Mỹ”.
Như phản ánh sự quan tâm của công chúng tới quyết định, thông báo của Hội đồng đã được đưa ra trước một rừng camera trong căn phòng nằm tại tầng 16 của tháp IIT, vốn nhìn ra các công trình cao ốc nổi tiếng của Chicago, gồm tháp Willis.
Thông báo đã chấm dứt nhiều tuần phỏng đoán về phán quyết cuối, vốn thu hút sự chú ý lớn về việc Chicago hay New York sẽ giành lấy quyền sở hữu tòa nhà cao nhất Mỹ và Tây Bán Cầu.
Hội đồng đã có cuộc họp dài 3h30 phút vào ngày thứ Sáu tuần trước tại Viện Công nghệ Illinois, nơi họ đặt trụ sở. Các đại diện Cơ quan quản lý cảng New York và New Jersey, đơn vị đồng phát triển tháp One World Trade Center, đã phát biểu trước Hội đồng, bên cạnh cơ quan phụ trách kiến trúc chính là Owings & Merrill.
Theo phát ngôn viên Daniel Safarik, 25 thành viên Hội đồng đã hiện diện. Trong số 9 người Mỹ có 5 người Chicago, 2 New York và các thành viên khác tới từ nước ngoài, nên việc có sự đấu đá giữa New York với Chicago chỉ là đồn đại. “Đây là một tổ chức quốc tế” – Safarik nói.
Chắc chắn không phải ăng ten
Năm 1996, Hội đồng từng tước danh hiệu tòa tháp cao nhất thế giới của tháp Willis để nhường lại danh hiệu cho tháp đôi Petronas Towers ở Malaysia. Hội đồng nói rằng các cột trang trí của tháp Petronas, vốn cao hơn mái tháp Willis tới 10 mét, nên được tính vào chiều cao chung.
Thông qua quyết định đó, hội đồng xác nhận tiêu chuẩn lâu nay của họ rằng các cột trên đỉnh tháp, giống cột trên nóc tháp Chrysler, là một phần không tách rời của công trình. Trong khi đó các ăng ten giống như phần cột lắp lên tháp Willis thì không phải.
“Giữa Petronas và Sears chẳng có vấn đề gì” – kiến trúc sư Chicago Shankar Nair, cựu chủ tịch Hội đồng, người đã tham gia cuộc bỏ phiếu hồi năm 1996 nói – “Trước đó ai cũng đều đã đoán ra quyết định sẽ thế nào”.
Nhưng vấn đề One World Trade Center lại phức tạp hơn bởi phần cột cao tới hơn 120 mét của tháp được thiết kế để tăng chiều cao chung. Thực tế nếu tính tới đỉnh, tháp không thể cao tới 1,776 feet (541 mét). Con số 1.776 mét được kiến trúc sư Daniel Libeskind đề xuất trong kế hoạch thiết kế đoạt giải của ông, nhằm biểu tượng cho năm Mỹ ra Tuyên ngôn Độc lập.
Tuy nhiên dư luận từng ” nhướn mày ” với Hội đồng hồi năm ngoái khi biết rằng đơn vị đồng phát triển One World Trade Center là Durst Organization đã quyết định không phủ lên cột chống một lớp sợi fiberglass và thép gọi là radome.
Dust nói rằng việc này sẽ giúp tiết kiệm 20 triệu USD chi phí xây dựng. Khi không có vỏ bọc, phần cột của tháp, vốn đã được lắp vào trong một lễ cất nóc hồi tháng 5 năm ngoái, sẽ chỉ gồm một cột thép bình thường, xoay quanh nó là những đường đi bộ.
Việc này khiến người ta đã đặt dấu hỏi rằng liệu phần cột có còn là một phần của công trình, hay chỉ là ăng ten và như thế không được tính vào chiều cao chính thức. Tình hình tệ đi khi kiến trúc sư David Childs thuộc Owings & Merrill nói rằng ông thất vọng khi người ta dỡ bỏ phần bỏ bọc cột và qua đó khiến “phần ăng ten và thiết bị lộ ra ngoài”.
Tháng 9 này, Hội đồng đã không ủng hộ ý kiến của Childs, nhưng cũng không giải thích vì sao họ xem phần cột vẫn thuộc về công trình mà không phải là một chiếc ăng ten. Cũng trong tháng 9, Hội đồng đã phát ra một báo cáo đầy khiêu khích, nói rằng các cao ốc trên thế giới hiện đang thêm các phần cột trên nóc để tăng chiều cao ảo. Hội đồng chỉ ra một ví dụ là tháp Burj Al Arab. 39% chiều cao của tháp gồm các không gian không thể ở được, nằm ở phần đỉnh.
Thứ Sáu trước, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng nghe các tranh luận về vấn đề phần cột trên nóc tháp One World Trade Center , Cơ quan quản lý cảng New York và New Jersey đã tiến hành thử cái mà họ gọi là đèn trang trí cho phần cột.
Hàng trăm đèn LED trắng, đỏ và xanh đã thắp sáng phần cột và một ngọn đèn lớn tỏa sáng trên đỉnh tháp. Cơ quan quản lý cảng nói rằng ánh sáng có thể được nhìn thấy từ khoảng cách 70km. Thông điệp mà họ phát ra rất rõ ràng: Phần cột dùng để trang trí cho tòa tháp, không phải một ngọn ăng ten.
(Pháp Luật Việt Nam)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook