Viên chức có được phép hành nghề luật sư không?
Viên chức có được phép hành nghề luật sư không?
Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; thời gian đào tạo luật sư; quyền của người tập sự hành nghề luật sư…
Viên chức có được phép hành nghề luật sư không?
Điểm a Khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: Đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật...”. Đây là vấn đề “nóng” nhất, thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia, các luật sư và những người quan tâm.
Về vấn đề này, hiện nổi lên 3 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư; tạo ra một bộ phận luật sư-viên chức không chuyên tâm vào công việc; không “chuyên nghiệp hóa” nghề luật sư như định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 đã đưa ra và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để phát triển số lượng luật sư đến năm 2020 lên 18.000 - 20.000 như mục tiêu mà Chiến lược phát triển nghề luật sư đặt ra thì cần cho phép viên chức có đủ điều kiện theo quy định được hành nghề luật sư.
Loại ý kiến thứ ba đồng tình với dự thảo Luật là nên cho phép viên chức hành nghề luật sư, nhưng không phải mọi viên chức đều có quyền này mà chỉ giới hạn trong phạm vi những người là viên chức đang giảng dạy luật. Ý kiến này lập luận rằng, nếu cho phép mọi viên chức được hành nghề luật sư (như loại ý kiến thứ hai) thì sẽ có một số lượng rất lớn luật sư không bảo đảm về chất lượng và gây khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước trên thực tế. Nếu không cho phép viên chức được hành nghề luật sư (như loại ý kiến thứ nhất) thì chúng ta đang lãng phí một nguồn lực rất lớn về chất xám và kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào lực lượng luật sư tiềm năng của đất nước. Do vậy, để huy động tối đa chất xám và kinh nghiệm thực tiễn của những người là viên chức đang giảng dạy luật, đáp ứng mục tiêu phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư đến năm 2020, cần thiết phải quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư.
Cần tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư được cọ xát thực tế
Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006 quy định: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng”. Quy định này đã hạn chế người tập sự hành nghề luật sư thực hành các kỹ năng nghề nghiệp trên thực tế, ít có cơ hội “cọ xát” với thực tiễn để giúp họ có kinh nghiệm trước khi hành nghề.
Nhằm khắc phục tồn tại này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (Điều 14) đã cho phép người tập sự được thực hiện một số công việc như “gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tam giam, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại và các đương sự khác trong vụ án dân sự, hành chính; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các công việc khác dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý”. Tuy nhiên, người tập sự hành nghề luật sư không được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đại diện cho khách hàng trước tòa và ký văn bản tư vấn pháp luật. Theo Ban soạn thảo dự án Luật, quy định này vừa tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư được trực tiếp tham gia các công việc của luật sư hành nghề trong phạm vi nhất định, vừa bảo đảm cho khách hàng được cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, quy định này chưa thỏa mãn nhu cầu “cọ xát” với thực tế của những người tập sự hành nghề luật sư. Theo Luật sư Hằng Nga - thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì quy định như trong dự thảo Luật giống như cho người tập sự hành nghề luật sư ra biển nhưng không cho họ bơi. Luật sư Hằng Nga đề nghị, dự thảo Luật cần mạnh dạn tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư hơn nữa, khi quy định cho phép họ tham gia vào một số phiên tòa sơ thẩm dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn và sự đồng ý của khách hàng.
Thời gian đào tạo nghề luật sư và phân loại luật sư
Luật Luật sư 2006 (Điều 12) quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng. Thời gian này trên thực tế không đủ để cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người học nghề để trở thành luật sư. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng nâng thời gian này lên 12 tháng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, trong đó có Phó giám đốc Học viện Tư pháp PGS.TS Nguyễn Văn Huyên, để phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của Học viện Tư pháp (đào tạo chung 3 chức danh tư pháp: thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư) cần thống nhất chương trình và thời gian đào tạo 3 chức danh trên cho phù hợp với thực tiễn, do đó dự thảo Luật không nên quy định “cứng” mức thời gian đào tạo luật sư là 12 tháng, nên giao Chính phủ quy định để thống nhất với vai trò quản lý của Bộ Tư pháp đối với chương trình, thời gian đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp.
Vấn đề phân loại luật sư là vấn đề mới hoàn toàn mới, chưa được đề cập trong dự thảo Luật. Theo quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, để nâng cao trình độ luật sư, đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng cao và yêu cầu hội nhập quốc tế, kích thích nhu cầu học hỏi và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của luật sư, cần thiết phải phân loại, phân cấp bậc cho luật sư. Theo đó, luật sư có thể được phân theo cấp bậc 1-2-3 trên cơ sở kết quả học tập tại các lớp về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và kết quả qua các kỳ thi sát hạch để Hội đồng bình chọn phong tặng luật sư hạng 2, hạng 3... Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này và đề nghị đưa vào dự thảo Luật, đồng thời, bổ sung các quy định về căn cứ, tiêu chí để phân loại hạng bậc luật sư và cơ quan bình xét cấp bậc cũng như cơ quan thẩm quyền để cấp hạng bậc...
Theo Đại biểu Nhân Dân
Phương Thảo
Bình luận
Bình luận bằng Facebook