109 Anh Hùng Lương Sơn Bạc và bảng xếp hạng
ĐIỂM LẠI KẾT CỤC CỦA 108 VỊ ANH HÙNG LƯƠNG SƠN BẠC
ĐIỂM LẠI KẾT CỤC CỦA 108 VỊ ANH HÙNG LƯƠNG SƠN BẠC
Dù có nhiều dị bản nhưng tựu chung, toàn bộ nội dung truyện Thủy hử bao gồm hai phần chính: giai đoạn hình thành, tập hợp 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (trong 70 hồi đầu) và quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của lực lượng này.
Hình thành và phát triển
Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu[2], quá trình thăng tiến của gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông[3], một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.
Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Dương Tiễn, Lương Trung Thư… và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các lương thần của triều đình (Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh…) khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.
Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường… nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.
Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về Thủy hử, có những người con đường lên Lương Sơn vòng vo nhiều lần như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung hiếu với triều đình; lại có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như Lý Quỳ – ông coi việc làm phản khi bị hà hiếp là đương nhiên. Thủy hử phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản”, điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức nên Thủy hử dễ đi sâu vào tiềm thức của nhân dân.
Điều khiến Thủy hử trở nên ly kỳ, hấp dẫn là ngoài tính cách đa dạng của các nhân vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị Lâm Xung sát hại để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khai sáng Lương Sơn, nhưng lại không thuộc vào số 108 vị anh hùng – không thuộc vào 36 vị thiên cang hay 72 vị địa sát – vì ông bị tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người. Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi người một vẻ. Ngoài những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình… đánh bộ như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân như anh em Trương Hoành – Trương Thuận, 3 anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đới Tông, Thời Thiên… Đặc biệt, trong các anh hùng Lương Sơn còn có 3 phụ nữ (Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương).
Quy hàng và tan rã
ương Sơn Bạc phát triển đến cực thịnh ở hồi 70 với việc tập hợp đủ 108 vị anh hùng được phân thứ hạng và nhiệm vụ ở Lương Sơn. Triều đình nhà Tống nhiều lần phát quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.
Thái uý Cao Cầu đích thân cầm quân đi dẹp, bị quân Lương Sơn bắt sống. Tuy nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân ái quốc nên đã sai thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình.
Dù bị nhiều ý kiến phản đối (nhất là Võ Tòng,Lỗ Trí Thâm,và Lý Quỳ), Tống Giang vẫn quyết ý dẫn các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.
Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận, sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống Giang rút quân.
Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả 3 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này.
Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương Khánh, họ toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Tuy nhiên, khi đánh Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc giã không còn, nhà Tống tìm cách trừ khử họ.
Kết cục
Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi hạ đội quân này và bắt sống thủ lĩnh của họ (Võ Tòng bắt được Phương Lạp), các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều.
Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.
Những người chết
Tổng số có 69 người chết, trong đó:
1. Tướng chết trận: 59 người, bao gồm:
15 chánh tướng:
Tần Minh, Từ Ninh, Đổng Bình, Trương Thanh, Lưu Đường, Sử Tiến, Sách Siêu, Trương Thuận, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Lôi Hoành, Thạch Tú, Giải Trân, Giải Bảo.
44 phó tướng:
Tống Vạn, Tiêu Đĩnh, Đào Tông Vượng, Hàn Thao, Bành Kỷ, Trịnh Thiên Thọ, Tào Chính, Vương Định Lục, Tuyên Tán, Khổng Lượng, Thi Ân, Hách Tư Văn, Đặng Phi, Chu Thông, Cung Vượng, Bao Húc, Đoàn Cảnh Trụ, Hầu Kiện, Mạnh Khang, Vương Anh, Hỗ Tam Nương, Hạng Sung, Lý Cổn, Yến Thuận, Mã Lân, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Lã Phương, Quách Thịnh, Âu Bằng, Trần Đạt, Dương Xuân, Úc Bảo Tứ, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Lý Văn, Thạch Dũng, Đỗ Thiên, Đinh Đắc Tôn, Trâu Uyên, Lý Lập, Thang Long, Sái Phúc, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương
2. Các chánh phó tướng ốm chết dọc đường:
10 người, gồm:
5 chánh tướng:
Lâm Xung, Dương Chí, Trương Hoành, Mục Hoằng, Dương Hùng.
5 phó tướng:
Khổng Minh, Chu Quý, Chu Phú, Thời Thiên, Bạch Thắng.
Những người sống
Còn lại 39 người sống sau khi dẹp Phương Lạp, nhưng kết cục cũng khác nhau, không phải ai cũng được trọn vẹn
1. Tướng không muốn ra làm quan và đã bỏ đi trên đường về kinh
4 người:
2 chánh tướng:
Yến Thanh, Lý Tuấn
Trong Thủy hử truyện, sau này Lý Tuấn trở thành vua Xiêm La.
2 phó tướng:
Đồng Uy, Đồng Mãnh.
Hai tướng này cùng sang Xiêm La với Lý Tuấn
2. Những trường hợp không về khác
Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng ở lại chùa Lục Hòa (Hàng Châu) theo nghiệp tu hành.
Võ Tòng sau sống ngoài 80 tuổi, Lỗ Trí Thâm chết tại chùa này chỉ một thời gian ngắn sau khi thắng Phương Lạp.
Công Tôn Thắng từ giã Lương Sơn ngay trước khi ra quân tấn công Phương Lạp và theo La Chân Nhân tu hành ở Kế Châu
3. Những tướng trở về và nhận chức phong
Còn 27 tướng lĩnh Lương Sơn trở về và nhận chức phong của triều đình, gồm:
12 chánh tướng:
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Quan Thắng, Hô Duyên Chước, Hoa Vinh, Sài Tiến, Lý Ứng, Chu Đồng, Đái Tông, Lý Quỳ, Nguyễn Tiểu Thất.
15 phó tướng:
Chu Vũ, Hoàng Tín, Tôn Lập, Phàn Thuỵ, Lăng Chấn, Bùi Tuyên, Tưởng Kinh, Đỗ Hưng, Tống Thanh, Trâu Nhuận, Sái Khánh, Dương Lâm, Dương Xuân, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu.
4. Tướng đã ở kinh từ trước hoặc được lệnh gọi về
5 phó tướng:
An Đạo Toàn, Hoàng Phủ Đoan, Kim Đại Kiện, Tiêu Nhượng, Nhạc Hòa.
Số mệnh khác nhau của 32 người này sau khi về kinh mới là đa dạng nhất, không chỉ nói lên sự bội bạc của triều đình nhà Tống đối với công thần, mà còn lột tả tận cùng tính cách của từng người. Cho tới đoạn kết cục này, độc giả mới thực sự nhìn ra chân tướng của tất cả các anh hùng Lương Sơn Bạc.
Số Phận Của 32 Vị Tướng Còn Lại.
+ Tống Giang ngu trung, tự sát theo mệnh lệnh của vua. Hơn thế, sợ Lý Quỳ sẽ làm phản để báo thù cho mình, ông buộc Lý Quỳ phải uống rượu độc để cùng chết.
+ Lư Tuấn Nghĩa bị triều đình đầu độc chết.
+ Ngô Dụng và Hoa Vinh, sau khi mang xác Tống Giang và Lý Quỳ đi chôn, cũng treo cổ tự vẫn ở cùng
chỗ 2 ngôi mộ. Cái chết của Ngô – Hoa đầy bi phẫn.
+Quan Thắng nhận chức, sau bị tai nạn ngã ngựa chết.
+ Lý Ứng, Sài Tiến nhận chức một thời gian rồi từ chức về quê.
+ Đái Tông nhận chức rồi từ chức về làm thủ từ ở Thái An
+ Nguyễn Tiểu Thất, Tống Thanh, Mục Xuân, Trâu Nhuận, Tôn Tân, Tôn Lập, Cố Đại Tẩu, Tưởng Kính về kinh nhưng không nhận chức mà trở về quê.
+ Chu Vũ và Phàn Thuỵ bỏ đi làm đạo sĩ, ngao du thiên hạ.
+ Chu Đồng và Hô Duyên Chước còn làm tướng chống quân nhà Kim sau này (Hô Duyên Chước tử trận). Lăng Chấn cũng tiếp tục phục vụ triều đình trong chiến trận.
+ Dương Lâm, Bùi Tuyên cùng về suối An Lạc giữ chức tiểu lại.
+ Hoằng Tín làm quan ở Thanh Châu
+ An Đạo Toàn ở lại Viện thái y làm thày thuốc
+ Hoàng Phủ Đoan lại đi giữ ngựa cho triều đình
+ Kim Đại Kiện làm ngự bảo giám
+ Nhạc Hòa phục vụ trong phủ phò mã
+ Tiêu Nhượng làm văn thư trong phủ gian thần Sái Kinh
Trong 32 người, 3 người bị triều đình sát hại; 2 người tự vẫn vì phẫn chí; 12 người về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều gian thần; 13 người tiếp tục phục vụ triều đình.
Các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc
Các anh hùng Lương Sơn Bạc thường được nhắc tới gồm có 108 người, tuy nhiên trên thực tế phải là 109 người, nếu tính cả Tiều Cái. Xa hơn nữa, chủ trại đầu tiên là Vương Luân, song Vương Luân nhanh chóng bị trừ khử không đóng vai trò gì đối với sự phát triển của Lương Sơn Bạc và do đó không được nhắc tới và không được tính vào hàng ngũ các anh hùng Lương Sơn.
Mặc dù Tiều Cái không chính thức thuộc về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc vì trúng tên chết sớm ở trại Tăng Đầu, nhưng xét ra Tiều Cái là người lãnh tụ đầu tiên từ lúc Lương Sơn mới mở. Đối với các anh hùng Lương Sơn Bạc, từ Tống Giang trở đi, Tiều Cái là thủ lĩnh tối cao và nếu không vì cái chết của Tiều Cái, Tống Giang có thể không trở thành thủ lĩnh của Lương Sơn
108 thủ lĩnh Lương Sơn gồm có 36 vị sao Thiên Cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là Tống Giang và cuối cùng là Đoàn Cảnh Trụ
Về hình mẫu các nhân vật
Tuy Thủy hử có sự đa dạng về tính cách và sở trường, sở đoản các nhân vật nhưng theo ý kiến các nhà nghiên cứu, trong đó có ý kiến của nhà phê bình Kim Thánh Thán đời nhà Thanh, một số nhân vật trong Thủy hử có những nét tương đồng với nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Đó là nguyên nhân chính để các nhà nghiên cứu khẳng định sự tham gia ở mức độ nhất định của La Quán Trung đối với tác phẩm Thủy hử.
Tống Giang, ngoài sự trung hiếu với triều đình, theo Kim Thánh Thán, còn mang nhiều nét của tính giả dối, giống như Lưu Bị. Ngô Dụng với trí thông minh tuyệt đỉnh rất giống Gia Cát Lượng. Quan Thắng và Chu Đồng đều có hình ảnh phảng phất như Quan Vũ. Lý Quỳ có tính nóng và ngay thẳng giống Trương Phi…
Ngoài ra, tên một số nhân vật cũng mang những chữ gợi nhớ đến các nhân vật Tam Quốc Diễn Nghĩa. Lã Phương có biệt danh là "Tiểu Ôn hầu”, cũng sử dụng hoạ kích như Lã Bố; Trong Tam Quốc, Gia Cát Lượng có tên tự là Khổng Minh, trong Thủy hử có hai anh em họ Khổng là Khổng Minh và Khổng Lượng; Tiên phong Sách Siêu khoẻ mạnh nhưng bồng bột giống với nhân vật Mã Siêu của Tam Quốc…
Giá trị nghệ thuật
Trong bài giới thiệu tác phẩm Thủy hử, giáo sư Lương Duy Thứ viết:
Sức hấp dẫn kỳ lạ của Thủy hử chủ yếu do tài năng văn chương của Thi Nại Am. Kim Thánh Thán là một người mang nặng tư tưởng phong kiến đã phải thốt lên: "Những tên sao thiên cương, địa sát, xét ra không hợp đạo làm người, sao lại có áng văn viết ra lạ lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế? Ta muốn dựng Thi Nại Am dậy mà hỏi cho ra?”
Về mặt kết cấu, tác phẩm được độc giả đón nhận như hàng trăm truyện ngắn ly kỳ, có thể đứng độc lập như những tác phẩm riêng lẻ, nhưng dưới ngòi bút của Thi Nại Am chúng được xâu chuỗi liền mạch thành một hệ thống hoàn chỉnh[7]. Kết cấu đó mang đặc sắc của những tác phẩm phát triển từ chuyện kể, và sợi dây quán xuyến toàn bộ tác phẩm là sự xung đột giữa chế độ phong kiến áp bức và tinh thần phản kháng mãnh liệt của các anh hùng hảo hán.
Từ những câu chuyện về các số phận đầy éo le trắc trở, như những dòng suối tuôn chảy về sông, Thủy hử đã dựng dậy vô số nhân vật có phong tục tập quán cũng như lời ăn tiếng nói của vùng thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà. Phải dụng công lắm Thi Nại Am mới xây dựng được những nhân vật không những có "suy nghĩ và hành động phù hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội” mà còn có cá tính muôn màu muôn vẻ, hình dáng và lời nói không ai giống ai trong thực tế cuộc đời. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có những nhân vật chỉ được phác hoạ sơ và có những người chỉ thêm cho đủ số 108.
Trong số 108 hảo hán Lương Sơn có hơn một nửa là những "tôi trung con hiếu”, những con người vốn sẵn lòng thờ phụng triều đình, nhưng "muốn làm nô lệ mà vẫn không được”, họ phải đứng dậy, làm việc bất đắc dĩ "bức thướng Lương Sơn” (buộc phải lên Lương Sơn Bạc)[8]. Vốn là những người dân thấp cổ bé họng, không nuôi ảo tưởng gì đối với con đường công danh sự nghiệp phong kiến và sự phản kháng của họ chỉ nhằm tìm đường sống, nhưng những hảo hán Lương Sơn đã không thể thành công. Sự thất bại của họ cho thấy sự thực lịch sử là trong xã hội phong kiến, khởi nghĩa nông dân chỉ có thể hoặc bị thế lực thống trị đàn áp, hoặc trở thành công cụ thay triều đình đổi ngôi của chế độ phong kiến.
Tác phẩm xây dựng được tính cách nhân vật điển hình, rõ rệt, thậm chí dị biệt. Nếu Tống Giang coi việc làm phản là tội "đáng diệt chín họ” và con đường đến với Lương Sơn quanh co, day dứt bao nhiêu, thì Lý Quỳ lại xem đó là việc đương nhiên và việc gia nhập chốn thủy hử (bến nước) của họ Lý lại đơn giản bấy nhiêu. Ngay trong một nhân vật, khi hoàn cảnh sống và địa vị xã hội thay đổi, tính cách cũng thay đổi theo, như Lâm Xung vốn là người hiền lành nhẫn nhục, nhưng khi ở miếu Thổ thần, hiểu thấu sự nham hiểm và tàn bạo của đám quan trên, ông lại trở nên ngỗ ngược, ngang tàng. Về nỗ lực xây dựng cá tính của những hình tượng nghệ thuật, Thủy hử đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo "tính cách có sẵn”, "lý tưởng hóa” của các tác phẩm cổ điển, tạo nên những cá tính sinh động và có sức thuyết phục độc giả.
Theo giáo sư Lương Duy Thứ, văn chương của Thủy hử không "dệt gấm thêu hoa” như Tây Sương ký, không "nhả ngọc phun châu” như Hồng Lâu Mộng, mà là "nhạc trỗi chuông ngân”, hùng hồn, dồn dập. Văn chương của Thủy hử gần gũi với truyện kể dân gian. Tác phẩm Thủy hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gân gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.
Sự chân xác lịch sử
Khởi nguồn của Thủy hử truyện là các truyện kể, huyền tích dân gian về cuộc đời và hành vi của các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc, thêm vào đó, cũng tồn tại nhiều văn bản truyện Thủy hử khác nhau nên có thể nói, tính xác thự về mặt lịch sử của tiểu thuyết này là không cao. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là trên thực tế, Phương Lạp chưa từng đụng đầu và do đó, bị tiêu diệt bởi quân lực của Lương Sơn. Phương Lạp đã thực sự xưng đế và bị tiêu diệt bởi những đội quân khác của triều đình nhà Tống chứ không phải quân Lương Sơn Bạc.
Trong một nhận định khác về sự chân xác của Thủy hử truyện, Lỗ Tấn viết :
"… Nguyên bản Thủy hử truyện này không còn, bộ Thủy hử lưu hành hiện nay có hai loại, một loại 70 hồi, một loại trên 70 hồi. Loại trên 70 hồi cũng bắt đầu từ chuyện Hồng thái uý lạc bước vào điện ma vương rồi sau đó 108 người tụ về Lương Sơn Bạc, đánh người cướp của, cuối cùng nhận lệnh chiêu an, được phái đi đánh dẹp giặc Liêu, bình định Điền Hổ, Vương Khánh, bắt được Phương Lạp (lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa nông dân cùng thời) lập công lớn. Cuối cùng triều đình nghi kỵ, bắt Tống Giang uống thuốc độc mà chết, rồi hóa thành thần. Còn chuyện chiêu an thì vốn là cách nghĩ của người cuối Tống đầu Nguyên, bởi vì lúc này xã hội loạn lạc, quân lính áp chế nhân dân, những người dân hòa bình thì nhẫn nhục chịu đựng, những người không hoa bình thì ly khai làm giặc. Kẻ làm giặc một mắt chống cự với quân lính, quân lính không thắng nổi họ, mặt khác cướp bóc nhân dân, tất nhiên nhân dân thường xuyên bị họ nhũng nhiễu. Nhưng một khi giặc ngoại xâm đến, quân lính không chống cự nổi, nhân dân vốn căm ghét ngoại tộc xâm lược, liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp đã chiến thắng quân lính để chống xâm lược, bởi vậy giặc cướp lúc này lại trở thành kẻ hành đao. Còn như chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì lại do người đầu Minh thêm vào. Minh Thái Tổ, sau khi nhất thống thiên hạ đã sinh lòng nghi kỵ các công thần, ra tay chém giết, những kẻ giữ được trọn vẹn không nhiều. Để tỏ lòng đồng tình với những công thần bị sát hại, nhân dân đã thêm vào chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát rồi hóa thành thần. Đó âu cũng là chỗ khiếm khuyết có thực, một ví dụ thường thấy về cách quyết "đoàn viên” của tiểu thuyết”.
===============DANH SÁCH XỆP HẠNG 108 VỊ ANH HÙNG=====
Phân tích bảng xếp hạng 108 anh hùng LSB
Bảng xếp hạng 108 anh hùng LSB tuy trong truyện nói là do trời đặt ra nhưng thực chất là kết quả của một sự tính toán xắp xếp của Tống Giang và Ngô Dụng. Bảng xếp hạng này dựa vào rất nhiều yếu tố từ võ nghệ, công lao, danh tiếng của từng người đồng thời còn có yếu tố ''cân bằng quyền lực'' giữa các nhóm. Thử phân tích xếp hạng của từng người xem
- Tống Giang là người uy tín, được lòng anh em nhất nên đương nhiên là số 1 rồi
- Lư Tuấn Nghĩa xuất thân giàu có, lại thêm võ nghệ tuyệt luân rất có danh vọng trong giang hồ. Lư Tuấn Nghĩa bắt sống Sử Văn Cung nhưng lại nhường ngôi đầu cho Tống Giang nên chắc suất ghế thứ 2 rồi.
- Ngô Dụng là túi khôn của LSB, Công Tôn Thắng thì có phép thuật cao siêu nên đều xứng đáng với vị trí 3,4.
- Quan Thắng là đại diện tiêu biểu của phái hàng tướng, tuy xuất hiện muộn nhưng võ nghệ tuyệt luân, lại là con cháu Quan Công nên có uy tín cao, vượt qua Lâm Xung đứng thứ 5.
- Lâm Xung vốn là giáo đầu dạy võ 80 vạn cấm quân, là một trong những thành viên kì cựu đến LSB từ sớm, bị Quan Thắng vượt mặt có phần thiệt thòi nhưng vị trí thứ 6 cũng là rất cao, xứng đáng.
- Tần Minh xuất thân là quan Thống Chế, được Tống Giang lôi kéo nhập bọn từ khá sớm, nhiều lần trinh phạt đều tích cực xung phong giết đich lập công. Võ nghệ, uy danh có kém Quan Thắng, Lâm Xung một chút nên xếp thứ 7.
- Hô Diên Chước vốn là con cháu danh tướng Hô Diên Tán, đi trinh phạt Lương Sơn bị thua rồi nhập bọn. Hô Diên Chước võ nghệ cao cường nhưng vì gia nhập muộn, công lao không bằng Tần Minh nên đứng ở ngôi 8.
- Hoa Vinh vốn là quan Tri Trại, bạn thân của Tống Giang. Tài bắn tên tuyệt luân của Hoa Vinh không ít lần giải nguy cho Tống Giang. Võ nghệ của Hoa Vinh cũng ngang ngửa Tần Minh, chỉ vì chức quan không cao, ít xung phong giết địch nên đứng dưới ở vị trí thứ 9. Hoa Vinh cũng thiếu cái dũng mãnh "muôn người không địch’’ nên không được đứng trong ngũ hổ tướng, chỉ được đứng đầu trong "Bát kỵ tiên phong’’.
- Sài Tiến vốn xuất thân quý tộc, con cháu của Chu Thế Tông Sài Vinh. Sài Tiến võ nghệ tầm thường nhưng tính rộng rãi hay giúp đỡ các anh hùng hảo hán nên có uy tín rất cao, được xếp thứ 10 làm công việc nhàn nhã quản lý tiền bạc, lương thực.
- Lý Ứng xuất thân cũng là địa chủ giàu có, thế lực, võ nghệ cao cường nên mới bị Tống Giang ép gia nhập Lương Sơn. Tống Giang xếp cho vị trí 11 là có ý lấy lòng Lý Ứng, nhưng chỉ giao nhiệm vụ cùng Sài Tiến quản lý tiền bạc, lương thảo, có phần không hợp lý cho lắm.
- Chu Đồng (thứ 6 trong Bát kỵ tiên phong) võ nghệ khá nhưng xuất thân chỉ là đô đầu huyện Vận Thành, xếp vị trí 12 có phần hơi cao. Lý do chủ yếu là Chu Đồng là ân nhân đã thả Tống Giang, Triều Cái chốn thoát nên mới được chiếu cố vị trí cao như thế.
- Lỗ Trí Thâm vốn là chủ trại núi Nhị Long, võ nghệ cao cường nhưng không có quan hệ thân thiết với Tống Giang nên xếp sau Chu Đồng ngôi 13.
- Võ Tòng là chủ trại thứ 3 của núi Nhị Long, xét về võ công uy tín còn kém vài người nữa nhưng vì là anh em thân thiết với Tống Giang nên được ngôi 14.
- Đổng Bình (15), Trương Thanh (16) đều là hàng tướng mãi đến cuối truyện mới xuất hiện nhưng lại được xếp ở vị trí rất cao do có tài nghệ xuất sắc. Đổng Bình sử dụng song thương dũng mãnh, xuất quỷ nhập thần được xếp vào xếp vào nhóm ngũ hổ tướng, Trương Thanh tuy võ nghệ không quá giỏi nhưng có tài ném đá siêu hạng từng đả bại hơn 10 anh hùng LSB, xếp thứ 5 trong bát đại tiên phong.
- Dương Chí (thứ 3 trong Bát kỵ tiên phong) vốn là chủ trại thứ 2 của Nhị Long Sơn, từng làm quan Đề Hạt, đáng lẽ phải xếp trên Võ Tòng nhưng chỉ được ngôi 17 có lẽ vì không có quan hệ thân thiết với Tống Giang .
- Từ Ninh (thứ 2 trong Bát kỵ tiên phong) có tuyệt chiêu sử dụng câu liêm thương, phá được trận liên hoàn mã của Hô Diên Chước. Luận chiến tích và thâm niên có phần nhỉnh hơn Dương Chí nhưng kém hơn về mặt danh tiếng nên ngôi thứ 18.
- Sách Siêu (thứ 4 trong bát đại tiên phong) võ nghệ không kém Dương Chí, Từ Ninh nhưng tính nóng nảy, hữu dũng vô mưu lại thêm gia nhập muộn, ít công lao nên xếp thứ 19.
- Đới Tung là vốn là một ông quan chuyên làm nhiệm vụ đưa thư liên lạc, ngoài việc chạy nhanh đưa tin không có gì đặc biệt. Đới Tung được ưu ái xếp thứ 20 vì là bạn đồng cam cộng khổ với Tống Giang khi còn tù ở Giang Châu.
- 20 vị trí đầu tiên là những vị trí then chốt, có vai trò quan trọng với sự phát triển của Lương Sơn Bạc. Nhìn danh sách này có thể thấy phần lớn là các tướng lĩnh cũ của triều đình,ý đồ khuếch trương uy tín để nhận chiêu an của Tống Giang đã thể hiện rất rõ.
- Lưu Đường vốn nằm trong nhóm Nguyên lão cùng Triều Cái lên Luơng Sơn, vị trí lúc đầu chỉ sau nhóm 4 trụ và Lâm Xung. Sau một loạt thành viên mới xuất hiện khiến Lưu Đường bị đẩy xuống sau Đới Tung ở vị trí 21.
- Lý Quỳ cục súc không có đầu óc, mỗi lần xuống núi toàn gây họa cho LSB, lạm sát người vô tội công ít tội nhiều. Nhưng hắn đối với Tống Giang một lòng trung thành nên Tống Giang mới ưu ái cho hắn ở vị trí 22.
- Sử Tiến vốn là thủ lĩnh núi Hoa Sơn, giỏi võ nghệ( thứ 7 trong 8 đại tiên phong), đáng lẽ xếp thứ 20 nhưng do không thân thiết với Tống Giang nên chỉ được ngôi 23.
- Mục Hoằng vốn là tay giang hồ có máu mặt ở bến Tầm Dương, võ nghệ khá nhưng trong quá trình phát triển của Lương Sơn Bạc rất ít khi ra trận giết giặc lập công. Ngôi thứ 24 và vị trí cuối cùng trong 8 đại tiên phong coi như là một sự ưu ái của Tống Giang với công cứu giá ở Giang Châu khi trước.
- Lôi Hoành vốn là đô đầu huyện Vận Thành cũng có ơn tha Tống Giang và Trều Cái trước đây.Nhưng vì uy tín, quan hệ và võ nghệ không bằng Chu Đồng nên được xếp thứ 25.
- Tam Hùng họ Nguyễn vốn thuộc nhóm nguyên lão cùng Triều Cái lên Lương Sơn được lần lượt xếp ở vị trí 27,29,31. Xen kẽ lần luợt xếp trên 3 anh em họ là những đầu lĩnh thủy quân có quan hệ tốt với Tống Giang như Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận (vị trí thứ 26,28,30). Bác Tống Giang thâm thật.
- Dưong Hùng và Thạch Tú có công dẫn đường Lương Sơn đánh phá Trúc Gia Trang. Luận về võ công và chiến tích Thach Tú đều hơn. Vì nhường Dương Hùng là anh kết nghĩa nên được xếp trên thứ 32, Thạch Tú thứ 33.
- Giải Trân, Giải Bảo vốn là thợ săn, võ nghệ bình thường, ít tiếng tăm. 2 người này được xếp vào nhóm sao Thiên Cương ở vị trí 33, 34 là một quyết định khó hiểu. Có lẽ là do Tống Giang muốn đền bù việc Bệnh Ùy Trì Tôn Lập (anh họ của Giải Trân, Giải Bảo) không đuợc xếp vào nhóm sao Thiên Cương.
- Yến Thanh giỏi khá đa tài đa nghệ nhưng vốn là thân phận nô bộc của Lư Tuấn nghĩa nên không được thứ hạng cao. Yến Thanh được vị trí cuối cùng thứ 36 sao thiên cương coi như là nể mặt Lư Tuấn Nghĩa.
- Chu Vũ có tài thao lược, đáng lẽ có thể gia nhập top 36 chánh tướng nhưng vì hết chỗ nên được xếp đầu 72 phó tướng. Dù sao với chức danh tham mưu Chu Vũ vẫn tham gia nhiều hoạt động quân sự cơ mật mà nhiều đầu lĩnh khác không được dự, coi như là sự an ủi.
- Xếp sau Chu Vũ là Hoàng Tín (38). Hoàng Tín cũng là hàng tướng của triều đình, học trò của Tần Minh, gia nhập sớm, võ nghệ cũng được. Vị trí thứ 37 có hơi cao một chút nhưng tổng thể chấp nhận được.
- Tôn Lập võ nghệ cao cường (giao chiến với Hô Diên Chước 30 hiệp không phân thắng bại), hơn hẳn Hoàng Tín. Hơn nữa Tôn Lập còn lập công lớn làm nội gián tiêu diệt Chúc Gia Trang. Tài nghệ, công lao của Tôn Lập thừa sức lọt vào top 8 đại tiên phong hoặc ít ra nằm trong số 36 sao Thiên Cương. Nhưng Có lẽ vì Tống Giang cho rằng việc Tôn Lập bán đứng lòng tin của Trúc Gia Trang cũng như sư huynh đệ đồng môn Loan Đình Ngọc là hèn hạ, không đáng tin nên mới xếp Tôn Lạp vị trí 39,sau Hoàng Tín 1 bậc.
- Sát sau Tôn Lập là 3 cặp hàng tướng khác bao gồm; Tuyên Tán và Hắc Tư Văn (40,41). Hàn Thao và Bành Dĩ (42,43), Đan Đình Khuê và Ngụy Định Quốc(44,45). Trong đó Tuyên Tán và Hắc Tư Văn vốn là phó tướng của Quan Thắng, nhờ uy tín của chủ tướng nên được vị trí cao hơn cả.
Danh sách hàng tướng còn có Lăng Trấn, có tài chế thuốc nổ nhưng võ nghệ không cao nên xếp thú 52. Cung Vượng và Đinh Đắc Tôn vốn là bộ tướng của Trương Thanh, võ nghệ trung bình lại thêm xuất hiện quá muộn nên bị xếp thứ 78, 79.
Bọn Bùi Tuyên, Âu Bằng, Đặng Phi, Yên Thuận (từ ngôi 47 đến 50) đều là thủ lĩnh sơn trại trước khi gia nhập Lương Sơn. Mặc dù Yến Thuận gia nhập sớm nhất lại có ơn cứu mạng Tống Giang nhưng Bùi Tuyên, Âu Bằng lại dược xếp trên do Tống Giang ưu tiên học thức, danh tiếng. Bùi Tuyên là khổng mục,Âu Bằng cũng từng làm quan quân, còn Yên Thuận chỉ là anh lái dê nên phải xếp sau. Đặng Phi cùng phe với Bùi Tuyên nên cũng được xếp trên Yến Thuận.
Tiêu Nhượng (46), An Đạo Toàn (56), Hoàng Phủ Đoan (57), Kim Đại Kiện (66) đều là những người thư sinh trói gà không chặt, nhờ có chút tài lẻ nên bị dụ nhập bọn, được ưu ái xếp những vị trí không đến nỗi thấp.
Tưởng Kính (53) vốn là quân sư của Hoàng Môn Sơn, có tài tính toán làm trợ lý cho Sài Tiến quản lý tiền bạc. Sau Tưởng Kính có 2 anh chàng đẹp trai làm hầu cận cho Tống Giang là Lã Phương, Quách Thịnh (54, 55).
Vương Anh (58) xuất thân là thằng phu xe, dung mạo xấu trai, võ nghệ tầm thường lại háo sắc, chỉ nhờ quan hệ tốt với Tống Giang nên được xếp ở tốp giữa. Hổ Tam Nương (59) võ nghệ hơn hẳn chồng nhưng do tu tưởng trọng nam khinh nữ nên bị xếp dưới 1 bậc .
Bào Húc chỉ là một tay thảo khấu chỉ huy sơn trại bé tí, gia nhập muộn nhưng nhờ dựa hơi Lý Quỳ nên được ưu ái vị trí 60.
Phàn Thụy vốn là một tay pháp sư hô mưa gọi gió, trước chống lại Tống Giang sau bị Công Tôn Thắng thu phục. Có lẽ vì tiền sử bất hảo nên bị xếp thứ 61, sau cả Bào Húc.
2 anh chàng Khổng Minh, Khổng Lượng võ nghệ dở tệ (bái Tống Giang làm sư phụ là đủ biết) đáng lẽ phải xếp từ 80 trở xuống, được xếp thứ 62, 63 là còn ưu ái chán.
Hạng Sung (64), Lý Cổn (65) vốn là thuộc hạ cũ của Phàn Thụy, sau này gia nhập lại thành đàn em của Lý Quỳ nên cũng được hưởng xái, xếp hạng tương đối khá khẩm trong những thằng làng nhàng ở tốp giữa.
Bọn Mã Lân (67), Mạnh Khanh (70), Trần Đạt (72), Dương Xuân (73), Trịnh Thiên Thọ (74), Đào Tông Vượng (75), Tào Chính (81), Thi Ân (85), Lý Trung (86), Chu Thông (87), Trương Thanh (102), Tôn Nhị Nương (103) trước khi lên Lương Sơn đều từng là sơn tặc nhưng không phải là người đứng đầu sơn trại cũ, võ nghệ tầm thường lại không quen thân với Tống Giang nên vị trí nửa dưới bảng xếp hạng. Riêng vợ chồng Trương Thanh – Tôn Nhị Nương võ nghệ kém nhất còn làm nghề hạ tiện (giết người làm bánh bao đem bán) nên bị xếp vị vị trí rất thấp.
Đồng Uy và Đồng Mãnh là 2 đầu lĩnh thủy quân, đàn em của Lý Tuấn nhưng tài năng kém xa đàn anh được xếp ở ngôi 68, 69. Còn Lý Lập cũng là đàn em của Lý Tuấn nhưng chỉ là chủ quán rượu chuyên giết người cướp của (cùng một giuộc với Tôn Nhị Nương) nên văng tít xuống thứ 96.
Còn Nhạc Hòa, Trâu Uyên, Trâu Nhuận, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu đều là anh em, bạn bè của Tôn Lập, có công làm gián điệp tiêu diệt Chúc Gia Trang. Nhưng Tôn Lập đã bị đẩy xuống nhóm Địa Sát Tinh nên thứ hạng những người cùng nhóm cũng không thể cao được. Nhạc Hòa vốn là cai ngục được cái hát hay nên dù không biết võ vẫn leo lên được ngôi 77, trên cả cặp chú cháu sơn tặc Trâu Uyên, Trâu Nhuận (90,91). Còn Tôn Tân và Cố Đại Tẩu vốn xuất thân là chủ quán rượu bị bạc đãi xếp tận thứ 100 và 101, ngay trên vợ chồng Trương Thanh.
Tống Vạn (82), Đỗ Thiên (83), Chu Quý (92) là 3 người lên Lương Sơn đầu tiên từ thời Vương Luân. 3 người này tài nghệ tầm thường, không thân thiết với Tống Giang nên mới bị đẩy xuống các vị trí thấp.
Tống Thanh là em Tống Giang, không có tài năng võ nghệ gì cả, nhờ ăn bám ông anh nên mới được ghế 76 kiêm nhiệm vụ tổ chức tiệc tùng. Mục Xuân là em Mục Hoằng, tài nghệ danh tiếng đều kém xa anh, ngậm ngùi xếp thứ 80. Đỗ Hưng là đầy tớ của Lý Ứng, nhờ uy chủ được ghế 89. Chu Phú là em Chu Quý xếp sau anh mình một bậc thứ 93.
Nhóm còn lại có thành phần xuất thân khá tạp nham hoặc tình cờ gặp thời lên Lương Sơn bao gồm Dương Lâm (61), Hầu Kiện (71), Tiết Vĩnh (84), Thang Long (88), Sái Phúc (94), Sái Khánh (95), Lý Vân (97), Tiêu Đỉnh (98), Thạch Dũng (99), Vương Đình Lục (104), Úc Bảo Tứ (105), Bạch Thắng (106), Thời Thiên (107), Đoàn Cảnh Trụ (108). Đây cũng là nhóm có thứ hạng thấp nhất LSB.
Cao nhất là Dương Lâm, chủ yếu là nhờ mối quan hệ thân thiết với Công Tôn Thắng, Đặng Phi và Đới Tung. Hầu Kiện vốn là học trò của Tiết Vĩnh, nhờ có công làm gián điệp giúp Tống Giang bắt được kẻ tử thù Hoàng Văn Bính nên được xếp ở vị trí cao hơn thầy. Thang Long thì có công mời được Từ Ninh phá trận liên hoàn mã nên được xếp ở vị trí con số đẹp 88. Lý Vân vốn là đô đầu, Sái Phúc, Sài Khánh là cai ngục kiêm đao phủ do bất đắc dĩ phải lên Lương Sơn lại không quen thân với ai nên đành xếp dưới. Tiêu Đỉnh, Thạch Dũng, Vương Đình Lục đều do tình cờ giới thiệu lên LSB nhưng xuất thân thấp kém và tài năng lại không có nên thứ hạng cũng không cao. Úc Bảo Từ thì nhờ làm nội gián tiêu diệt Tăng Đầu Thị nên Tống Giang mới xi xóa vụ cướp ngựa và cho nhập bọn, ngoài cái cao to ra thì vô tích sự nên thứ hạng thấp, chỉ làm thằng cầm cờ. Bạch Thắng gia nhập sớm cùng với Triều Cái, nhưng vì khai ra làm lộ vụ cướp kim ngân nên bị trừ điểm nặng xếp thứ 3 từ dưới lên. Thời Thiên đóng góp rất nhiều vào hoạt động gián điệp nhưng vì xuất thân trộm đạo, danh tiếng bị ảnh hưởng xấu nên bị xếp áp chót. Đoàn Cảnh Trụ ăn hại buôn lậu ngựa 2 lần đều thất bại, gián tiếp dẫn đến cái chết của Triều Cái , xếp bét là hợp lý.
Xem ra Tống Giang và Ngô Dụng đã phải tốn không ít công sức để dung hòa mọi yếu tố để lập ra bảng xếp hạng này.
Quan Thắng xếp đầu tiên trong ngũ hổ tướng, trên cả Lâm Xung ngoài việc xuất thân cao quí, là con cháu Quan Công còn vì võ nghệ siêu quần. Lúc mới xuất hiện Quan Thắng đã từng bị Lâm Xung, Tần Minh 2 hổ tướng vây đánh nhưng vẫn cầm cự hơn chục hiệp. Quan Thắng cũng đã từng đọ sức với Sách Siêu, đánh hơn chục hiệp Sách Siêu đã tỏ ra lép vế hoàn toàn. Sách Siêu vốn võ nghệ ngang ngửa Dương Chí mà lép vế đến như thế đủ biết Quan Thắng võ công cao cường đến mức nào. Sau này Quan Thắng tham gia viễn trinh mỗi lần xung trận là một lần lập công, xứng đáng với danh hiệu Đại Đao.
Lâm Xung bị xếp dưới Quan Thắng nhưng xét về võ công thì không hề thua kém. Lâm Xung trước khi lên Lương Sơn đã từng giao đấu với Dương Chí gần 50 hiệp sắp phân thắng bại thì bị kêu dừng. Những ai tinh ý đọc đến cụm từ ''sắp phân thắng bại'' đều có thể đoán được Lâm Xung có phần nhỉnh hơn. Phong cách chiến đấu của Lâm Xung cũng không thiên về dùng sức mạnh đè bẹp đối thủ như Quan Thắng mà thiên về kĩ thuât chớp lấy sơ hở của đối phương để dứt điểm. Đấu với rất nhiều đối thủ Lâm Xung mấy chục hiệp đầu không tỏ ra áp đảo nhưng bất thình lình quát to một tiếng đâm đối thủ ngã ngựa. Sau này về hàng triều đình Lâm Xung cũng tiếp tục lập được vô số chiến công hiển hách,chết toàn thây (do ốm).
Tần Minh tính nóng nảy mỗi lần ra trận đều xung phong lập công đầu. Tần Minh sử dụng cây lang nha côn, uy lực tấn công dũng mãnh áp đảo đánh nát đầu đối thủ. Nhưng do chỉ mải tấn công nên khi gặp phải đối thủ rắn mặt, võ nghệ cao cường thì Tần Minh cũng bộc lộ sơ hở trong phòng thủ. Đánh nhau với Sử Văn Cung chưa đến 20 hiệp, Tần Minh đã núng thế rồi bị đâm ngã ngựa. Thất bại đó cho thấy võ công của Tần Minh cũng kém hơn 1 chút so với Quan Thắng, Lâm Xung. Nhưng cũng nhờ cá tính mạnh mẽ, nóng vội đó mà Tần Minh đã lập được vô số chiến công, không hề thua kém 2 người kia. Chỉ tiếc là trong lần trinh phạt Phương Lạp, Tần Minh đã sơ ý bị kẻ địch đánh lén hi sinh một cách đáng tiếc.
Hô Diên Chước trước khi lên Lương Sơn cũng đã từng giao đấu với hàng loạt cao thủ từ Lâm Xung, Lỗ Chí Thâm, Dương Chí, Tần Minh. Đối thủ nào Hô Diên Chước cũng đánh đến 50 hiệp mà không thể nào thắng nổi. Ngay cả với Hổ Tam Nương người mà Lâm Xung đánh 10 hiệp đã bắt sống, Hô Diên Chước đánh đến 20 hiệp mà không thể làm gì nổi. Qua đó có thể thấy đây là mẫu người đánh thiên về phòng thủ chắc nhưng lực tấn công thì kém. Nhưng trong một ngày Hô Diên Chước có thể đánh liên tục với 2,3 cao thủ đủ thấy thể lực và độ dẻo dai thật ghê gớm. Số chiến tích của Hô Diên Chước cũng không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng nhờ tính cẩn thận, chắc chắn nên cũng là một trong những tướng lĩnh hiếm hoi sống sót trở về.
Đổng Bình người cuối cùng trong ngũ hổ tướng sử dụng song thương biến hóa xuất quỷ nhập thần. Đổng Bình từng giao đấu với Từ Ninh 50 hiệp. Sau Tống Giang sợ Từ Ninh xơ sảy nên thu quân, Đổng Bình thừa cơ đánh sang bên Tống Giang (chứng tỏ Đổng Bình nhỉnh hơn Từ Ninh). Số chiến tích của Đổng Bình cũng khá nhiều hơn cả Hô Diên Chước nhưng chủ yếu giết những đối thủ yếu nên khó kiểm chứng được thực lực. Nhưng do tuổi trẻ háo thắng nên sau này Đổng Bình cũng phải chịu một cái chết lãng xẹt. Khi tay còn đang bị thương Đổng Bình đã đòi ra trận kết quả bị một thằng vô danh tiểu tốt đánh lén, chém đứt làm 2 đoạn, trở thành người đầu tiên trong ngũ hổ tướng tử trận.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook