Câu chuyện “vượt bão” của đại gia Đặng Thành Tâm
Đã qua cái thời “muốn uống thuốc sâu tự tử” bởi sự “ốm yếu” của CTCP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (Mã CK ITA) và CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (Mã CK KBC), ông Đặng Thành Tâm giờ có thể “cười nhẹ” bởi sau gần 2 năm trầy trật với thương trường, “sức khỏe” của những đứa con tinh thần mà ông dày công “nuôi nấng” đã có dấu hiệu phục hồi.
Sự trở lại của ITA và KBC
Còn nhớ trong lần xuất hiện bất ngờ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, vị đại gia này đã công khai khoản nợ lên tới 10.000 tỉ đồng mà các công ty của gia đình ông đang gánh. Và dù sau đó, ông đã khẳng định khoản nợ này vẫn đang trong tầm kiểm soát thì cũng chẳng mấy ai tin. Họ không tin cũng là phải bởi cứ nhìn cái bộ dạng kỳ lạ, tiều tụy, râu dài, tóc nhiều sợi bạc, nước da thì đen xạm đi trông thấy của ông thì mới thấy ông đang “đau đầu, nhức óc” với cục nợ này như thế nào. Điều này càng được củng cố khi trong nhiều lần xuất hiện trước báo chí sau đó, ông Tâm đều bóng gió về sự chán trường của mình, thậm chí đã có lúc “muốn uống thuốc sâu tự tử”.
Khoản nợ lên tới 10.000 tỉ đồng trên sau đó đã được thể hiện trong Báo cáo tài chính quý II/2012 của ITA và KBC. Cụ thể, tính đến 30/6/2012, con số nợ mà 2 công ty này phải gánh là 10.400 tỉ đồng, trong đó có 2.400 tỉ đồng là các khoản vay từ ngân hàng (Nợ phải trả của ITA là 3.933 tỉ đồng và nợ phải trả của KBC là 6.460 tỉ đồng). Nợ nần là vậy nhưng kết quả kinh doanh của những ITA, KBC lại chẳng mấy lạc quan khi mà 6 tháng đầu năm 2012, KBC lỗ 124,6 tỉ đồng, còn ITA có lãi nhưng chỉ lãi 5,36 tỉ đồng.
Bước sang năm 2013, gánh nặng nợ nần tiếp tục ám ảnh ông Đặng Thành Tâm và đến tháng 11/2013, ông đã phải “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, ông Tâm xin Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại giãn thời hạn thanh toán khoản 1.700 tỉ đồng tiền trái phiếu mà các công ty do ông trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu phát hành. Ông Tâm có lẽ đã không còn tự tin, thậm chí là bấn loạn bởi ông hiểu hơn ai hết những khó khăn mà mình đang gặp phải. Chuyện làm ăn phải vay chỗ này, nợ chỗ kia là chuyện thường tình nhưng với ông Tâm khi đó, tình cảnh là rất khắc nghiệt. Những khoản nợ lên tới cả ngàn tỉ đồng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chẳng khác gì “quả bom nổ chậm”, đặc biệt với những doanh nghiệp vốn dĩ có thế mạnh trong việc đầu tư, phát triển khu công nghiệp như KBC và ITA.
Ông Đặng Thành Tâm
Đúng là trong thời buổi kinh tế khó khăn, có những doanh nghiệp nợ đến cả vài chục ngàn tỉ chứ vài ngàn, hay chục ngàn tỉ như ông thì có đáng gì nhưng họ khác, họ vẫn nhìn ra được khoản nọ, khoản kia để chi trả, còn ông thì sao, hầu hết các công ty đều gặp khó. Ông vẫn tin vào khả năng “vượt bão” của gia đình mình nhưng sự tự tin đó đã không còn như trước, những tuyên bố kiểu như “chúng tôi vẫn kiểm soát được các khoản nợ” vì thế chẳng khác sự phản kháng vô thức của con người khi bị đẩy vào thế đường cùng.
Thậm chí, đến cuối năm 2013, khi những nỗ lực giảm tải áp lực nợ không mang lại hiệu quả và đề xuất trên của ông cũng chưa nhận được sự hồi đáp, KBC đã phát đi thông tin sẽ phát hành khoảng 100 triệu cổ phiếu, mức giá đấu giá thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng sẽ giải quyết được một phần công nợ đến hạn thanh toán và bổ sung một lượng vốn kinh doanh. Ở ITA cũng vậy, để giải quyết một phần nợ nần, ITA cũng đã phát hành gần 116 triệu cổ phiếu để giải quyết khoản nợ hơn 1.156 tỉ đồng.
Nợ lên tới cả ngàn tỉ đồng, kết quả kinh doanh thì bết bát khiến giá trị của ITA và KBC liên tục sụp giảm trên thị trường, thậm chí KBC còn bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2013. Và dù nợ ngắn hạn và dài hạn của KBC tính đến cuối năm 2013 đã giảm 160 tỉ so với năm 2012 xuống còn 3.857 tỉ đồng thì lòng tin của của giới đầu tư vào cổ phiếu này vẫn rất thấp.
Đứng trước khó khăn, ông Đặng Thành Tâm đã có những bước đi được đánh giá là khôn ngoan và đúng hướng khi tiến hành thoái vốn khỏi các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Những động thái này lập tức mang lại hiệu quả khi tính chung cả năm 2013, KBC đã có lãi 69 tỉ đồng. Bước sang năm 2014, KBC và ITA vẫn tiếp tục duy trì được đà phục hồi tăng trưởng khi liên tục gây ấn tượng, bứt phá ngoạn mục trên thị trường chứng khoán, qua đó đưa ông Đặng Thành Tâm trở lại Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến ngày 27/2, giá cổ phiếu KBC hiện đang được giao dịch ở mức 13.200 đồng, tăng 3.400 đồng so với mức giá chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2013, ITA cũng tăng từ 6.600 đồng lên 10.200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 18/2/2014, giá cổ phiếu KBC đã tăng kịch trần thêm gần 7%, và giúp tổng tài sản của ông Đặng Thành Tâm tăng thêm 80 tỉ đồng. Và nếu tính chung 6 phiên giao dịch gần đó, tổng giá trị của hơn 101 triệu cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm tăng thêm hơn 253 tỉ đồng. Cú bứt phá ngoạn mục này của KBC đã giúp tổng tài sản tính trên các cổ phiếu niêm yết của ông Tâm tăng vọt lên gần 1.570 tỉ đồng, vượt qua khá nhiều gương mặt doanh nhân khác để lọt trở lại vào tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo phân tích của giới chuyên đầu tư, sự trở lại của KBC là điều đã được đoán định từ trước sau kết quả kinh doanh có chiều hướng khả quan mà KBC đạt được trong quý IV/2013. Ngoài ra, sự phục hồi của KBC còn nhờ vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của công ty tăng trưởng đáng kể trong năm 2013 thông qua nhiều hợp đồng lớn với các tập đoàn nước ngoài được ký kết... Và khoản tiền này hoàn toàn đủ điều kiện nhận là doanh thu khi KBC đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao đất và nhà xưởng cho khách hàng.
“Nếu KBC thành công trong việc phát hành 1.000 tỉ đồng cổ phiếu theo như kế hoạch thì chắc chắn, giá trị cổ phiếu sẽ tiếp tục được củng cố. Ngoài ra, với 1.000 tỉ đồng, KBC có thể đẩy nhanh việc tái cơ cấu nguồn vốn, tăng năng lực vốn chủ sở hữu, giảm chi phí lãi vay…” - một nhà đầu tư nhận định.
“Vượt bão” được không?
Nợ nần, kinh doanh thua lỗ là một thực tế mà nhiều đại gia, nhiều doanh nhân ở nước ta đã và đang gặp phải, bản thân ông Đặng Thành Tâm cũng vậy. Tuy nhiên, như đã đề cập tới ở trên, ông đã biết đứng dậy, biết đối diện với khó khăn khăn và điều quan trọng là nhận ra sai lầm để thay đổi.
Nhìn lại những khó khăn mà ông Tâm phải đối diện gần 2 năm nay, giới phân tích cho rằng, ông “chết” vì quá tham lam, vì quá ôm đồm khi tham gia đầu tư, kinh doanh ở quá nhiều lĩnh vực, mà trong đó, có nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh, là sở trường của ông. KBC và ITA vốn dĩ được biết là những doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp nhưng vì chiến lược sai, và cũng vì phục vụ tham vọng của ông chủ nên đã mở rộng ngành nghề kinh doanh với những khoản đầu tư lên tới cả ngàn tỉ. Trong những năm đầu thực hiện, chiến lược này tỏ ra khá hiệu quả, ví như quy mô vốn của KBC chẳng hạn, chỉ tính riêng trong 2009 đã tăng tới cả ngàn tỉ đồng nhờ vào việc phát hành trái phiếu cho các ngân hàng, đặc biệt trong đó có không ít ngân hàng được xem là “người cùng nhà”. Nhưng rồi, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp thu về giảm sút mạnh, ông Tâm cũng như rất nhiều đại gia khác ở Việt Nam đã trở tay không kịp. Họ phải gánh những khoản nợ lên tới cả ngàn tỉ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ đủ trả lương và trả lãi vay, thậm chí thua lỗ nặng.
Bản thân ông trong một lần xuất hiện trước báo chí cũng đã thừa nhận, việc đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, lấn sân sang các lĩnh vực khác là một sai lầm. Ông Tâm bảo rằng, thấy người ta làm, mình cũng lao vào làm nên nợ nần ngập đầu, rằng nếu chỉ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ông sẽ không phải vay nợ nhiều để rồi rơi vào tình trạng bi đát như vậy. Và rồi, vợ chồng ông đã thoái toàn bộ vốn ra khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (mã chứng khoán NVB) và Ngân hàng Phương Tây. Động thái này của ông Tâm được đánh giá là đúng “sách”, hợp thời bởi cả 2 ngân hàng này đều có dấu hiệu của ngân hàng yếu kém cần tái cấu trúc vì nợ xấu tăng, tài sản bảo đảm chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.
Giới chuyên gia tin rằng, với những thay đổi như trên, nếu KBC và ITA cầm cự được qua giai đoạn khó khăn thì sẽ có điều kiện phát triển trong thời gian tới, đặc biệt khi kinh tế hồi phục, lĩnh vực cho thuê đất khu công nghiệp còn phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn chờ đợi ông Đặng Thành Tâm ở phía trước khi nhiều khoản nợ, trong đó có số trái phiếu đã phát hành năm 2009 đến hạn đáo nợ. Và dù tổng tài sản của các doanh nghiệp mà ông Tâm và gia đình nắm giữ là rất lớn nhưng để có tiền trở nợ lại là câu chuyện khác. Có thể ông đã cơ cấu được một khoản nợ lên tới cả ngàn tỉ đồng cho ITA nhưng đó là nhờ sự giúp sức của những công ty liên quan như Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Phát triển Hạ tầng Tân Tạo. Đại học Tân Tạo, Delta miền Nam, Quỹ ITA Vì Tương Lai... Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh dòng vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang thắt chặt, đặc biệt với những lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn vay là dài hạn như của KBC và ITA thì đây là điều không hề đơn giản. Bản thân ông giường như đã ý thức được điều này nên đã ráo riết chỉ đạo các công ty trực thuộc tăng cường thu tiền mặt, đặc biệt là các khoản phải thu từ khách hàng và thanh lý một số khoản đầu tư khác.
Qua đó để thấy rằng, chặng đường trước mắt với ông Đặng Thành Tâm vẫn còn rất nhiều chông gai! Chuyện ông “vượt bão” được hay không thì vẫn phải chờ. Nhưng như đã nói ở trên, ông đã biết nhìn nhận ra sai lầm để thay đổi và đã có kết quá khả quan, đây chính là cơ sở để giới đầu tư tin vào sự trở lại của ông trong tương lai.
Nếu như năm 2006, trong số các công ty mà các thành viên trong gia đình ông Đặng Thành Tâm nắm giữ mới chỉ có Công ty Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo lên sàn và giá trị cổ phiếu của ông cũng chỉ dừng ở mức 371,6 tỉ đồng thì chỉ một năm sau đó, khi Công ty Đầu tư Kinh Bắc lên sàn, với 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu ITA, ông Tâm có trong tay gần 6.300 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với người đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng của năm 2006. Tuy nhiên đến năm 2012, do giá cổ phiếu KBC và ITA giảm mạnh, ông Tâm đã bị ra khỏi Top 10 và chỉ lại 1 năm sau đó, giá 2 cổ phiếu này tăng lần lượt 71% và 59%, đưa tổng giá trị tài sản của ông đạt 1.295 tỉ đồng. |
Theo Thanh Ngọc
Petrotimes
Bình luận
Bình luận bằng Facebook