/ /

Đào tạo luật sư ở Đức


Đào tạo luật sư ở Đức

Đào tạo luật sư ở Đức

Ở Đức không tồn tại mô hình đạo tạo riêng cho từng nghề luật như nghề thẩm phán, nghề luật sư… mà chỉ có một quy trình đào tạo chung cho mọi nghề luật. Hiện nay ở Đức, các sinh viên luật sau khi tốt nghiệp có rất ít cơ hội được tuyển vào làm thẩm phán, do ngành toà án ít có nhu cầu bổ sung. Đồng thời, biên chế trong các cơ quan công tố và cơ quan hành chính nhà nước luôn có giới hạn khiến đa số sinh viên luật ra trường phải chọn nghề luật sư để kiếm sống. Tình trạng này khiến chúng ta có thể có nhận xét rằng đào tạo luật ở Đức thực chất là đào tạo các luật sư.

Đức là nước có truyền thống đào tạo nghề luật nói chung và đào tạo luật sư nói riêng khá lâu đời. Từ thế kỷ XIV, các trường đại học tổng hợp đầu tiên của Đức, trong đó có khoa luật đã được thành lập – đến nay, các khoa luật này vẫn là những cơ sở đào tạo luật chính thức của Đức.

Ở Đức, toàn bộ thời gian đào tạo luật được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất – đào tạo pháp luật ít nhất là ba năm rưỡi tại trường đại học. Giai đoạn thứ hai – đào tạo thực hành nghề luật kéo dài ít nhất là hai năm.

Bất kỳ ai, nếu muốn trở thành luật sư, công chứng viên, thẩm phán, công tố viên… đều phải thi tuyển hoặc được xét tuyển vào học tại các trường Đại học luật hoặc khoa luật tại các trường đại học tổng hợp (hiện nay, trên toàn nước Đức có khoảng 50 khoa luật trực thuộc các trường đại học nằm rải rác ở 16 bang).

Trong giai đoạn thứ nhất, các sinh viên luật sẽ phải học trong một khoảng thời gian ít nhất là ba năm rưỡi với các môn học mang tính cơ sở về khoa học luật như: lịch sử các học thuyết pháp luật, lịch sử pháp luật, triết học, xã hội học pháp luật và các môn luật mang tính chất bắt buộc như: luật hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính, luật tố tụng dân sự…

Bên cạnh các môn học mang tính bắt buộc thì sinh viên luật ở Đức cũng có các môn học tự chọn, đó có thể là môn luật về thuế, luật về cộng đồng châu Âu, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ… Việc thiết kế các môn học bắt buộc và tự chọn tùy thuộc vào chương trình của mỗi trường.

Về phương pháp đào tạo luật ở Đức thì hiện nay đang xuất hiện hai quan điểm khác nhau, đó là: quan điểm cải cách và quan điểm bảo thủ. Nhóm quan điểm cải cách cho rằng, nước Đức cũng như nhiều nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa cần phải tiếp nhận phương pháp thực tiễn trong đào tạo luật của các nước Anh – Mỹ. Nghĩa là, cần giảm bớt tính hàn lâm và phải đưa các vụ việc thực tiễn vào giảng dạy các môn luật. Nhóm quan điểm bảo thủ lại cho rằng, chế độ đào tạo pháp luật của nước Đức theo truyền thống vẫn rất hiệu quả. Bởi việc đào tạo pháp luật trong giai đoạn thứ nhất gắn với việc đào tạo kiến thức pháp luật cơ bản, tổng hợp, với mục đích cung cấp các kiến thức toàn diện cho sinh viên. Còn các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành mang tính chất nghề luật là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hai. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, nhiều khoa luật trên lãnh thổ của Đức đã chú trọng đến việc cân đối giữa hàm lượng lý thuyết và thực tiễn pháp luật trong cơ cấu các môn học. Điều này được minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều luật sư và thẩm phán có uy tín được các khoa luật mời đến giảng bài cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong hệ thống câu hỏi của các kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn thứ nhất, tỷ lệ các câu hỏi về thực tiễn pháp luật ngày càng tăng.

Nếu nhìn vào quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và việc đánh giá kết quả học tập qua các kỳ thi, đặc biệt là thi tốt nghiệp cho giai đoạn thứ nhất thì có thể khẳng định rằng, việc đào tạo pháp luật ở Đức có chất lượng rất cao. Pháp luật của Đức quy định: Bộ Tư pháp của mỗi bang có trách nhiệm giám sát, quản lý, đánh giá kỳ thi này, thậm chí cả việc ra câu hỏi thi. Các câu hỏi thi thường dài và phức tạp, chẳng hạn như, kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn thứ nhất ở bang Bavarian có tới tám câu hỏi, sinh viên phải hoàn thành bài thi trong thời gian năm tiếng. Đây thực sự là một áp lực đối với bất cứ sinh viên luật nào. Theo tài liệu thống kê được công bố năm 2003, thì chỉ có khoảng 65% sinh viên đạt yêu cầu, còn 35% sinh viên phải thi lại trong các lần thi tiếp theo.

Sau khi đã vượt qua kỳ thi của giai đoạn thứ nhất, các sinh viên luật sẽ được tiếp tục theo học giai đoạn thứ hai – giai đoạn đào tạo nghề luật, nghĩa là, đào tạo các kiến thức pháp luật thực hành. Việc đào tạo nghề luật của giai đoạn thứ hai kéo dài hai năm và cũng được kết thúc bằng một kỳ thi. Nếu không vượt qua kỳ thi này thì sinh viên luật sẽ không nhận được học vị cử nhân. Giai đoạn đào tạo kiến thức và kỹ năng của các nghề luật cụ thể là một phần không thể thiếu trong đào tạo luật ở bậc đại học[11]. Pháp luật của Đức quy định một quy trình chung cho đào tạo mọi nghề luật, nghĩa là, các sinh viên luật, sau khi tốt nghiệp đại học có đủ tư cách hoạt động ở mọi nghề luật. Thông thường, thầy giáo giảng trong các giờ học này là những thẩm phán hay các chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm. Những sinh viên luật dù đã định hướng nghề nghiệp như: nghề luật sư, thẩm phán… thì vẫn phải tham gia tập sự ở tòa án cấp quận hoặc tòa án cấp cao trong thời gian sáu tháng; ở cơ quan công tố ba tháng; ở hội đồng địa phương bốn tháng và bốn tháng tập sự cùng với một luật sư thực thụ. Như vậy, trong thời gian thực tập, sinh viên luật sẽ làm quen với các vụ việc thuộc nhiều lĩnh vực, từ dân sự, hình sự đến hành chính… Mức độ tiếp cận với thực tiễn nghề luật sẽ phụ thuộc vào số lượng công việc nơi thực tập và khả năng học tập của sinh viên. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ tập sự ở các cơ quan nói trên, trong thời gian bảy tháng còn lại, họ có thể tùy chọn tập sự lại ở một trong các vị trí nói trên, nhằm tăng thêm khả năng chuyên sâu nghề nghiệp. Trong bảy tháng này, những sinh viên có định hướng làm nghề thẩm phán thường sẽ chọn tòa án là nơi tăng cường thực tiễn. Còn những sinh viên có tham vọng theo nghề luật sư, thì địa chỉ mà họ thực tập là các công ty luật hoặc các đoàn luật sư. Giai đoạn thực hành nghề luật của sinh viên cũng được kết thúc bằng một kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này còn được coi là quan trọng và khó hơn kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn thứ nhất.

Tất cả những thí sinh đã qua kỳ thi thứ hai đều có thể đăng ký làm luật sư ở cơ quan tư pháp địa phương và được cơ quan này cấp Giấy phép hành nghề luật sư một cách đương nhiên (chỉ trừ một số trường hợp do Quy chế luật sư quy định)[12]

Điều kiện để trở thành luật sư ở Đức và ở Pháp về cơ bản là giống nhau, tuy nhiên chương trình đào tạo luật sư ở Đức dài hơn: ở Pháp có thể trở thành luật sư ở độ tuổi 22-23, ở Đức người ta phải cố gắng lắm mới có thể trở thành luật sư trước tuổi 30.

Theo con số thống kê năm 2001, toàn Liên bang Đức có khoảng 110.367 luật sư được công nhận tư cách trong các đoàn luật sư. Đến tháng 1/2003, số luật sư được công nhận tư cách trong các đoàn luật sư đã lên tới 121.420 người, tăng khoảng 4,4% so với 12 tháng trước đó. Nghề luật sư ở Đức cũng như ở nhiều nước trên thế giới, tính cạnh tranh ngày càng cao, do đó hình thành xu hướng ngày càng có nhiều luật sư hoạt động chuyên sâu trong một lĩnh vực pháp luật như: luật hôn nhân gia đình, luật thuế, luật hình sự, luật hành chính, luật sở hữu trí tuệ…[13]

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến