Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng: Và niềm tin sẽ quay trở lại?
Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng: Và niềm tin sẽ quay trở lại?
Dưới đây là phiên bản cache tại địa chỉ: http://www.diendandautu.com.vn/p0c211n1498/goi-ho-tro-29000-ty-dong-va-niem-tin-se-quay-tro-lai.htm
(DĐĐT) - TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Nhìn tổng thể, chính sách tài khóa được nới rộng hơn năm 2011 nếu nhìn theo mục tiêu, nhưng không có nghĩa là thiếu chặt chẽ”.
Các tin liên quan:
»Lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp
»Doanh nghiệp kiến nghị giãn nợ, giảm thuế
»Đề xuất 25.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp
»Công bố 5 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp
»Giảm lãi suất cần hơn gói hỗ trợ
»Chính phủ ra nghị quyết 'cứu' doanh nghiệp
»Giãn 3 tháng thuế VAT cho doanh nghiệp
* Chính phủ vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 29.000 tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về động thái này?
- Thông điệp của Chính phủ khẳng định đó là gói hỗ trợ, không phải gói kích cầu lớn như năm 2009. Thời điểm cũng khác năm 2009 nên được triển khai theo 2 nhóm.
Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, mà chủ yếu liên quan đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), cụ thể là giãn thuế VAT, giảm thuế thu nhập và cải cách các thủ tục để giảm chi phí giao dịch. Bộ Tài chính cũng đã nói, bây giờ là giảm và giãn thuế, còn sửa lại thuế thu nhập DN nằm trong lộ trình năm sau.
Thứ hai, kích cầu đầu tư, mở rộng thị trường. Quý I, ngân sách, trái phiếu chính phủ đã giao xong, bây giờ là đẩy nhanh giải ngân, song cần linh hoạt với trái phiếu trung hạn, nhất là đối với những dự án trong lĩnh vực xây dựng có lan tỏa tốt cho DN vừa và nhỏ.
Một chính sách kích cầu quan trọng nữa là xuất khẩu, giải quyết vấn đề sản xuất bán cho ai của DN. Hiện, xuất khẩu khó hơn nhưng hàng hóa của Việt Nam vẫn có cơ hội vào thị trường EU, Mỹ và Đông Á, nên cần chú trọng hơn nữa đến xúc tiến thương mại và đầu tư.
* Ông nhận xét thế nào về việc khống chế trần lãi suất cho vay dưới 15%?
- Áp đặt hành chính là điều cực chẳng đã, làm méo mó phân bổ nguồn lực, tạo ra những tương tác làm xói mòn đạo đức của các ngân hàng thương mại (NHTM), DN và người gửi tiền. Cũng biết cách làm lần này là méo mó nên NHNN quyết định áp trần có điều kiện cho 4 lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội và trong thời hạn tương đối ngắn.
NHNN tin rằng, thời gian 5 - 6 tháng sẽ đủ để xử lý tốt hẳn vấn đề thanh khoản, nợ xấu của các ngân hàng yếu kém và DN cũng có cơ gượng dậy. Tuy nhiên, khi đã sử dụng biện pháp hành chính, thì việc rút lui là vô cùng khó khăn.
* Đưa lãi suất cho vay xuống 15%, theo ông, đã đủ để sản xuất thoát khỏi đình đốn?
- Nó là tổng hòa của nhiều biện pháp hỗ trợ mà cùng với đó là nỗ lực của DN. Lâu nay, tâm lý thủ thế, có phần bi quan đã làm cho vòng quay của đồng tiền chậm lại, trước trên 2 lần, gần đây chỉ dưới 1.
Lạm phát theo năm tiếp tục giảm, tháng 4 là 10,4%, tháng 5 có thể xuống 9-9,5%. Lạm phát giảm nhanh, điều kiện cắt giảm lãi suất cũng nhanh hơn.
NHNN cũng đã nới rộng cho vay tiêu dùng, lĩnh vực trước đây không khuyến khích, bây giờ giảm còn một nửa và cho vay theo thỏa thuận không nằm trong 16% tổng dư nợ tín dụng... Với gói hỗ trợ lần này, lòng tin sẽ trở lại, cùng với đó, đồng tiền sẽ dịch chuyển nhanh hơn, phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi sinh.
* Có ý kiến cho rằng, nên khoanh nợ cho DN có hàng tồn kho lớn, ông nói gì về vấn đề này?
- Tôi không thích những câu như vậy, đơn giản vì trong câu chuyện của thị trường, DN không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên phải được cứu. Đình trệ và trì trệ sản xuất kinh doanh diễn ra khá sâu ở một số lĩnh vực và trên diện rộng, nếu nhìn vào chỉ số tổng cầu giảm, mức tăng của nhập khẩu thấp so với xuất khẩu, chỉ số tồn kho 4 tháng đầu năm tăng tới 32%. Nhưng xem xét hàng tồn kho thuộc lĩnh vực nào?
Có cái Nhà nước đúng, có cái Nhà nước sai phải sửa, nhưng DN cần biết mình đang sống trong một môi trường cạnh tranh. Gói hỗ trợ lần này, Nhà nước chỉ mở một tín hiệu và cho một cơ chế, còn với từng câu chuyện cụ thể là trò chơi của thị trường.
NHNN đã mở van cho 4 lĩnh vực, khống chế lãi suất cho vay dưới 15%, thậm chí cho phép cơ cấu lại nợ, nhưng làm thế nào thì DN phải đàm phán với ngân hàng chứ không thể chờ Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thể làm thay, nhất là khi chúng ta cần ổn định vĩ mô, thay đổi cách thức tăng trưởng và tái cấu trúc một cách quyết liệt.
Hải Vân/DNSG
Tags: gói hỗ trợ, 29.000 tỷ đồng, niềm tin, sẽ quay, trở lại,
Bình luận
Bình luận bằng Facebook