Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba có những rủi ro gì ?
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thử thách và hàng hóa của các doanh nghiệp đang tồn kho với khối lượng lớn, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tọa đàm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, qua đó tìm ra giải pháp thích hợp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thực tế, kể từ ngày 15/07/2012, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã triển khai đồng bộ thủ tục giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm áp dụng đối với tất cả các khoản vay cũ và mới. Với khoản nợ xấu, tính tới tháng 10/2012, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình là 8,82% trên tổng dư nợ tín dụng, và trong 10 tháng đầu năm tăng 66%, đang là một khó khăn lớn với toàn hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh các biện pháp xử lý nợ xấu ở tầm vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước, từng ngân hàng thương mại đang nỗ lực xử lý nợ đến hạn hoặc quá hạn nhằm giảm và ngăn ngừa nợ xấu gia tăng. Đối với những khách hàng có thiện chí, hợp tác trả nợ thì ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ để khách hàng tìm nguồn trả nợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở khách hàng có phương án/kế hoạch trả nợ cụ thể và khả thi, chủ động tìm kiếm khách hàng/thị trường mới để bán hàng tồn kho với phương thức linh hoạt và giá hợp lý hơn, tự xử lý tài sản bảo đảm hoặc phối hợp với ngân hàng tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để trả nợ, sắp xếp lại và đổi mới phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới… Đối với những khách hàng chây ỳ, cố tình không trả nợ đến hạn thì ngân hàng kiên quyết thu nợ bằng mọi biện pháp phù hợp, kể cả sử dụng biện pháp cuối cùng là khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu trả nợ.
Như một quy luật trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh vì không muốn sử dụng toàn bộ vốn chủ sở hữu của mình nhằm phân tán rủi ro hoặc vì không đủ khả năng về tài chính/sử dụng vốn vay ngân hàng có hiệu quả và chi phí thấp hơn so với vốn tự có; trong khi ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vay vốn để tăng thu nhập từ lãi trên nguyên tắc hoàn trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Đương nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình khi làm thủ tục vay vốn. Do đó, dựa trên những mối quan hệ nhất định, doanh nghiệp đề nghị bên thứ ba bảo lãnh cho mình vay vốn ngân hàng bằng tài sản bảo đảm hoặc bằng uy tín.
Thực tế, biện pháp bảo lãnh bằng uy tín của bên thứ ba ít được ngân hàng chấp thuận vì nó chưa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc cho ngân hàng thu hồi nợ trong trường hợp bên được bảo lãnh không trả được nợ đến hạn, nhất là bên bảo lãnh chưa có tín nhiệm và chưa xác lập, duy trì thường xuyên tiền gửi/tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo lãnh (khoản vay) tại ngân hàng. Cho nên, biện pháp bảo lãnh thông dụng và phổ biến được ngân hàng chấp thuận là bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi một số doanh nghiệp được bảo lãnh không trả được nợ đến hạn và bên bảo lãnh không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh như thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến ngân hàng khởi kiện bên vay, bên bảo lãnh tại Tòa án thì một số Tòa án đã tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp tài sản/quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Các bản án này đã để lại những hậu quả tiêu cực về mặt pháp lý và xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vay vốn của các doanh nghiệp và hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng như phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Thongtinphapluatdansu
Bình luận
Bình luận bằng Facebook