'Không có lý do để Sacombank bầu lại HĐQT'
Theo Chủ tịch Sacombank, chưa từng có tiền lệ bãi miễn HĐQT của một ngân hàng, và thực hư chuyện EIB nắm 51% cổ phần STB còn phải chờ chứng thực.
|
- Văn bản Eximbank gửi cho Sacombank có nêu Eximbank được sự ủy quyền của nhóm cổ đông đang nắm giữ 51% vốn điều lệ Sacombank, thực hư tỉ lệ này thế nào?
- Chúng tôi hết sức bất ngờ về tuyên bố này. Thực tế, tỉ lệ này chưa chính xác và không thuyết phục bởi đối với chứng khoán niêm yết thì cổ phần là bất biến, còn cổ đông thì có thể biến động. Do Sacombank chưa chốt danh sách cổ đông nên ai đang nắm giữ cổ phiếu STB của Sacombank đều có thể nói mình là cổ đông, nhưng thời điểm chốt danh sách mới có tính chất quyết định. Nếu trước thời điểm chốt danh sách, nhóm cổ đông đã ủy quyền cho Eximbank bán một phần hoặc bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ thì sự ủy quyền đó không còn giá trị và tỉ lệ vốn mà Eximbank làm đại diện sẽ thay đổi.
- Ông có biết phía sau Eximbank là những cổ đông nào?
- Hiện nay, Eximbank đang nắm giữ 9,73%, Ngân hàng Phương Nam nắm giữ 4,8% vốn điều lệ của Sacombank, số liệu còn lại trong tỉ lệ 51% nêu trên chưa được chứng thực. Toàn bộ chứng khoán lưu ký đều được Sacombank chuyển giao cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán quản lý. Sau khi có danh sách từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ xác định được ai là cổ đông. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ).
- Nếu sau khi chốt danh sách cổ đông và Eximbank là đại diện 51% vốn điều lệ Sacombank, liệu Eximbank có quyền yêu cầu ĐHCĐ bầu lại HĐQT?
- Không có lý do gì để Sacombank bầu lại HĐQT. Việc bãi nhiệm HĐQT của một ngân hàng là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, điều này có thể gây xáo trộn rất lớn đến thị trường. Suy cho cùng, ngân hàng nhận tiền huy động từ dân cư nên trách nhiệm của HĐQT với khách hàng hết sức quan trọng. HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015 được cổ đông bầu chọn, ngân hàng Nhà nước thông qua và được pháp luật công nhận.
Việc bầu lại HĐQT đồng nghĩa HĐQT đương nhiệm phải từ chức. Nhưng theo quy định hiện nay, các thành viên HĐQT đương nhiệm chỉ được thay đổi khi thành viên vi phạm kỷ luật hoặc có đơn từ chức theo đúng quy định của điều 36 Luật Tổ chức tín dụng và điều lệ hoạt động của Sacombank. Như vậy, với tư cách là đại diện cho nhóm cổ đông lớn, Eximbank chỉ có quyền đề xuất ĐHCĐ bầu bổ sung thành viên HĐQT.
- Có thông tin cho rằng Sacombank có dấu hiệu tẩu tán tài sản nên Eximbank đề nghị Sacombank không chuyển nhượng tài sản, cổ phiếu quỹ trong thời gian chuẩn bị ĐHCĐ?
- Điều này cũng hoàn toàn không có cơ sở vì Sacombank là một tổ chức được công nhận với các quy tắc, chuẩn mực thể hiện rõ ràng về quy trình, thủ tục thực hiện thanh lý tài sản, tạo vốn khả dụng. Hiện tại, có đến 80% tài sản của Sacombank là mặt bằng các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc thì bán như thế nào và sẽ bán cho ai? ĐHCĐ sắp tới, Sacombank sẽ trình cổ đông chênh lệch giá trị tài sản hiện tại so với mức đầu tư ban đầu.
- Việc Eximbank đề nghị Sacombank điều chỉnh kế hoạch kinh doanh có hợp lý hay không?
- Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh doanh được thực hiện trên tinh thần tích cực, phù hợp với thực tiễn, chủ trương của Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của cổ đông. Do đó, chỉ tiêu hiện nay là phù hợp. HĐQT đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận bắt buộc là 3.300 tỉ đồng, chỉ tiêu phấn đấu có thể hơn mức đó.
- Ông kỳ vọng gì về kết quả ĐHCĐ sắp tới?
- Sacombank sẵn sàng chào đón các cổ đông mới, ĐHCĐ có thể bầu thêm thành viên HĐQT để hợp sức với các thành viên HĐQT cũ hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2011-2015.
(Theo Người Lao Động)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook