M&A - Coi chừng bị hớ
Hiện nay, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở VN có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo thống kê, năm 2006 có 38 thương vụ, tổng giá trị 299 triệu USD, đến năm 2007 đã có tới 113 vụ, tổng giá trị lên tới 1,75 tỉ USD.
Với những diễn biến trên thị trường tài chính hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo trong vòng 6 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 35% - 50% số DN VN có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập. Đặc biệt là cuối năm nay và sang năm 2009-2010, hoạt động M&A tại VN sẽ nở rộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh M&A sôi động, bên bán (doanh nghiệp - DN - VN) cần phải cẩn trọng, tránh bán hớ DN của mình.
Bị đối tác ép giá
Thực tế, có tới 50% – 70% thương vụ M&A thất bại vì không gia tăng giá trị cho cổ đông. “Tôi có cảm giác rằng có thể bán với giá cao hơn. Nhưng dù sao chuyện cũng qua rồi...” – giám đốc một DN vừa hoàn thành thương vụ M&A với đối tác nước ngoài than thở. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là do lợi ích chiến lược không được làm rõ, nhất là thế mạnh dịch vụ, sản phẩm của bên bán không được coi trọng...
Bên mua (đa số là đối tác nước ngoài) thường nhân cơ hội tình hình kinh tế, thị trường tài chính gặp khó khăn để mua được DN với giá rẻ. Trong lĩnh vực bất động sản, điều này khá phổ biến. “Các quỹ đầu tư nước ngoài thường trả giá rất thấp. Trong khi lại đòi hỏi DN phải có dự án tại những vị trí đẹp, như quận 1, quận 3, quận 7 - TPHCM... Vì thế, hầu hết các hợp tác đều không thành công” – TS Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết. Một trường hợp khác là thương vụ bán cổ phần của Ngân hàng An Bình (ABBank) cho Maybank (Malaysia), vừa được hoàn tất giữa tháng 9 vừa qua. Ban đầu, giá bán 15% cổ phần của ABBank được thỏa thuận là 124,6 triệu USD, nhưng khi thị trường tài chính gặp khó khăn, giá trị của thương vụ này đã phải thỏa thuận lại xuống còn 94,7 triệu USD. Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thời gian qua có khá nhiều công ty muốn mua bán cổ phần, sáp nhập nhưng bất thành, nguyên nhân phần lớn là do bị trả giá quá rẻ.
Nguy cơ mất thương hiệu
Thương hiệu của DN trong hoạt động M&A được xem là tài sản vô hình. Theo một nghiên cứu gần đây của Công ty McKinsey (Mỹ), các tài sản vô hình đóng vai trò chính yếu khi đánh giá DN trong các thương vụ M&A. Nhìn từ góc độ quản trị thương hiệu với hoạt động M&A của VN, có thể thấy hoạt động này được xúc tiến dưới 3 nguyên nhân. Thứ nhất, khi thấy một DN làm ăn tốt, DN khác muốn góp vốn để cùng khai thác lợi thế thương hiệu, lợi thế thị trường. thứ hai, một DN yếu kém được các thương hiệu mạnh hơn mua lại để sử dụng cơ sở hạ tầng và khách hàng. thứ ba, DN có thương hiệu tốt nhưng làm ăn khó khăn bị mua lại để khai thác thương hiệu.
Tại hội thảo về M&A do Masso Consulting tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng với cả 3 trường hợp trên, thương hiệu bên mua thường mạnh hơn và thương hiệu bên bán sẽ dần bị lãng quên, trừ khi mức độ góp vốn của đối tác nước ngoài quá nhỏ, hoặc tên tuổi DN trong nước thực sự lớn. Như trường hợp Ngân hàng Á Châu, sau khi bán 8,5% cổ phần cho Standar Chartered vẫn duy trì được tên tuổi vì ngân hàng này cho đối tác góp vốn chủ yếu để chuyển giao kỹ thuật công nghệ, chuyên môn quản lý, kinh doanh. Ngược lại là trường hợp của Pacific Airlines bán 30% cổ phần (500 triệu USD) cho Jetstar Airways (thành viên của Tập đoàn Hàng không Qantas – Úc). Dù vẫn giữ hơn 70% cổ phần nhưng thương hiệu Pacific vẫn chuyển thành Jetstar Pacific. Theo ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành Indochine Counsel, khi thực hiện M&A, để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, DN cần có chuyên gia tư vấn thương hiệu ngay trong giai đoạn đàm phán.
Nguyễn Minh – Bảo Hân
Bình luận
Bình luận bằng Facebook