M&A - Làn sóng mua bán, sáp nhập công ty chứng khoán
Sự kiện gần đây nhất là Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Lạc chính thức bán 4,9 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài là Công ty Technology CX, là ví dụ điển hình cho xu hướng sáp nhập, thâu tóm các CTCK vừa và nhỏ của các “đại gia” nước ngoài. Trước đó, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) đã chứng kiến nhiều thương vụ mua các CTCK như: Ngân hàng Đầu tư RHB, chi nhánh Tập đoàn Ngân hàng RHB (Malaysia), đã hoàn tất việc thỏa thuận mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Chứng khoán VN, trị giá khoảng 67 tỉ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Golden Bridge đã mua 6,615 triệu cổ phần, để nắm giữ 49% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhấp và Gọi.
Cùng thời gian này, Tập đoàn Morgan Stanley của Singapore cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập liên doanh chứng khoán tại VN, với đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hướng Việt (GSI). Theo đó, Morgan Stanley đã đầu tư 145 tỉ đồng mua 14,5 triệu cổ phần, tương đương 48,33% vốn điều lệ của GSI. Sau thương vụ mua bán này, GSI đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt.
Theo giám đốc một công ty mua bán, sáp nhập DN, hiện đang có rất nhiều CTCK tự rao bán hoặc thông qua các công ty môi giới để kêu gọi các công ty khác sáp nhập. Ông này cho biết, công ty của ông nhận được rất nhiều lời đề nghị của các CTCK. Mong muốn của hầu hết các công ty này là tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Theo các chuyên gia, làn sóng mua bán, sáp nhập các CTCK đã chính thức bắt đầu. Đây là một xu thế tất yếu và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hoạt động sẽ chuyên nghiệp hơn
Theo ông Lương Minh Tuấn, Giám đốc bộ phận tư vấn tài chính DN, CTCK An Bình, phần lớn các công ty đang có xu hướng sáp nhập là những công ty được thành lập vào cuối năm 2006 – thời điểm mà thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là các công ty nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, không có các tổ chức tài chính, các tổng công ty lớn “đỡ đầu”. Vì thế, sự tham gia góp vốn của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới sẽ tăng cường năng lực quản lý, kinh nghiệm hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, sau các thương vụ mua bán, hầu hết các CTCK đều đã có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, hoạt động và vốn điều lệ. Cụ thể như: Vốn điều lệ của GSI sau khi được Morgan Stanley đầu tư đã tăng vọt từ 20 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhấp và Gọi tăng vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng lên 135 tỉ đồng...
Ông Tuấn cho rằng sự tham gia của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới vào các CTCK sẽ góp phần làm cho hoạt động của các công ty này trở nên chuyên nghiệp, đồng thời sự cạnh tranh sẽ gay gắt nhưng lành mạnh hơn. Đây là một xu hướng mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động của thị trường chứng khoán VN. Bởi họ đầu tư vào để kinh doanh chứ không phải mua qua bán lại. Tuy nhiên, khi cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, các CTCK trong nước cũng sẽ gặp không ít khó khăn, vì họ luôn hoạt động chuyên nghiệp và chịu đầu tư hơn các công ty VN. Và để cân bằng được các lợi thế đó cũng phải mất ít nhất vài năm.
Theo giám đốc một CTCK, con số gần 100 CTCK hiện đang hoạt động là quá nhiều, quá thừa. Với quy mô thị trường chứng khoán VN hiện nay chỉ cần 20-30 công ty là hợp lý. Vì thế, nếu hoạt động không chuyên nghiệp, nhiều công ty sẽ không đạt được kỳ vọng và có nguy cơ “chết”.
Sẽ có nghị định về mua bán, sáp nhập DN Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có nhiều DN nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần của các DN trong nước. Nhiều DN trong nước cũng đang có ý định mua cổ phần của DN nước ngoài. Vì vậy, nghị định về mua, bán, sáp nhập DN có yếu tố nước ngoài đang được soạn thảo. Theo đó, nghị định này sẽ thống nhất tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ mua bán đang có sự khác nhau giữa Luật DN, Luật Chứng khoán... |
Theo Người Lao Động
Bình luận
Bình luận bằng Facebook