M&A - Sát nhập ngân hàng nhỏ để “cắt cơn” lạm phát
Các kênh phân phối vốn cho nền kinh tế đang bị ách tắc là hậu quả của việc siết trần lãi suất huy động. Mức trần lãi suất được khống chế ở mức12%/năm đã làm cho người dân gửi tiền tiết kiệm hưởng lãi suất thấp hơn lạm phát. Vì vậy, lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng đang bị mất dần. Thay vì gửi tiền tiết kiệm, người dân lại đem tiền đi đầu tư ngắn hạn vào vàng, vật liệu xây dựng, gạo... Điều này đã làm cho thị trường tài chính bị méo mó trong thời gian vừa qua. Cho nên, để tháo gỡ ách tắc trong việc lưu thông tiền tệ mà chỉ nhắm tới việc bỏ trần tăng lãi suất cũng rất khó.
Nếu bỏ trần lãi suất sẽ lại tái diễn cuộc đua tăng lãi suất như hồi đầu tháng 2-2008, gây khó khăn chung cho nền kinh tế. Đồng thời, sự việc tái diễn giống như năm 1990 - đổ vỡ hàng loạt hợp tác xã tín dụng nhân dân. Vì vậy, giải pháp hiệu quả là khơi thông nguồn ở hệ thống ngân hàng trong dài hạn. Cụ thể là Ngân hàng nhà nước cần có giải pháp thị trường để giảm số lượng ngân hàng xuống.
Nước ta hiện nay đang có quá nhiều ngân hàng nhưng chưa có một ngân hàng thực sự mạnh. Các ngân hàng đã phát triển quá nhanh theo chiều rộng, mở rộng quy mô mạng lưới để huy động nhiều vốn. Cho nên, các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt với nhau trong hoạt động tín dụng mà không phát triển các sản phẩm tiện ích kèm theo. Đồng thời, các ngân hàng mở rộng quy mô nhưng công tác quản trị lại không theo kịp. Ngân hàng hiện nay không kiểm soát được rủi ro của mình. Còn các cơ quan quản lý nhà nước cũng không kiểm soát được các ngân hàng đang làm gì. Vì vậy, tình hình hiện nay rất khó để cơ quan nhà nước có số liệu cụ thể trong việc hoạch định chính sách.
Giải pháp sáp nhập những ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn để nâng cao năng lực quản trị là cần thiết. Việc sát nhập này phải dựa theo tiêu chí thị trường. Những ngân hàng nào hội đủ ba điều kiện: đủ vốn theo quy định, có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt và công khai minh bạch thì mới duy trì. Việc làm này sẽ làm cho việc điều hành, quản trị ở các ngân hàng tập trung và dễ quản lý hơn. Hơn nữa, khi hệ thống ngân hàng đủ mạnh sẽ tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế. Bài học của Hàn Quốc, một nền kinh tế 1.000 tỷ USD, trước năm 1997 chỉ có 25 ngân hàng và hiện nay giảm còn một nửa. Còn trong ngắn hạn, Chính phủ cần làm ổn định chính sách kinh tế vĩ mô để lấy lại niềm tin cho người dân.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM: Bỏ trần lãi suất huy động, mọi chuyện sẽ yên
Các kênh dẫn vốn chính thống cho nền kinh tế đang bị ách tắc. Chỉ còn kênh dẫn vốn duy nhất là tín dụng “chợ đen” lại sôi động. Trong các kênh dẫn vốn thì chứng khoán coi như đóng băng, cần phải có thời gian mới củng cố lại được. Còn kênh bưu điện, bảo hiểm lại đang quá yếu. Trước mắt chỉ còn khơi thông kênh tín dụng ngân hàng. Để khơi thông kênh này, Chính phủ đã khuyến cáo bãi bỏ quy định mức trần lãi suất để lãi suất tiền gửi thực dương. Tuy nhiên, khuyến cáo này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Nếu có thả trần lãi suất huy động, cao lắm cũng chỉ tăng lên mức 17%/năm và lãi suất cho vay cũng chỉ lên tới mức 25%/năm. Giả sử nếu thị trường đạt tới mức lãi suất này sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Trong đó, vừa giải quyết được bài toán thanh khoản cho các ngân hàng thương mại mà lại chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng tất cả ngân hàng và doanh nghiệp phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả. Lãi suất cao 25%/năm chỉ những doanh nghiệp nào có phương án sản xuất kinh doanh tốt mới dám đi vay. Còn doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì không dám đi vay mà sẽ hoạt động cầm chừng. Khi đó, nhu cầu vốn sẽ giảm, các ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất cả đầu ra và đầu vào. Lãi suất tăng cao, những ngân hàng nào quản trị kém sẽ bị sát nhập vào ngân hàng lớn.
PGS Nguyễn Đăng Đờn, Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM: Nới lỏng tái cấp vốn cho ngân hàng
Để khơi thông nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng, nới lỏng hơn nữa khâu tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Việc chống lạm phát vẫn phải thực hiện nhưng làm sao đừng làm ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra quyết định lãi suất thực dương thì Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc, không để hiệp hội ngân hàng can thiệp bằng trần lãi suất huy động. Hãy trả lãi suất về cho thị trường tự quyết định, điều tiết. Hoạt động ngân hàng có tốt, nền kinh tế mới phát triển.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook