CHUYỆN ĐÀM PHÁN VIETCOMBANK- MIZUHO
Chuyện đàm phán Vietcombank - Mizuho
Quá trình đàm phán chọn đối tác chiến lược của Vietcombank không hề đơn giản, và đây mới là sự khởi đầu... “Mối lương duyên" giữa Vietcombank và Mizuho có đầy đủ dư vị nhọc nhằn, trắc trở, âu lo và một cái kết ngọt ngào... Vào những ngày cuối năm Tân Mão, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình thông báo, tài khoản của NHNN đã ghi “có” 567 triệu USD - khoản tiền mà Mizuho thanh toán mua 15% cổ phần của Vietcombank. Trò chuyện với ĐTCK, ông Bình cho rằng, tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự hợp tác tiếp theo, để nâng tầm vị thế của cả hai bên… Chọn người xuất sắc nhất Theo ông Bình, việc lựa chọn cổ đông chiến lược của Vietcombank không phải bắt đầu từ năm 2011, mà ngay từ khi khởi động quá trình cổ phần hóa Ngân hàng năm 2008. Khi đó, Vietcombank đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cho phép bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Trên cơ sở đó, từ 2008 đến nay, Vietcombank đã rốt ráo triển khai việc lựa chọn đối tác phù hợp. Sự “im hơi lặng tiếng” trong một thời gian dài của Vietcombank có một phần nguyên nhân khách quan từ những bất lợi do suy thoái kinh tế trong và ngoài nước. Nhưng lý do chủ yếu vẫn từ phía Vietcombank, bởi Ngân hàng rất kỹ càng trong việc tìm kiếm người đồng hành. Trên thực tế, ngoài Mizuho, còn có 42 tổ chức tài chính lớn muốn trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank. Tuy nhiên, Mizuho là một trong những định chế tài chính sớm nhất vào cuộc với sự thiện chí và cam kết cao nhất khi tham gia ký Thoả thuận bảo mật (NDA) và nhận Biên bản ghi nhớ thông tin của Gói chào bán. Trong đó, Vietcombank đã cụ thể hóa những tiêu chí của một đối tác chiến lược, đó là: có thế mạnh về những lĩnh vực mà Ngân hàng đang cần phát triển; có quy mô và năng lực tài chính tầm cỡ quốc tế hoặc khu vực; đảm bảo không có xung đột lợi ích với chiến lược phát triển của Vietcombank; có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực. Mizuho, ngoài đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, còn là nhà đầu tư có đề xuất tài chính và kỹ thuật tốt nhất đối với các yêu cầu của Vietcombank. Về lý do Mizuho trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank, ông Bình chỉ nói đơn giản: “Ứng viên xuất sắc nhất đã được chọn”! Cơ duyên Để đảm bảo tính khách quan trong việc thực hiện giao dịch bán cổ phần cho đối tác chiến lược, đồng thời theo yêu cầu của hợp đồng tư vấn tài chính với Credit Suisse, Vietcombank không tiếp xúc riêng với bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào. Mọi trao đổi thông tin với các nhà đầu tư đều được thực hiện qua Credit Suisse. Chỉ khi bước vào giai đoạn 2 (giai đoạn thẩm định chi tiết), Vietcombank mới có những buổi làm việc trực tiếp với Mizuho… Lo lắng. Đó là hai từ ông Bình phải thốt lên khi hồi tưởng lại về quá trình đàm phán cam go, dù vị thế và uy tín của Vietcombank trên thực tế không hề nhỏ. Thường xuyên có những cuộc gặp gỡ “đặc biệt” của lãnh đạo Ngân hàng với Mizuho kéo dài từ ban ngày đến nửa đêm để đàm phán về điều khoản hợp tác. Ông Bình kể, “có buổi đàm phán, mình sốt 38 - 39 độ mà vẫn phải ngồi nhiều tiếng. Tàn cuộc rồi, nghĩ lại vẫn không rõ mình sốt hay do không khí đàm phán… sốt”. Đầu tháng 3/2011, đáp lại thịnh tình của Mizuho, Vietcombank đã cử đoàn lãnh đạo cấp cao sang Tokyo để tìm hiểu sâu hơn cơ hội hợp tác. Trên thực tế, chuyến đi này đã gần như “chốt” xong mọi vấn đề…, nhưng thiên tai là điều không ai ngờ tới. Ngày 5/3, đoàn công tác của Vietcombank về nước thì 6 ngày sau, ngày 11/3, thảm họa động đất và sóng thần ập vào Nhật Bản khiến lãnh đạo Vietcombank như ngồi trên “đống lửa”, bởi nó có thể gián đoạn quá trình tham gia của Mizuho. Tuy nhiên, phía Mizuho đã thể hiện quyết tâm cao nhất để trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank. “Việc Vietcombank chọn Mizuho và Mizuho chọn Vietcombank đúng như một cơ duyên, bởi qua nhiều thăng trầm, hai bên vẫn đến được với nhau. Và những cuộc gặp gỡ ‘đặc biệt’ sẽ mãi mãi là kỷ niệm đáng nhớ với chúng tôi. Chúng tôi hiểu nhau hơn, trọng thị sự chuyên nghiệp của nhau hơn, cộng tác với nhau tốt hơn”, ông Bình nói. Đầu đã xuôi… Trong những ngày này, tin vui đến với Vietcombank khi bước khởi đầu của cuộc đồng hành giữa Mizuho và Vietcombank đã hoàn tất khi khoản vốn góp theo đúng cam kết đã được đã được đối tác Mizuho chuyển “một cục” về tài khoản của NHNN. Ông Bình chia sẻ, việc đối tác Mizuho đăng ký mua 347,6 triệu cổ phiếu phổ thông của Vietcombank với giá 34.000 đồng/CP và gần 567 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng đã trở thành vốn chính thức của Vietcombank là điều đáng để vui mừng. Nhưng vấn đề quan trọng hơn đối với ông, với toàn thể người lao động tại Vietcombank cũng như một đại diện Mizuho sẽ được chỉ định giữ vị trí thành viên HĐQT của Vietcombank là sử dụng nguồn vốn đó như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, vì sự phát triển bền vững của cả hai bên. “Do vậy, tất cả mới chỉ là bước khởi đầu”, ông Bình kết luận.(ĐTCK )
Bình luận
Bình luận bằng Facebook