M&A VÀ CƠ HỘI THÂU TÓM NHỮNG CHUỖI GIÁ TRỊ CÓ THƯƠNG HIỆU
M&A và cơ hội thâu tóm những chuỗi giá trị có thương hiệu
Chuỗi giá trị gồm toàn bộ các hoạt động để tạo ra một sản phẩm từ khâu phát minh đến khi bán ra thị trường và các dịch vụ hậu bán hàng có liên quan tới sản phẩm đó. Những hoạt động chính trong chuỗi giá trị bao gồm: thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và các dịch vụ cung cấp cho khách hàng cuối cùng.
Chuỗi giá trị có thể được tao ra bới một công ty và cũng có thể được tạo ra bởi nhiều công ty khác nhau. Trong chuỗi giá trị, các hoạt động không chỉ bao gồm cả hoạt động sản xuất hàng hóa hữu hình mà còn bao gồm các hoạt động dịch vụ. Chuỗi giá trị có thể chia thành chuỗi giá trị giản đơn và chuỗi giá trị mở rộng. Chuỗi giá trị giản đơn chuỗi các hoạt động cơ bản từ điểm đầu đến điểm cuối của một sản phẩm, ví dụ điểm đầu của sản phẩm là nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối và điểm cuối là tiêu dùng. Chuỗi giá trị mở rộng là chuỗi chi tiết hóa các hoạt động cơ bản trong chuỗi giá trị giản đơn, mức độ chi tiết hóa các hoạt động cơ bản càng cao càng cho thấy sự tham gia của các thành viên vào chuỗi. Chuỗi giá trị có thể diễn ra trong một phạm vi hẹp tai một vùng miền hoặc trong phạm vi một quốc gia và cũng có thể diễn ra ở phạm vi toàn cầu. Với chuỗi giá trị diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ta gọi là chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua chuỗi giá trị toàn cầu, các công ty xuyên quốc gia phối hợp hoạt động trong quá trình sản xuất nhằm tận dụng lợi thế so sánh để có được chi phí sản xuất thấp nhất. Cũng chính vì vậy, các công ty đa quốc gia luôn là những chủ thể tiên phong trong việc thiết lập, quản lý và điều hành hầu hết các chuỗi giá trị toàn cầu trên toàn thế giới. Các công ty xây dựng nhà máy sản xuất một sản phẩm tại một quốc gia và nghiên cứu, thiết kế sản phẩm ở một quốc gia khác, sau đó mang thành phẩm bán ra thị trường toàn cầu. Việc thiết lập, quản lý và điều hành chuỗi giá trị phức tạp hơn khi các công ty ký các hợp đồng thuê các công ty bên ngoài thực hiện một số khâu hoặc cung cấp một số dịch vụ trong quá trình sản xuất sản phẩm, ví dụ thuê nguồn lực bên ngoài (outsourcing), chuyển một số hoạt động ra nước ngoài (offshoring), thuê nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM), thuê nhà sản xuất sản phẩm gốc (OEM), ký các hợp đồng với các nhà thầu phụ (sub-contractors),...
Đối với một nhà đầu tư, để có thể sở hữu một chuỗi giá trị, họ có thể lựa chọn xây dựng mới một chuỗi giá trị thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc lựa chọn cách thâu tóm một chuỗi giá trị đã có sẵn thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập. Về cơ bản, việc xây dựng mới một chuỗi giá trị mới rất phức tạp đối với những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm và kết quả là chuỗi giá trị mới được thiết lập hoạt động không hiệu quả. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội thâu tóm các chuỗi giá trị bằng hoạt động mua lại công ty. Trong quá khứ, n hiều nhà đầu tư của Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,…đã sử dụng hình thức mua bán và sáp nhập để thâu tóm những chuỗi giá trị có thương hiệu từ các công ty đa quốc gia và sau đó quản lý, điều hành các chuỗi này hiệu quả cho tới hôm nay. Gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã thâu tóm những chuỗi giá trị có thương hiệu của thế giới. Trong số đó có thể kể tới một số vụ điển hình như Lenovo Trung Quốc mua lại chuỗi sản xuất máy tính xách tay thương hiệu IBM của Mỹ; Công ty ô tô Thượng Hải Trung Quốc mua lại công ty sản xuất ô tô MG Rover của Anh; Công ty sản xuất thiết bị gia dụng Haier Trung Quốc mua lại các chi nhánh sản xuất các sản phẩm liên quan của các công ty đa quốc gia tại thị trường này; Ngân hàng ICBC Trung Quốc bỏ ra 5,6 tỷ USD để mua 20% cổ phần chuỗi dịch vụ tài chính của ngân hàng Standard Bank Nam Phi với mục đích thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty dầu khí và khai mỏ Trung Quốc đang hoạt động tại Nam Phi... Việc thâu tóm các chuỗi giá trị có thương hiệu từ các công ty đa quốc gia đang giúp các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc định vị vai trò của họ trong bản đồ kinh tế thế giới, giúp quốc gia này tăng khả năng cạnh tranh và quảng bá hình ảnh ra thế giới...
Việt Nam hiện có nhiều tập đoàn lớn với số vốn hàng chục tỷ đô la. Tuy nhiên, những chuỗi giá trị do các tập đoàn này sở hữu, quản lý, điều hành mới đang bó hẹp trong phạm vi quốc gia và thương hiệu chuỗi giá trị của các tập đoàn này trên thị trường thế giới còn khá khiêm tốn. Do vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, các tập đoàn này có thể nghĩ đến cơ hội sở hữu các chuỗi giá trị có thương hiệu bằng hình thức mua bán và sáp nhập công ty. Việc thâu tóm một chuỗi giá trị thương hiệu thế giới mà các chúng ta có thể lựa chọn là (i) thâu tóm các công ty đang cạnh tranh trong cùng ngành (thâu tóm theo chiều ngang). Hình thức này sẽ giúp chúng ta tái cơ cấu ngành trên phạm vi toàn cầu thông qua việc hiệp lực các nguồn lực và có được thị phần lớn hơn. Hình thức này sẽ phù hợp đối với các tập đoàn Việt Nam trong những ngành công nghiệp điển hình như dược phẩm, xăng dầu, ôtô, và các ngành công nghiệp dịch vụ; (ii)thâu tómcác chuỗi giá trị theo quan hệ người mua, người bán, nhà cung cấp và khách hàng (thâu tóm theo chiều dọc). Hình thức này phù hợp khi chúng ta muốn giảm thiểu chi phí giao dịch hoặc khi chúng ta không chắc chắn về lợi nhuận có được trong chuỗi. Ví dụ, chúng ta có thể thâu tóm các chuỗi giá tri có thương hiệu của nhà cung cấp các linh kiện, phụ liệu cho chúng ta; (iii) thâu tóm các công ty trong các lĩnh vực khác nhau (thâu tóm hỗn hợp) nhằm mục địch đa dạng hóa đầu tư và chia sẻ rủi ro.
Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho giá cổ phiếu của công ty đa quốc gia trở nên rẻ hơn bao giờ hết vàcác nhà đầu tư Việt đang có cơ hội sở hữu những chuỗi giá trị thương hiệu thông qua hình thức mua bán và sáp nhập. Nếu có chiến lược đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn này, Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu, điều hành và quản lý những chuỗi giá trị thương hiệu toàn cầu mà các tập đoàn đa quốc gia phải mất hàng thế kỷ mới xây dựng được.
TS. Nguyễn Việt Khôi, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
(MAF)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook