Nghiên cứu M&A: Các tồn tại về hình thức pháp lý chính của hoạt động M&A ( Bài 35)
Nghiên cứu M&A: Các quy định về hình thức pháp lý chính của hoạt động M&A ( Bài 35). Phân tích các quy định về sáp nhập doanh nghiệp chúng ta thấy rõ những vấn đề tồn tại sau:
Thứ nhất, cũng như quy định về hợp nhất doanh nghiệp, việc sáp nhập doanh nghiệp được đề cập chỉ cho phép một hoặc một số “công ty cùng loại” được thực hiện thủ tục sáp nhập với nhau. Quy định này cũng đã được sửa đổi tại Luật doanh nghiệp 2014 và có hiệu lực 1/7/2015 về việc bỏ quy định sáp nhập công ty cùng loại mà chi quy định “ một hoặc một số công ty” tại Khoản 1, Điều 195 Luật doanh nghiệp 2014. Với quy định hạn chế mua bán doanh nghiệp với “Công ty cùng loại” theo quy định Luật Doanh nghiệp đã gây khó khăn trong hình thức tổ chức lại Doanh nghiệp sau khi tiến hành xong thương vụ M&A. Hiện tại Luật Doanh nghiệp quy định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại đã khiến cho các thủ tục tiến hành các thương vụ tái cơ cấu Công ty sau M&A gặp nhiều khó khăn. Một lý do rất quan trọng là nếu sau khi mua bán xong một thương vụ Bên Mua không thể thực hiện theo cách hình thức khác ngoài hình thức mà doanh nghiệp quy định với các Công ty cùng loại, việc cơ cấu lại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng cần đa dạng về các hình thức công tư phối hợp mới đảm bảo được tính linh hoạt của kinh doanh. Công ty khác loại sẽ không được thực hiện, điều này tạo ra cản trở đối với các thương vụ thực hiện tái cấu trúc sau mỗi thương vụ M&A.
Thứ hai, về hợp đồng sáp nhập trong thủ tục thực hiện việc sáp nhập vẫn là một trong những giấy tờ quan trọng. Hợp đồng thể hiện sự tự nguyện của các bên tham gia thương vụ sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên ta thấy còn một số vấn đề trong quy định của Luật doanh nghiệp về hợp đồng sáp nhập thực sự chưa được rõ ràng và còn nhiều hạn chế như chúng ta không biết rõ đây là loại hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại, điều này khiến khi thương vụ xảy ra tranh chấp sẽ không thể xác định được Toà án hay Trọng tài thương mại là nơi để giải quyết tranh chấp. Việc không quy định rõ ràng về bản chất pháp lý của loại hợp đồng sáp nhập này, hay hợp đồng hợp nhất như đã nói ở trên sẽ lúng túng khi xử lý những tranh chấp xảy ra. Hoạt động sáp nhập nhà nước chỉ quản lý dưới góc độ thủ tục, quan hệ hợp đồng giữa các bên tham gia thương vụ gần như đảm bảo sự tự nguỵện tuyệt đối. Do vậy về mặt bản chất phải xác định được những nội dung trong loại hợp đồng này, chủ thể, mục đích để xác định được hợp đồng này thuộc loại hợp đồng nào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong giao dịch.
Từ những quy định trong Điều 153 Luật doanh nghiệp ta thấy rằng: thực chất nội dung chính được đề cập tới trong điều này chủ yếu là: thủ tục và điều kiện hợp nhất/sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp,cổ phần, trái phiếu; thời hạn thực hiện; dự thảo Điều lệ công ty… Luật doanh nghiệp dù không có quy định cụ thể Hợp đồng sáp nhập, hợp nhất thuộc loại hợp đồng nào, tuy vậy thì nếu căn cứ theo quy trình của hoạt động sáp nhập, hợp nhất này ta có thể hình dung rằng thực tế việc sáp nhập, hay hợp nhất công ty cũng phụ thuộc vào một quan hệ bản chất bên trong có thể xảy ra là: có việc mua bán một phần hoặc toàn bộ tài sản là doanh nghiệp hoặc sự tái cấu trúc sắp xếp lại doanh nghiệp trong quá trình tập trung các tư bản.
Đối với giao dịch của hợp đồng sáp nhập, hay hợp nhất về bản chất mà nói vẫn có một quá trình diễn ra ngoài tư cách pháp lý được chấp nhận bằng điều lệ, đăng ký kinh doanh, nhưng đối tượng quan trọng nhất là sự dịch chuyển tài sản. Tài sản thì có hai loại: có đăng ký quyền sở hữu và loại không có đăng ký quyền sở hữu. Đối với loại đăng ký quyền sở hữu thì bản chất giao dịch chỉ hoàn thành khi đăng ký xong quyền sở hữu ở công ty sáp nhập, hoặc công ty hợp nhất. Như vậy thật sự những tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra với loại hợp đồng này khi thương vụ M&A đã tiến hành xong về mặt tổ chức như đăng ký kinh doanh, thông qua điều lệ nếu nhìn ở góc độ chuyển giao tài sản.
Cũng chính điều này mà pháp luật doanh nghiệp về sáp nhập hay hợp nhất cần quy định rất rõ ràng thời điểm có hiệu lực của loại giao dịch này thông qua hợp đồng. Bản chất của địa vị pháp lý và quá trình dịch chuyển tài sản vào công ty hợp nhất, sáp nhập. Phải chăng điều này sẽ làm giảm đi tính rủi do cho bên bị sáp nhập, hoặc hợp nhất doanh nghiệp, bảo vệ giao dịch không có tranh chấp xảy ra
Thứ ba, Luật doanh nghiệp cũng quy định tương tự như hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp cũng chịu sự kiểm soát nếu các trường hợp sáp nhập có thị phần từ 30-50% thì đều phải thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập. Đối với trường hợp pháp luật cạnh tranh có quy định khác thì phải có ý kiến bằng văn bản trả lời mới được thực hiện thủ tục theo Luật doanh nghiệp.
Thứ tư, pháp luật doanh nghiệp cũng thống nhất điều chỉnh đối với trường hợp thị phần của doanh nghiệp nhận sáp nhập chiếm hơn 50% trên thị trường thì sẽ bị cấm hoặc trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định của Luật cạnh tranh.
Thứ năm, Về nhận diện các thương vụ cần phải kiểm soát thì các hướng dẫn về trường hợp sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ thủ tục quy định trong Luật doanh nghiệp khá đầy đủ và hoàn thiện cho các trường hợp áp dụng thông thường. Điều khó khăn nhất hiện tại vẫn là những quy định có phần mâu thuẫn với Luật canh tranh trong việc xác định “ thị phần”, “ thị trường liên quan” “ kiểm soát doanh nghiệp” hay đối với trường hợp “ công ty cùng loại”. Với vai trò tổ chức và thiết lập mô hình hoạt động cho các loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999) #vungocdung #mavietnam #bacvietluat #luatsu #muabandoanhnghiep
Bình luận
Bình luận bằng Facebook