Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được mua nhà ở Việt Nam?
Luật sư Vũ Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt xin trả lời bạn như sau: Bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài ( có quốc tịch nước ngoài), theo Luật nhà ở 2014 thì bạn hoàn toàn có quyền mua nhà ở Việt Nam khi bạn thỏa mãi những điều kiện Luật định mà chúng tôi đề cập dưới đây.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì bạn chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ đủ điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở (theo Luật 2005 và sửa đổi, bổ sung một số điều 2009 cũ quy định là phải cư trú 03 tháng trở lên).
Thứ hai, bạn sẽ được sở hữu nhà theo pháp luật bằng các hình thức sau: (1) được mua, thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp doanh bất động sản; ( 2) được phép mua, nhận cho tặng, thừa kế của hộ gia đình, cá nhân;( 03) được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, bạn muốn được sở hữu nhà ở bạn phải chứng minh được mình có các giấy tờ sau đây phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ bao gồm: (1) Nếu bạn mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;( 2) Nếu bạn mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu.
Như vậy, nếu bạn có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại thì đúng là một dịp dễ dàng để bạn thực hiện ý định. Tại Luật nhà ở 2014 hiện tại thì đã mở rộng hơn cho đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bạn được mua nhà mà không cần phải cư trú trên 3 tháng, cũng không cần phải đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, không cần phải là nhà khoa học, nhà văn hóa, không cần có công với đất nước , cũng như không cần có khả năng đặc biệt như quy định của Luật nhà ở cũ năm 2005 và sửa đổi bổ sung vào 2009. Ngay cả quy định trước kia là bạn phải có vợ, chồng, là công dân Việt Nam cũng không cần nữa. Các quyền cụ thể như mua, thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp Bất động sản cũng được cho phép theo quy định. Các hoạt động mua, nhận cho tặng hay thừa kế diễn ra bình thường. Riêng về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở phải trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền và được phép tự tổ chức xây dựng.
Pháp luật đã rất tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà vào thời điểm hiện tại. Cụ thể bạn tham khảo lại Luật nhà ở 2005 và đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2009 ở Điều 126, khoản 1 sẽ rõ về sự thay đổi này. Luật cũ đã đề cập rõ với đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam như sau: " (1) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; (2) người có công đóng góp cho đất nước;(3) nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam;(4) người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước”, thì sẽ được mua nhà ở Việt Nam để phục vụ việc ở. Đối với người gốc Việt Nam mà không thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam mà được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú ở Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để ở cùng gia đình.”
Từ sự tư vấn trên, bạn tham khảo cụ thể điều luật mà Luật sư Vũ Ngọc Dũng đã trích dẫn, bạn sẽ có thể tham khảo kỹ hơn về các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành áp dụng cho những người có gốc Việt Nam được tham gia bình đẳng trong việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam. Các quyền đối với cả pháp nhân có người gốc Việt Nam và cá nhân Việt Nam đều được mở rộng. Tạo điều kiện tối đa cho việc sở hữu và tinh giản thủ tục.
Mọi thắc mắc xin liên hệ với ban biên tập chuyên mục LUẬT SƯ TƯ VẤN của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam ( REATIMES) để được hỗ trợ thêm. Hotline: 0913753918. Mail: [email protected] Chuyên mục xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của Luật sư Vũ Ngọc Dũng – Giám đốc công ty Luật Bắc Việt ( www.bacvietluat.vn) đã tư vấn cho độc giả của chúng tôi |
Bình luận
Bình luận bằng Facebook