/ / / /

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế


Nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế
Hiến pháp là đạo Luật cơ bản của Nhà nước. Hiến pháp quy định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước, quyền, nghĩa vụ và các mối quan hệ chủ yếu giữa Nhà nước và công dân. Chế độ kinh tế là sự tập trung nhất của chính trị. Không có một kinh tế nào lại không mang nội dung chính trị, chính trong kinh tế phản ánh rõ nét nhất các quan hệ chính trị. Sự thể hiện chế độ kinh tế trong Hiến pháp là sự thể chế hóa những quan điểm chính trị – kinh tế của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong của nó. Hiến pháp năm 1992 đặc biệt coi trọng vấn đề kinh tế.
Hoạt động kinh tế là đối tượng cơ bản, chủ yếu của quản lý nhà nước. Để điều chỉnh hoạt động kinh tế, quản lý Nhà nước, Nhà nước không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp hành chính như trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mà phải dựa vào phương tiện pháp lý và các công cụ kinh tế. Trong kinh tế thị trường, pháp luật là công cụ chủ yếu để quản lý Nhà nước, trong đó có vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Bên cạnh pháp luật, còn có các công cụ khác được dùng để quản lý nhà nước về kinh tế, khoa học và công nghệ như giáo dục, tuyên truyền, các đòn bẩy kinh tế... Hiến pháp năm 1992, với tư cách là một đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, điều chỉnh những quan hệ cơ bản nhất trong mỗi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, từ điều 15 đến điều 29 Hiến pháp đã xác định 4 nội dung cơ bản: Mục tiêu kinh tế – xã hội của sự phát triển đất nước. Đây là yếu tố đầu tiên, cơ bản để định hướng phát triển quan hệ sản xuất, cốt lõi của một chế độ kinh tế. Nguồn gốc tạo ra của cải vật chất xã hội, tính chất lao động xã hội, nguyên tắc phân phối thu nhập quốc dân và hưởng thụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, cuối cùng của mục đích kinh tế. Chế độ quản lý, vận hành của nền kinh tế. Chế độ quan hệ kinh tế với người nước ngoài. Có thể thấy, chế định về chế độ kinh tế tại Hiến pháp năm 1992 phản ánh tính tất yếu khách quan và ý chí chủ quan của nhà nước ta phù hợp với sự phát triển tất yếu của quá trình chung của toàn bộ sự nghiệp cách mạng cũng như quá trình kinh tế nói riêng. Chế độ kinh tế được chế định trong Hiến pháp 1992 đã đặt lại vai trò, vị trí các chính sách, công cụ quản lý kinh tế trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước. Qua 25 năm đổi mới đất nước, cải cách cơ chế quản lý kinh tế và hơn 20 năm thi hành Hiến pháp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, đưa đất nước thoát khỏi nước kém phát triển. Hệ thống luật pháp nói chung và pháp luật về kinh tế nói riêng đã khá đầy đủ và hình thành có tính hệ thống, sự tham gia của người dân, của doanh nghiệp vào luật pháp kinh tế, vào quá trình thực thi pháp luật đã được cải thiện đáng kể, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, năng động hơn... Tuy nhiên, qua 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Hiến pháp, nhiều vấn đề xuất hiện trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế, thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Một chế độ tôn trọng luật pháp, có pháp luật dân sự, kinh tế rõ ràng, bảo đảm tự do sở hữu, tự do kinh doanh, giới hạn sự can thiệp bằng biện pháp hành chính của nhà nước vào hoạt động kinh tế, những chính sách kinh tế có thể tiên liệu được là một nền tảng quan trọng cho kinh tế thị trường. Trên thực tế, những chế định trong hiến pháp 1992, của pháp luật dân sự kinh tế đã tạo nền móng chắc chắn cho nền kinh tế thị trường phát triển ở Việt Nam. Đó cũng là xu thế không thể đảo ngược. Nhiều thị trường mới đã xuất hiện, khung khổ pháp luật dân sự kinh tế đã được bổ sung, tính hệ thống, tính nhất quán đã tăng lên, song nhiều thách thức mới xuất hiện. Không ít chế định của Hiến pháp đã trở nên thiếu rõ ràng và bất cập, nhất là vai trò điều tiết của nhà nước nhằm bảo đảm cạnh tranh kinh tế được diễn ra công bằng. Kinh tế phát triển kéo theo những đòi hỏi mới về phân chia lợi ích, phân chia phúc lợi và công bằng xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống cũng như giữ gìn các nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành thành viên của WTO đã tạo ra sức ép điều chỉnh các thể chế, chế định trong hiến pháp để các cơ chế kinh tế và các quy định pháp luật vận hành trong môi trường cạnh tranh rộng lớn hơn, ngày càng mang tính toàn cầu. Các vấn đề đặt ra và nội dung cần sửa đổi có thể trình bày tổng quát như sau: Về chế độ kinh tế, mục đích cao nhất và cuối cùng của sản xuất xã hội và sự phát triển kinh tế thể hiện lập trường và thái độ của nhà nước, thể hiện tiêu chuẩn của sự phát triển được dùng cho mọi chính sách kinh tế và mọi hành vi quản lý nhà nước về kinh tế. Mục đích tối cao của hoạt động kinh tế là đem lại hạnh phúc thỏa mãn vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi biện pháp quản lý nhà nước, của người làm kinh tế phải hướng vào giải phóng năng lực sản xuất, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, có sự hiểu không rõ ràng về định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra cơ hội cho một lực lượng đáng kể trong Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện chính sách can thiệp làm biến dạng thị trường, cạnh tranh bình đẳng khó xuất hiện và tồn tại, phúc lợi được phân chia không công bằng và tạo cơ hội cho quá trình tư nhân hóa ngầm các nguồn tài nguyên quốc gia được diễn ra trên diện rộng. Các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, các loại hình kinh tế, tức là các hình thức pháp nhân kinh tế, phương thức vận động của nó, đồng thời là phương thức tồn tại và vận động của toàn bộ cơ chế kinh tế. Đó là sự thừa nhận của nhà nước về mặt chính trị, mặt giai cấp của các pháp nhân kinh tế, sự hợp pháp hóa về tổ chức tư cách pháp nhân của các loại hình sản xuất kinh doanh. Vấn đề sở hữu quy định trong Hiến pháp, cần tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ sởã hữu tư nhân, các quyền tài sản và sở hữu trí tuệ. Phạm vi sở hữu nhà nước, các tài sản thuộc về quốc gia và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, của pháp nhân kinh tế trong sử dụng các nguồn tài sản quốc gia. Nhà nước xác lập các chủ thể hoạt động kinh tế và xác lập địa vị pháp lý kinh tế, trước hết là của chính nhà nước. Phạm vi sở hữu của các chủ thể kinh tế ứng với từng loại hình chủ thể đã được hợp pháp hóa. Nhà nước xác định từ hai phương diện: chủ thể sở hữu và tính chất vật sở hữu. Tuy nhiên, khái niệm sở hữu toàn dân là khái niệm chính trị, rất khó triển khai vào các quan niệm pháp lý và khó xác định ai là người có chủ quyền thực sự. Thực tế cho thấy, các nguồn tài nguyên, khoáng sản, tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, không rõ ai là chủ sở hữu đích thực, tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh khi quyền lực được phân cấp từ chính quyền Trung ương xuống các tỉnh, các tập đoàn kinh tế. Chưa minh định rõ sở hữu công cộng đối với hạ tầng cơ sở (cáp, cột điện, lòng đường, hè đường, tài nguyên). Tài nguyên bị khai thác thiếu định hướng, không vì lợi ích quốc gia và có thể đã bị thao túng bởi những nhóm lợi ích. Cần tách bạch ý thức chính trị với cách thiết kế các chế định về sở hữu trong hiến pháp. Chấm dứt phân chia sở hữu thành nhiều loại căn cứ vào ý thức chính trị như hiện nay. Bỏ khái niệm sở hữu toàn dân, thay vào đó là khái niệm sở hữu quốc gia được hiểu là một hình thức sở hữu quan trọng: vốn, ngân quỹ quốc gia, tài sản quốc gia. Hiến pháp cần khẳng định, nhà nước là người thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu. Nhà nước phân cấp trong quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước, đề cao trách nhiệm giải trình của chủ thể quản lý tài sản nhà nước. Cần cụ thể hóa cơ quan đại diện cho chủ sở hữu. Điều 17 Hiến pháp cần được sửa lại để ghi nhận sở hữu quốc gia, sở hữu của các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã. Về các hình thức sở hữu, nên phân chia theo nguyên tắc thừa nhận các hình thức sở hữu quy định trong Bộ luật Dân sự, gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu chung. Xóa bỏ độc quyền của các tập đoàn kinh tế và buộc các tập đoàn phải cạnh tranh. Minh bạch hóa quy hoạch đất, xác lập công bằng cho nông dân đối với đất nông nghiệp. Về các tài sản thuộc các hình thức sở hữu, cần làm rõ ranh giới các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Về loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, cần có sự phân định hợp lý hơn và rõ ràng hơn. Phải khẳng định ngân quỹ quốc gia, vốn đầu tư của nhà nước ở trong nước và ngoài nước (kể cả vàng bạc kim loại quý, vàng bạc và ngoại hối dự trữ, dự phòng, vốn góp, ký cược, ký quỹ ở các tổ chức quốc tế và khu vực) là tài sản nhà nước phải được quản lý và sử dụng theo luật tài chính nhà nước. Tài sản hữu hình và vô hình là báu vật, di sản, vật kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật, văn hóa, lịch sử... là tài sản quốc gia (địa phương và Trung ương quản lý). Đất đai là tài sản nhà nước. Nhưng cần quy định phạm vi, ranh giới và không gian của đất (kể cả không gian ngầm, độ cao và độ sâu). Trong thời gian dài, ở Việt Nam chưa thể có khái niệm sở hữu tập thể hay sở hữu tư nhân về đất đai. Rừng núi, sông, hồ bao gồm cả nguồn nước ngầm, nước mặt phần lớn là sở hữu nhà nước, nhưng cần làm rõ hơn thời điểm, thời gian xác định là sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân đối với rừng trồng, nguồn lợi biển, nước sông, hồ. Đối với các tài sản thuộc sở hữu tập thể, sở hữu chung, sở hữu tư nhân cần có quy định thật rõ về giới hạn, về điều kiện, thời gian và không gian xác định như rừng trồng, nguồn lợi biển, nước ngầm, không gian và độ sâu của đất, của nước, khoáng sản, tài nguyên đã đưa lên mặt đất, đã tách khỏi đời sống tự nhiên... Bỏ khái niệm và quy định thành phần kinh tế trong Hiến pháp. Trên thực tế đã không có sự phân định rạch ròi các thành phần kinh tế trong một đơn vị, một tổ chức hay một không gian cụ thể. Hơn nữa, thuật ngữ thành phần khá nặng nề và không còn phù hợp trong bối cảnh và môi trường kinh tế mới. Phương thức vận động kinh tế, thẩm quyền của các pháp nhân kinh tế và nhà nước trong việc điều hành, điều chỉnh nền kinh tế quốc dân. Quyền tự do kinh doanh, tự do khởi nghiệp của người kinh doanh đã được bảo đảm. Các nguyên tắc bảo đảm tự do kinh doanh được xác lập trong các văn bản pháp lý và trên thực tế. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ và UBND tham gia kinh doanh, can thiệp hành chính mạnh và khó dự báo vào thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính. Đôi khi, Chính phủ còn làm thay doanh nghiệp. Các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả và không là chỗ dựa khi doanh nghiệp và người dân cần tới. Không ít độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp. Cần có chế định xóa bỏ độc quyền nhà nước trong kinh doanh (phân phối điện, xuất khẩu gạo, xăng dầu...). Hiến pháp thay đổi về nhận thức, chuyển dần từ Chính phủ cai trị sang Chính phủ phục vụ. Xóa bỏ khái niệm thành phần kinh tế trong các chế định của Hiến pháp, xóa bỏ triệt để sự phân biệt đối xử giữa các thành phần này. Về chế định hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước, các chế định về tài chính, ngân sách và ngân hàng đã được xác lập. Các quy định về phân cấp ngân sách, công khai ngân sách và quy trình ngân sách đã được cải thiện. Hệ thống thuế đã được cải cách bảo đảm nguồn thu cho ngân sách và từng bước đạt được sự công bằng xã hội. Tuy nhiên còn thiếu các chế tài bảo đảm tính độc lập của ngân hàng nhà nước. Thiếu các chế tài cần thiết, đủ mạnh để hạn chế và kiểm soát sự lạm dụng quyền lực của Chính phủ đối với các quyết định của ngân hàng, quyết định về ngân sách, ngân quỹ nhà nước. Cần có quy định về ngân hàng Trung ương hoặc Ngân hàng Trung tâm với chức năng, quyền hạn đủ bảo đảm độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ. Các cơ chế quản lý và kiểm soát các khoản vay nợ nước ngoài và chi tiêu ngoài ngân sách nhà nước còn thiếu hiệu quả. Chính phủ còn vay vốn hoặc bảo lãnh cho nhiều doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài. Cần có chế định tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của báo chí, công luận, vai trò của kiểm toán nhà nước trong quản lý tài sản, ngân quỹ quốc gia. Tăng cường và đa dạng hóa các kênh thông tin, đặc biệt là thông tin cho cơ quan dân cử, giúp làm rõ tác động chính sách, tác động của mối quyết định ngân sách, quyết định đầu tư. Quản lý nền kinh tế quốc dân là đối tượng và nhiệm vụ trung tâm của toàn bộ sự nghiệp của nhà nước. Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân, nhưng không quản lý bằng biện pháp hành chính mà quản lý bằng luật pháp và công cụ quản lý kinh tế. Nhà nước phải xây dựng cả một hệ thống pháp luật để điều chỉnh các hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Quyền uy của Nhà nước được bảo đảm và thể hiện xuyên suốt trong quá trình tái sản xuất xã hội, quyết định lợi ích kinh tế có tính giai tầng cơ bản trong xã hội. Đó là lợi ích về nguồn tài nguyên quốc gia, có liên quan nguồn sống của xã hội, của dân tộc, lợi ích từ nguồn thu nhập quốc dân. Nhà nước thống nhất quản lý kinh tế đối ngoại. Hiến pháp chế định các bảo đảm và khẳng định các quan hệ kinh tế với nước ngoài là một hoạt động hợp pháp. Đó là quan hệ hai chiều: từ trong ra và từ ngoài vào. Quan điểm là khuyến khích các hoạt động kinh tế đối ngoại, hoạt động đầu tư, tôn trọng các thông lệ và luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết song phương và đa phương. Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến