/ / / /

THƯƠNG VỤ M&A: PVFC SẼ KẾT HÔN VỚI WESTERN BANK


THƯƠNG VỤ M&A: PVFC SẼ KẾT HÔN VỚI WESTERN BANK

( Mua bán doanh nghiệp) - PVFC sẽ kết hôn với Western Bank?

alt

Các tin đồn đã rải rác từ đầu năm 2012. Nó đậm thêm vào cuối tháng 4/2012, khi PVFC chính thức công bố định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng thương mại.

Khả năng Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) “kết hôn” với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) rộ lên trong ngày 15/8. Các tin đồn đã rải rác từ đầu năm 2012. Nó đậm thêm vào cuối tháng 4/2012, khi PVFC chính thức công bố định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng thương mại.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, tại thời điểm đó, PVFC đã có hẳn đề án tái cơ cấu, trước những yêu cầu sống còn đang đến gần. Và cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra và có kết luận về tình hình sức khỏe của các ngân hàng trong diện phải tái cơ cấu… Vậy liệu PVFC và Western Bank có đến với nhau? Vấn đề của hai bên là gì, mức độ nhu cầu như thế nào? Nếu đến với nhau thì kết quả ra sao? Đâu là những trở ngại? Liệu Ngân hàng Nhà nước có ủng hộ? Một loạt câu hỏi trong tình huống giả định hai định chế tài chính trên bắt tay nhau đang để ngỏ. Không thể trả lời chính nguồn tại thời điểm này. Nhưng trước mắt có thể định hình một số điểm cơ bản. Cả PVFC và Western Bank dĩ nhiên là không được phép đưa ra thông tin trước khi đề án (nếu có) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đã có quy định pháp lý về điều này. Còn điểm đã rõ đầu tiên là: PVFC thực sự có kế hoạch chuyển đổi mô hình sang ngân hàng thương mại. Theo đó, việc tìm kiếm đối tác cho kế hoạch là một giải pháp khi cửa trực tiếp chuyển đổi, hoặc xin giấy phép lập ngân hàng mới đã đóng chặt trong bốn năm qua và hiện nay. Thứ hai, được biết, PVFC và Western Bank đã trực tiếp tìm hiểu nhau nhiều tháng qua. Tìm hiểu để xem xét đến với nhau là hoàn toàn bình thường, xuất phát từ nhu cầu nội tại của các tổ chức tín dụng chứ không hẳn chỉ do sức ép tái cơ cấu hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang ráo riết triển khai. Thứ ba, như đề cập ở trên và theo tìm hiểu của người viết, trong giả thiết đó thì con đường của PVFC không phải là sáp nhập, chuyển nhượng hay thôn tính, hay mua một ngân hàng khác, mà là hợp nhất. Từ “hợp nhất” đúng với nghĩa của từ “kết hôn” trong tình huống này, tự nguyện và phục vụ cho mục đích sống còn của họ. Vì sao sống còn? Vì PVFC đang đứng trước những thử thách nội tại rất lớn. Một là, điểm yếu của đôi chân đang lộ rõ khi cơ thế đang đè nặng. Vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 93.000 tỷ đồng, một quy mô rất lớn đối với một công ty tài chính trong khi đầu vào đứng trước nguy cơ ngày một nghẹt đi. Là công ty tài chính, họ không được huy động vốn từ dân cư, không được mở tài khoản thanh toán cho tổ chức và cá nhân, không có được các kênh phân phối, tạo nguồn rộng khắp và đa dạng … Cạnh tranh huy động và cho vay từ sự vượt trội của các ngân hàng thương mại ngày một khắc nghiệt. Những hạn chế trên đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến PVFC cũng như các công ty tài chính nói chung kinh doanh chật vật những năm gần đây. Hai là, đôi chân của PVFC sẽ khó vững trước yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), tổ chức đang sở hữu tới 78% cổ phần. Theo chủ trương tái cấu trúc thì Petro Vietnam sẽ thoái vốn hoàn toàn ở những lĩnh vực không phải cốt lõi. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vào ngày 9/7/2012, lãnh đạo Petro Vietnam cho biết, đơn vị này đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ không thoái hết vốn tại PVFC mà vẫn nắm 20% cổ phần, với lý do đây là tổ chức cần thiết để thực hiện thu xếp vốn cho Petro Vietnam. Hiện Petro Vietnam cũng đang nắm 20% cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).. Thoái vốn là một chuyện, quan trọng hơn là PVFC có thể bị hẫng nguồn khách hàng chủ chốt và chủ yếu - các thành viên trong Petro Vietnam đã và đang kết nối theo mô hình của công ty tài chính. Riêng chuyện thoái vốn cũng đã là vấn đề đau đầu không chỉ với các bên liên quan, mà còn cả ở cấp quản lý xét về khía cạnh giá trị tài sản nhà nước. Khi buộc phải bán, bán với khối lượng rất lớn, với quỹ thời gian còn lại như vậy thì khó được giá. Thứ nữa, nếu vì thoái vốn và đôi chân của PVFC mất thăng bằng, sự ngả nghiêng nếu xẩy ra của quy mô trên 93.000 tỷ đồng tổng tài sản đối với hệ thống các tổ chức tín dụng cũng là ảnh hưởng cần lường tính.

Trước đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC, đã tiết lộ về chủ trương PVFC muốn chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần.

“Mục đích có vẻ là để chuyển PVFC thành một tổ chức được phép nhận tiền gửi. Việc mua lại một ngân hàng là cách tốt nhất để thực hiện điều này vì Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ không cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng mới trong tương lai gần”, ông Mac Cana Giám đốc nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) nhận định. Để chuyển đổi mô hình, một giấy phép lập ngân hàng mới là rất khó, nếu thôn tính hay sáp nhập một ngân hàng khác vào cũng không thuận cho mục đích chuyển đổi. Hướng còn lại là bị sáp nhập, hoặc hợp nhất với ngân hàng nào đó. Hợp nhất là lựa chọn chủ động và khả thi hơn cả. Vậy Ngân hàng Nhà nước có ủng hộ không? Một tham khảo là, song song với kế hoạch của PVFC, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ban hành một thông tư hướng dẫn, chính thức mở đường về pháp lý cho việc kết hôn giữa công ty tài chính với ngân hàng thương mại. Được biết, lợi nhuận sau thuế quý 2/2012 của PVFC đạt 13,58 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 169,7 tỷ đồng. Tính đến 30/6, dư nợ tín dụng của PVFC là 45.151 tỷ đồng, tăng 0,367% so với cuối năm ngoái. Nợ xấu của PVFC là 1.453,7 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ xấu 3,2%, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 653,7 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Western Bank đạt 121 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 20.551 tỷ đồng, tăng 120% so với 2010. Huy động vốn đạt 12.830 tỷ đồng, tăng 124,3% so với năm 2010. Hoạt động cho vay đạt 8.811 tỷ đồng, tăng trưởng tới 123,5% so với năm 2010.

Nếu cả PVFC và Western Bank cùng đồng thuận hợp nhất, thì đâu sẽ là trở ngại? Cơ chế pháp lý đã có. Và nếu cả hai cùng vì mục đích tạo một định chế tài chính lớn mạnh hơn, để hoạt động tốt hơn thì Ngân hàng Nhà nước hẳn sẽ ủng hộ. Song, trở ngại vẫn là yêu cầu và áp lực Petro Vietnam thoái vốn với khoảng trống rất lớn để lại cả đầu vào lẫn đầu ra nói trên cho ngân hàng sau hợp nhất. Đúng hơn, đây là thử thách lớn sau hợp nhất.

Còn đến lúc này, một nguồn tin cho biết hiện vẫn chưa thể khẳng định hai cái tên nói trên được đặt một cách dứt khoát để chuẩn bị đưa ra xin ý kiến cổ đông, trước khi thông tin rõ ràng. Trong khi đó, một tổ chức đầu tư nói rằng “có thể đã ký biên bản ghi nhớ”.

(MAF)

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến