Ngày 20-2, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã gửi văn bản đến lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) yêu cầu thay đổi hàng loạt vấn đề quan trọng. Trước những dư luận rất khác nhau, đại diện 2 ngân hàng này nói gì?
Như đã thông tin, văn bản nói trên đề nghị Sacombank (STB) thay đổi HĐQT, kế hoạch lợi nhuận và một số vấn đề khác do Eximbank (
EIB) và nhóm cổ đông ủy quyền đã có trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank:
Không có lý do gì để Sacombank bầu lại HĐQT
* Phóng viên: Văn bản Eximbank gửi cho Sacombank có nêu Eximbank được sự ủy quyền của nhóm cổ đông đang nắm giữ 51% vốn điều lệ Sacombank, thực hư tỉ lệ này thế nào?
- Ông Đặng Văn Thành: Chúng tôi hết sức bất ngờ về tuyên bố này. Thực tế, tỉ lệ này chưa chính xác và không thuyết phục bởi đối với chứng khoán niêm yết thì cổ phần là bất biến, còn cổ đông thì có thể biến động. Do Sacombank chưa chốt danh sách cổ đông nên ai đang nắm giữ cổ phiếu
STB của Sacombank đều có thể nói mình là cổ đông, nhưng thời điểm chốt danh sách mới có tính chất quyết định. Nếu trước thời điểm chốt danh sách, nhóm cổ đông đã ủy quyền cho Eximbank bán một phần hoặc bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ thì sự ủy quyền đó không còn giá trị và tỉ lệ vốn mà Eximbank làm đại diện sẽ thay đổi.
Ông có biết phía sau Eximbank là những cổ đông nào?
- Hiện nay, Eximbank đang nắm giữ 9,73%, NH Phương Nam nắm giữ 4,8% vốn điều lệ của Sacombank, số liệu còn lại trong tỉ lệ 51% nêu trên chưa được chứng thực. Toàn bộ chứng khoán lưu ký đều được Sacombank chuyển giao cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán quản lý. Sau khi có danh sách từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ xác định được ai là cổ đông. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ).
* Giả sử sau khi chốt danh sách cổ đông và Eximbank là đại diện 51% vốn điều lệ Sacombank, liệu Eximbank có quyền yêu cầu ĐHCĐ bầu lại HĐQT?
- Không có lý do gì để Sacombank bầu lại HĐQT. Việc bãi nhiệm HĐQT của một NH là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, điều này có thể gây xáo trộn rất lớn đến thị trường. Suy cho cùng, NH nhận tiền huy động từ dân cư nên trách nhiệm của HĐQT với khách hàng hết sức quan trọng. HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015 được cổ đông bầu chọn, NH Nhà nước thông qua và được pháp luật công nhận.
Việc bầu lại HĐQT đồng nghĩa HĐQT đương nhiệm phải từ chức nhưng theo quy định hiện nay, các thành viên HĐQT đương nhiệm chỉ được thay đổi khi thành viên vi phạm kỷ luật hoặc có đơn từ chức theo đúng quy định của điều 36 Luật Tổ chức tín dụng và điều lệ hoạt động của Sacombank. Như vậy, với tư cách là đại diện cho nhóm cổ đông lớn, Eximbank chỉ có quyền đề xuất ĐHCĐ bầu bổ sung thành viên HĐQT.
* Có thông tin cho rằng Sacombank có dấu hiệu tẩu tán tài sản nên Eximbank đề nghị Sacombank không chuyển nhượng tài sản, cổ phiếu quỹ trong thời gian chuẩn bị ĐHCĐ?
- Điều này cũng hoàn toàn không có cơ sở vì Sacombank là một tổ chức được công nhận với các quy tắc, chuẩn mực thể hiện rõ ràng về quy trình, thủ tục thực hiện thanh lý tài sản, tạo vốn khả dụng. Hiện tại, có đến 80% tài sản của Sacombank là mặt bằng các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc thì bán như thế nào và sẽ bán cho ai? ĐHCĐ sắp tới, Sacombank sẽ trình cổ đông chênh lệch giá trị tài sản hiện tại so với mức đầu tư ban đầu.
* Việc Eximbank đề nghị Sacombank điều chỉnh kế hoạch kinh doanh có hợp lý hay không?
- Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh doanh được thực hiện trên tinh thần tích cực, phù hợp với thực tiễn, chủ trương của Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của cổ đông. Do đó, chỉ tiêu hiện nay là phù hợp. HĐQT đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận bắt buộc là 3.300 tỉ đồng, chỉ tiêu phấn đấu có thể hơn mức đó.
* Ông kỳ vọng gì về kết quả ĐHCĐ sắp tới?
- Sacombank sẵn sàng chào đón các cổ đông mới, ĐHCĐ có thể bầu thêm thành viên HĐQT để hợp sức với các thành viên HĐQT cũ hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2011-2015.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank:
Chúng tôi làm đúng luật
* Phóng viên: Trước yêu cầu của Eximbank, phía Sacombank, cụ thể là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, cho rằng không đồng tình và nghi ngờ về khả năng nắm giữ trên 51% từ phía Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền. Ông nghĩ sao?
- Ông Lê Hùng Dũng: Chúng tôi đã tìm hiểu, kiểm tra chi tiết, được sự tư vấn của luật sư và có đủ cơ sở trước khi đi đến quyết định này. Ngoài ra, trước khi gửi văn bản đi, chúng tôi cũng đã có gặp nhau trao đổi với anh Đặng Văn Thành về vấn đề này.
Việc anh Thành có ý kiến là quyền của anh ấy. Eximbank là một NH lớn, trước khi làm việc gì, chúng tôi cũng phải xem xét. Không có chuyện muốn “hù dọa” hay “phát pháo” gì cả mà chúng tôi làm đúng trách nhiệm người đứng đầu NH được ủy quyền nắm giữ cổ phần lớn tại Sacombank.
Thực tế, chúng tôi đã nói rõ trong văn bản gửi cho Sacombank là chúng tôi căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức tín dụng và cả điều lệ của Sacombank.
Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền đã mua cổ phần của Sacombank từ thời điểm nào và trong đó có bao nhiêu cổ phần đã được nắm giữ trên 6 tháng để được tham gia HĐQT của Sacombank?
- Trước khi thực hiện mua lại cổ phần từ NH ANZ, chúng tôi đã nhận được cảnh báo từ anh Đặng Văn Thành rằng việc này là sai. Tuy nhiên, sau này anh Thành đã công nhận chúng tôi đúng. Và chúng tôi cũng tỏ rõ quan điểm là chúng tôi làm theo luật, nếu không đúng, chúng tôi sẽ phải chịu “phá vỡ” hợp đồng này. Hiện tại, trong số 51% cổ phần được ủy quyền, chúng tôi có ít nhất 17% cổ phần nắm giữ trên 6 tháng.
Và theo điều lệ của Sacombank, cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 10% trên 6 tháng đã có thể đề nghị nguyên tắc đề cử đại diện vào thành viên HĐQT, ban kiểm soát. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức tín dụng và quy định tại điều 25 của Sacombank thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên.
* Nếu Sacombank không trả lời cũng như chậm tổ chức ĐHCĐ thì sao?
- Chúng tôi đã làm việc bằng văn bản, gửi đến Sacombank. Vì vậy, chúng tôi đang rất mong nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản từ Sacombank chứ không muốn có bình luận gì nhiều vì không muốn làm méo mó sự việc, không để dư luận hiểu lầm.
Hơn nữa, chúng tôi muốn hợp tác lâu dài với Sacombank. Còn nếu như có sự trì hoãn nào đó thì chúng tôi cũng sẽ chờ phán quyết của cơ quan chức năng và luật định. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đàm phán để đi đến thống nhất và không để ảnh hưởng đến quyền lợi các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ.
51% tương đương trên 10.406 tỉ đồngTheo giới phân tích, nếu sau khi chốt danh sách cổ đông, Eximbank thực sự đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 51% vốn điều lệ của Sacombank, tương đương 5.477 tỉ đồng (vốn điều lệ của Sacombank là 10.739 tỉ đồng), tính ra nhóm cổ đông này nắm giữ trên 547 triệu cổ phiếu STB(tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).Tuy nhiên, nếu tính theo thị giá cổ phiếu STB ngày 21-2 là 19.000 đồng/cổ phiếu thì số cổ phiếu của nhóm cổ đông do Eximbank đại diện có giá trị khoảng 10.406 tỉ đồng.TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TPHCM: Thực hiện trên cơ sở luật pháp
Việc thâu tóm một công ty cổ phần đại chúng trên thế giới diễn ra rất nhiều cách thức khác nhau nhưng dù cách thức nào cũng đều thực hiện trên cơ sở luật pháp của nước đó. Bằng việc chiếm 51% cổ phần của Sacombank, Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền chỉ cần xuất trình biên bản họp nhóm cổ đông cho Sacombank thì mọi chuyện trở nên đơn giản. Eximbank có thể thay thế phần lớn thành viên HĐQT và thông qua đó, bầu ra chủ tịch HĐQT cùng ban điều hành NH này.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp nếu nhóm cổ đông này sở hữu 51% nhưng chưa đúng luật định, chẳng hạn chưa thống nhất các vấn đề ủy quyền hoặc thời gian nắm giữ chưa đạt 6 tháng. Trường hợp chưa nắm giữ liên tục trong 6 tháng đang là điểm yếu của nhóm cổ đông này. Trong trường hợp này, hoạt động ĐHCĐ sẽ trở nên phức tạp hơn. |
Theo Thy Thơ - Sơn Nhung
Người Lao Động
Bình luận
Bình luận bằng Facebook