/ / /

Thủ đoạn của Bầu Kiên?


Thủ đoạn của Bầu Kiên?
Thành lập ba công ty với chức năng, ngành nghề đăng ký kinh doanh không liên quan đến đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng pháp nhân của các công ty này tham gia phát hành trái phiếu, đầu tư tài chính (trong đó có mua cổ phiếu ngân hàng) sai quy định.
Tòa nhà 57B Phan Chu Trinh (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo giấy phép kinh doanh là nơi đặt văn phòng của Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép” do xác định bị can này có một số hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại BB, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu. Được biết, các công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên thành lập với số vốn điều lệ “hoành tráng”. Thành lập ba công ty có vốn điều lệ 2.300 tỉ đồng  
    Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, trong số ba công ty liên quan đến sai phạm của ông Kiên gồm Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu và Công ty CP đầu tư thương mại B&B, hiện có hai công ty tham gia nắm giữ cổ phần tại Eximbank. Cụ thể, đến ngày 13-8, Công ty CP đầu tư thương mại B&B nắm giữ gần 1,99% và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu nắm giữ khoảng 2,01% vốn cổ phần Eximbank. Như vậy, cùng với 0,21% vốn cổ phần Eximbank dưới tên mình, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn chưa phải là cổ đông lớn của Eximbank như ông này từng tuyên bố. HẢI ĐĂNG
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - đầu tư cấp thì Công ty CP đầu tư thương mại BB có trụ sở kinh doanh tại số 63 Lương Sử C, P.Văn Chương, Q.Đống Đa, Hà Nội, với vốn điều lệ là 1.500 tỉ đồng. Công ty đăng ký kinh doanh từ ngày 8-12-2008. Ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm quảng cáo và nghiên cứu thị trường; kinh doanh vàng bạc đá quý (không bao gồm xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu); xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe. Công ty có ba cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thúy Hương, ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan. Trong đó ông Kiên góp 990 tỉ đồng (66%), làm chủ tịch HĐQT. Ngày 21-3-2008, ông Kiên thành lập Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu với số vốn 500 tỉ đồng do hai thành viên góp vốn là ông Nguyễn Đức Kiên (chiếm 99% vốn góp) và bà Nguyễn Thúy Hương, trụ sở chính đặt tại 57B Phan Chu Trinh, P.Phan Chu Trinh, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội cấp lại ngày 12-3-2012, 10 ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm: kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; xây dựng và kinh doanh sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức; mua bán vàng bạc đá quý... Ngày 10-11-2006, ông Kiên thành lập Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, trụ sở cùng đặt tại 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội, có vốn điều lệ 300 tỉ đồng do ba cổ đông đóng góp là ông Nguyễn Đức Kiên, ông Huỳnh Vân Sơn và ông Trần Ngọc Thanh. Bản thân ông Kiên góp vốn 70% và giữ chức chủ tịch HĐQT. Công ty này do ông Trần Ngọc Thanh làm giám đốc với tám ngành nghề kinh doanh gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thể thao, sân golf, sân tennis, hồ bơi; đầu tư và kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; kinh doanh vàng; quản lý bất động sản; môi giới, đấu giá bất động sản, nhà đất... Như vậy, tổng vốn điều lệ của ba công ty này lên đến 2.300 tỉ đồng, đều đặt dưới quyền chỉ đạo hoạt động của ông Kiên.  
Lập phương án kinh doanh “khống” để vay tiền Mặc dù cả ba công ty nói trên không có chức năng đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên vẫn sử dụng pháp nhân của chúng để tham gia vào lĩnh vực tài chính. Với khoản vốn điều lệ khổng lồ và uy tín của mình trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Kiên đã xây dựng nên hình ảnh những công ty mạnh về kinh tế, khả năng kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, ông Kiên lập các phương án kinh doanh lớn nhằm nâng giá trị tài sản của công ty lên, tạo ra uy tín về mặt tài chính. Hiện cơ quan điều tra tình nghi những phương án kinh doanh này đều là phương án “khống” được vẽ ra để lấy lòng tin của khách hàng, ngân hàng khi tham gia đầu tư vào công ty của ông Kiên cũng như để ông Kiên sử dụng trong việc đầu tư tài chính trái phép. Sau khi xây dựng hình ảnh, uy tín cho những công ty do mình “đẻ” ra, vào năm 2008 và 2010, ông Kiên nhiều lần phát hành trái phiếu của các công ty này, bán cho ngân hàng thu về hàng trăm tỉ đồng. Khoản tiền này ông Kiên giao cho người thân trong gia đình sử dụng để mua lại cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Sau khi mua được cổ phiếu các ngân hàng khác, ông Kiên sử dụng chính số cổ phiếu này để thế chấp vay tiền ở ngân hàng mà mình đã bán trái phiếu để lấy tiền hoàn trả cho ngân hàng và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác. Cơ quan điều tra tình nghi các khoản tiền mà ông Kiên đã vay mượn ngân hàng dưới hình thức như trên lên đến cả nghìn tỉ đồng. Hành vi này bị xác định là “kinh doanh trái phép” do những công ty của ông Kiên lập ra đều không có chức năng kinh doanh, đầu tư tài chính. MINH QUANG - LÊ THANH - NGA LINH -------------------------------------------------- Sau thông tin bầu Kiên bị bắt, cổ phiếu ACB và EIB bầu Kiên nắm giữ do giảm sàn khiến tài sản của vị đại gia này bốc hơi gần 300 tỷ chỉ trong hơn một ngày. Nhà đầu tư lo ngại quá đà Trong phiên giao dịch thứ hai, kể từ khi “sự kiện” bầu Kiên bị bắt nổ ra, thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm tới 12,62 điểm, tương ứng 3,03%. Tuy nhiên, sau đó, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn đã chặn đà lao dốc của VN-Index. Kết thúc đợt giao dịch buổi sáng 22/8, VN-Index tạm dừng ở mức 410,89 điểm sau khi giảm 5,95 điểm, tương ứng 1,43%. Chỉ số VN30-Index giảm 8,75 điểm, tương ứng 1,76% và dừng ở mức 487,64 điểm. Trên sàn Hà Nội, kịch bản tương tự xảy ra khi nhà đầu tư bớt hoảng loạn. Trước giờ nghỉ trưa, HNX-Index dừng ở mức 64,85 điểm sau khi giảm 2,1 điểm, tương ứng 3,14%. HNX30-Index, chỉ số của 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn trên HXN giảm 4,29 điểm, tương ứng 3,37% và dừng ở mức 122,71 điểm.
Chỉ hơn 1 ngày sau khi bị bắt, số tài sản tính trên lượng cổ phiếu mà gia đình bầu Kiên đang sở hữu đã giảm mất trên 300 tỷ đồng
Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư mua không còn trống trơn như hôm qua nhưng lệnh mua khá thưa thớt và thường ở mức "giá đỏ". Hai cổ phiếu “có liên quan” tới bầu kiên là ACB và EIB tiếp tục giảm sàn. Trong đó ACB “thảm” hơn khi chỉ riêng cột dư bán ở mức giá sàn đã lên tới hơn 1 triệu đơn vị, gấp đôi tổng khối lượng giao dịch. Các cổ phiếu ngân hàng khác như CTG, VCB, SHB, MBB đã thoát cảnh giảm sàn nhưng vẫn chìm trong sắc đỏ. Chuyên viên phân tích Nguyễn Xuân Bình, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định thông tin bắt giữ bầu Kiên với nghi vấn liên quan đến một số sai phạm kinh tế và triệu tập Tổng giám đốc ACB phục vụ quá trình điều tra đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Việc sở hữu cổ phần và liên quan đến hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn của bầu Kiên khiến nhà đầu tư lo ngại những ảnh hưởng mang tính hệ thống. Tuy nhiên, chuyên viên phân tích này khuyến cáo thay vì nghe các thông tin đồn thổi, nhà đầu tư nên chờ thông tin chính thức từ cơ quan điều tra để có cơ sở đáng tin cậy hơn.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/8, cổ phiếu ACB giảm sàn, giảm 1.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng 6,6% xuống 22.500 đồng/cổ phiếu. 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt cho rằng mọi người đang lo lắng quá đà. Ông Dũng không đánh giá bản thân cổ phiếu ACB vì ông không hiểu hết nội tình nhưng các cổ phiếu khác giảm mạnh như vậy là “bị oan”. Cổ phiếu khác giảm mạnh khi nhà đầu tư hoảng sợ. Đó là tâm lý bầy đàn. “Việc bắt ông Kiên không hề ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác. Nhưng đa số người dân lo sợ nên đổ xô nhảy xuống biển” - Ông Dũng ví von. Đi ngược lại với động thái của nhà đầu tư tại thời điểm này, ông Dũng khẳng định đây là thời điểm mua vào quá tốt. Nhà đầu tư nên chú ý tới các cổ phiếu cơ bản đặc biệt là cổ phiếu ngành dầu khí với lợi thế giá rẻ, lợi nhuận tốt, cổ tức cao. Bầu Kiên mất 270,5 tỷ đồng Hiện tại, bầu Kiên đang nắm giữ 35.167.245 cp ACB và đứng ở vị trí thứ 17 trong danh sách các “đại gia” giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/8, cổ phiếu ACB giảm sàn, giảm 1.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng 6,6% xuống 22.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khối tài sản khổng lồ của bầu Kiên đã “bốc hơi” thêm 56,3 tỷ đồng, giảm xuống còn hơn 791,3 tỷ đồng. Không chỉ tài khoản của bầu Kiên bị hao tổn. Bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên – hiện đang nắm giữ 4,11% cổ phần của ACB, tương đương 38.512.975 cổ phiếu. Sau phiên sáng nay số tổn thất của bà Lan khi mã ACB giảm sàn là 61,6 tỷ đồng, hiện với số cổ phiếu còn nắm giữ chỉ tương đương 866,5 tỷ đồng. Như vậy, trong buổi sáng ngày thứ 2 ông Kiên bị bắt (22/8), gia đình ông Kiên đã mất thêm 117,9 tỷ đồng với mã cổ phiếu ACB. Bên cạnh việc có cổ phần ở ACB, bầu Kiên từng tiết lộ, ông là cổ đông của ngân hàng Eximbank (từng tài trợ cho V.League 30 tỷ đồng), Kienlong Bank, Vietbank, Đại Á... Tuy nhiên, ngoài Eximbank (EIB - Hose) đang niêm yết trên sàn Tp Hồ Chí Minh thì các ngân hàng còn lại đều chưa niêm yết nên không bị ảnh hưởng bão “cơn bão giảm giá” lần này. Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước khẳng định, bầu Kiên chỉ nắm trên dưới 1% cổ phần tại ngân hàng và hoàn toàn không có ảnh hưởng hay giữ chức vụ gì tại nhà băng này. Hôm qua EIB giảm sàn. Tới sáng nay, cổ phiếu này đang “bốc hơi” 900 đồng/cổ phiếu, tương ứng 4,5%. Như vậy với việc nắm giữ khoảng 1% của Eximbank, trong 2 ngày, bầu Kiên đã mất khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, tính theo thời gian thì chỉ 30h qua, hai vợ chồng bầu Kiên đã mất khoảng 270,5 tỷ đồng. Khánh Hạ ( VTC) ------------------------------

Báo chí quốc tế xôn xao vì vụ bầu Kiên

Tối thứ 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), trùm tài chính và cũng là một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị cảnh sát bắt tại biệt thự sang trọng của mình ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Sự kiện này đang làm rúng động giới kinh doanh trong nước và cũng khiến cho rất nhiều hãng tin hàng đầu thế giới quan tâm. 48 tuổi, ông Kiên- nhà đồng sáng lập Ngân hàng cổ phần thương mại Á châu (ACB) - một trong những tổ chức cho vay lớn nhất Việt Nam bị cáo buộc kinh doanh trái phép khi không có đăng ký và giấy phép phù hợp cho 3 công ty đầu tư do ông làm chủ tịch. Nếu có bằng chứng phạm tội, ông Kiên sẽ phải đối diện với mức án tối đa 2 năm tù giam. CNN cho hay, "Theo các nhà phân tích và ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, vụ việc này cho thấy cho thấy các nhà chức trách Việt Nam đang để mắt tới thế hệ doanh nhân hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ kinh tế. CNBC đưa tin, "Ông Nguyễn Thanh Toại, tổng giám đốc ACB khẳng định, ông Kiên đã rời khỏi hội đồng quản trị của ACB vào năm 2010 và không còn là cổ đông chính (với dưới 5% cổ phần), vì vậy việc ông bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng." Tuy vậy, thông tin về vụ bắt giữ trên báo chí vào ngày hôm qua đã khiến cổ phiếu của ACB đã giảm đến 7% trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam cũng lao dốc theo với nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là ngân hàng giảm điểm. Chỉ số VN-Index giảm 5%. Hãng tin ABC (Úc) nhận định đưa tin, Ngân hàng nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng, "Để đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống, NHNN đã có những biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho ACB và các ngân hàng khác nếu xuất hiện tình trạng khách hàng rút tiền ồ ạt". Còn Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tuyên bố trong trường hợp cần thiết, họ sẵn sàng trợ giúp thanh khoản và ổn định nhằm đảm bảo sự an toàn của toàn hệ thống ngân hàng trong nước. Theo tin WSJ đưa, thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định đây là thực trạng đáng báo động mặc dù chưa đến mức thảm họa. Việt Nam buộc phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp khắc phục. Tỷ lệ nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam là khoảng 8,6- 10%. Tăng từ 6% vào cuối năm ngoái. Theo WSJ, ông Kiên thành lập ACB vào năm 1993. Các nhà phân tích nhận định, không giống như đối đối thủ là các ngân hàng nhà nước khác, bản thân ACB hoạt động khá tốt và lành mạnh. Theo Financial Times,Tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đạt trung bình hơn 7% trong cả thập kỷ trước khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, quý II năm nay đã giảm xuống chỉ còn 4,7% do chính phủ phải thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát và củng cố niềm tin đối với đồng nội tệ. Financial Times cũng nhận định, ACB là ngân hàng phi nhà nước lớn nhất Việt Nam với tài sản ước tính 256 ngàn tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường là 22,6 ngàn tỷ. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng trở thành cổ đông của ACB trong đó Standard Chartered nắm giữ 15%, Jardine Matheson, Hong Kong 7% cổ phần.

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến