/ / / /

Thương vụ Big C Việt Nam


Thương vụ Big C Việt Nam

Ông chủ mới của Big C đang có những gì tại Việt Nam

Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Big C, Central Group hiện sở hữu một hệ thống bán lẻ rộng khắp tại Việt nam, phủ rộng từ thành thị tới nông thôn.
Tập đoàn Central Group của tỷ phú giàu nhất Thái Lan vừa vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ khoảng 1,04 tỷ USD, tương đương 23.300 tỷ đồng. 

Central Group được sáng lập năm 1927, hiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các cửa hàng, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tài sản lớn nhất của Tập đoàn là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

Central Group Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2011 sau khi ông Chirativat - Chủ tịch Central Group đưa ra nhận định: "Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ”. 

Trước khi mua Big C Việt Nam, Tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ trong ngành bán lẻ. Đến nay, các hoạt động kinh doanh của Central Group phát triển khá đa dạng từ hàng điện máy, thể thao, thời trang và trung tâm thương mại. Ở Việt Nam, tập đoàn có hơn 6.600 nhân viên làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau.

ong-chu-moi-cua-big-c-dang-co-nhung-gi-tai-viet-nam

Việc mua lại Big C Việt Nam sẽ giúp Central Group hoàn thiện hơn hệ thống phân phối tại thị trường này. Ảnh: Bloomberg

Ngành hàng thời trang

Lĩnh vực thời trang của Central Group Việt Nam hiện sở hữu gần 60 trung tâm mua sắm và cửa hàng. 4 trung tâm mua sắm lớn của Tập đoàn là Robin và Mark & Spencer tại Hà Nội, TP HCM hướng tới người tiêu dùng là giới trẻ với nhu cầu sống đa dạng. Những mặt hàng chính tại đây bao gồm thời trang cho mọi đối tượng cùng đồ gia dụng, mỹ phẩm, nước hoa, túi xách... Các trung tâm này tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp đến từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái Lan chiếm số lượng lớn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có 27 cửa hàng thể thao (SuperSports, Crocs, New Balance, Speedo) và 30 cửa hàng thời trang với nhiều thương hiệu châu Á, châu Âu. 

Ngành điện máy, thương mại điện tử

Đầu năm 2015, Central Group công bố việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Tuy giá trị giao dịch không được tiết lộ nhưng sau thương vụ này, Central chính thức tham gia vào lĩnh vực điện máy và thương mại điện tử là 2 hoạt động chính của công ty này. 

Nguyễn Kim được thành lập năm 2001, hiện có 22 siêu thị điện máy và là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm tài chính kết thúc 31/3/2014, công ty đạt doanh số bán hàng hơn 8.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 352 tỷ đồng.

Sau khi Central Group mua số cổ phần nói trên, Nguyễn Kim đặt mục tiêu có hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019. Nhiều chuyên gia nhận định, sự kết hợp giữa 2 nhà bán lẻ nói trên sẽ là đối thủ đáng gờm với các nhà bán lẻ ngành điện máy trong nước. 

Siêu thị bán lẻ ở vùng nông thôn

Bên cạnh những dự án và thương vụ đã công bố, gần đây Central Group cho biết từ cuối năm ngoái mới chào đón thêm đối tác chiến lược mới là Công ty Lan Chi. Đây là đơn vị bán lẻ tập trung vào một thị trường chưa được khai thác, nhằm mục đích phục vụ người dân khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam.

Công ty Lan Chi được thành lập năm 1995, khởi đầu là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện phân phối hàng tiêu dùng tại địa bàn phía Tây Hà Nội. Sau gần 20 năm, hiện đơn vị này trở thành nhà phân phối có hệ thống mạng lưới phân phối khá quy mô, chuyên nghiệp ở miền Bắc. Lan Chi hiện có một kênh phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị ở các vùng ngoại thành. 

Ngoài hệ thống rộng lớn trong lĩnh vực bán lẻ, hiện Central Group Việt Nam còn có Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara với Khu nghỉ dưỡng cao cấp Centara Sandy Beach Resort Đà Nẵng có 118 phòng. 

Có thể nói, với thương vụ mua lại Big C Việt Nam, hệ thống phân phối của Central Group đã phát triển rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, từ ngành thời trang, tiêu dùng cho tới điện máy... 

Với thương vụ này, nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc hàng Thái tràn ngập các siêu thị trong hệ thống, cùng với đó, hàng Việt cũng mất dần cơ hội và có thể thua ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, trao đổi vớiVnExpress, đại diện Central Group cam kết sẽ hợp tác cùng các đối tác trong nước và kết hợp với tất cả các bên liên quan tại địa phương.

"Thương vụ Big C tiếp tục được xây dựng trên cam kết của chúng tôi trong việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên.... Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa tại hệ thống siêu thị", đại diện Central Group cho hay. 

Ngọc Tuyên

===========

Big C Việt Nam về tay người Thái

Central Group - Tập đoàn đến từ Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn một tỷ USD. Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam vừa phát đi thông cáo đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan. Casino tiết lộ giá trị doanh nghiệp của Big C Việt Nam đạt một tỷ euro (tương đương 1,14 tỷ USD). Tập đoàn này cũng cho biết sau thương vụ này sẽ thu về 920 triệu euro, xấp xỉ 1,04 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng). 

Như vậy, cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam đã đi đến hồi kết sau gần nửa năm. Từ cuối năm 2015, trong kế hoạch tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ năm 2016, Casino Group đã đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường hãng không coi là trọng điểm.

Casino Group đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam. Big C Việt Nam hiện gồm 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm và đã đạt được trong năm 2015 doanh thu chưa bao gồm thuế 586 triệu euro (khoảng 665 triệu USD).

Central Group được sáng lập năm 1927, hiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các cửa hàng, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tài sản lớn nhất của Tập đoàn là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

Tập đoàn này đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam) để sở hữu Big C Việt Nam. 

Gần đây, đại gia này rất tích cực mua các tài sản để mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á và châu Âu. Tại Việt Nam, Central Group hiện sở hữu 49%cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Ngọc Tuyên

============

Doanh thu Big C Việt Nam tăng 55 lần sau 13 năm

Sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, quy mô và tiềm năng của thị trường đã làm nên sức hút của Big C Việt Nam khi hàng loạt đại gia trong và ngoài nước đang chạy đua để mua lại hệ thống siêu thị này.  Sau khi Tập đoàn Casino (Pháp) cho biết dự định bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam nhằm tái cơ cấu các khoản nợ, rất nhiều đại gia bán lẻ ngoại như Central Group, Lotte Group, Dairy Farm, Aeon... hoặc doanh nghiệp nội như Saigon Co.op... đều chạy đua để sở hữu hệ thống bán lẻ này. Bức tranh doanh thu của Big C trong suốt hơn 13 năm, cũng như giá trị của thương hiệu đã làm nên sức hấp dẫn của thương vụ mặc dù mức giá chi ra để sở hữu hệ thống này có thể lến tới 800 triệu USD. 

Big C Việt Nam có tiền thân là hệ thống siêu thị Cora, dưới sự quản lý của Tập đoàn Bourbon (Pháp). Năm 1998, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đường tinh chế, dịch vụ hàng hải..., Bourbon thành lập Công ty Vindémia và khai trương siêu thị đầu tiên ở Việt Nam mang phong cách Pháp với thương hiệu Cora tại Đồng Nai. Công ty này cũng có một phần vốn của Casino Group. 

Chi phí đầu tư Cora Đồng Nai khi đó vào khoảng 54 triệu USD, trong đó có 65% vốn của Bourbon và 35% còn lại của Donimex - một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Siêu thị có diện tích hơn 18 ha với 391 nhân viên. Là siêu thị đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai nên Cora đã đón nhận một lượng khách đến mua sắm và tham quan đông đảo, dù địa điểm ở cách trung tâm Biên Hòa đến hơn 10km. Các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ khi đó nhận định, Cora Đồng Nai thành lập bối cảnh khá thuận lợi, không chịu sự cạnh tranh khốc liệt vào thời điểm đó vì các đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam như Co.op mart, Citimart, Maximark đều vẫn nhỏ cả về số lượng và quy mô. 

doanh-thu-big-c-viet-nam-tang-55-lan-sau-13-nam

Tập đoàn Casino chính thức tiếp quản hệ thống siêu thị Big C từ năm 2003. Ảnh: PV

Với thuận lợi đó, năm 2000 và 2001, 2 siêu thị tiếp theo của Cora lần lượt ra đời tại TP HCM và cũng đón lượng khách hàng tương đương như ở Đồng Nai. Không có số liệu thống kê cụ thể trong giai đoạn này nhưng một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cho biết, doanh thu ước tính của chuỗi siêu thị này vào khoảng 500 triệu đồng mỗi ngày. Tốc độ tăng doanh thu hàng năm vào khoảng 10%. Chủ sở hữu của hệ thống Cora khi đó dự kiến đạt lợi nhuận sau năm thứ 3. 

Năm 2003, Bourbon thông báo hệ thống siêu thị Cora tại Việt Nam sẽ đổi tên do chủ sở hữu thương hiệu này tại Pháp ngừng ký kết hợp đồng cho mượn tên. Siêu thị chính thức được mang tên Big C - thương hiệu thuộc sở hữu của Casino Group. Vào thời điểm đó, thương hiệu Big C đã trở nên rất phổ biến tại Thái Lan nhưng nhiều chuyên gia từng lo ngại, Cora đã có tiếng tăm khá tốt tại Việt Nam nhiều năm qua, việc đổi tên thành Big C sẽ khiến hệ thống siêu thị này kém sức cạnh tranh so với các đối thủ đang nổi lên rất nhanh. 

Mặc dù vậy, cuối năm đó, Vindémia vẫn quyết định Bắc tiến với thương hiệu mới và khởi công siêu thị thứ 4 của mình có tên gọi Big C Thăng Long (Hà Nội). Đây là liên doanh giữa đơn vị này và Công ty Thăng Long GTC với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.  

Tuy nhiên, bước chuyển mình của hệ thống siêu thị chỉ thực sự diễn ra sau khi Tập đoàn Casino nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Vindémia và tiếp quản việc phát triển Big C Việt Nam. Trong một báo cáo đánh giá riêng về tình hình phát triển phát hành năm 2009, Tập đoàn Casino nhận định từ khi đơn vị này tiếp nhận, hệ thống Big C Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh khi doanh thu đạt mức tăng trưởng khoảng 45% mỗi năm. Cụ thể, nếu như năm 2002, doanh thu của đơn vị là 336 tỷ đồng thì con số này đã tăng lên gần 10 lần vào năm 2008. Số siêu thị cũng tăng lên gấp 3 lần, đạt con số 9. 

doanh-thu-big-c-viet-nam-tang-55-lan-sau-13-nam-1

Doanh thu của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ năm 2002-2014 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn dữ liệu: Casino Group.  

Cũng trong báo cáo đó, với doanh thu năm 2009 đạt 4.375 tỷ đồng (khoảng 180 triệu euro), Casino nhận định Việt Nam là một thị trường có tiềm năng to lớn với dân số đông, trẻ. Với đánh giá lạc quan, Casino xây dựng mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu những năm sau đó bình quân 25%, đồng thời cải thiện tỷ suất lợi nhuận. 

Những năm tiếp sau đó, doanh thu của Big C tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng với sự mở rộng hệ thống. Với việc mở mới trung bình 2-4 địa điểm mỗi năm, hiện hệ thống có 32 siêu thị trên toàn quốc cùng với 10 cửa hàng tiện lợi tại TP HCM và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.  

Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, Casino ghi nhận doanh số của Big C Việt Nam đạt 312 triệu euro (khoảng 7.700 tỷ đồng), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng của tập đoàn tại châu Á (23%). Lợi nhuận tại Việt Nam cũng tiếp tục đi lên và được hãng đánh giá "hài lòng” trong một bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra. Tuy nhiên, so với doanh thu ở các quốc gia khác trong bản đồ kinh doanh của Casino, thị trường Việt Nam lại yếu thế khi chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho Tập đoàn. Đó cũng là một trong những lý do khiến Casino lựa chọn Việt Nam để bán lại. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với quy mô hơn 90 triệu dân cùng với giá trị của thương hiệu Big C đã làm nên sức hút của thương vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh tại thị trường Việt Nam, ông Phú cho rằng các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi số lượng nhà bán lẻ nội và ngoại ngày càng gia tăng.

"Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam với Lotte, Metro, Parkson, Aeon… Ở khối nội, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Saigon Co.op, Fivimart, Hapro... thì còn có các tay chơi mới, tiềm lực mạnh như Vingroup. Trong bối cảnh đó, nhiều đại gia bán lẻ muốn gia tăng sức mạnh của mình bằng cách thâu tóm, mua lại hệ thống khác cũng là một trong những cách làm hiệu quả, đặc biệt khi Big C đã có thương hiệu tốt", ông Phú nói, đồng thời cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang tìm cách thâm nhập để nắm trong tay một chuỗi cung ứng từ sản xuất cho tới phân phối. Điều đó càng khiến cuộc chiến cạnh tranh và những thương vụ mua bán trên thị trường này trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. 

Ngọc Tuyên

===============

Đại gia nội - ngoại chạy đua thâu tóm Big C Việt Nam

Sau hãng bán lẻ Nhật - Aeon, một doanh nghiệp Việt là Saigon Co.op cũng vừa tuyên bố đạt bước tiến lớn trong thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam.Trao đổi với VnExpress, ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho hay, công ty đã vượt qua vòng một của quá trình đấu thầu và đang trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về hệ thống này để đưa ra đánh giá ở vòng 2. Saigon Co.op là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Coo.opmart với 83 siêu thị và gần 100 cửa hàng tiện lợi trên cả nước. Cùng với đơn vị này, một tên tuổi nội khác cũng được nhắc tới trong cuộc đua mua lại Big C là Tập đoàn Masan.

"Nếu các nhà bán lẻ nước ngoài xem Việt Nam là thị trường tiềm năng thì bản thân Saigon Co.op cũng vậy. Cho nên, việc tham gia đấu thầu mua lại hệ thống Big C ở Việt Nam được công ty đánh giá cao và thực sự nghiêm túc trong thương vụ này", Ông Dũng nói.

Trước đó, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết đại gia bán lẻ Nhật Bản - Aeon đã gần đạt thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group, sau khi tập đoàn Pháp bày tỏ ý định.

Thương vụ bán Big C Việt Nam bao gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. Theo Wall Street Journal, Casino đang xem xét hồ sơ của các đơn vị đấu thầu, và các công ty này sẽ phải đưa ra kế hoạch tài chính đầy đủ trước thời điểm giữa tháng 4/2016.

Ngoài 2 doanh nghiệp của Việt Nam nêu trên, thương vụ trên đang nhận được rất nhiều lời đề nghị mua lại từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group, TCC Holding (cùng của Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm International Holdings.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á với doanh số khoảng 110 tỷ USD vào năm ngoái. Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà các nhà bán lẻ trên thế giới muốn đánh chiếm.

Theo các chuyên gia kinh tế, cách nhanh nhất để chiếm thị phần là thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A). Chính vì vậy, khi Casino rao bán Big C là cơ hội cho các tập đoàn lớn chen chân vào Việt Nam nhanh hơn. Đặc biệt, Big C là đơn vị nằm trong top 3 nhà bán lẻ có độ phủ lớn tại Việt Nam. Hằng năm, đơn vị này đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm, tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.

Thi Hà

==========

Những đại gia ngoại muốn mua Big C Việt Nam

Berli Jucker, Central Group (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc) đang là những cái tên tích cực trong cuộc đua sở hữu chuỗi bán lẻ đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam.Doanh thu bán lẻ tăng và đầu tư từ nước ngoài bùng nổ đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh suốt thập kỷ qua. Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm CEO Central Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan từng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn với 90 triệu dân. Trong đó 60% ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. "Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan", vị này cho biết.

Vì thế, khi Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C Việt Nam thông báo kế hoạch bán chuỗi siêu thị ở Việt Nam để tái cơ cấu, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội này. Reuters cho biết hôm qua (10/3) là hạn chót để các hãng nộp hồ sơ ban đầu chào mua Big C Việt Nam. Còn Bloomberg cũng tiết lộ TCC Holding, Lotte Group và Central Group nằm trong số các công ty đã nộp đơn.

1. Berli Jucker

nhung-dai-gia-ngoai-muon-mua-big-c-viet-nam

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - Chủ tịch Berli Jucker. Ảnh: Forbes

Giữa tháng 1, Berli Jucker thông báo đang nhắm tới mua mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group. Berli Jucker thuộc TCC Holding - công ty của tỷ phú giàu nhì Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi.

Hãng cho biết do nhu cầu từ thị trường trong nước yếu, họ muốn theo đuổi chính sách tích cực mở rộng sang nước ngoài. Cụ thể là các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh, như Campuchia, Lào và Việt Nam, Nutt-Hathai Thanachairunsiri - người phụ trách quan hệ cổ đông của tập đoàn cho biết trên Reuters.

Berli Jucker thành lập năm 1882, là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với vốn hóa khoảng 59,3 tỷ Baht (khoảng 1,68 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe - kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD. 

Hồi tháng 1, Berli Jucker cũng đã hoàn tất mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro.

2. Central Group

nhung-dai-gia-ngoai-muon-mua-big-c-viet-nam-1

Gia đình tỷ phú Chirathivat đã mở một trung tâm mua sắm tại Hà Nội năm 2014.

Chỉ vài ngày sau khi thông tin Berli Jucker muốn mua Big C Việt Nam được phát ra, Central Group cũng tỏ ý muốn mua mảng hoạt động của Casino Group tại cả Việt Nam và Thái Lan. Thời gian gần đây, Central rất tích cực mua các tài sản bên ngoài để mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á và châu Âu.

Tập đoàn Central Group do ông Tiang Chirathivat sáng lập năm 1927. Năm 1957, Samrit Chirathivat - con trai ông Tiang tiếp tục kế thừa sự nghiệp và khánh thành khu trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, là Central Department Store tại Wang Burapha, Bangkok.

Hiện tại, cháu nội ông Tiang Chirathivat - Tos Chirathivat là CEO Central Group. Tài sản lớn nhất của gia đình là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

3. Lotte Group

nhung-dai-gia-ngoai-muon-mua-big-c-viet-nam-2

Lotte Group cũng muốn sở hữu Big C Việt Nam. Ảnh: Asia One

Cuối tháng 1, Reuters đưa tin Lotte Shopping (thuộc Lotte Group) cũng sẽ tham gia cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam. Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong 5 mảng - trung tâm thương mại, cửa hàng giảm giá, tài chính, cửa hàng điện tử và các mảng kinh doanh khác.

Mảng trung tâm thương mại điều hành các chuỗi trung tâm thương mại mang thương hiệu Lotte. Mảng cửa hàng giảm giá sở hữu chuỗi cửa hàng giảm giá Lotte và Lotte Mart. Mảng tài chính chủ yếu tham gia phát hành và quản lý thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Mảng cửa hàng điện tử quản lý các cửa hàng điện tử. Còn mảng kinh doanh khác liên quan đến siêu thị, rạp phim và kênh mua sắm qua truyền hình.

Năm 2014, công ty này đạt doanh thu 23 tỷ USD với lợi nhuận 509 triệu USD.

4. Dairy Farm International Holdings

nhung-dai-gia-ngoai-muon-mua-big-c-viet-nam-3

7 Eleven là một trong các thương hiệu của Dairy Farm. Ảnh: Reuters

Thông tin hãng này muốn mua Big C Việt Nam được phát đi cuối tháng 1. Khi ấy, Dairy Farm cho biết họ vẫn đang thảo luận giá mua với các ngân hàng.

Dairy Farm là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Đến cuối tháng 6/2015, hệ thống của hãng có khoảng 6.400 cửa hàng với hơn 170.000 nhân viên. Dairy Farm hoạt động trên các mảng - siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, cửa hàng đồ nội thất với nhiều thương hiệu như 7-Eleven, Cold Storage, Guardian, Wellcome, Giant, Hero...

Doanh thu năm 2014 của đơn vị này vào khoảng 13 tỷ USD. Dairy Farm International Holdings đã niêm yết tại sàn London, Bermuda và Singapore. Mọi hoạt động của hãng được điều hành từ Hong Kong (Trung Quốc) bởi Dairy Farm Management Services.

5. Aeon

nhung-dai-gia-ngoai-muon-mua-big-c-viet-nam-4

Aeon là hãng bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 1, Reuters cũng trích lời một nguồn tin cho biết Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon cũng đang cân nhắc đề nghị về việc tham gia cuộc đua này. Tuy nhiên, theo vị này, Aeon chưa có thêm động thái tích cực nào.

Aeon thành lập năm 1758, là hãng bán lẻ có doanh thu hoạt động cao nhất ngành tại Nhật Bản trong 4 năm tài chính gần đây. Theo số liệu trên website, tính đến tháng 2/2015, hãng có hơn 600 cửa hàng, 207 trung tâm mua sắm và 440.000 nhân viên. Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008.

Hà Thu



Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến