Trừ điểm vào bằng lái có nên áp dụng ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước.
Vấn đề giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của mỗi quốc gia khi mà dân số không ngừng tăng lên và hạ tầng phát triển không kịp để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của các phương tiện mà người dân sử dụng.
Đối mặt với nạn tắc đường, bất kể quốc gia nào cũng phải luôn chú trọng tới 3 yếu tố chính. Với 3 yếu tố này được giải quyết, vấn đề giao thông cũng được phần nào cân bằng. Các yếu tố đó bao gồm:
1.Con người: Con người là nhân tốt cốt lõi trong việc tham gia giao thông, khi con người tham gia giao thông thì kèm theo là ý thức chấp hành luật lệ giao thông và các nguyên tắc mà pháp luật mỗi nước đặt ra; Đây là yếu tố chính và cốt lõi;
2.Phương tiện: Dù có ý thức tới đâu đi chăng nữa, việc bùng phát phương tiện giao thông vẫn là vấn đề mà bất kể quốc gia nào cũng đều đau đầu; Phương tiện khi tham gia giao thông được điều khiển bởi những con người có ý thức và tuân thủ pháp luật thì hẵn còn quy củ. Nếu con người điều khiển những phương tiện đó " thiếu ý thức” pháp luật và ý thức chung thì việc ách tắc và vi phạm càng lớn hơn.
3.Hạ tầng: Dù nói thế nào đi chăng nữa, việc xây dựng và phát triển hạ tầng vẫn là yếu tố vật chất đáp ứng nhu cầu của con người điều khiển phương tiện giao thong. Hạ tầng là yếu tố nền tảng cho vận hành một nền giao thông quốc gia.
Từ ba vấn đề trên tha thấy, việc chấp pháp có thực hiện được tốt hay không hoặc mỗi khi có người vi phạm thì việc áp dụng chế tài ngay tức khắc được áp dụng. Thế nhưng chế tài không phải là cái gốc của xử lý vi phạm. Vấn đề xử lý vi phạm phải xuất phát từ việc phục vụ chung cho lập nên " lề thói” cho các chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Bởi lẽ đó, dù hạ tầng có tốt tới đâu, phương tiện có nhiều tới đâu, nhưng theo tôi yếu tố lớn nhất của việc lập nên trật tự giao thông vẫn là " ý thức con người”.
Cũng từ xuất phát điểm suy nghĩ đó mà tôi có một vài ý kiến liên quan tới việc: có nên áp dụng trừ điểm vào bằng lái xe hay không?
Trên thực tế ở Việt Nam khái niệm này được áp dụng lần đầu và nhắc tới dày đặc trong thời gian gần đây. Nó là sự du nhập tư tưởng từ việc áp dụng hiệu quả ở các nước trên thế giới. Ở Anh Mỹ, , Đức, Trung Quốc, Singapore… và nhiều quốc gia khác đang áp dụng không có gì mới và lạ lùng cả. Tuy nhiên chúng ta cần tìm hiểu kỹ, họ có áp dụng được không và áp dụng có hiệu quả không mới là vấn đề cần bàn.
I. Vậy trên thế giới các nước đang áp dụng ra sao với vấn đề trừ điểm trong bằng lái?
* Tại Thái Lan – một quốc gia Đông Nam Á của chúng ta như Thái Lan, họ cũng đối mặt với số tử vong vì TNGT lên tới 13.000 người/năm. Khối tư nhân cũng tham gia cùng với Nhà nước thực hiện các giải pháp giảm thiểu số vụ TNGT đường bộ với quan điểm phòng ngừa tai nạn dễ hơn chống.Họ thành lập Trung tâm Quốc gia về An toàn đường bộ và Chính phủ Thái Lan đã phát động 1 chiến dịch nhận thức cộng đồng dựa trên 5 chữ E:
- Giáo dục(Education),
-Công khai các thông tin và sự tham gia của cộng đồng,
-Thực thi Luật pháp(Law Enforcement),
-Ứng dụng công nghệ giao thông(Traffic Enginneering),
-Hệ thống dịch vụ cấp cứu(Emergency Service System).
Họ đã dung số tiền từ nguồn huy động được thông qua 2% thuế thu được từ rượu, thuốc lá và đấu giá biển số xe.Họ áp dụng việc theo dõi và giám sát sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, theo dõi và báo cáo về các xe tải vượt quá tốc độ hoặc gây tai nạn và các kết quả sẽ được thông báo về Trung tâm ATGT và chủ công ty xe.
* Tại Trung Quốc, hệ thống giao thông đường bộ đạt tới sự đồng bộ, hiện đại và an toàn cao độ. Cùng với việc hạn chế phương tiện cá nhân, ví dụ như Bắc Kinh thì mỗi tuần phương tiện cá nhận không được lưu thông 1 ngày, người dân cũng sẵn sàng chấp nhận điều đó.Để hạn chế phương tiện cá nhân, Bắc Kinh còn áp dụng biện pháp bốc thăm ngẫu nhiên và chỉ cho 20.000 phương tiện đăng ký mỗi năm.
Họ Hạn chế đi lại trong giờ cao điểm, miễn phí đi lại bằng phương tiện công cộng giờ thấp điểm cho người đã hết tuổi lao động. Họ áp dụng các biện pháp công nghệ tối tân để cảnh báo giao thông tại các điểm dễ xảy ra ùn tắc.Ở đây họ cũng tăng cường phát triển xe buýt, taxi, tàu điện ngầm, xe điện bánh hơi. Các phương tiện được cấp phép lái xe cũng được áp dụng qua việc theo dõi phạt bằng trừ điểm thông qua hệ thống camera giám sát, Internet và hệ thống định vị vệ tinh GMS. khi vi phạm chủ xe phải tự giác nộp phạt, nếu nộp phạt chậm sẽ bị tính lãi suất, trường hợp chây ỳ sẽ bị từ chối đổi giấy phép lái xe và cảnh sát giao thông không có quyền thu tiền phạt để đẩy lùi tiêu cực. Hệ thống camera giám sát dày đặc và áp dụng giám sát cả Cảnh sát giao thông. Điều này khiến cho việc hối lộ là không thể thực hiện. Hệ thống trừ điểm phạt giao thông của Trung Quốc được đưa vào Luật An toàn đường bộ nước này từ năm 2003.
Mỗi bằng lái xe được cấp lần đầu hoặc cấp mới theo cơ sở từng năm sẽ có 12 điểm. Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, người này không chỉ bị phạt hành chính/hình sự mà còn bị trừ điểm trên bằng lái. Nếu toàn bộ 12 điểm bị trừ hết trong 1 năm, người này sẽ phải học và thi lại bằng lái. Các vi phạm đường bộ được phân loại theo từng lớp khác nhau theo mức độ nghiêm trọng và bị trừ số điểm tương đương.
Mức phạt nặng nhất là vi phạm nồng độ cồn. Ví dụ: Nếu tài xế uống rượu nhưng chưa say sẽ bị tước bằng lái 6 tháng, phạt tới 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,7 triệu VND).Nếu say, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước bằng lái xe, tương đương lập tức mất toàn bộ 12 điểm trên bằng lái, ngoài ra còn đối mặt nguy cơ đi tù. Với một số vi phạm nghiêm trọng khác bao gồm vượt đèn đỏ, lái xe vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện có thể bị trừ 6 điểm trên bằng lái. Các vi phạm như đi sai làn, không quan sát biển báo đường bộ ưu tiên/cấm, vượt tốc độ cho phép tới 20% và lái xe ở tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu cũng đều bị coi là những vi phạm nghiêm trọng và bị phạt 3 điểm trên bằng lái.
* ỞNhật Bản, họ đi vào cải tạo toàn diện hạ tầng và thiết bị ATGT như: đường đi bộ, vỉa hè, đường chung cho người đi bộ và xe đạp, biển báo, sơn chỉ dẫn, các công trình chiếu sang đường và đèn hiệu giao thông… và sau khi cải tại đã giảm được 2/3 so với trước khi cải tạo. Giao thông thông minh giúp Nhật giảm tối đa tai nạn giao thông. Họ mất 20 năm để giảm 5 người tử vong vì TNGT/100.000 người và phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải có ngân sách quốc gia dự trữ thường xuyên để đầu tư cho hạ tầng giao thông, phải xây dựng văn hóa giao thông tốt và ý thức thực hiện của người tham gia giao thông tốt.
*Ở Tại Mỹ, bị phạt điểm phải tăng phí bảo hiểm ô tô và có người vi phạm tới mức không được bán bảo hiểm ô tô nữa. Mỹ áp dụng trừ điểm và đây là nỗi khiếp sợ của người tham gia giao thông Mỹ. Hơn nữa, người dân Mỹ cũng tuân thủ Luật pháp một cách tối đa, do đó việc áp dụng ở Mỹ có phần tốt hơn và hiệu quả hơn so với các nước đang phát triển và ý thức giao thông còn kém. Khi vi phạm càng nhiều, bị trừ điểm thì chi phí bảo hiểm ở quốc gia này càng tăng cao. Do đó, họ có thể bị buộc thực hiện công tác xã hội cho đất nước thay vì trừ điểm. Việc áp dụng này của Mỹ khiến cho nhiều lợi ích từ các chế tài của pháp luật có hiệu lực tối đa.
* Ở Ý, quốc gia " có thưởng, có phạt”.
Ở Ý, điểm khởi đầu khi cấp bằng là 20 điểm, việc vi phạm bị trừ điểm và dĩ nhiên trừ hết điểm nghĩa là tước bằng lái, nhưng việc cộng điểm cũng được áp dụng. Nếu trong 2 năm liên tục mà lái xe không gây tai nạn, không vi phạm giao thông, họ sẽ được cộng thêm 2 điểm, cứ như vậy cho đến khi đạt tối đa 30 điểm.
* Ở Anh, nước Anh không quy định hình phạt tước bằng lái vĩnh viễn nhưng họ cũng có chế tài rất nặng cho những lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trong quá trình điều khiển phương tiện, lái xe có sử dụng rượu hoặc ma túy và gây tai nạn chết người, ngoài án phạt tù phải chịu, người này sẽ bị cộng 11 điểm phạt có thời hạn trong vòng 11 năm. Nghĩa là trong vòng 11 năm, với bất kỳ lỗi nhỏ nào trên đường cũng sẽ khiến tổng điểm quá 12 và bị treo bằng. Các lái xe chấp hành lệnh của tòa án rất nghiêm túc, nếu bị bắt gặp vẫn lái xe trong thời hạn phạt treo bằng, họ sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền hoặc phạt tù. Tại Anh, thông tin về tình trạng bằng lái cũng rất minh bạch, công khai. Chỉ cần có mạng Internet là có thể kiểm tra được bằng lái của ai đang bị "dính" bao nhiêu điểm phạt nên khó có thể xảy ra trường hợp tẩy điểm, xóa điểm. Việc áp dụng trừ điểm ở Anh là một biện pháp vô cùng hiệu quả với một ý thức pháp luật tốt như Anh. Những người vi phạm luôn thấy mình có lỗi và luôn chấp hành tốt. Điều đặc biệt hơn cả, một số lỗi đã bị hình sự hóa, do đó việc lái xe cũng khiến các chủ phương tiện có thể đối mặt với án tù. Vì lý do đó mà rất ít tài xế tỏ ra bất cẩn khi bước lên xe và cầm vô lăng.
Liệu có ổn và có áp dụng được?
Như tôi nhắc ở phần trên, 3 yếu tố là: Con người – phương tiện – hạ tầng là ba yếu tố tiên quyết cho việc áp dụng bất kể chế tài nào. Việc xây dựng nên chế tài là để răn đe và giáo dục. Pháp luật là các quy tắc xử sự chung, việc áp dụng là vì cộng đồng, bởi thế việc áp dụng sao cho hiệu quả các biện pháp là điều cần cân nhắc.
Việc áp dụng các chế tài như hiện tại cũng tương đối hiệu quả, thực chất chúng ta cần đẩy mạnh các mức phạt và hình sự hóa các hành vi thật sự nguy hiểm cho cộng đồng. Các lỗi như uống rượu, lấn làn, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng hay các hành vi gây nguy hiểm cho người đi đường khi điều khiển phương tiện giao thông là những " nguồn nguy hiểm cao độ” cần được xử lý.
Trong quá trình nghiên cứu xét thấy nếu thật sự cần áp dụng mà vẫn đảm bảo được tính nhận đạo của quy định và phù hợp với đạo đức phương Đông là” đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” thì ta sẽ nghiên cứu và áp dụng. Việc tước bằng vĩnh viễn hay tước bằng có thời hạn như hiện tại không đảm bảo được yếu tố này. Các hành vi tái phạm thường xuyên xảy ra. Một số hành vi cần tăng tới mức tối đa tiền phạt, thậm chí cả trăm triệu đồng, phạt cả người điều khiển, cả người chủ phương tiện để răn đe về kinh tế. Với người Việt Nam việc ảnh hưởng lợi ích kinh tế vẫn là yếu tố số một thay vì đặt ra vấn đề ý thức. Một nhóm người không có ý thức và thậm chí lấy việc tham gia giao thông làm nơi " diễn trò” của mình.
Tuy nhiên để " tâm phục khẩu phục” thì chúng ta cần có những hạ tầng lưu trữ và thu thập chứng cứ. "Trọng chứng hơn trọng cung” mới là biện pháp hữu hiệu khiến việc áp dụng có hiệu quả. Giáo dục đồng bộ cho đội ngũ cảnh sát giao thông, phạt nặng hoặc thậm chí đuổi khỏi ngành nếu có tiêu cực. Tăng cường hệ thống giám sát công cộng là nền tảng giám sát cả người tham gia giao thông và cả người điều khiển giao thông là đội ngũ cảnh sát. Nếu thật sự chúng ta không kiểm soát được như nêu trên, nguy cơ tăng cao của tham nhũng và lạm quyền là rất lớn.
Ở các nước lỗi hay mắc nhiều nhất là lỗi tốc độ. Chúng ta cũng vậy, do hạ tầng kém, việc di chuyển trên đường chiếm quá nhiều thời gian, đôi khi tài xế sốt ruột và đã vi phạm tốc độ. Đây là một trong những nguyên nhân lớn gây ra tai nạn và sẽ là những lỗi sẽ vi phạm nhiều nhất.
II. Cách các nước xử lý vi phạm tốc độ và áp dụng chế tài:
* Một số nước như Anh, họ áp dụng nhiều cách tính tốc độ và áp dụng trên các tuyến đường mà phương tiện di chuyển. Camera gắn trên đường và thiết bị đo tốc độ di động. Hệ thống thứ nhất hệ thống cố định: camera tốc độ sử dụng độc lập gắn trên giá long môn trên đường tự động phát ra hai tai sáng khi có phương tiện vượt quá tôc độ quy định. Thứ hai, hệ thống camera tốc độ gắn trên một đoạn đường, hệ thống sẽ tự động tính toán tốc độ di chuyển trung bình giữa hai vị trí camera để xác định có hay không việc vi phạm quy định về tốc độ trên đoạn đường đó.
Hệ thống thiết bị đo tốc độ di động có hai loại: Thứ nhất, sử dụng xe tải di động có gắn camera tốc độ, thường bố trí trong khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông để ngăn chặn các hành vi vi phạm về tốc độ là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Thứ hai, sử dụng các dải đo tốc độ nằm trên đường được nối với một máy ảnh cầm tay và sẽ chụp ảnh lại chiếc xe nếu nó vượt qua dải cảm biến tốc độ này quá nhanh.
Ở Anh, chế tài xử phạt vi phạm tốc độ ở Anh quốc thông thường là 100 bảng và 03 điểm phạt trên giấy phép lái xe, trường hợp tốc độ vượt quá cao dẫn đến hầu tòa hoặc khi người vi phạm bác bỏ thông báo nộp phạt (FPN) thì mức phạt có thể cao hơn, cao nhất là 1.000 bảng (đối với đường thông thường) hoặc 2.500 bảng (đối với đường cao tốc) và có thể bị thu giấy phép lái xe.
Ngoài ra, ở Anh quốc trong trường hợp xử lý lái xe vi phạm về tốc độ, Cảnh sát có thể đề nghị người vi phạm tham gia khóa học về tốc độ thay vì phải nộp phạt. Khóa học này diễn ra trong vòng một ngày và đúng như tên gọi của nó, sẽ giúp cho người học nhận thức đầy đủ hơn về tốc độ tham gia giao thông của mình. Đề nghị này chỉ phụ thuộc vào quyết định của Cảnh sát và người vi phạm không thể yêu cầu nó. Ưu điểm của nó là người vi phạm sẽ không có bất kỳ điểm phạt nào hoặc không phải nộp phạt, nhưng nhược điểm là người vi phạm phải trả một khoản phí cao để tham gia khóa học.
* Tại Bỉ và việc giám sát tốc độ:Hoạt động cưỡng chế tốc độ tự động qua hệ thống giám sát giao thông lắp đặt trên các tuyến đường là một việc làm phổ biến và được triển khai từ lâu. Qua nghiên cứu tình hình vi phạm quy định về tốc độ của người lái xe trên đường và ảnh hưởng của hoạt động cưỡng chế tốc độ tự động đến tâm lý của người lái xe; các cơ quan chức năng của Bỉ đã đưa ra một giải pháp để kiểm soát và xử lý vi phạm về tốc độ của người lái xe trên đường đó là lắp đặt camera 2 điểm với khoảng cách gần nhất là 200m và xa nhất là 1.200m để tính toán tốc độ trung bình của phương tiện trên đoạn đường lắp đặt 2 camera, lấy kết quả đó làm cơ sở xử lý người lái xe. Hoạt động kiểm soát tốc độ di chuyển của lái xe trên các tuyến đường đó được phổ biến công khai bằng hệ thống biển báo để báo hiệu cho lái xe biết. Qua một thời gian triển khai, lực lượng Cảnh sát của Bỉ đánh giá rất hiệu quả, cụ thể cứ ở đoạn đường có lắp đặt camera kiểm soát tốc độ thì tốc độ di chuyển của phương tiện giảm xuống rõ rệt, phần lớn người lái xe luôn có ý thức khi gặp camera là giảm tốc độ xuống khoảng 10% và tần suất người lái xe vi phạm chạy quá tốc độ quy định cũng giảm xuống khoảng 10% so với trước khi triển khai hệ thống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Bỉ cũng đưa ra đánh giá về việc triển khai hệ thống camera 2 điểm như trên cũng có mặt hạn chế đó là nó tác động đến thói quen của người lái xe; đó là cứ gặp camera là giảm tốc độ nhưng khi đi qua đoạn đường lắp đặt camera lại tăng tốc độ di chuyển lên và thậm chí đã có những vụ TNGT nguyên nhân do người lái xe đạp phanh bất chợt khi nhìn thấy camera để giảm tốc độ.
* Tại nước Mỹ việc vi phạm quy định giao thông xử lý:Trước tình hình TNGT tại khu vực xung quanh các trường học ở thành phố Hagerstowm, bang Maryland xảy ra thường xuyên và một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT này là do lái xe vi phạm quy định về tốc độ khi đi qua khu vực này, mặc dù các cơ quan chức năng đã đặt biển hạn chế tốc độ tối đa 12 dặm/1 giờ (20km/h). Nhằm mục đích cải thiện an toàn cho học sinh xung quanh khu vực có trường học; năm 2012, nhà chức trách ở đây đã triển khai hệ thống cưỡng chế vi phạm tốc độ tự động lắp đặt ở các tuyến đường (nơi mà học sinh thường xuyên qua đường), nút giao thông xung quanh khu vực trường học. Tại các điểm lắp đặt camera giám sát giao thông, nhà chức trách đều đặt biển báo có camera hoạt động để cảnh báo người lái xe. Hệ thống này hoạt động từ 6h - 20h hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và được kiểm định định kỳ 2 lần/1 năm nhằm đảm bảo độ chính xác cao (theo quy định chỉ kiểm định định kỳ 1 lần/1 năm). Phương tiện giao thông qua khu vực này di chuyển với tốc độ lớn hơn 12 dặm/1 giờ hoặc vượt quá tốc độ tối đa ghi trong biển báo sẽ bị xử lý. Về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về tốc độ của người lái xe là 40 đô la, nếu người lái xe nộp phạt trong vòng 07 ngày thì sẽ được giảm 05 đô la, nộp phạt sau 30 ngày sẽ bị phạt thêm 20 đô la. Qua 1 năm triển khai thực hiện, Cảnh sát thành phố đã báo cáo hệ thống camera trên đã góp phần làm giảm 80% - 90% số vụ vi phạm tốc độ xung quanh khu vực các trường học trên địa bàn.
* Tại Pháp việc cưỡng chế chạy quá tốc độ:Hoạt động cưỡng chế vi phạm quy định về tốc độ cũng được lực lượng Cảnh sát chú ý triển khai trên tất cả các tuyến đường bằng hệ thống giám sát giao thông và trực tiếp bằng lực lượng Cảnh sát sử dụng máy đo tốc độ. Về chế tài xử lý hành vi vi phạm về tốc độ đối với lái xe; ngoài việc bị phạt tiền theo quy định thì người lái xe sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe tùy theo tốc độ vi phạm. Ví dụ: nếu người lái xe vi phạm ở đường nông thôn, mặt đường khô ráo vượt quá tốc độ dưới 40km/h, người lái xe sẽ bị phạt 135 euro, nếu nộp trong vòng 03 ngày số tiền phạt sẽ được giảm xuống 90 euro; vượt quá từ 40km/h đến 50km/h sẽ bị phạt 1.500 euro; vượt quá trên 50km/h sẽ phải ra tòa và tòa án sẽ quyết định mức tiền phạt, nếu không trả tiền phạt trong vòng 30 ngày thì tiền phạt sẽ tự động tăng lên. Về trừ điểm giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm quy định về tốc độ: lái xe sẽ bị trừ từ 01 đến 04 điểm (vượt quá dưới 20km/h trừ 01 điểm, vượt quá từ 20km/h đến 29km/h trừ 02 điểm, vượt quá từ 30km/h đến 40km/h trừ 02 điểm).
* Tại Hàn Quốc và cách xử lý vi phạm:Vi phạm về tốc độ được báo cáo là một trong những nguyên nhân gây tai nạn hàng đầu tại Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai quyết liệt hoạt động cưỡng chế vi phạm về tốc độ coi đây là giải pháp trọng tâm để hạn chế TNGT do vi phạm tốc độ gây ra. Từ năm 1997, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm Luật giao thông trong đó trọng tâm là hành vi vi phạm tốc độ với trên 1000 camera trên các tuyến đường cao tốc và liên tỉnh. Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt gồm 02 loại: camera cố định và camera di động (đến năm 2001 ở Hàn Quốc có 853 camera cố định và 821 camera di động có bao gồm cả loại camera dược giấu kín, không lộ ra để người tham gia giao thông biết). Trên các tuyến đường có lắp đặt hệ thống giám sát và xử lý vi phạm và tại điểm lắp đặt camera để có bố trí biển báo để cảnh báo sớm đối với lái xe trên đường với khoảng cách ít nhất 500m đến 01km. Để triển khai hoạt động kiểm soát tốc độ có hiệu quả trên các tuyến đường, cơ quan Cảnh sát quốc gia đã khảo sát kỹ, lựa chọn địa điểm lắp đặt camera tại các vị trí như: điểm đen về vi phạm tốc độ; trên đỉnh dốc và dưới chân dốc; chỗ có người đi bộ qua đường hoặc những nút có biển báo hạn hế tốc độ; lắp trên giá long môn tại những vị trí thường xuyên có hoạt động chuyển làn như lối vào, ra đường cao tốc. Về chế tài xử phạt hành vi vi phạm về tốc độ đối với ô tô con ở Hàn Quốc có 03 mức phạt: vi phạm đến 20km/h phạt 20.000 won (tương đương 400.000 đồng); vi phạm từ 21km/h đến 40km/h phạt 60.000 won; vi phạm trên 41km/h phạt 100.000 won; ngoài ra lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe lên đến 30 điểm. Qua việc triển khai hệ thống giám sát này đã giúp tăng nhận thức của lái xe về khả năng sẽ bị phạt từ đó điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong xử lý vi phạm, tăng sự hiệu quả trong quá trình xử lý và an toàn hơn cho lực lượng thực thi công vụ. Theo số liệu thống kê camera cố định phát hiện và ghi nhận được 10 trường hợp/1 ngày; camera di động được 63 trường hợp/1 ngày. Kết quả đánh giá của cơ quan Cảnh sát quốc gia cho thấy 70% lái xe đã giảm tốc độ 5km/h; thương vong giảm 40-80% trong khu vực 02km lắp đặt camera giám sát.
* Tại Nhật Bản:Ở Nhật Bản, đường cao tốc được phát triển từ rất sớm và cùng với nó hoạt động kiểm soát tốc độ của phương tiện giao thông cũng được cơ quan Cảnh sát quốc gia chú ý. Đối với hoạt động kiểm soát về tốc độ ở Nhật Bản được triển khai với 03 hình thức khác nhau.
Thứ nhất, lập các chốt kiểm tra trên đường dùng máy đo tốc độ cầm tay (radar) công khai để cưỡng chế vi phạm về tốc độ hoặc lựa chọn 1 vị trí thuận lợi trên đường quan sát và ghi nhạn các hành vi vi phạm về tốc độ.
Thứ hai, cưỡng chế tốc độ di động - Đây là hình thức được sử dụng khá phổ biến ở Nhật Bản và mang lại hiệu quả cao trong hoạt động cưỡng chế tốc độ. Hình thức cưỡng chế này, Cảnh sát tuần tra sẽ sử dụng ô tô cảnh sát hoặc mô tô cảnh sát tuần tra lưu động trên các tuyến đường để phát hiện và ghi nhận tốc độ vi phạm của lái xe để xử lý. Cảnh sát tuần tra có thể sử dụng xe ô tô cảnh sát ngụy trang như xe dân sự bình thường lưu thông trên các tuyến đường khi phát hiện trường hợp lái xe vi phạm tốc độ mới đưa đèn quay trồi lên nóc xe và phát tín hiệu còi ưu tiên, yêu cầu lái xe vi phạm tấp vào lề đường để kiểm tra. Đối với xe ô tô và mô tô cảnh sát sử dụng trong trường hợp này có sẵn thiết bị ghi nhận tốc độ di chuyển của xe trên đường và in ngay kết quả, không có hình ảnh. Cảnh sát tuần tra điều khiển xe chạy song song với xe vi phạm và ghi nhận tốc độ di chuyển tại thời điểm đó và ra hiệu lệnh dừng xe xử lý. Đa số lái xe vi phạm đều công nhận kết quả đó và chấp nhận chịu phạt, trường hợp không chấp nhận quyết định đó thì có thể khiếu kiện ra tòa và hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển qua tòa; kết quả sẽ do tòa phân xử, đa số người vi phạm đều thua trong vụ kiện này.
Thứ ba, cưỡng chế tốc độ tự động qua hệ thống camera giám sát lắp đặt trên các tuyến đường.
Với những kinh nghiệm cưỡng chế vi phạm về tốc độ được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới đã giới thiệu ở phần trên, căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để áp dụng những phương pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, phòng ngừa TNGT do nguyên nhân vi phạm tốc độ trên các tuyến đường.
Do đó, mấu chốt của biện pháp trừ điểm chỉ là để thực hiện tốt vai trò vừa giáo dục, vừa chế tài để giảm vi phạm và đẩy lùi tai nạn giao thông. Do đó nhất thiết phải xem xét kỹ, thực hiện thật tốt đồng bộ các biện pháp, giữa con người, hạ tầng và phương tiện để đảm bảo giảm tối đa tai nạn giao thông. Dưới góc độ quản lý, nhà nước phải thực hiện được mục tiêu giảm đi những tệ nạn tham nhũng và lạm quyền khi áp dụng bất kể một biện pháp chế tài nào.
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng có sử dụng nhiều nguồn trên internet. Xin chân thành cảm ơn các tư liệu từ các trang website trong và ngoài nước)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook